Cần Thơ: Đoàn viên thanh niên tham gia xây dựng nếp sống văn hóa

09:11 19/04/2014     1478

Công tác giáo dục   Web.ĐTN: Đoàn viên thanh niên (ĐVTN) là lực lượng tiên phong các hoạt động văn hóa - xã hội của cộng đồng, trong đó có việc xây dựng bản sắc văn hóa dân tộc nói chung và xây dựng nếp sống văn hóa nói riêng.
Dưới sự tác động của quá trình hội nhập, nhiều thanh niên đã xây dựng cho mình bản lĩnh trong lập thân, lập nghiệp, qua đó góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa gia đình, dân tộc. Tuy nhiên, vẫn còn không ít bạn trẻ đang mất phương hướng…

 Lập thân, lập nghiệp để góp phần xây dựng nếp sống văn hóa

Đi làm mới được vài tháng nhưng Võ Ngọc Anh Thư (Bí thư Chi đoàn khu vực Phú Thuận A, phường Tân Phú, quận Cái Răng) cho biết đã dần quen với công việc ở nhà thuốc. Dù mỗi tháng thu nhập của Thư chưa tới 3 triệu đồng nhưng chính công việc đã giúp Thư thấy mình tự tin hơn. Anh Thư kể: “Sau khi tốt nghiệp cấp III, do sức khỏe kém nên tôi ở nhà phụ giúp cha mẹ công việc nhà. Tuy nhiên, sau đó, nghĩ mình còn trẻ, còn nhiều cơ hội khẳng định bản thân nên tôi xin gia đình đi học tiếp”. Được sự động viên của cha mẹ, Anh Thư thi và được xét tuyển vào trung cấp chuyên nghiệp ngành Dược sĩ của Trường Đại học Tây Đô. Sau thời gian đi làm, hiện nay, Anh Thư đang chuẩn bị học liên thông lên cao đẳng. Anh Thư cho biết: “Đối với tôi, việc học tiếp không chỉ là muốn khẳng định mình mà là cách để tôi xây dựng bản lĩnh, xây dựng nếp sống văn hóa ngay tại địa phương”.
Theo nhiều cán bộ Đoàn, khi có nghề nghiệp ổn định, ĐVTN mới giảm bớt nguy cơ vi phạm pháp luật, sa vào tệ nạn xã hội. Trong ảnh: Sau nhiều năm làm thuê, anh Nguyễn Quốc Dũng (quận Ô Môn) đã quyết định đầu tư cơ sở vật chất để sản xuất tôm giống với sự hỗ trợ của Đoàn phường Thới Long.
Theo nhiều cán bộ Đoàn, khi có nghề nghiệp ổn định, ĐVTN mới giảm bớt nguy cơ vi phạm pháp luật, sa vào tệ nạn xã hội. Trong ảnh: Sau nhiều năm làm thuê, anh Nguyễn Quốc Dũng (quận Ô Môn) đã quyết định đầu tư cơ sở vật chất để sản xuất tôm giống với sự hỗ trợ của Đoàn phường Thới Long.

Giới thiệu với chúng tôi về mô hình sản xuất giống tôm càng xanh, anh Nguyễn Quốc Dũng (khu vực Thới Hòa 2, phường Thới Long, quận Ô Môn) phấn khởi cho biết: “Mấy năm qua, tôi chủ yếu đi làm thuê. Nay được làm chủ mô hình sản xuất tôm, tôi rất tự hào”.

Năm 2004, sau khi học xong trung cấp thủy sản, anh Dũng đi làm thuê khắp nơi bằng nghề ép cá giống. Dù thu nhập cao nhưng lúc nào Dũng cũng nung nấu ý chí làm chủ, tự khẳng định mình. Trong mấy năm làm thuê, anh Dũng luôn học tập, tích lũy kinh nghiệm và bây giờ đã trở thành thanh niên sản xuất giỏi ở phường Thới Long.

Xây dựng nếp sống văn hóa đối với ĐVTN phường Thới Long không chỉ là xây dựng một thế hệ thanh niên chí thú làm ăn mà còn là nhân rộng nhiều tấm gương ĐVTN hiếu thảo. Điển hình như Phan Văn Sung, 23 tuổi, khu vực Thới Xương 1, dù bận việc đồng áng, vườn tược nhưng mỗi khi cha mẹ đi làm về, Sung luôn quan tâm thăm hỏi, chăm sóc cha mẹ. Sung cho biết: “Vì hoàn cảnh nên học xong lớp 9 thì tôi nghỉ, ở nhà làm nghề nông phụ giúp cha mẹ. Tôi cho rằng làm nhiều việc thiện cũng không bằng lo báo hiếu cha mẹ mình. Mình học ít nhưng sống có tình, có nghĩa thì bà con chắc chắn ai cũng quí mến…”.

Anh Võ Thái Giúp, Bí thư Đoàn phường Thới Long, cho biết: Những năm qua, Đoàn phường đã triển khai nhiều kế hoạch xây dựng đời sống văn hóa, nếp sống văn hóa trong ĐVTN, như: phát động tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường, tuyên truyền phổ biến pháp luật... Song song đó, Đoàn phường cũng xây dựng nhiều Câu lạc bộ (CLB) “Ông bà cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo”. Hằng tháng, hằng quý, Ban Chủ nhiệm CLB đều tuyên truyền về các chuẩn mực đạo đức của người Việt Nam, gương gia đình hạnh phúc, con cháu hiếu thảo. Qua đó, đã góp phần xây dựng đời sống văn hóa mới tại các khu vực. “Chúng tôi cũng tạo điều kiện giới thiệu việc làm, vay vốn để ĐVTN lập thân, lập nghiệp nhằm hạn chế tình trạng thanh niên nhàn rỗi, dễ vi phạm pháp luật” - anh Giúp cho biết. Theo anh Trần Minh Tiến, Bí thư Đoàn phường Tân Phú (quận Cái Răng), ĐVTN phường đều đăng ký các danh hiệu xây dựng gia đình văn hóa, không vi phạm pháp luật, không dính vào tệ nạn xã hội... Mới đây, Đoàn phường vừa ra mắt CLB Dân vũ với 30 thành viên nhằm tạo sân chơi bổ ích, lành mạnh, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của ĐVTN.

Nếp sống văn hóa bắt nguồn từ bản lĩnh văn hóa

Thời gian qua, dư luận rất quan tâm đến tình trạng thanh thiếu niên có những hành vi thiếu văn hóa, như: chửi mắng cha, mẹ, ông, bà; ăn mặc nhố nhăng, phản cảm; sa ngã vào tệ nạn xã hội… Ngoài ra, nhiều bạn trẻ đã vi phạm pháp luật với số lượng nhiều và ngày càng manh động, tàn nhẫn. Từ thực tế trên, anh Võ Thái Giúp, Bí thư Đoàn phường Thới Long, cho rằng: Có nhiều nguyên nhân để các bạn trẻ không tuân theo các chuẩn mực đạo đức, văn hóa - xã hội như không được sự quan tâm của cha mẹ, môi trường sống không lành mạnh. Một số thanh niên trình độ còn hạn chế nên việc tiếp cận với những chuẩn mực đạo đức cũng gặp nhiều khó khăn. Theo anh Giúp, để góp phần xây dựng đời sống văn hóa, ĐVTN cần xây dựng bản lĩnh vững vàng trước những thách thức, khó khăn của cuộc sống. Đặc biệt, phải phát triển nghề nghiệp ổn định. Bởi chỉ có ổn định nghề nghiệp các bạn mới có thể giúp đỡ gia đình, tránh bị lôi kéo vào tệ nạn xã hội.

Theo anh Trần Minh Tiến, Bí thư Đoàn phường Tân Phú, phải có sự chung tay của các đoàn thể, nhà trường và nhất là gia đình để làm thay đổi nhận thức của ĐVTN trong xây dựng đời sống văn hóa. Bởi nhiều bạn trẻ lệch khỏi chuẩn mực đạo đức xã hội do ảnh hưởng từ hoàn cảnh gia đình. Anh Tiến kể, anh từng gặp một học sinh do buồn chuyện cha mẹ ly hôn mà bỏ học, vi phạm pháp luật khi mới học lớp 7. Lúc đó, Đoàn phường đã liên hệ với Ban Giám hiệu trường xin cho em đi học lại. Đồng thời, Đoàn phường cũng gặp gỡ gia đình khuyên bảo nhằm tạo điều kiện cho em phấn đấu. Đến nay, em đã có nhiều tiến bộ trong học tập. Theo anh Tiến, tổ chức Đoàn cần quan tâm, định hướng cho ĐVTN thấy được vai trò trách nhiệm trong xây dựng nếp sống văn hóa, đời sống văn hóa. Sự quan tâm của tổ chức Đoàn nếu sát sao sẽ giúp nhiều ĐVTN tránh khỏi con đường phạm tội, trở thành đối tượng cá biệt…

Hiện nay, một bộ phận thanh niên địa bàn dân cư vẫn còn hạn chế nhận thức về pháp luật, xây dựng đời sống văn hóa nên phạm tội khi còn rất trẻ. Từ thực tế đó, thời gian qua, tổ chức Đoàn các địa phương đã tích cực trong việc tuyên truyền giáo dục cho thanh niên hoàn lương, có nguy cơ vi phạm pháp luật. Một số nơi còn xây dựng mô hình theo dõi, nắm danh sách các thanh niên có nguy cơ vi phạm pháp luật để phối hợp với Công an tuyên truyền, vận động. Anh Lê Văn Hoàng, quyền Bí thư Quận đoàn Cái Răng, cho rằng: “Các cá nhân có suy nghĩ, xuất thân tuy khác nhau nhưng điểm chung trong xây dựng đời sống văn hóa là phải học tập, noi gương sáng để vun bồi đạo đức, lối sống cho mình”. Trong khi đó, anh Phạm Văn Hậu, Phó Bí thư Quận đoàn Ô Môn, cho rằng: Quan tâm, định hướng cho giới trẻ trước sự xuất hiện ngày càng nhiều của các trào lưu cũng là điều Đoàn cần quan tâm. Bởi không được định hướng thì nhiều bạn trẻ không phân biệt những gì phù hợp với văn hóa truyền thống của dân tộc. Bên cạnh đó, tổ chức Đoàn cần tuyên truyền bằng những tấm gương tiêu biểu, mẫu mực trong học tập, sản xuất, giúp ĐVTN tự phấn đấu, xây dựng nhân cách sống.