Tuổi trẻ Quảng Bình nói không với bạo lực học đường

16:48 02/04/2021     2051

Công tác giáo dục   ĐTN: Tình trạng bạo lực học đường xảy ra ngày càng nhiều. Hậu quả của bạo lực học đường đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng học tập và tâm sinh lý của các em học sinh. Tổ chức Đoàn - Hội - Đội các cấp đã phát huy tốt vai trò của mình trong công tác phòng, chống và ngăn chặn bạo lực học đường góp phần hình thành nhân cách, đạo đức và xây dựng lý tưởng trong sáng cho đoàn viên, học sinh.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền

Qua tìm hiểu, nguyên nhân các vụ việc bạo lực học đường xảy ra thời gian qua ở trong và ngoài tỉnh chỉ là những lý do “trên trời”… nhưng hậu quả mang lại thật khó lường. Phòng, chống và ngăn chặn bạo lực học đường nhằm xây dựng “Trường học thân thiện - học sinh tích cực” đó không phải là “chuyện của riêng ai” mà cần sự quan tâm, giúp đỡ, sẻ chia của tất cả cộng đồng. Nhận thức được tầm quan trọng đó, thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn - Hội đồng đội tỉnh đã phối hợp với Sở giáo dục chỉ đạo các cấp bộ Đoàn - Hội - Đội trong tỉnh đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức cho học sinh. Trong đó, tập trung tuyên truyền Nghị định số 80/2017/NĐ-CP quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường có hiệu lực thi hành từ ngày 05 tháng 9 năm 2017; Luật xử phạt vi phạm hành chính 2012; Bộ Luật Hình sự năm 2015; Quyết định số 5886/QĐ-BGDĐT ngày 28/12/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Chương trình hành động phòng, chống bạo lực học đường trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên giai đoạn 2017-2021 và các văn bản quy định về phòng, chống bạo lực học đường khác.

 

Một tình huống giả định tại Trường THPT Võ Nguyên Giáp

 

Các hoạt động của Đoàn - Hội - Đội được tổ chức đồng bộ, quy mô, với nhiều cấp độ, phù hợp với thực tiễn và gắn với tâm lý giới trẻ nên thu hút đông đảo học sinh tham gia. Thông qua các hoạt động về nguồn, đền ơn đáp nghĩa, tri ân các Mẹ Việt Nam anh hùng, các anh hùng liệt sỹ, gia đình chính sách, có công với cách mạng, sinh hoạt dã ngoại và các phong trào thiết thực như “Nuôi heo đất”, “Đôi bạn cùng tiến”, “Bạn giúp bạn”, “Quỹ vì bạn nghèo”... đã góp phần giáo dục cho các em truyền thống uống nước nhớ nguồn, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau trong học tập cũng như trong cuộc sống. Đồng thời, tổ chức Đoàn -Hội - Đội đã kêu gọi và yêu cầu các em học sinh trong lớp biết quan tâm chia sẽ giúp đỡ những bạn học sinh cá biệt “chưa ngoan”, không nên xem thường hay cô lập bạn, phê phán một cách thái quá hay gay gắt dẫn đến mâu thuẫn.

Hình thức tuyên truyền miệng, các diễn đàn, tọa đàm cũng được chú trọng đẩy mạnh; trên website hay phát thanh của trường thường xuyên chia sẽ về mô hình tiêu biểu bảo đảm trường học an toàn; phòng, chống bạo lực học đường; những gương “người tốt”, “việc tốt” của giáo viên và học sinh; lồng ghép, tích hợp giáo dục phòng chống bạo lực học đường vào một số môn học và hoạt động giáo dục .

Để hình thành nên những thói quen tốt, tránh xa những tệ nạn đang rình rập, tổ chức Đoàn - Hội - Đội trong toàn tỉnh đã thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ thể dục thể thao giữa các lớp trong toàn khối, toàn trường; các câu lạc bộ cùng sở thích phù hợp với nhu cầu, lứa tuổi được thành lập ngày càng có quy mô và chất lượng. Hằng năm, BTV Tỉnh Đoàn, Hội đồng đội tỉnh phối hợp Sở GD và ĐT tổ chức tập huấn bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ, kỹ năng tổ chức các trò chơi và các hoạt động tập thể… cho đội ngũ Bí thư Đoàn trường, Tổng phụ trách đội trong toàn tỉnh nhằm góp phần nâng cao trách nhiệm của tổ chức Đoàn, Hội, Đội trong công tác chăm sóc, giáo dục thiếu niên nhi đồng, xây dựng tổ chức Đội vững mạnh và tổ chức tốt các hoạt động trên địa bàn dân cư, đặc biệt trong dịp Hè cho thiếu niên nhi đồng.

Những cách làm hay mô hình hiệu quả

Nhằm tăng cường giải pháp phòng chống bạo lực học đường trong trường học, góp phần giáo dục ý thức, đạo đức, lối sống văn hóa cho học sinh, trong thời gian qua, tổ chức Đoàn cấp tỉnh đã chỉ đạo 100% đoàn trường học tổ chức diễn đàn “Xây dựng tình bạn đẹp - Không bạo lực học đường”. Theo đó, các trường Trung học phổ thông chủ động lựa chọn phương án phát động, tổ chức các hoạt động hưởng ứng và chương trình phù hợp với điều kiện thực tiễn của đơn vị. Trong đó chú trọng tuyên truyền trực quan và những thông điệp mô hình mang lại thông qua hệ thống pano, băng rôn, khẩu hiệu tại khuôn viên nhà trường, các địa điểm đông học sinh; tổ chức cuộc thi sáng tác video clip về tình bạn đẹp, phòng, chống bạo lực học đường; tổ chức cuộc thi thiết kế inforgraphic, vẽ tranh cổ động về tình bạn đẹp, phòng, chống bạo lực học đường ….

Nội dung Diễn đàn chứa đựng nhiều nội dung bổ ích như: Chia sẻ những câu chuyện đẹp về tình bạn trong môi trường học đường, trong cuộc sống, định hướng việc xây dựng tình bạn đẹp trong học sinh; chia sẻ, trao đổi, cổ vũ những thói quen tốt, hành động đẹp trong việc phòng chống bạo lực học đường; chia sẻ kiến thức pháp luật có liên quan đến hậu quả do bạo lực học đường gây ra; kỹ năng xử lý tình huống để ngăn chặn bạo lực học đường hoặc tham gia giải quyết, đấu tranh với các hành vi bạo lực học đường; kí kết ký cam kết thực hiện các quy định về an ninh trật tự trường học và phòng chống bạo lực học đường. Tuyên dương những tấm gương tốt, hành động đẹp, tích cực trong việc tham gia giải quyết, phòng chống bạo lực học đường.  

Đồng chí Lê Thị Ngọc Hà - Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, Chủ tịch hội đồng đội tỉnh cho biết: Thông qua diễn đàn “Xây dựng tình bạn đẹp - Không bạo lực học đường” các em có thể nhận thức rõ hơn về giá trị của tình bạn, xác định rõ trách nhiệm của bản thân trong quan hệ bạn bè, tình yêu và gia đình. Góp phần xây dựng văn hóa học đường đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Tạo động lực cho các bạn học sinh mỗi ngày đến trường là một ngày vui và để trường học thực sự là nơi giáo dục nhân cách tốt đẹp nhất cho con người.

Mô hình “Phiên tòa giả định” là mô hình mới lạ, mang tính trực quan sinh động đã được Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức tại các trường THPT trên địa bàn tỉnh.

Thay vì giảng giải các quy định của pháp luật về phòng chống bạo lực học đường một cách khô khan thì tại Phiên tòa giả định, các em được chứng kiến một bài giảng được sân khấu hóa với đầy đủ trình tự, thủ tục do những thầy cô giáo và các em học sinh nhập vai diễn xuất. “Phiên tòa giả định” tái hiện lại vụ việc một nhóm bạn vì ganh tỵ nhau với tình yêu tuổi học trò đã có hành vi cố ý gây thương tích đối với bạn cùng lớp và quá trình xét xử vụ án nhằm cung cấp cho người xem về hành vi phạm tội, việc xét xử người phạm tội, truyền đạt thông điệp sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật đến đông đảo học sinh. Từ những câu hỏi trắc nghiệm về các tình huống trong vụ án, các em học sinh cũng đã thể hiện được sự hiểu biết và nhận thức của mình về vấn đề bạo lực học đường.

Em Nguyễn Ngọc Minh - Lớp 11A1, trường THPT Lê Trực cho biết: “Việc tổ chức phiên tòa như thế này rất có ý nghĩa vì giúp học sinh biết rõ hành vi vi phạm pháp luật và tính răn đe giáo dục trong xét xử hành vi phạm tội. Từ đó em và các bạn sẽ tích cực tuyên truyền, cùng nhau tránh xa bạo lực học đường để xây dựng một môi trường học tập thân thiện và tích cực hơn”.

Có thể nói, công tác tuyên truyền về phòng chống bạo lực học đường được các cấp bộ Đoàn - Hội - Đội trong toàn tỉnh chú trọng, đổi mới hình thức, nội dung phù hợp không còn xơ cứng phù hợp với nhu cầu, sở thích từng đối tượng thanh thiếu niên. Trong thời gian tới, tổ chức Đoàn - Hội - Đội các cấp sẽ nhân rộng tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền các mô hình, cách làm mới, gương người tốt việc tốt để tạo hiệu ứng lan tỏa trong xã hội từ đó nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong thanh thiếu niên và các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn tỉnh./.

 

Lệ Quyên - TĐ Quảng Bình