Công đoàn Trung ương Đoàn: Hội nghị tuyên truyền Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 2013

15:05 26/04/2014     1845

Công tác giáo dục   Web.ĐTN: Đây là hoạt động mở đầu Tháng công nhân - Công đoàn 201, chào mừng 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, 114 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và hướng tới chào mừng 20 năm thành lập Công đoàn Viên chức Việt Nam, 85 năm thành lập Công đoàn Việt Nam.
Ban Thường vụ Công đoàn cơ quan Trung ương Đoàn đã tổ chức Hội nghị tuyên truyền Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam vào sáng ngày 26/4 tại Học viện TTN Việt Nam, Hà Nội.

Dự Hội nghị có Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn Nguyễn Mạnh Dũng; Công đoàn Viên chức Việt Nam; cùng các đồng chí là ủy viên BCH, ủy viên Ủy ban kiểm tra, Ban nữ công Công đoàn, Ban thanh tra nhân dân và toàn thể cán bộ công chức khối phong trào, Văn phòng Trung ương Đoàn, Văn phòng Đảng ủy – Công đoàn – Đoàn thanh niên cơ quan; Văn phòng Ủy ban quốc gia về Thanh niên Việt Nam.
a
Chủ tịch Công đoàn cơ quan Trung ương Đoàn Trần Thị Bích Ngọc phát biểu tại Hội nghị

g
Đông đảo cán bộ công chức, viên chức, lao động cơ quan về dự Hội nghị

Đồng chí Trần Thị Bích Ngọc - Ủy viên BCH Công đoàn Viên chức Việt Nam, Chủ tịch Công đoàn cơ quan Trung ương Đoàn cho biết, mục tiêu để toàn thể cán bộ công chức, viên chức, lao động cơ quan nắm rõ, đầy đủ nội dung cơ bản của Hiến pháp nhằm chấp hành tốt Hiến pháp, là công dân gương mẫu “Sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật”.


Tại Hội nghị đã được đồng chí TS Nguyễn Sĩ Dũng – Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội giới thiệu những nội dung cơ bản và những điểm mới của Hiến pháp năm 2013.

Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được thông qua ngày 28/11/2013 tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII. Bản Hiến pháp đã được Chủ tịch nước ký lệnh công bố và có hiệu lực từ ngày 01.01.2014.

h
TS Nguyễn Sĩ Dũng – Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội giới thiệu những nội dung cơ bản của Hiến pháp năm 2013

j
Đại diện các Ban, đơn vị của Trung ương Đoàn tham dự Hội nghị

Hiến pháp với bố cục 11 Chương, 120 Điều, giảm 1 chương và 27 điều so với Hiến pháp năm 1992. Hiến pháp là văn kiện đặc biệt quan trọng, là đạo luật cơ bản, đạo luật gốc của Nhà nước.

Hiến pháp thể hiện ý chí của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân; là cơ sở chính trị - pháp lý vững chắc cho công cuộc xây dựng, bảo vệ, phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước ta trong thời kỳ mới. Việc triển khai quán triệt và thi hành Hiến pháp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của toàn đảng, toàn dân, toàn quân ta. Các điểm mới của Hiến pháp đó là Về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; các vấn đề về kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường;Về bộ máy Nhà nước; Về bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN…

Hiến pháp năm 2013 đã được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, chắt lọc, tiếp thu được nhiều ý kiến đóng góp xây dựng của nhân dân, của các vị đại biểu Quốc Hội, các chuyên gia, nhà khoa học; đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu đề ra đã phản ánh được ý chí nguyện vọng của nhân dân, phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế trong thời kỳ mới.

Đây cũng là bản Hiến pháp vừa kế thừa được giá trị to lớn của các bản Hiến pháp năm 1946, năm 1959, 1980 và năm 1992 vừa thể chế hóa các quan điểm, phương hướng phát triển đã được khẳng định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội. Đặc biệt, trong Hiến pháp năm 2013 đã thể hiện rất rõ việc Nhà nước ta tôn trọng thực hiện các điều ước quốc tế nói chung, đồng thời Hiến pháp 2013 cũng thể hiện tầm quan trọng của quyền con người, đảm bảo phù hợp với các điều ước quốc tế về quyền con người mà nước ta tham gia ký kết; thể hiện rõ bản chất dân chủ của Nhà nước ta. Hiến pháp tiếp tục khẳng định “ Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển, nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc; Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt; các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình; Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước”. Đây cũng là điểm mới quan trọng so với Hiến pháp năm 1992.

Hội nghị lần này cũng dành thời gian để các đại biểu nêu câu hỏi trao đổi nhằm hiểu hơn những điều, nội dung của Hiến pháp năm 2013.

Thông qua Hội nghị là dịp để mỗi cán bộ công chức, viên chức, lao động trong cơ quan tiếp tục tuyên truyền trong nhân dân, trong gia đình, trong xã hội để mọi người cùng biết, thực hiện tốt Hiến pháp, để Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đi vào đời sống.