Dãi nắng dầm sương ngăn đại dịch
10:56 29/09/2020 3063
Thanh niên tình nguyện Web.ĐTN: Trên tuyến biên giới đất liền và biển đảo dài hơn 260km với đặc thù khí hậu khắc nghiệt, ngay từ đầu năm nay, vừa thực hiện tất cả các mặt công tác Biên phòng, những người lính quân hàm xanh ở Quảng Trị còn chịu muôn vàn gian khó để ngăn đại dịch COVID-19.
Đội vũ trang Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo mật phục ngăn chặn tội phạm và đối tượng xuất nhập cảnh trái phép
Dãi dầu mưa nắng
Là một trong 7 chốt chống dịch của Đồn Biên phòng Hướng Lập, chốt 581 nằm cheo leo cách mực nước biển khoảng 700m trên địa bàn thôn Tà Păng, xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa. Chốt có bốn thành viên gồm 2 cán bộ Biên phòng là trung tá quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Nguyễn Quang An - phụ trách chốt và trung úy QNCN Hồ Văn Tri cùng công an viên xã Hồ Văn Xừng và dân quân Hồ Văn Thái, nước da người nào người nấy đều đen sạm vì dãi dầu mưa nắng nhiều tháng qua.
Vợ và con gái út đang ở nhà làm nghề tóc ở huyện Vĩnh Linh, trung tá An và con trai lớn đều chung màu áo Biên phòng. Anh kể: “Từ khi có dịch, tôi mới tranh thủ về thăm nhà được một lần vào giữa tháng 6. Con trai tôi năm nay 30 tuổi, hiện là nhân viên huấn luyện chó nghiệp vụ thuộc Đội Trinh sát đặc nhiệm của Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh”.
Trung tá An cho biết, nằm cách Đồn Hướng Lập 11km, chốt 581 được lập ra từ cuối tháng 2 năm nay và là chốt “2 không” (không điện, không nước sinh hoạt). Đường xá đi lại khó khăn, anh em trực chốt chỉ tranh thủ chốc lát chạy xe máy về Trạm Kiểm soát Biên phòng Cù Bai cách đó hơn 3km để lấy thực phẩm lên nấu ăn trong chiếc lán dã chiến rộng chưa đầy 10m2. Nước dùng ăn uống thì xin nhờ của bà con, tắm giặt thì anh em xuống con suối A Pai ở gần chốt. Rắn, rết, bọ cạp ở đây khá nhiều. Mới mấy hôm trước, trong lúc đi tuần tra, các anh “tóm” được hai con rắn hổ mai khá to ngay cạnh lán…
Trung úy QNCN Nguyễn Giai Hưng vo gạo nấu cơm trưa tại chốt chống dịch trên bến Cổ Thành
Là giảng viên Học viện Biên phòng đi thực tế tại Biên phòng Quảng Trị từ đầu năm 2019, thiếu tá Phạm Quang Lưu (hiện là Phó Đồn trưởng Nghiệp vụ Đồn Biên phòng Hướng Lập) chia sẻ: Chống dịch COVID-19, đơn vị thành lập 7 chốt cố định và 2 tổ cơ động thường xuyên tuần tra kiểm soát dọc tuyến biên giới dài hơn 28km và địa bàn hai xã Hướng Lập và Hướng Việt. Trong số 7 chốt cố định, chỉ duy nhất một chốt có điện và hai chốt có nguồn nước tạm dùng sinh hoạt được, còn lại đều là chốt “2 không”. Từ cuối tháng 7, khi Bộ Tư lệnh BĐBP ra lệnh kích hoạt lại mọi hoạt động phòng chống dịch, các tổ chốt đều được củng cố, tăng cường thêm lực lượng. Thiếu tá Lưu và một đồng cấp ở Đồn Hướng Lập cũng trực tiếp xuống nằm địa bàn chỉ huy hai cánh quân ở xã Hướng Lập và Hướng Việt.
Góc khuất hậu phương mùa dịch
Cách địa bàn Đồn Hướng Lập quản lý gần 30km, chốt chống dịch trên bến Cổ Thành (thôn Cổ Thành, xã Tân Thành, huyện Hướng Hóa) của Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo có hai QNCN là trung úy Nguyễn Giai Hưng và thiếu tá Trần Văn Tân. Khi chúng tôi đến chốt, trung úy Hưng đang lụi cụi vo gạo nấu cơm trưa, còn thiếu tá Tân thì đi tuần tra trên đoạn biên giới dài gần 1km. Bữa trưa đạm bạc của hai người lính trên chốt chỉ có nắm rau rừng cùng vài con cá khô nhỏ…
Năm nay vừa tròn 30 tuổi, Hưng đã có 12 năm quân ngũ và là nhân viên kiểm soát hành chính của Đồn tăng cường lên chốt. Thời tiết mùa này nóng nực vô cùng, mỗi khi đi tuần tra về, khắp người lại nhễ nhại mồ hôi. Cũng như ở chốt 581, mỗi khi chiều xuống, hai anh em lại thay nhau xuống sông Sê Pôn tắm giặt rồi lên tráng qua bằng một gáo nước đi xin của dân để sinh hoạt và nấu ăn. “Quê tôi ở huyện Triệu Phong, người yêu tôi ở huyện Cam Lộ. Chúng tôi hẹn hết dịch sẽ tổ chức đám cưới mà chưa biết đến bao giờ mới thực hiện được”, trung úy Hưng cười buồn và nói.
Với thượng úy QNCN Ngô Minh Trường (nhân viên Đội thủ tục Đồn Lao Bảo), đại dịch COVID-19 khiến anh và rất nhiều đồng đội đang trấn ải ngăn dịch ở mọi miền biên cương Tổ quốc không thể về nhà chăm lo hậu phương lúc hữu sự. Cuối tháng 3, con gái đầu lòng 4 tuổi của vợ chồng anh bị bệnh tim phải đưa vào tận TPHCM chữa trị, khi đó, chỉ có vợ và ông bà nội ngoại thay nhau vào bệnh viện chăm sóc cháu. “Nhiệm vụ của chúng tôi không thể dứt ra được, nhiều anh em khác còn có hoàn cảnh éo le hơn vợ chồng tôi rất nhiều mà cũng gác lại để trực gác trên biên giới. Được đồng đội trong đơn vị đóng góp hỗ trợ và thường xuyên động viên, tôi cảm thấy ấm lòng hơn. Nếu dịch đỡ căng, tôi sẽ xin phép cấp trên về đưa cháu đi tái khám”, thượng úy Trường chia sẻ.
Trao đổi với PV Tiền Phong, thượng tá Trần Tuấn Anh, Phó Chỉ huy trưởng, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 BĐBP Quảng Trị cho biết, những khó khăn nổi bật ở đây là tuyến biên giới đất liền dài, có nhiều bến sông, đường mòn qua lại biên giới; tình hình khí hậu diễn biến phức tạp; công tác triển khai các chốt phòng chống dịch dài ngày ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe cán bộ, chiến sỹ. Tính đến ngày 3/8, BĐBP tỉnh đã triển khai 116 tổ, chốt cố định và cơ động, với sự tham gia của hàng trăm cán bộ, chiến sĩ Biên phòng và dân quân, công an các xã biên giới để ngăn chặn hoạt động xuất nhập cảnh trái phép. Qua đó, đã phát hiện, bắt giữ và đưa đi cách ly tập trung 80 vụ/ 87 đối tượng nhập cảnh trái phép.
“Chúng tôi quyết định tạm dừng hoạt động qua lại biên giới tại các cửa khẩu phụ, bến sông, đường mòn trên tuyến biên giới đất liền từ ngày 3/2/2020. Đặc biệt là tăng cường công tác tuần tra kiểm soát địa bàn, khu vực biên giới nhằm ngăn chặn người xuất nhập cảnh và vận chuyển gia cầm, lợn trái phép”, thượng tá Trần Tuấn Anh nói.
Từ ngày 18/3 đến 2/8, lực lượng Biên phòng Quảng Trị đã trực tiếp và phối hợp với các lực lượng chức năng làm thủ tục nhập cảnh, đưa đi cách ly tập trung theo quy định đối với 13.552 trường hợp qua các cửa khẩu Lao Bảo và La Lay. Trong đó phần lớn là công dân thuộc các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Trị. Đồng thời phát hiện, xử lý 20 vụ/ 33 đối tượng xuất cảnh trái phép. |
Nguyễn Khang Tweet