Bí thư đoàn xã tâm huyết với nghề trồng đào phai

09:20 11/12/2014     1701

Tuổi trẻ sáng tạo   Web.ĐTN: Về xã Hạ Long, (huyện Vân Đồn), hỏi tới Nguyễn Văn Công, ai cũng biết bởi anh không những là một cán bộ đoàn năng động, tháo vát mà còn là một trong những người thành công trong làm giàu từ nghề trồng đào ở nơi đây.

g
Nguyễn Văn Công (đứng giữa) hướng dẫn khách hàng tham quan vườn đào của gia đình.
Sinh năm 1982 tại xã Hạ Long, trong một gia đình gốc ở Quảng Yên, sau khi học xong phổ thông, Nguyễn Văn Công đăng ký đi học Trường trung cấp du lịch Hạ Long. Tốt nghiệp trở về và đã trải qua vài năm công tác trong lĩnh vực du lịch, tuy nhiên, nhận thấy tính chất công việc không phù hợp, năm 2010 anh Công đã xin nghỉ việc và bắt đầu phát triển nghề trồng đào. Đây là một nghề không mới ở xã vốn đã có truyền thống trồng đào như Hạ Long, nhưng đối với thanh niên trẻ như anh Công không phải đơn giản. Anh Công cho biết: Cũng phải mất một thời gian nghiên cứu, tìm hiểu tôi mới dám đầu tư nghề trồng đào. Ở Vân Đồn có giống đào phai nổi tiếng (đào đá), đây là cây trồng truyền thống có ý nghĩa văn hoá đối với phong tục ngày Tết của người Việt Nam, nên rất được ưa chuộng trên thị trường. Lúc đầu tôi trồng 200 cây đào theo cách truyền thống là đánh luống gieo hạt cho cây mọc lên mới đem đi trồng, theo cách này mất rất nhiều thời gian lại không hiệu quả, thời gian ra hoa lâu, chất lượng hoa kém. Vì vậy, lại phải mất thêm thời gian nữa để tìm hiểu, nghiên cứu cách làm để làm sao đưa cây đào phát triển nhanh nhất và ổn định nhất.

Từ đầu năm 2013, huyện Vân Đồn triển khai dự án áp dụng kỹ thuật trồng cây đào bằng ghép nhánh. Đây là cách trồng đào mới, thay thế cho kiểu trồng đào truyền thống trước đây. Theo đó, kỹ thuật mới đã lai tạo ra đào có thế đẹp, thời gian trồng chỉ một năm đã ra hoa, trong khi trồng ươm hạt truyền thống thì phải mất tới 3 năm. Tận dụng cơ hội này, anh đã tham gia học hỏi kỹ thuật mới để áp dụng vào toàn bộ diện tích đào của nhà mình hiện có. Vừa dẫn chúng tôi đi thăm vườn đào của gia đình, anh Công vừa vui vẻ giải thích với chúng tôi: Mặc dù kỹ thuật ghép nhánh có phức tạp hơn cách truyền thống rất nhiều, nhưng hiệu quả thì cao hơn hẳn. Quan trọng là phải tập trung chăm sóc, tỉa cành để tạo thế cho đào thì bán mới có giá. Sau một thời gian áp dụng cách trồng mới, vườn đào gia đình tôi phát triển rất nhanh, tạo ra nhiều thế rất đẹp. Trong đợt Tết Nguyên đán Giáp Ngọ vừa qua, gia đình đã tiêu thụ được khoảng 100 cây đào các loại, nhiều cây có giá trị cao từ 6-7 triệu đồng, còn bán trung bình từ 1-3 triệu đồng/cây.

Hiện vườn đào của anh Công đã có 300 gốc, đem lại tổng thu nhập cho gia đình anh gần 200 triệu đồng một năm. Anh Công chia sẻ: Từ những hiệu quả của nghề trồng đào đã giúp cho những thanh niên như tôi vừa phát triển được nghề truyền thống của quê hương, lại vừa có thể làm giàu trên chính quê hương mình. Đó là điều tôi cảm thấy tự hào nhất. Hiện tại tôi đang có dự định mở rộng trồng khoảng 1.000 gốc đào nữa, tạo thương hiệu cho cây đào phai ở nơi đây. Vì đào phai Vân Đồn rất nổi tiếng, nhưng lại chưa định hình thương hiệu rõ ràng, dễ bị trộn lẫn với các loại đào khu vực khác, gây thiệt hại cho cả người bán và người mua.

Nguyễn Văn Công hiện là Bí thư ĐTN xã Hạ Long. Ở cương vị thủ lĩnh thanh niên, anh luôn quan tâm gây dựng và phát triển các cơ sở đoàn, tập hợp đoàn kết giúp đỡ ĐVTN có hoàn cảnh khó khăn. Từ kinh nghiệm thực tế phát triển mô hình trồng đào của bản thân, anh Công đã không ngần ngại chia sẻ cách làm, bí quyết trồng đào cho nhiều thanh niên trong xã học tập và áp dụng trong phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Ghi nhận những thành tích trong phát triển kinh tế cũng như công tác đoàn, trong những năm qua, anh Nguyễn Văn Công đã hận được nhiều giấy khen, phần thưởng của huyện Vân Đồn, Tỉnh Đoàn.