'Cán bộ Đoàn không phải công việc nhẹ nhàng' để thăng tiến

15:31 27/03/2021     5692

Công tác giáo dục   Cán bộ Đoàn phải trải qua quá trình rèn luyện, tích lũy, có sản phẩm ở từng vị trí công tác "chứ không phải là một công việc nhẹ nhàng, đơn giản, vào rồi cứ thế thăng tiến", theo Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn.

VnExpress phỏng vấn ông Nguyễn Anh Tuấn nhân kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26/3/1931–26/3/2021).

- Là Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, ông nghĩ như thế nào về lý tưởng của thanh niên hiện nay?

- Lý tưởng của thanh niên hiện nay là "xây dựng một đất nước Việt Nam hùng cường, theo định hướng xã hội chủ nghĩa".

Trước đây, cái tôi của thanh niên được đặt xuống, thậm chí đặt sang một bên vì mục tiêu, lý tưởng cao đẹp nhất là giành lại độc lập cho dân tộc; thì hiện nay, với sự đa dạng trong lĩnh vực, ngành nghề, địa bàn, nhận thức và sự đóng góp của thanh niên khác rất nhiều. Tùy với sở trường, năng lực của bản thân, thanh niên sẽ có đóng góp xây dựng đất nước khác nhau.

Đơn cử như doanh nhân là làm giàu cho bản thân, cho doanh nghiệp của mình, tạo công ăn việc làm và đóng góp cho ngân sách, làm giàu cho đất nước. Trí thức trẻ, nhà khoa học thì vươn đến những đỉnh cao mới của khoa học... Như vậy, biểu hiện cụ thể của lý tưởng thành những mục tiêu không giống như trước đây, nhưng mẫu số chung vẫn mong muốn phát triển một đất nước Việt Nam hòa bình, độc lập, giàu mạnh, hùng cường, phồn thịnh, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

 

Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn. Ảnh: Hoàng Phong

 

- Có quan điểm là hoạt động Đoàn còn nặng về "phong trào, hô hào, khẩu hiệu". Ông nghĩ sao?

- Nhận định này không phải là không đúng vì nó vẫn còn những biểu hiện của việc xơ cứng, hình thức, đánh trống bỏ dùi, hô hào. Cấp trung ương làm rất to tát, lễ lạt, số đông, ra quân rầm rộ, nhưng sức lan tỏa xuống đến cơ sở, tính rộng khắp, hiệu quả và bền vững thì không phải hoạt động nào cũng đạt được.

Những việc này Đoàn đều nhận thức được và chúng tôi đang cố gắng tiếp tục điều chỉnh để hoạt động của Đoàn thực sự hấp dẫn hơn, thu hút đoàn viên thanh niên hơn nữa. Mong muốn của bất cứ cán bộ Đoàn nào là làm sao để hoạt động do Đoàn thiết kế, tổ chức, tự thân phải có sức hấp dẫn với thanh niên, để họ tự tìm đến và tham gia với mình.

Bên cạnh việc khơi sức, phát huy, chúng tôi cũng chăm lo cho thanh niên để họ có điều kiện và cơ hội phát triển toàn diện cả về kiến thức, thể lực, trí tuệ, chuyên môn, kỹ năng. Khi tổ chức phong trào, thanh niên được trở thành chủ thể thực hiện chứ không phải mấy anh chị cán bộ Đoàn tổ chức ra rồi mời thanh niên đến xem, vỗ tay.

Thời đại ngày nay, thanh niên không nhìn thấy đóng góp của mình trong các hoạt động, không được khẳng định cái tôi, họ sẽ không tham gia và hoạt động của Đoàn sẽ mất đi sức hấp dẫn, trở nên xơ cứng.

Hiện nay Đoàn không thiết kế phong trào chung cho tất cả thanh niên mà trên cơ sở ba phong trào lớn là thanh niên tình nguyện, tuổi trẻ sáng tạo và tuổi trẻ xung kích bảo vệ Tổ quốc, xây dựng các phong trào nhánh cho từng nhóm, phù hợp với đặc điểm tâm lý, lứa tuổi, học thức, sức khỏe, vùng miền, nghề nghiệp.

- Nhiều người cho rằng làm cán bộ Đoàn là con đường thăng tiến nhanh nhất khi nhiều vị lãnh đạo các cấp trưởng thành từ Đoàn. Ông nói gì về điều này?

- Đây là việc hết sức bình thường, đúng với quy luật, bản chất của chế độ, đúng với chức năng, nhiệm vụ mà Đảng giao cho Đoàn - đó là đội hậu bị tin cậy của Đảng. Đội hậu bị tin cậy thì có ba chức năng quan trọng, đó là bổ sung nguồn sinh khí mới cho Đảng bằng cách giới thiệu những đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét kết nạp, để có những Đảng viên trẻ kế tục lớp đảng viên đi trước; thứ hai là bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; thứ ba là cung cấp cán bộ cho Đảng và hệ thống chính trị.

Như vậy, cung cấp cán bộ cho Đảng là nhiệm vụ của Đoàn, thế nên có chuyện cán bộ Đoàn phát triển thành lãnh đạo các địa phương cũng là điều hết sức tự nhiên, đúng quy luật.

Bên cạnh đó, theo quy chế cán bộ Đoàn, ở từng vị trí công tác khác nhau, cán bộ Đoàn đều tham gia vào công việc từ khi còn rất trẻ. Ví dụ 35 tuổi là Bí thư tỉnh Đoàn, theo cơ cấu sẽ tham gia cấp ủy, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh. Công việc của Đoàn về mặt tính chất là tổng hợp tất cả các lĩnh vực, từ tham gia phát triển kinh tế xã hội, giáo dục, đảm bảo quốc phòng an ninh, tham gia cấp ủy, Hội đồng nhân dân, tham gia vào các công việc quan trọng của địa phương, đất nước.

Những cán bộ đó nếu biết rèn luyện, học tập, tu dưỡng, tích lũy kiến thức và kinh nghiệm chuyên môn thông qua những công việc mà mình được phân công tham gia, thì sẽ tích lũy được đầy đủ bản lĩnh, kiến thức, kinh nghiệm, có nền tảng vững chắc để có thể xem xét, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử hoặc bầu cử vào những vị trí quan trọng khác trong địa phương.

- Được tham gia vào các cơ cấu quan trọng khi còn rất trẻ giúp cán bộ Đoàn trưởng thành, song một số trường hợp chỉ kinh qua công tác Đoàn thời gian ngắn rồi được bổ nhiệm vị trí khác. Thực tế này phản ánh điều gì, thưa ông?

- Như tôi nói ở trên, từ lúc 35 tuổi, là Bí thư Tỉnh đoàn, sau một thời gian rèn luyện ở các vị trí khác nhau, đến 45 tuổi, cán bộ đó đã có quá trình tích lũy dày dặn. Cả một thế hệ thanh niên ở lứa tuổi đó chỉ tìm ra người xuất sắc nhất để làm Bí thư tỉnh Đoàn. Sau 10 năm tích lũy, công tác, có sản phẩm ở những vị trí khác nhau, đến năm 45 tuổi họ đủ độ chín thì hoàn toàn có thể làm được vị trí lãnh đạo chủ chốt ở địa phương. Đó là việc hết sức bình thường, cơ bản trải qua quá trình rèn luyện, tích lũy, có sản phẩm ở từng vị trí công tác chứ không phải là một công việc nhẹ nhàng, đơn giản, vào rồi cứ thế thăng tiến.

Tất nhiên cũng có chỗ này, chỗ kia chưa quan tâm đúng mức đến việc rèn luyện, yêu cầu công việc cho cán bộ Đoàn. Cũng có hiện tượng tham gia công tác Đoàn một thời gian ngắn, lấy vị trí, sau đó chuyển qua các công việc khác mà chưa có đóng góp, sản phẩm, tích lũy cần thiết để có thể đảm đương tốt yêu cầu công việc. Nhưng chuyện này chỉ là thiểu số. Thực tế, trong công tác cán bộ, Trung ương Đoàn sẽ cố gắng phối hợp cấp ủy các địa phương, làm sao cho chặt chẽ, bài bản nhất, để thực hiện đúng và tốt nhất chức năng của mình là cung cấp cán bộ trẻ, có chất lượng cho hệ thống chính trị...

- Như ông nói cán bộ Đoàn phải trải qua quá trình rèn luyện mới được giao trọng trách. Vậy trong quá trình đó, những người trẻ như ông gặp thuận lợi, khó khăn ra sao?

- Đảng có nghị quyết 26 và có tư duy bài bản, lâu dài về việc phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng cán bộ trẻ; chính nhờ tư duy đó mới có lớp cán bộ như hiện nay. Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020-2025 có 27 người ở thế hệ 7X, tỷ lệ cán bộ trẻ trong cấp ủy các cấp cơ bản đều đạt mục tiêu đề ra. Chính sự quan tâm của Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban chấp hành Trung ương, cấp ủy các cấp với công tác cán bộ trẻ đã tạo ra môi trường đưa cán bộ trẻ vào thực tiễn công việc để rèn luyện.

Bên cạnh đó, cán bộ trẻ hiện nay được đào tạo rất bài bản, cả về trình độ chuyên môn, năng lực làm việc trong môi trường quốc tế cả về phương pháp công tác và học tập, kế thừa được rất nhiều từ các thế hệ cán bộ đi trước. Trong 5 năm qua, niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước được củng cố, từ đó nhân dân cũng quan tâm, tin tưởng hơn ở công tác cán bộ của Đảng, kỳ vọng và đặt niềm tin nhiều hơn ở cán bộ trẻ.

Chính sự kỳ vọng, đặt niềm tin đó đã tạo ra động lực, niềm tin nhưng cũng tạo ra sức ép để bản thân mỗi cán bộ trẻ phải nỗ lực, cố gắng hoàn thiện và làm tốt công việc của mình.

Bên cạnh thuật lợi, khó khăn đối với cán bộ trẻ cũng không ít. Người trẻ phải nhìn nhận ra những nguy cơ để phòng tránh. Khi thấy mình còn trẻ đã được trọng dụng đưa vào vị trí cao mà không nỗ lực trong tu dưỡng đạo đức, phương pháp làm việc, trình độ chuyên môn dẫn đến tự mãn, kiêu căng thì rất nguy hiểm. Thực tế đã có cán bộ trẻ như vậy và đã phải xử lý kỷ luật.

- Theo ông, nguy cơ lớn nhất với cán bộ trẻ là gì?

- Khi còn trẻ thì kinh nghiệm cuộc sống, những va vấp trong từng tình huống công việc cụ thể không thể tốt bằng những người đi trước. Để tránh sự bộp chộp, nóng vội trong việc đưa ra các quyết định lãnh đạo, quản lý thì cần phải rèn luyện, nhân sinh quan phải đa dạng, phong phú.

Cái nào không tích lũy được thì học hỏi, xin ý kiến các bậc tiền bối, những người đi trước để khắc phục. Nếu cứ nghĩ rằng mình được đào tạo bài bản, thế giới quan tốt lắm rồi, nhưng nhân sinh quan, thực tiễn chưa có mà không chịu học hỏi, không tìm kiếm những bài học thành công, thất bại của lịch sử để cùng với kiến thức mình được học để đưa ra những quyết định, thì sẽ có những sai lầm, nóng vội, thiếu chín chắn.

Cán bộ trẻ hiện nay cơ bản sinh ra sau chiến tranh, được sống, học tập trong môi trường thuận lợi hơn rất nhiều, cơ bản không phải chịu gian khổ, kể cả về sinh hoạt, ăn uống, học hành; thậm chí có nhiều người thuận lợi khi điều kiện gia đình tốt, bố mẹ chăm lo, được học những trường tốt nhất theo năng lực của mình nên tâm lý thụ hưởng cá nhân chắc chắn là sẽ có. Ai không kiểm soát được, thụ hưởng cá nhân quá đà thì dễ rơi vào xa hoa, thực dụng, dễ bị biến chất.

Đặc biệt, cám dỗ hiện nay của xã hội với cán bộ nói chung, nhất là cán bộ trẻ là rất lớn. Cái khó của cán bộ trẻ là không được trải nghiệm khó khăn trước đây để đủ bản lĩnh vượt qua cám dỗ đấy, nên phải luôn ý thức được, đối mặt với cám dỗ, không để nó nuốt mình. Khi vượt qua được rồi thì cán bộ trẻ mới công tâm, chính trực, làm tốt công việc của mình.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, sinh năm 1979, quê Thanh Hóa, tiến sĩ Quản lý kinh tế; công tác tại Trung ương Đoàn từ năm 2009, lần lượt giữ các chức vụ: Phó trưởng ban Thanh niên trường hoc, Bí thư Trung ương Đoàn rồi Bí thư thường trực Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam.

Trước đó, người tiền nhiệm của ông Nguyễn Anh Tuấn là ông Lê Quốc Phong (sinh năm 1978) đã được Bộ Chính trị chỉ định tham gia Ban chấp hành, Ban thường vụ tỉnh Đồng Tháp và được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp nhiệm kỳ 2020-2025.

 

 

Theo VnExpress