Tiếp cận và xử lý các biến chứng hô hấp của hậu COVID-19

14:19 21/03/2022     5002

Thanh niên tình nguyện   ĐTN: Trước thực tế nhiều người mắc phải hội chứng hậu COVID, ngày 20/3, Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam tổ chức hội thảo trực tuyến "Tiếp cận và xử lý các biến chứng hô hấp của hậu COVID-19", diễn ra tại Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh.

 

 

Theo các chuyên gia, hiện nay, nhiều bệnh nhân sau khi nhiễm COVID-19 đã gặp các triệu chứng tồn tại dai dẳng, thậm chí phải quay trở lại bệnh viện để điều trị. Các kết quả nghiên cứu cho thấy, có 33% -76% người bệnh có thể gặp triệu chứng hậu COVID-19 kéo dài ít nhất 6 tháng sau khi nhiễm bệnh, 20% người bệnh phải tái nhập viện; 80% người bệnh phải theo dõi tại cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu trong vòng 2 tháng sau xuất viện.

Bên cạnh đó, tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công bố định nghĩa chính thức đầu tiên về hội chứng hậu COVID-19 (post COVID-19 condition). Theo đó, tình trạng hậu COVID-19 xảy ra ở những người có tiền sử nhiễm bệnh với các triệu chứng và kéo dài ít nhất 2 tháng mà không thể giải thích bằng chẩn đoán thay thế. Tình trạng này có thể khiến sức khỏe người bệnh bị suy giảm kéo dài, có tác động nghiêm trọng đến khả năng quay trở lại làm việc hoặc tham gia cuộc sống xã hội. Hậu COVID-19 ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần thể chất và có thể gây ra những hậu quả kinh tế đáng kể cho bản thân, gia đình và cho xã hội.

Hội thảo với 5 chuyên đề tập trung vào các biến chứng hậu COVID liên quan đến hô hấp của các bệnh nhân đã nhiễm COVID-19 và khỏi bệnh. Tình trạng này có thể xuất hiện rất đa dạng, đồng thời cùng một lúc hoặc trong khoảng thời gian khác nhau, tuy nhiên triệu chứng trên hệ hô hấp phổ biến nhất bao gồm: Khó thở hoặc cảm giác hụt hơi; Ho kéo dài; Đau ngực. Xét nghiệm cận lâm sàng có thể gặp: rối loạn chức năng hô hấp, giảm độ khuếch tán phổi và hạn chế dung tích phổi.

Qua đây, các chuyên gia đã phân tích và đưa ra các biện pháp để người dân có thể tự nhận biết đồng thời đưa ra những lời khuyên bổ ích liên quan đến tự điều chỉnh chế độ nghỉ ngơi, rèn luyện sức khỏe, chế độ dinh dưỡng hợp lý và kiểm tra sức khỏe định kỳ, cũng như can thiệp y tế cần thiết khi bị hội chứng Hậu Covid.

Tại Hội thảo, nhiều luận điểm liên quan đến giảm thiểu các yếu tố nguy cơ cũng được đưa ra, bao gồm sử dụng các biện pháp giảm tác hại, thay thế đối với việc sử dụng rượu, bia, thuốc lá điếu đốt cháy và những lưu ý đặc biệt liên quan đến chăm sóc sức khỏe tâm thần. Theo đó, các nhóm ngành hàng, sản phẩm được xác định tác động lớn đến sức khỏe người sử dụng và cộng đồng đang có mặt ở nước ta như bia, rượu, nước ngọt hay thuốc lá cần phải ứng dụng những giải pháp giảm tác hại đặc biệt trong giai đoạn Hậu COVID.

Theo Thạc sĩ, dược sĩ Trương Văn Đạt, Phó Tổng thư ký Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam cho biết: Các hoạt động của Hội trong thời gian tới sẽ tập trung vào công tác chăm sóc sức khỏe Hậu COVID-19 , đặc biệt quan tâm tới khối đối tượng nguy cơ cao, Hội sẽ tiếp tục tổ chức các Hội thảo với các chuyên đề Hậu COVID và bệnh Ung thư, Đái tháo đường, Tim mạch và sức khỏe tâm thần, đồng thời sẽ sớm ra mắt Sổ tay chăm sóc sức khỏe hậu COVID cũng như tổ chức nhiều chương trình khám bệnh miễn phí, chăm sóc sức khỏe hậu COVID cho nhân dân trong năm 2022./.

 

Bảo Anh