Gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc từ người trẻ

10:05 29/03/2014     1669

Công tác giáo dục   Web.ĐTN: Nhìn lại hơn mười lăm năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc” ở Gia Lai, dòng chảy văn hóa luôn được đặt trong ý thức bồi đắp, gìn giữ của các thế hệ cư dân. Trong đó, thế hệ trẻ đã và đang góp phần gìn giữ, quảng bá văn hóa qua nhiều con đường, dưới nhiều hình thức.
Gây quỹ mua chiêng   

Từ chi đoàn làng gần như không có thành tích nổi trội gì, làng Jun-xã Yang Bắc (huyện Đăk Pơ) bỗng nhiên được chú ý và được nhiều chi đoàn khác học hỏi. Chuyện bắt đầu từ việc gây quỹ mua cồng chiêng.
Liên hoan cồng chiêng TTN toàn tỉnh lần thứ nhất
Liên hoan cồng chiêng TTN toàn tỉnh lần thứ nhất


Cách đây nhiều năm, làng Jun không có bộ cồng chiêng nào. Theo những người già thì cồng chiêng của làng bị trộm cắp nên mất mát dần. Làng không thể mua một bộ cồng chiêng đến vài chục triệu đồng. Không có cồng chiêng, đó là nỗi xấu hổ âm thầm của những thanh niên Barnah trong làng mỗi khi đi giao lưu ở các làng khác. Vì thế, chẳng biết ai là người đầu tiên khởi xướng việc gây quỹ mua chiêng, chỉ biết thanh niên đồng loạt tham gia các hoạt động gây quỹ do chi đoàn phát động. Họ nhận làm thuê bất cứ việc gì người dân cần như làm cỏ mía, thu hoạch nông sản… Chi đoàn còn xin thêm đất để trồng mía, phân công nhau chăm sóc. Bộ cồng chiêng đầu tiên mua được từ những đồng tiền thấm đẫm mồ hôi của thanh niên trong làng, khiến nhiều người già ưng cái bụng. Vì thế, mỗi khi nghe phía nhà rông vang lên tiếng chiêng vụng về của đám trai làng, người già chẳng ai bảo ai, đến nhà rông vừa xem vừa chỉ dạy thêm. Không chỉ thanh niên “say” chiêng, nhiều đứa trẻ cũng háo hức với việc tập luyện. Một bộ chiêng dường như quá ít khi ngày càng nhiều đứa trẻ giành chiêng tập luyện. Vậy là bộ chiêng thứ hai được đưa về làng, cũng từ những đồng tiền chắt chiu từ việc làm thuê của thanh niên trong làng. Việc mua chiêng, học đánh chiêng của thanh thiếu niên làng Jun diễn ra âm thầm cho đến một ngày, nhiều buôn làng trong huyện được phen vỡ òa khi xem đội chiêng làng Jun trình diễn. Đó là lần đầu tiên thanh niên làng Jun tham gia liên hoan cồng chiêng, và hoàn toàn chinh phục tất cả những ai có mặt để giành giải nhất. Anh Đinh Nhất-thanh niên trong làng cho hay: “Sau này, ở những liên hoan cồng chiêng hay giao lưu văn hóa, đội chiêng của làng luôn đứng vị trí đầu. Cồng chiêng giờ không thể thiếu trong cuộc sống của thanh niên, từ sinh hoạt Đoàn đến đám cưới, lễ hội… đều nhờ tiếng chiêng mà vui hơn”. Còn già làng Đinh Bre tự hào: “Lũ trẻ thuộc khá nhiều bài nhạc chiêng truyền thống, bây giờ đứa lớn có thể dạy lại cho đứa bé rồi”.

Tiếng chiêng ở làng Jun đã vang xa đến nhiều buôn làng khác trong vùng. Làng Bung Bang, Krối, Jro Dơng… học tập làng Jun, tổ chức nhiều hoạt động gây quỹ mua chiêng. Đến nay, cả 15 làng của xã đều có đội cồng chiêng thanh niên. Hiện toàn tỉnh có hàng chục chi đoàn tự gây quỹ mua chiêng, thành lập 257 đội cồng chiêng thanh thiếu niên.

Nhà rông thanh niên

Thanh niên góp sức người, sức của làm nhà rông không còn là chuyện hiếm ở nhiều buôn làng. Ở các xã xã Ya Ma, Yang Nam, Sơ Ró, An Trung, Kông Yang và thị trấn Kông Chro (huyện Kông Chro) có những nhà rông truyền thống mang đậm dấu ấn của thanh niên. Cách đây nhiều năm, khi xã Yang Nam chuẩn bị làm dựng rông thanh niên, nhiều người cảm động với cách làm của những thanh niên có hoàn cảnh rất khó khăn này thực hiện. Không có tiền để quyên góp, vì thế, dưới sự chỉ dẫn của “thủ lĩnh” Đoàn Siu Drênh, trong gần nửa năm, không kể nắng mưa, họ phân công nhau vào rừng kiếm nguyên vật liệu. “Đến lúc chuẩn bị dựng nhà, chúng tôi phải đi tìm già làng uy tín nhờ cậy vì muốn dựng một ngôi nhà rông đúng kiểu truyền thống”-anh Siu Drênh kể. Ngôi nhà rông không lớn, nhưng không lúc nào ngơi bước chân lũ trẻ. Siu Drênh tự hào khi chính nơi này, những giá trị về văn hóa truyền thống được thế hệ trẻ của xã phát huy. Nhiều thanh niên còn thường xuyên lên nhà rông đan lát, học đánh cồng chiêng, hát dân ca.

Ở các buôn làng ở Chư Pah, Đak Pơ, Kbang… ngày càng nhiều công trình nhà rông mang đậm dấu ấn thanh niên. Đặc biệt, năm 2012, ông trình nhà rông ở làng H’ven của tuổi trẻ huyện Đăk Pơ được chọn là một trong những công trình thanh niên tiêu biểu của tỉnh. Ở những vùng sâu, vùng xa, nơi nhiều thanh niên có hoàn cảnh khó khăn nhưng với ý thức gìn giữ, gắn bó với các giá trị văn hóa truyền trống đã giúp họ có những cách làm riêng, tạo nên những giá trị riêng của tuổi trẻ.

Lớp học đặc biệt

Nhiều nghệ nhân, già làng từng ưu tư về sự thờ ơ với văn hóa truyền thống của một bộ phận người trẻ. Tuy nhiên ở làng Mơ H’ra-xã Tơ Tung (huyện Kbang) hàng tuần vẫn duy trì lớp học khá đặc biệt- học cách giữ gìn, trân quý giá trị văn hóa truyền thống. Nghệ nhân Đinh Trân giải thích: “Đây là lớp học cồng chiêng của làng. Hôm nay mình tập cho lũ trẻ một bài nhạc chiêng mới để chuẩn bị đi giao lưu”. Có lẽ lớp học đã được duy trì khá lâu nên mọi thứ đều trật tự. Đội chiêng trẻ của làng khá đa dạng, từ những em mới 6-7 tuổi đến những chàng trai cô gái 16-17 tuổi. Con trai học đánh chiêng, con gái tập từng động tác xoang. Nghệ nhân già tỉ mỉ, kiên trì chỉ đừng động tác cho các em nhỏ mới lần đầu cầm chiêng. Thỉnh thoảng, ông dỏng tai nghe bài chiêng từ đám thanh niên đang chơi để kịp điều chỉnh khi ai đó lạc nhịp. Nghệ nhân Đinh Trân cho hay:  “Mình dạy chiêng cho lũ trẻ trong làng nhiều năm rồi, hết lớp này lại có lớp khác, chỉ vì thích mà làm thôi. Lũ trẻ rất “ham” chiêng nên nhiều khi mình phải bỏ rẫy để dạy chiêng cho chúng”. Đội chiêng trẻ của làng dưới sự chỉ dạy của những nghệ nhân như Đinh Trân và một số già làng đã đánh thạo nhiều bài nhạc chiêng truyền thống trong lễ hội.

Đây cũng không phải lần đầu chúng tôi có mặt trong những lớp học đặc biệt như thế. Ở làng Bơ Yang-thị trấn Kông Chro (huyện Kông Chro) từ nhiều năm nay, nghệ nhân Đinh Glich vẫn  miệt mài với việc truyền dạy cồng chiêng cho các thế hệ trẻ trong làng. Đội chiêng trẻ của làng đã gây không ít ngạc nhiên cho những người quan tâm đến văn hóa truyền thống bởi khả năng trình diễn điêu luyện, từng được chọn trình diễn trong Festival cồng chiêng quốc tế tại Gia Lai năm 2009. Với những nghệ nhân như Đinh Trân, Đinh Glich, thái độ của lớp con cháu với cồng chiêng chính là động lực để họ “tiếp lửa” tình yêu với văn hóa truyền thống mà không đòi hỏi sự đáp đền.

Môi trường “sống” của di sản


Nhiều ý kiến cho rằng, muốn bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, không thể bỏ qua vai trò của thế hệ trẻ. Trong nỗ lực gìn giữ, phát huy các giá trị ấy, ngoài việc khuyến khích các địa phương thành lập đội chiêng trẻ, truyền dạy cồng chiêng. Nhiều năm qua, Tỉnh đoàn dành sự quan tâm đến công tác phối hợp với ngành giáo dục-đào tạo, ngành văn hóa, thể thao, du lịch trang bị cồng chiêng, truyền dạy cồng chiêng cho học sinh dân tộc thiểu số tại các trường dân tộc nội trú. Một số huyện đã tổ chức liên hoan, hội diễn nghệ thuật cồng chiêng dành cho học sinh như Đak Đoa, Chư Pah…Cùng với đó, một số làng nghề truyền thống dành cho thanh niên cũng được hỗ trợ để duy trì như làng nghề dệt thổ cẩm ở làng Nghe Lớn-Kông Chro, truyền nghề dệt thổ cẩm cho nữ thanh niên ở Gla-Đăk Đoa…

Dòng chảy văn hóa của người bản địa Tây Nguyên đến hôm nay đã có nhiều biến đổi. Cồng chiêng, các loại nhạc cụ, nghề thủ công truyền thống không thể sống trong không gian nguyên thủy, thay đổi để có hình thức tồn tại phù hợp hơn. Nhìn vào những nỗ lực của thế hệ trẻ, lạc quan tin vào điều này: dù biến đổi, những giá trị đẹp đẽ kết tinh từ hàng ngàn năm qua vẫn sẽ được gìn giữ, phát huy, tiếp tục sáng tạo những giá trị mới.