Tọa đàm: “Phòng chống quấy rối tình dục - nhận diện hành vi và cách ứng phó”
15:35 22/11/2019 796
Công tác giáo dục Web.ĐTN: Sáng 22/11, Học viện Báo chí và Tuyên truyền phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới - gia đình - phụ nữ và vị thành niên (CSAGA) tổ chức tọa đàm với chủ đề: “Phòng chống quấy rối tình dục - nhận diện hành vi và cách ứng phó”.
Sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền tham gia giao lưu, trao đổi tại Tòa đàm
Tọa đàm là hoạt động nhằm tăng cường khả năng nhận diện hành vi quấy rối tình dục và trang bị kiến thức cho sinh viên về kỹ năng mềm để ứng phó với vấn đề quấy rối tình dục nơi làm việc, đồng thời cung cấp thông tin pháp luật liên quan đến những hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc.
Tọa đàm có sự tham gia của các chuyên gia, khách mời gồm: PGS,TS. Lưu Văn An - Phó giám đốc Phụ trách Học Viện Báo chí và Tuyên truyền; TS. Lưu Hồng Minh - Trưởng khoa Xã hội học và Phát triển; PGS,TS. Nguyễn Thị Tố Quyên - Phó trưởng khoa Xã hội học và phát triển; Bà Nguyễn Vân Anh - Giám đốc Trung tâm CSAGA; Bà Naomi Kitahara - Trưởng Đại diện UNFPA và Đạo diễn Bùi Như Lai cùng gần 200 sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Với chủ đề “Phòng chống quấy rối tình dục - nhận diện hành vi và cách ứng phó”, Tọa đàm tập trung thảo luận hai vấn đề chính. Thứ nhất, nhận diện hành vi, nguyên nhân gốc rễ, tâm lý đổ lỗi cho nạn nhân và một số thông tin pháp luật cần biết. Thứ hai, kỹ năng ứng phó khi chứng kiến/ là nạn nhân của các vụ quấy rối tình dục và làm thế nào để trở thành một người văn minh, không có hành vi bạo lực với phụ nữ.
Theo các chuyên gia, quấy rối tình dục tồn tại ở nhiều hình thức khác nhau nhưng có thể quy theo 3 hình thức chính. Thứ nhất là quấy rối tình dục bằng hành vi mang tính chất như tiếp xúc, hay cố tình sờ mó, vuốt ve, cấu véo, ôm ấp hay hôn cho tới tấn công tình dục, cưỡng dâm, hiếp dâm. Thứ hai là quấy rối tình dục bằng lời nói gồm các nhận xét không phù hợp về mặt xã hội, văn hóa và không được mong muốn, bằng những ngụ ý về tình dục như những chuyện cười ngụ ý về tình dục hay những những nhận xét về trang phục hay cơ thể của một người nào đó khi có mặt họ hoặc hướng tới họ. Hình thức này bao gồm cả những lời đề nghị và những lời yêu cầu không mong muốn hay lời mời đi chơi mang tính cá nhân một cách liên tục. Thứ ba là quấy rối tình dục bằng hành vi phi lời nói, gồm các hành động không được mong muốn như ngôn ngữ cơ thể khiêu khích, biểu hiện không đúng đắn, cái nhìn gợi tình, nháy mắt liên tục, các cử chỉ của ngón tay… Hình thức này cũng bao gồm phô bày các tài liệu khiêu dâm, hình ảnh, vật, màn hình máy tính, các áp phích, thư điện tử, ghi chép, tin nhắn liên quan tới tình dục.
Hành vi không được coi là hành vi quấy rối tình dục: Những lời khen hoặc khích lệ thông thường được chấp nhận hoặc phù hợp về văn hóa, xã hội không bị coi là hành vi quấy rối tình dục. Hành vi giao cấu đồng thuận (trừ hành vi pháp luật cấm như giao cấu với trẻ em, giao cấu với người chưa vị thành niên…), tiếp nhận hay đáp lại đều không được xem là hành vi quấy rối tình dục.
Các chuyên gia cũng chỉ rõ, một trong những nguyên nhân khiến hầu hết các nạn nhân bị bạo lực trong đó có quấy rối tình dục thường không tìm kiếm sự hỗ trợ là xã hội vẫn còn tâm lý đổ tội cho nạn nhân. Điều này gây ra nhiều hệ lụy: Khiến nạn nhân xấu hổ sợ hãi bị đánh giá nên chịu đựng trong im lặng. Nạn nhân coi việc bị quấy rối là một trải nghiệm đáng xấu hổ mà không coi là một vấn đề xã hội cần tìm giải pháp. Sự đổ lỗi tạo ra môi trường thiếu sự cảm thông, khiến các nhà thực thi chính sách chưa đánh giá được đầy đủ mức độ nghiêm trọng của bạo lực đối với phụ nữ cũng như trợ giúp kịp thời khi nạn nhân tìm sự hỗ trợ.
Để nâng cao nhận thức, các chuyên gia cho rằng cần thay đổi tư duy văn hóa từ cấp độ cá nhân đến cộng đồng trong vấn đề đổ lỗi cho nạn nhân cũng như việc hoàn thiện khung chính sách là giải pháp quan trọng để tạo môi trường an toàn cho phụ nữ và trẻ em.
Trao giải cuộc thi "Yêu đẹp - an toàn cho phụ nữ"
Ngay sau Tọa đàm “Phòng chống quấy rối tình dục - nhận diện hành vi và cách ứng phó” là Lễ trao giải Cuộc thi "Yêu đẹp - an toàn cho phụ nữ". Cuộc thi được tổ chức nhằm cung cấp các kiến thức cơ bản về bạo lực tình dục, cụ thể như nhận diện hành vi bạo lực tình dục, cách ứng phó, các dịch vụ hỗ trợ,… cho người dùng TikTok nói riêng và cộng đồng nói chung. Sau 3 tuần triển khai, cuộc thi đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của cộng đồng.
Bạn Phạm Hồng Sơn - Người giành giải Nhất Cuộc thi chia sẻ: "Từ lâu, mình đã quan tâm đến chủ đề bảo vệ phụ nữ và ấp ủ kế hoạch thực hiện video về chủ đề này trên kênh TikTok. Cuộc thi #antoanchophunu đã cho mình động lực để hiện thực hoá kế hoạch này. Mình hy vọng mỗi người xem xong video của mình sẽ có thêm kiến thức và hiểu biết để tự bảo vệ bản thân, cũng như bảo vệ những người phụ nữ và trẻ em gái xung quanh"./.
Ngọc Anh Tweet