Cán bộ Đoàn tỉnh Bình Dương “Gương mẫu - Sáng tạo - Trách nhiệm - Sâu sát cơ sở”
09:49 19/02/2020 1046
Công tác giáo dục Web.ĐTN: Sau 1 năm thực hiện Kết luận số 06 của Hội nghị lần thứ 6 BCH T.Ư Đoàn khóa XI, Bình Dương đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, góp phần xây dựng hình ảnh, tác phong cán bộ Đoàn theo hướng “Gương mẫu, sáng tạo, trách nhiệm, sâu sát cơ sở”.
Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn đã kịp thời quán triệt Kết luận 06 gắn với thực hiện “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đến đội ngũ cán bộ Đoàn chủ chốt các cấp; cụ thể hóa thành tiêu chí cụ thể "Gương mẫu, sáng tạo, trách nhiệm, sâu sát cơ sở”. Định kỳ tổ chức các lớp bồi dưỡng theo chức danh, các lớp cập nhật kiến thức và thông tin mới cho cán bộ Đoàn toàn tỉnh. Quán triệt và thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức và hoạt động của Đoàn, sau mỗi hoạt động trọng tâm đều có đánh giá, rút kinh nghiệm và công khai kết quả đánh giá, rút kinh nghiệm đến từng đồng chí.
Các cấp bộ Đoàn đã quán triệt và tuyên truyền “Những điều nên làm” (Xung kích, Trách nhiệm, Gương mẫu, Trung thực, Sáng tạo, Thân thiện, Thường xuyên học tập, Tích cực rèn luyện kỹ năng) và “Những điều không nên làm” (Phát ngôn không đúng; Làm việc hình thức, đối phó; Quan liêu, hành chính hóa; Thiếu khiêm tốn, cầu thị; Không chấp hành kỷ luật; Thiếu tinh thần đoàn kết; Thiếu ý chí đấu tranh; Thiếu giữ gìn chuẩn mực trong lối sống”) đến từng đồng chí cán bộ Đoàn, xem đó là những chuẩn mực đạo đức, tác phong cần rèn luyện mỗi ngày gắn chặt chẽ với việc tư phê bình và phê bình, nêu gương trong công việc và lối sống, chống các biểu hiện “tự chuyển biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, góp phần xây dựng Đoàn, xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Từ đó, cán bộ Đoàn toàn tỉnh đã ý thức cao trong việc rèn luyện theo tiêu chí của tỉnh.
Đa số cán bộ Đoàn gương mẫu trong việc chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Điều lệ, quy định của Đoàn, Hội, Đội, nội quy, quy định, kỷ luật của cơ quan, đơn vị nơi công tác và quy định của địa phương nơi cư trú; trong thực hiện tự phê bình và phê bình; trong thực hiện giờ giấc hội họp (đi đúng, đủ thành phần, đúng giờ, vắng mặt hoặc trễ phải thông tin trước lý do); trong tác phong, giao tiếp, giữ gìn đạo đức người cán bộ Đoàn trong công việc và trong cuộc sống hằng ngày. Không nói, viết không đúng Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, Nghị quyết, chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Điều lệ quy định của Đoàn, Hội, Đội. Không nói, viết không đúng sự thật, phát ngôn những việc mình không nắm rõ, không thuộc thẩm quyền phát ngôn, vi phạm quy định về bảo quản tài liệu, văn bản theo chế độ “Mật”, những nội dung chưa được phép phát ngôn, tán phát; nói, viết, góp ý về công việc, về người khác thiếu tính xây dựng; không đúng lúc, không đúng chỗ. Không lợi dụng việc phát ngôn, nhân danh việc góp ý, giám sát, phản biện để đã kích, vu cáo, nhận xét, đánh giá tùy tiện đối với người khác. Không vì lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân mà làm ảnh hưởng, tổn hại đến lợi ích chung của tổ chức, tập thể. Không lạm dụng việc uống bia, rượu, đồ uống có cồn, sử dụng các chất kích thích khác trước, trong giờ làm việc.
Nhiều cán bộ Đoàn có tư duy đổi mới, cập nhật theo xu hướng, đột phá, sáng tạo trong từng nội dung công việc, cách thức tổ chức hoạt động Đoàn, Hội, Đội. Tìm tòi, tổng kết thực tiễn, đề xuất các mô hình, giải pháp hay, cách làm hiệu quả để nâng cao hiệu quả công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi tại đơn vị và nhiệm vụ chính trị do lãnh đạo địa phương, đơn vị phân công. Cán bộ Đoàn là cán bộ, công chức, viên chức có đề tài, sáng kiến kinh nghiệm được công nhận hằng năm.
Từng đồng chí xác định rõ Trách nhiệm với bản thân: Nghiêm khắc với chính mình, giữ gìn phẩm chất trong sáng, lối sống đẹp; thường xuyên rèn luyện thể chất, giữ gìn sức khỏe để học tập, công tác. Trách nhiệm với công việc: Tiếp nhận đầy đủ chủ trương công tác; suy nghĩ tích cực, toàn diện và thận trọng; có tinh thần trách nhiệm cao, đeo bám quyết liệt, đảm bảo tiến độ các công việc được giao; chủ động tham mưu, xử lý các công việc thuộc thẩm quyền được phân công; thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, đánh giá; thẳng thắn, dám chịu trách nhiệm với những kết quả công việc do bản thân thực hiện. Trách nhiệm với đoàn viên, thanh thiếu nhi: Tích cực tham gia các hoạt động chăm lo, giáo dục, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, thanh thiếu nhi. Không triển khai, thực hiện công việc một cách sơ sài, “quan liêu”, có hoạt động nhưng không hiệu quả; báo cáo hoạt động, số liệu thiếu kiểm chứng, không đúng thực tế. Không triển khai chủ trương, kế hoạch, các mô hình, cách làm một cách rập khuôn đến cơ sở. Không dễ dãi trong công tác quản lý đoàn viên, hình thức trong đánh giá, quản lý và thực hiện các khâu trong công tác cán bộ không đúng quy định, quy trình, tiêu chuẩn. Không tham gia hội họp thiếu nghiêm túc, không đảm bảo giờ giấc công tác, vi phạm nội quy, quy định của cơ quan nơi công tác.
Đặc biệt, để sâu sát cơ sở, cán bộ Đoàn các cấp, nhất là cấp tỉnh, cấp huyện đảm bảo chế độ đi cơ sở, hiệu quả đi cơ sở là có giải pháp nâng cao chất lượng các chương trình, công trình, đề án, các hoạt động của Đoàn; thường xuyên gặp gỡ, nắm bắt tình hình đoàn viên, thanh thiếu nhi thuộc địa bàn, lĩnh vực mình phụ trách; gắn bó với cán bộ Đoàn, đoàn viên, thanh thiếu nhi, quan tâm, tiếp thu các ý kiến góp ý xây dựng tổ chức Đoàn, Hội, Đội và đối với cán bộ Đoàn để từ đó đề ra các chương trình, hoạt động cụ thể, thiết thực, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của đoàn viên, thanh thiếu nhi. Không ban hành quá nhiều văn bản, giấy tờ, nặng nề về tổ chức hội họp mà ít triển khai, đôn đốc, giám sát công việc.
Các cấp bộ Đoàn đẩy mạnh kiểm tra, giám sát việc thực hiện của cán bộ Đoàn thông qua bản đăng ký, kết quả thực hiện nhiệm vụ và đánh giá của cấp ủy và đoàn viên, thanh niên; đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền về các gương sáng, các mô hình hay, cách làm hiệu quả của cán bộ Đoàn các cấp trên các kênh thông tin của Đoàn, đặc biệt ứng dụng công nghệ thông tin và mạng xã hội, đưa những việc làm thiết thực, ý nghĩa của đội ngũ cán bộ Đoàn đến với động đảo thanh thiếu nhi và nhân dân trong và ngoài tỉnh. Nhiều hình thức tuyên truyền trực quan, sinh động, nhiều mô hình hay, nhiều gương cán bộ Đoàn đã được tuyên dương, khen thưởng kip thời, đặc biệt BTV Tỉnh Đoàn đã chú trọng nâng cao chất lượng các đợt tuyên dương khen thưởng định kỳ và tăng cường khen thưởng đột xuất đối với các thành tích tiêu biểu, đồng thời về tại cơ quan, đơn vị, địa phương nơi cán bộ Đoàn học tập, làm việc để gặp gỡ, động viên và tuyên dương, được sự ủng hộ rất lớn của cấp ủy, chính quyền địa phương, đơn vị và đoàn viên thanh thiếu nhi đánh giá cao.
Nhìn chung, qua 01 năm triển khai thực hiện Kết luận đã tạo nhiều chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ Đoàn các cấp. Đa số cán bộ Đoàn đều nhận thức rõ vai trò, nhiệm vụ của mình, xung kích, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ, gương mẫu trong công việc và đạo đức lối sống, tinh thần trách nhiệm cao, luôn cầu tiến, học hỏi không ngừng, luôn sâu sát, hướng về cơ sở và gắn bó mật thiết với đoàn viên, thanh niên, tạo động lực, truyền cảm hứng, là tấm gương sáng cho thanh thiếu nhi. Qua đó đã góp phần rất lớn trong đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Đoàn, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và tình hình thanh thiếu nhi Bình Dương. Tuy nhiên, vẫn còn một vài cán bộ Đoàn thiếu gương mẫu, sáng tạo, chưa thật sự nghiên cứu và nắm vững lý luận, chưa nắm chắc tình hình thực tế và năng lực cụ thể hóa, tính chủ động tham mưu và phối hợp còn hạn chế, việc kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện Kết luận có tập trung thực hiện nhưng chưa đồng bộ. Chính vì vậy, để thực hiện tốt hơn công tác này trong thời gian tới, các cấp bộ Đoàn, nhất là BTV, Thường trực Đoàn, Bí Thư Đoàn các cấp cần tiếp tục tập trung quán triệt Kết luận này và các văn bản chỉ đạo của BTV Tỉnh Đoàn cho cán bộ Đoàn cấp mình đăng ký thực hiện và có đánh giá thường xuyên theo định kỳ họp BCH, BTV Đoàn các cấp; đưa vào chương trình kiểm tra, giám sát của BTV Đoàn, Ủy ban kiểm tra của Đoàn các cấp về đạo đức, tác phong, lề lối làm việc của cán bộ Đoàn; tăng cường các kênh thông tin, đánh giá cán bộ Đoàn, nhất là thông qua cấp ủy lãnh đạo trực tiếp, thông qua đội ngũ cán bộ Đoàn, ĐVTN của địa phương, đơn vị; kịp thời tuyên dương, khen thưởng định kỳ và đột xuất đối với cán bộ Đoàn đạt thành tích xuất sắc...
Việc rèn luyện tác phong, thực hiện lề lối của cán bộ Đoàn trong bối cảnh hiện nay là việc làm rất quan trọng và cần thiết, cần làm thường xuyên, liên tục. Đề làm được điều đó, đòi hỏi các cấp bộ Đoàn phải có nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả, tạo động lực cho cán bộ Đoàn rèn luyện và trưởng thành, đồng thời kịp thời phát hiện, uốn nắn những hành vi thiếu chuẩn mực, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ Đoàn Tỉnh ngày càng vững mạnh, đủ sức lãnh đạo, định hướng, truyền cảm hứng cho đoàn viên, thanh thiếu nhi vững tin và tiếp bước theo con đường xã hội chủ nghĩa mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn./.
Nguyễn Thị Ngọc Xuân - Bí thư Tỉnh Đoàn Bình Dương Tweet