Cậu học trò đam mê sáng tạo và chiếc mũ bảo hiểm thông minh

10:13 07/08/2014     2505

Tuổi trẻ sáng tạo   Web.ĐTN: Không đồng tình với việc các bạn học sinh đi xe đạp điện mà “quên” đội mũ bảo hiểm (MBH), em Nguyễn Tiến Sơn, học sinh lớp 11B9, Trường THPT Hoàng Quốc Việt (huyện Đông Triều) đã chế tạo ra chiếc MBH thông minh, nhằm nhắc nhở các bạn khi đi xe đạp điện phải nhớ đội MBH.
Sáng kiến của em đã đoạt giải ba tại Cuộc thi KHKT tỉnh Quảng Ninh dành cho học sinh trung học năm 2014, đồng thời có ý nghĩa thiết thực trong việc tăng cường đảm bảo ATGT.
Nguyễn Tiến Sơn say sưa giới thiệu chiếc MBH thông minh.
Nguyễn Tiến Sơn say sưa giới thiệu chiếc MBH thông minh.

Đón tôi với nụ cười thân thiện trong chiếc áo sơ mi đồng phục của trường, Sơn nói: “Sáng tạo gì đâu anh, chỉ là em tận dụng những thứ có sẵn để kết hợp vào với nhau thôi mà…”. Nói chuyện với tôi, lại có sự chứng kiến của thầy giáo Phó Hiệu trưởng nhà trường, ban đầu Sơn có vẻ khá lúng túng, hồi hộp. Tuy vậy, sau một lúc thuyết trình, Sơn say sưa nói về sản phẩm MBH thông minh của mình như một nhà khoa học thực thụ. Sơn cho biết, em có sở thích và đam mê khoa học công nghệ từ nhỏ. Vì tò mò nên các đồ chơi, máy móc và thiết bị ở nhà như nồi cơm điện, quạt điện… em đều tự tay tháo tung ra để xem kết cấu bên trong, chức năng, tác dụng như thế nào. Sau đó lắp lại, sử dụng bình thường. Rồi em lên internet vào các trang diễn đàn về công nghệ để tìm hiểu, học hỏi thêm kiến thức, kỹ năng làm sao để có thể tự chế tạo được các đồ điện tử tự động hữu ích. Về ý tưởng MBH thông minh Sơn đã nghĩ đến khi tham dự buổi tuyên truyền ngoại khoá về ATGT được tổ chức tại nhà trường. Sơn nói: “Các chú cảnh sát giao thông đã giới thiệu về lịch sử, ý nghĩa của chiếc MBH và những hệ lụy khi đi xe đạp điện không đội MBH. Mỗi lần em chứng kiến các bạn học sinh không tuân thủ quy định đội MBH, em lại liên tưởng đến những hệ lụy mà các chú công an nói tại buổi tuyên truyền. Chính từ đó, em đã nung nấu ý tưởng chế tạo ra chiếc MBH thông minh có khả năng nhắc nhở chủ nhân nếu không đội MBH sẽ không vận hành được xe đạp điện”.

Vừa nói, Sơn vừa đưa chiếc MBH cho tôi xem và kể ra khá nhiều các bộ phận, mạch điện tử được gắn trên mũ, thiết bị thu tín hiệu được gắn vào mạch điện của xe… nom khá cầu kỳ và phức tạp. Thấy tôi lúng túng, Sơn giải thích lại một cách đơn giản và cụ thể hơn: “Thiết bị kết nối em lấy từ xe đồ chơi điều khiển từ xa của các em nhỏ, bởi đây là thiết bị có phạm vi sóng phù hợp với khoảng cách chiếc MBH và xe đạp điện. MBH thông minh sẽ hoạt động theo nguyên tắc: Khi muốn sử dụng xe đạp điện, người sử dụng phải đội MBH. Khi đó, đầu cảm biến nhiệt trên mũ sẽ thông báo đến bộ phận phát sóng rồi truyền dữ liệu cho bộ phận thu sóng được gắn trong xe đạp điện, mạch điện của xe sẽ đóng và xe mới vận hành được…”.

Để chế tạo thành công chiếc MBH thông minh, Sơn phải thức khuya lên mạng tra cứu tài liệu rồi tự mua xe ô tô điều khiển về tháo thiết bị, thiết kế mạch cảm ứng nhiệt gắn lên mũ. Sơn tính: “Giá thành chiếc mũ chỉ cao hơn MBH bình thường khoảng gần 100.000 đồng, nếu được đưa vào sản xuất đại trà thì giá thành sẽ hạ xuống nhiều”. Cất công mày mò chế tạo, chiếc mũ cũng không phụ lòng của chủ nhân khi đoạt giải ba Cuộc thi KHKT tỉnh Quảng Ninh dành cho học sinh trung học năm 2014. Có điều, ít ai biết được, chiếc MBH thông minh ra đời, ngoài những đêm mày mò sáng tạo, tiền để mua vật liệu đều được Sơn tích góp từ tiền ăn sáng mẹ cho.

Thầy Hoàng Quảng Ba, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Quốc Việt, cho biết: “Sơn là một học sinh thông minh, có nhiều sáng tạo, học rất khá các môn khoa học tự nhiên. Ở trường, Sơn được bạn bè, thầy cô yêu mến bởi sự nhanh nhẹn, hoạt bát, thường xuyên giúp đỡ bạn bè. Trong các buổi học, vấn đề gì học sinh chưa hiểu, giải thích một lần là Sơn hiểu ngay. MBH thông minh là một thiết kế khá độc đáo và phù hợp với nhu cầu nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông của các em học sinh hiện nay. Thời gian tới, Trường THPT Hoàng Quốc Việt sẽ đưa vào thử nghiệm mô hình này để tăng cường quản lý việc thực hiện đội MBH khi đi xe đạp điện của các em, góp phần tạo thói quen tự giác, tuân thủ pháp luật từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường”.

Say mê sáng tạo, Sơn còn chế tạo khá nhiều vật dụng phục vụ học tập và sinh hoạt trong gia đình. Toàn bộ mạng lưới điện trong nhà đều do Sơn thiết kế. Em cũng chế tạo bộ phận báo động để chống trộm, “Nhưng chưa có cơ hội “làm lợi” vì từ ngày lắp hệ thống này, nhà vẫn chưa có trộm” - Sơn cười nói. Nhiều năm liền Sơn còn là học sinh giỏi, bí quyết học tốt của Sơn là tập trung nghe thầy cô giảng để hiểu bài ngay tại lớp.

Mong muốn của Sơn là sáng kiến của em sẽ được các hãng sản xuất xe đạp điện lưu ý. Vì khi sản xuất xe sẽ tích hợp luôn MBH thông minh. Như vậy, các bạn học sinh khi sử dụng xe đạp điện sẽ phải tuân thủ việc đội MBH.