Anh Hàng Tuấn Đức – Cống hiến hết mình cho nghệ thuật

09:09 15/08/2016     391

Tuổi trẻ sáng tạo   Web.ĐTN: Khi nói đến các phong trào văn hóa văn nghệ của Bạc Liêu, mà đặc biệt là của Hội đồng hương người Hoa tại Bạc Liêu. Không thể nào không nhắc đến anh Hàng Tuấn Đức (tên gọi khác là Lưu Tiên Bình) – nguyên là UV.UB Hội LHTN VN tỉnh Bạc Liêu – nghệ sĩ trực thuộc Trung tâm văn hóa tỉnh Bạc Liêu.
Sinh năm 1976, tính tới thời điểm này, anh Đức đã có gần 30 năm gắn bó với các hoạt động văn nghệ của Bạc Liêu. Xuất thân từ gia đình có truyền thống văn nghệ nên từ khi còn rất nhỏ, anh Đức đã được theo cha (vốn là một cán bộ nhà nước hoạt động thường xuyên bên lĩnh vực ca hát) tham gia vào các hoạt động, các chương trình văn nghệ do Hội người Hoa tại Bạc Liêu và các CLB văn nghệ sĩ tại thị xã Bạc Liêu (nay là TP.Bạc Liêu) tổ chức. Vốn có năng khiếu và được truyền “lửa” đam mê từ cha, khi vừa lên 8 tuổi, anh đã có thể tự tin trình diễn cùng các cô chú diễn viên trên sân khấu, 11 tuổi đã biết sử dụng thành thạo các loại nhạc cụ dân tộc như: Đàn bầu, đàn tranh, sáo,… và đặc biệt, anh đã xuất sắc đạt giải nhất với phần độc tấu đàn diệu cầm vào năm 1988 trong một cuộc thi văn nghệ 3 dân tộc Kinh – Hoa – Khơme do tỉnh tổ chức.


f
Anh Hàng Tuấn Đức  ( áo xanh )

Dường như đối với anh Đức, đã từ rất lâu, sân khấu và âm nhạc đã trở thành một người bạn thân thiết, một phần máu thịt không thể tách rời trong cuộc sống của anh. Không những có khả năng  sử dụng các loại nhạc cụ dân tộc, anh Đức còn sở hữu một giọng hát rất ngọt ngào và trầm ấm, làm say lòng người nghe cho dù đó là thể loại trữ tình, nhạc cách mạng hay nhạc trẻ. Năm 1994, anh đạt giải nhất cuộc thi Giọng hát hay lần thứ nhất do  thị xã Bạc Liêu tổ chức. Anh xác định để theo đuổi niềm đam mê ca hát theo hướng lâu dài thì phải có một nghề nào đó và anh quyết định học thêm nghề quay phim và chụp ảnh từ một người thầy vốn dĩ cũng là bạn của cha anh. Học nghề được một thời gian, bất ngờ nhận được thông báo nhập ngũ từ chính quyền địa phương, với sức trẻ và tinh thần xung kích, anh nhận thấy việc tham gia nghĩa vụ quân sự là một việc làm ý nghĩa và thể hiện vai trò của người thanh niên đối với việc bảo vệ Tổ Quốc. Tạm gác niềm đam mê, gác công việc học nghề sang một bên, anh quyết tâm lên đường nhập ngũ tại Cục kĩ thuật quân khu 9. Tại nơi đây, anh được rèn luyện và sinh hoạt theo nền nếp, kĩ luật, chính những điều này đã giúp anh trưởng thành hơn rất nhiều. Tham gia quân ngũ được gần 1 năm, khả năng ca hát của anh được “phát hiện” vào những buổi sinh hoạt sau giờ huấn luyện, thế là, tiểu đội này truyền tai tiểu đội kia, giọng ca Hàng Tuấn Đức thường xuyên được đồng đội yêu cầu góp vui văn nghệ trong những chương trình sinh hoạt, giao lưu của tiểu đoàn. Trong suốt hơn 2 năm tham gia nghĩa vụ quân sự, anh Đức đã mang về cho mình và tập thể đơn vị hàng chục giải thưởng trong các cuộc thi văn nghệ cấp trung đoàn, quân khu,… Đặc biệt nhất đó là giải Diễn viên xuất sắc do quân khu trao tặng khi trong cùng một hội thi 8 tiết mục anh tham gia biểu diễn và dàn dựng đều xuất sắc đoạt giải nhất.

Năm 1998, xuất ngũ trở về địa phương, anh quyết định nộp đơn về công tác tại Trung tâm văn hóa tỉnh Bạc Liêu.Về công tác tại nơi đây, anh đã được thỏa mãn niềm đam mê và khát khao cống hiến cho nghệ thuật của mình, nơi đây cũng là nơi rèn luyện và chắp cánh cho tài năng của anh được tỏa sáng. Anh liên tục đạt được các giải thưởng cao trong các hội thi, hội diễn trong tỉnh, trong khu vực và toàn quốc như: Giải nhất Hội thi Tiếng hát phát thanh và truyền hình tỉnh Bạc Liêu lần thứ IV, huy chương Bạc toàn quốc Liên hoan dân ca dân vũ 6 miền,…

 Cho tới hôm nay, anh đã vinh dự được nhận trên 50 bằng khen và trên 10 huy chương tại các cuộc thi, liên hoan văn nghệ trong tỉnh, khu vực và toàn quốc. Với khả năng và niềm đam mê nhạc cụ dân tộc, anh đã tự mày mò và biết cách sử dụng gần 100 loại nhạc cụ của các dân tộc Kinh, Hoa và Khơme.Anh đã mở các lớp dạy sử dụng nhạc cụ dân tộc miễn phí cho các em thiếu nhi và các bạn thanh niên có nhu cầu và yêu thích nhạc cụ dân tộc, học trò đã từng được anh hướng dẫn đã lên đến con số hàng trăm  người đủ mọi thành phần và dân tộ. Không chỉ dừng lại ở việc dạy nhạc cụ, anh còn sẵn sàng truyền đạt lại nghề quay phim và chụp hình cho những ai muốn theo đuổi công việc này.

Anh đang có một dự định ấp ủ và sẽ quyết tâm thực hiện trong thời gian tới đó là thành lập một Câu lạc bộ văn nghệ của dân tộc Hoa nhằm thu hút sự tham gia của cộng đồng người Hoa tại Bạc Liêu, nhất là các bạn trẻ. Thông qua hoạt động của CLB sẽ góp phần duy trì  bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của người Hoa, là một sân chơi lành mạnh, bổ ích, địa điểm sinh hoạt, đoàn kết và tập hợp thanh niên người Hoa cùng chung tay xây dựng quê hương Bạc Liêu nói riêng và Việt Nam nói chung ngày càng giàu đẹp, văn minh.