Lực lượng TNXP - Trách nhiệm và niềm tự hào của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh

13:46 17/03/2021     2041

Công tác giáo dục   ĐTN: Được sự quan tâm, dìu dắt của Đảng, của Bác Hồ kính yêu và sự quan tâm, chăm lo của tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Lực lượng Thanh niên xung phong (TNXP) Việt Nam đã không ngừng trưởng thành và lớn mạnh, là niềm tự hào của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.

Tuổi trẻ Việt Nam vinh dự, tự hào được sống, chiến đấu, lao động và học tập, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh và trong tình cảm và sự quan tâm đặc biệt của Bác Hồ muôn vàn kính yêu. Ngày 26 tháng 3 năm nay, tuổi trẻ cả nước hân hoan, tự hào Kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 – 26/3/2021).

90 năm qua, trong quá trình xây dựng và phát triển, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh vinh dự, tự hào được Đảng và Bác Hồ giao trọng trách trực tiếp quản lý Lực lượng TNXP. Đầu năm 1950, cuộc kháng chiến chống Pháp đã bước sang giai đoạn mới. Đảng và Bác Hồ xác định cần phải có thêm một lực lượng thanh niên trẻ, khỏe, có tinh thần dũng cảm, hy sinh, có tổ chức quản lý và lãnh đạo chặt chẽ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phục vụ kháng chiến - đó là Lực lượng TNXP. Từ chủ trương này, ngày 15/7/1950, Bác Hồ đích thân chỉ đạo thành lập Đội TNXP công tác Trung ương đầu tiên tại núi Hồng, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, gồm 225 cán bộ, đội viên và giao cho Trung ương Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam phụ trách.

Được sự quan tâm, dìu dắt của Đảng, của Bác Hồ kính yêu và sự quan tâm, chăm lo của tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Lực lượng TNXP Việt Nam đã không ngừng trưởng thành và lớn mạnh. Từ 225 cán bộ, đội viên buổi đầu được thành lập, đã trở thành đội quân hùng hậu với hơn 65 vạn cán bộ, đội viên vào cuối thời kỳ chống Mỹ - trong đó, tỉnh Nghệ An có hơn 4,8 vạn cán bộ, đội viên đã lập nên những kỳ tích, làm nên truyền thống anh hùng của Lực lượng TNXP Việt Nam, góp phần xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc ta trong hai cuộc kháng chiến và trong công cuộc xây dựng, khôi phục đất nước sau chiến tranh.

 

TNXP Nghệ An tải đạn dược vào chiến trường

 

Vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phục vụ chiến đấu

Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1950 - 1954): Thực hiện Chỉ thị của Đảng và Bác Hồ, để kịp thời đáp ứng yêu cầu phục vụ chiến dịch Thượng Lào – Thu Đông (1952 – 1953), chiến dịch có ý nghĩa đặc biệt - Một biểu tượng của liên minh chiến đấu Việt – Lào với sự giúp đỡ to lớn của Quân tình nguyện Việt Nam, nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực quân đội Pháp, giải phóng đất đai, mở rộng căn cứ kháng chiến của nhân dân Lào nối thông với vùng giải phóng Tây Bắc Việt Nam, chuẩn bị một bước cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Với ý nghĩa đó, Tỉnh ủy Nghệ An đã ra Nghị quyết và giao cho Đoàn Thanh niên Cứu quốc của tỉnh thành lập Đội TNXP mang tên Anh hùng Cù Chính Lan gồm 5.800 cán bộ, đội viên. Nêu cao tinh thần quốc tế cao cả, Lực lượng TNXP Cù Chính Lan Nghệ An đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phục vụ chiến đấu.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ: hơn 5 vạn cán bộ, đội viên TNXP cả nước được điều động tham gia phục vụ chiến dịch, trong đó tỉnh Nghệ An có hơn 5.000 cán bộ, đội viên. Ngoài ra, hơn 1.000 TNXP Nghệ An được biên chế vào Đại đội 294 và Đại đội 299 thuộc Đội TNXP 40 của Trung ương phục vụ chiến đấu tại Đèo Pha Đin và tại trọng điểm Ngã ba Cò Nòi, tỉnh Sơn La rất ác liệt, nhiều cán bộ, đội viên đã anh dũng hy sinh, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Ngay sau cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi, thực hiện Chỉ thị của Đảng, của Bác Hồ, Lực lượng TNXP được chuyển sang làm nhiệm vụ mới, đó là thời kỳ khôi phục đất nước sau chiến tranh - xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc (1955 - 1964).  Hơn 10 vạn TNXP cả nước đã tình nguyện lên đường - trong đó tỉnh Nghệ An có 4.900 cán bộ, đội viên đã có mặt ở những nơi khó khăn gian khổ nhất, lao động quên mình, xây dựng hàng trăm công trình kinh tế – xã hội như: Làm tuyến đường Lai Châu giáp biên giới Trung Quốc, làm lại tuyến đường Mộc Châu - Pha Háng, tuyến đường Tuần Giáo - Điện Biên, khôi phục tuyến đường sắt Hà Nội – Lạng Sơn, Yên Bái - Lào Cai, Hà Nội – Nam Định…

Thực hiện Kế hoạch Nhà nước 5 năm lần thứ nhất (1961 – 1965), miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội, hơn 2.000 TNXP Nghệ An đã bất chấp mọi khó khăn, gian khổ tình nguyện lên đường đi xây dựng vùng kinh tế mới Phủ Quỳ - Nghĩa Đàn, xây dựng tuyến đường sắt Thanh Hóa – Vinh và Cầu Giát – Thái Hòa...

Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1965 – 1975): Trước yêu cầu to lớn và cấp thiết của cuộc kháng chiến, thực hiện lời Hiệu triệu của Bác Hồ; Chỉ thị số 71 ngày 21/6/1965 của Thủ tướng Chính phủ thành lập lực Lượng TNXP chống Mỹ cứu nước tập trung toàn miền Bắc. Cùng với trên 28 vạn TNXP cả nước, 31.000 TNXP Nghệ An đã tình nguyện lên đường vụ phục vụ chiến đấu. Trước đó, do tình hình diễn biến phức tạp của cuộc kháng chiến và do đặc điểm của địa bàn Nghệ An có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng của Quân khu 4, của cả nước; là “Hậu phương trực tiếp của tiền tuyến lớn…”. Vì vậy, tỉnh Nghệ An được Trung ương Đảng và Bác Hồ giao thành lập Lực lượng TNXP của tỉnh vào ngày 27/5/1965, sớm hơn 1 tháng so với Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.

 

Đơn vị TNXP Nghệ An tuyên thệ trước khi hành quân vào chiến dịch Thượng Lào

 

Trong suốt hơn 10 năm của 3 nhiệm kỳ, Lực lượng TNXP chống Mỹ, cứu nước tỉnh Nghệ An được giao đảm nhận chốt giữ các trọng điểm giao thông tuyến Quốc lộ 1A đi qua địa bàn của tỉnh và tuyến đường chiến lược 15A, đồng thời đảm bảo giao thông ở 52 tuyến đường với hơn 2.000 km tỉnh lộ; gần 90km quốc lộ; 3.500km huyện lộ; 250km đường sông, đường biển và kênh nhà Lê... Ngoài ra, Lực lượng TNXP Nghệ An được điều động tăng cường đảm bảo giao thông trên 200km quốc lộ, tỉnh lộ ở tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị; hơn 200km tuyến đường sắt đoạn Thanh Hóa – Vinh – Đồng Hới (Quảng Bình); hơn 200km quốc lộ, tỉnh lộ ở chiến trường Lào, góp phần cùng toàn Ðảng, toàn quân và toàn dân ta làm nên chiến thắng oanh liệt Mùa xuân năm 1975 lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Nhìn lại lịch sử vẻ vang của Lực lượng TNXP, từ ngày đầu được thành lập và trong quá trình phát triển, Lực lượng TNXP Việt Nam vinh dự, tự hào được sự quan tâm, dìu dắt của Đảng, của Bác Hồ kính yêu và sự quan tâm, chăm lo của tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Đặc biệt, sự quan tâm của Bác Hồ kính yêu đối với Lực lượng TNXP không chỉ về chủ trương mà Bác còn quan tâm cả những vấn đề cụ thể về tiêu chuẩn cán bộ, đội viên và giao cho tổ chức Đoàn từ cơ sở tuyển chọn, đó là động lực thôi thúc cán bộ, đội viên TNXP phát huy truyền thống cách mạng với lòng quyết tâm sắt đá “Xẻ dọc Trường sơn đi cứu nước”, “Ở đâu chiến trường cần là TNXP có mặt”, “Ở đâu có giặc là TNXP xuất quân”, “Tim có thể ngừng đập, nhưng đường không thể tắc” đã lập nên những chiến công, những kỳ tích trên các mặt trận, trên các tuyến đường, các trọng điểm địch đánh phá ác liệt nhất, góp phần xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc ta trong hai cuộc kháng chiến và trong công cuộc xây dựng đất nước sau chiến tranh.

Với những thành tích đặc biệt xuất sắc, Lực lượng TNXP Nghệ An vinh dự, tự hào đã được Đảng, Nhà nước, Bác Hồ tặng nhiều phần thưởng cao quý, trong đó: 121 Huân chương Chiến công và Huân chương Lao động cho các tập thể và cá nhân; được Bác Hồ tặng 41 lá cờ thi đua, 4 lá cờ luân lưu và Bác tặng cờ thi đua khá nhất cho Đội TNXP Cù Chính Lan tại mặt trận Trung - Thượng Lào 1952 – 1953. Ngày 27/01/1969 Đại đội TNXP 333 tại Cầu Cấm vinh dự được Bác Hồ gửi Thư khen ngợi và Bác gửi tặng đơn vị chiếc đài orionton. Có 501 chiến sỹ thi đua, 253 dũng sỹ thắng Mỹ; 7 đơn vị được Bộ Giao thông Vận tải tặng Danh hiệu “Dũng sỹ thắng Mỹ ngành giao thông vận tải”. Đặc biệt, có 5 tập thể và 1 cá nhân được Phong tặng Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, đó là Lực lượng TNXP Nghệ An; Tập thể 14 TNXP Đại đội 317 tại Truông Bồn; Đại đội TNXP 202 và đồng chí Hồ Thị Thu Hiền, Đại đội trưởng Đại đội TNXP 202 – Đội 241 – Tổng đội P31 làm nhiệm vụ phục vụ chiến đấu tại tỉnh Quảng Bình; Đại đội TNXP 333 – Đội 67 tại Cầu Cấm; Đại đội TNXP 168 thuộc Đoàn 559 – đường Trường Sơn.

Nối tiếp truyền thống của các thế hệ TNXP đi trước, Lực lượng TNXP xây dựng kinh tế Nghệ An, từ Tổng đội được thành lập năm 1986 tại huyện Anh Sơn, đến nay đã có thêm 10 Tổng đội TNXP - XDKT, do Tỉnh đoàn Nghệ An quản lý chỉ đạo đã và đang trở thành các mô hình kinh tế – xã hội tại vùng xung yếu của miền Tây Nghệ An, là những hình mẫu làm động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của đồng bào ở vùng cao, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của tỉnh.

Đáp ứng nguyện vọng tha thiết của Lực lượng Cựu TNXP, đồng thời đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ giải quyết tồn đọng chính sách đối với TNXP đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, tháng 6/1995 Ban Liên lạc Cựu TNXP Trung ương được thành lập. Tháng 12/2004 Đại hội thành lập Hội Cựu TNXP Việt Nam. Tỉnh Nghệ An, Ban Liên lạc Cựu TNXP của tỉnh được thành lập từ tháng 9/1995 – và tháng 7/2005 Đại hội thành lập Hội Cựu TNXP tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh có 20/21 Hội Cựu TNXP cấp huyện (huyện Kỳ Sơn không có cựu TNXP) trong đó có 394 cơ sở Hội xã, phường, thị trấn với tổng số 19.279 cán bộ, hội viên tham gia sinh hoạt tại 1.500 chi hội thôn, xóm, bản.

Trong những năm qua, được sự quan tâm của Tỉnh ủy, Uỷ ban nhân dân tỉnh và của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các Ban, ngành trong tỉnh; sự quan tâm phối hợp, giúp đỡ của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Cựu TNXP các cấp đã thực hiện tốt vai trò của Tổ chức Hội, góp phần tích cực thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của tỉnh. Hiện nay, các cấp Hội đã và đang tích cực phát huy vai trò của Tổ chức Hội trong công tác tuyên truyền thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước gắn với công tác giáo dục truyền thống cách mạng; đồng thời tiếp tục phát huy và làm tốt vai trò nhân chứng lịch sử trong việc giải quyết tồn đọng chính sách đối với TNXP đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến; tổ chức thực hiện có hiệu quả hai phong trào thi đua xây dựng “Qũy nghĩa tình đồng đội” và hoạt động “Vì nghĩa tình đồng đội” với phương châm “Khó giúp, ốm thăm, chết viếng, thọ mừng” giúp cựu TNXP có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Thông qua hoạt động này, nhằm làm sống lại những tình cảm thiêng liêng, thắm tình đồng đội trong mỗi cán bộ, hội viên, góp phần tích cực thực hiện chính sách an sinh xã hội.

Phát huy vai trò tổ chức thành viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cấp Hội tích cực tham gia công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước ở cơ sở gắn với cuộc vận động “Cựu thanh niên xung phong nguyện nêu gương sáng học tập, làm theo lời dạy và tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” bằng các phong trào, như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Xây dựng gia đình văn hóa”, “Uống nước nhớ nguồn", “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” v.v…góp phần tạo nên sự gắn kết sức mạnh của cộng đồng trong công cuộc đổi mới đất nước.

Bốn câu thơ: “Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên” Bác tặng khi Bác đến thăm đơn vị TNXP 312 ngày 20/3/1951 tại bản Nà Cù, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Cạn đã trở thành bài ca chính thức của tuổi trẻ và là phương hướng tư tưởng và hành động của Lực lượng TNXP và tuổi hệ trẻ Việt Nam trong các thời kỳ cách mạng. Năm tháng qua đi, thời gian có thể xóa mờ vết thương chiến tranh, nhưng không thể xóa mờ được niềm tự hào của dân tộc với một thế hệ anh hùng trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm, giành lại độc lập tự do cho Tổ quốc. Những địa danh lịch sử ghi đậm những chiến công của Lực lượng TNXP trên các mặt trận, trên các nẻo đường của Tổ quốc mãi mãi là niềm tự hào, là sự cổ vũ lớn lao đối với thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

Với niềm hân hoan, tự hào của người Cựu cán bộ Tỉnh đoàn Nghệ Tĩnh, Nghệ An đã được gắn bó nhiều năm với Tổ chức Đoàn với nhiều cương vị công tác khác nhau, trong đó được giao đảm trách công tác Văn phòng, công tác Cựu TNXP và TNXP và lao động trẻ của tỉnh; công tác quản lý tại Khu di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn và trên cơ sở các tư liệu lịch sử của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, lịch sử của TNXP Việt Nam và của tỉnh, tôi xin được góp phần trách nhiệm của mình hướng về Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh!

 

Chu Vĩnh Hiệp - Uỷ viên BTV Hội Cựu TNXP tỉnh Nghệ An