Trà Vinh: Giải pháp hay trong công tác đoàn kết, tập hợp thanh niên nông thôn

09:35 23/03/2017     4390

Đại hội Hội LHTN Việt Nam nhiệm kỳ 2024-2029   Web.ĐTN: “Đoàn kết, tập hợp thanh niên thanh niên nông thôn” là chủ đề buổi tọa đàm nhân chuyến về nguồn của tuổi trẻ 02 tỉnh Trà Vinh và Vĩnh Long vừa diễn ra tại xã Tân An Hội, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long. “Góp tiếng nói chung” tại buổi tọa đàm, tuổi trẻ Trà Vinh có 02 ý kiến được các đại biểu đánh giá rất cao.
Anh Dương Hoài An (trái) và anh Võ Hoàng Nam
Anh Dương Hoài An (trái) và anh Võ Hoàng Nam


*Anh Dương Hoài Ân, Phó Bí thư Huyện Đoàn Trà Cú:


Trà Cú là địa phương đặc thù với tỷ lệ thanh niên (TN) dân tộc Khmer chiếm trên 25% dân số chung của huyện. Để thực hiện tốt công tác đoàn kết, tập hợp TN dân tộc trên địa bàn huyện, thời gian qua Huyện Đoàn Trà Cú có nhiều sáng kiến, giải pháp thiết thực nhằm tăng cường công tác đoàn kết tập hợp TN tôn giáo và dân tộc trên địa bàn thông qua những hoạt động thiết thực như: hỗ trợ TN học nghề, giới thiệu và giải quyết việc làm cho TN; phối hợp với ngân hàng Chính sách - Xã hội huyện thành lập 86 tổ vay vốn cho gần 3.000 hộ TN vay, với số tiền trên 32 tỷ đồng, góp phần giúp đoàn viên thanh niên (ĐVTN), đặc biệt TN vùng đồng bào dân tộc Khmer có điều kiện phát triển kinh tế gia đình, cải thiện đời sống; thành lập 24 mô hình TN sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, góp phần quan trọng vào việc đoàn kết tập hợp TN nói chung và TN dân tộc khmer nói riêng.

Do địa bàn đặc thù có tỷ lệ TN dân tộc khá cao, nên hàng năm nhân các ngày lễ, tết của đồng bào dân tộc như: tết cổ truyền Chol Chnam Thmây, Sêne Đônta, lễ hội Ok - Om - Bok... Đoàn, Hội thanh niên các cấp trong huyện kết hợp tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao và các trò chơi dân gian; thăm các vị chức sắc và cán bộ cốt cán trong vùng động bào dân tộc, tuyên dương cán bộ dân tộc tiêu biểu. Qua các phong trào trên, trong năm 2016 Trà Cú đã kết nạp 1.156 TN dân tộc vào tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Hội LHTN Việt Nam, nâng tổng số toàn huyện hiện nay có trên 11.200 đoàn viên, hội viên. Điển hình trong công tác này là thành lập Chi hội LHTN trong các chùa Khmer trên địa bàn huyện. Đến nay đã thành lập được 04 Chi hội trong các chùa Khmer có 64 hội viên là chức sắc tôn giáo tham gia sinh hoạt.

Để công tác đoàn kết tập hợp TN vùng dân tộc thiểu số và tôn giáo đạt được nhiều kết quả tốt, cần tăng cường một số giải pháp như:

1. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục các chủ trương, chính sách của Đảng và Pháp luật của Nhà nước, giúp cho TN nâng cao ý thức cảnh giác cách mạnh và tích cực tham gia đấu tranh chống lại chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, phát hiện và tố giác kịp thời các hoạt động chống phá cách mạng của tổ chức phản động; Phối hợp chặt chẽ với Mặt trận và các ban, ngành, đoàn thể giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. Vận dụng sáng tạo, triệt để tinh thần chỉ đạo trong các Nghị quyết của Đảng về công tác đoàn kết tập hợp TN dân tộc, tôn giáo của Đoàn, Hội.

2. Công tác đoàn kết tập hợp TN dân tộc chỉ có thể đạt kết quả tốt khi Đoàn, Hội tổ chức tốt các hoạt động chăm lo nhu cầu hợp pháp, chính đáng của TN, phải lấy thủ lĩnh làm nòng cốt. Bên cạnh các hoạt động thường xuyên do Đoàn, Hội tổ chức cần quan tâm chú ý các hoạt động đặc thù của TN dân tộc để có những sự hỗ trợ tích cực và phù hợp nhằm tăng cường uy tín và ảnh hưởng của tổ chức Đoàn, Hội đối với TN dân tộc, TN tín đồ tôn giáo.

3. Cần có sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của các cấp ủy Đảng để giúp cán bộ Đoàn, Hội làm công tác dân tộc, tôn giáo nâng cao nhận thức chính trị và nghiệp vụ công tác.

4. Gắn chặt công tác tuyên truyền với công tác củng cố cơ sở, tập trung cơ sở yếu kém, nơi có điểm nóng. Nắm và phân loại số lượng, chất lượng cán bộ, ĐVTN, lựa chọn cán bộ có đủ năng lực phẩm chất chính trị, trình độ và kỹ năng hoạt động và có uy tín với đoàn viên để giữ các chức vụ chủ chốt của Đoàn.

5. Tăng cường công tác xã hội hóa trong việc thực hiện công tác xóa đói, giảm nghèo trong vùng đồng bào dân tộc; qua đó vận động các tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp, hỗ trợ cho đoàn viên, thanh thiếu nhi an tâm học tập, lao động, phát triển sản xuất, ổn định kinh tế gia đình, thoát nghèo bền vững.

*Anh Võ Hoàng Nam, Phó Bí thư Huyện Đoàn Cầu Ngang:

Cầu Ngang là huyện ven biển có trên 39.000 TN, chiếm khoảng 28% dân số chung của huyện. Trong đó, TN nông thôn chiếm tỷ lệ gần 90%. Những năm trước đây, phần lớn TN trong độ tuổi lao động rời quê hương đi làm ăn xa, chỉ còn lại số ít TN đã lập gia đình ở lại lập nghiệp; trình độ của TN nông thôn còn thấp, trình độ tay nghề chưa đáp ứng kịp yêu cầu. Khi gánh nặng mưu sinh trở nên thường trực, khát vọng lập nghiệp bị ngăn trở bởi những khó khăn về vốn, khoa học kỹ thuật, trình độ học vấn... đã khiến nhiều người trẻ nản lòng. Đối với các hoạt động của Đoàn, Hội, TN tỏ ra không mấy mặn mà. Công tác tập hợp, đoàn kết TN từ đó cũng trở nên vô cùng khó khăn. Các tệ nạn xã hội như cờ bạc, số đề, gây mất trật tự an ninh địa phương có chiều hướng gia tăng...

Từ thực tế của công tác tập hợp, đoàn kết TN, được sự quan tâm sâu sát của lãnh đạo, cùng với sự phát triển chung của huyện, những năm gần đây tổ chức Đoàn - Hội trong toàn huyện đã có nhiều dấu hiệu khởi sắc. Huyện Đoàn Cầu Ngang xác định, phải đồng hành với TN, đáp ứng được nhu cầu, lợi ích của TN, từ đó sẽ tạo nên sức hút đối với TN tham gia các hoạt động của Đoàn, Hội. Giúp TN xây dựng mô hình phát triển kinh tế trên cơ sở những tiềm năng sẵn có của địa phương là hướng đi hiệu quả nhất.

Trước hết, Đoàn xã đứng ra làm khâu trung gian trong việc tham mưu với địa phương để tạo cho TN môi trường lập nghiệp, đồng thời phối hợp Ngân hàng - Chính sách xã hội huyện tạo điều kiện cho TN nghèo được vay vốn với lãi suất thấp và thời gian lâu dài, hướng dẫn và tư vấn cho ĐVTN cách thức tạo lập mô hình lập nghiệp. Nguồn vốn nhiều, đất đai rộng chưa bảo đảm cho sự thành công của các mô hình kinh tế mà cần có trình độ, kiến thức, kỹ năng trong quá trình thực hiện. Do vậy, Đoàn - Hội các cấp đã thường xuyên phối hợp các ban, ngành liên quan tổ chức các lớp tập huấn về phương pháp xây dựng mô hình kinh tế, chuyển giao nguồn vốn, phổ biến các kiến thức mới về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi... cho ĐVTN.

Hằng năm, Huyện Đoàn, Ủy ban Hội Liên hiệp TN huyện còn tổ chức gặp mặt các điển hình TN sản xuất, kinh doanh giỏi để biểu dương những gương TN vượt khó vươn lên lập thân lập nghiệp. Các mô hình kinh tế được TN huyện Cầu Ngang xây dựng khá đa dạng, gồm các mô hình tổ hợp tác kinh tế và mô hình kinh tế cá nhân trong ĐVTN đã mang lại hiệu quả cao, điển hình như mô hình tổ hợp tác trồng màu và nuôi bò sinh sản của Chi đoàn ấp Lạc Hòa, xã Thạnh Hòa Sơn; tổ hợp tác trồng ớt chỉ thiên Chi đoàn ấp Trà Kim, xã Thuận Hòa; mô hình nuôi dê sinh sản ấp Đồng Cò, xã Hiệp Mỹ Đông... đã góp phần quan trọng vào công tác đoàn kết, tập hợp TN trên địa bàn.

Bên cạnh đó, thông qua các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, các cấp bộ Đoàn từ huyện đến cơ sở đã tổ chức nhiều hoạt động hội thao, văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao... để thu hút đông đảo ĐVTN tham gia. Qua các hoạt động phong trào trong năm 2016 đã kết nạp được 2.853 đoàn viên, hội viên mới, nâng tổng số đến nay toàn huyện có 13.202 đoàn viên, hội viên.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng trong công tác đoàn kết, tập hợp TN trong thời gian tới, đặc biệt là TN nông thôn, Huyện Đoàn Cầu Ngang xây dựng một số giải pháp như:

1. Các cấp bộ Đoàn cần đẩy mạnh, tăng cường sự kết hợp với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và các ban ngành có liên quan đẩy mạnh các hoạt động giáo dục truyền thống, giáo dục pháp luật, rèn luyện đạo đức, lối sống lành mạnh cho thanh thiếu nhi; đặc biệt là tranh thủ vai trò, uy tín của cán bộ Đoàn - Hội trong việc tuyên truyền, vận động ĐVTN tham gia vào các tổ chức Đoàn.

2. Việc phối hợp với các ban ngành liên quan để hướng nghiệp dạy nghề và giới thiệu việc làm TN là việc làm quan trọng cần được duy trì thường xuyên.

3. Đội ngũ cán bộ Đoàn cơ sở chưa có phụ cấp công tác, nhiều khi họ cũng chấp nhận đi làm ăn xa, dẫn đến việc kiện toàn, bổ sung nhân sự ban chấp hành liên tục diễn ra đã ảnh hưởng đến chất lượng sinh hoạt. Vì thế, cần có sự vào cuộc, nghiên cứu, cân nhắc và quan tâm hỗ trợ phụ cấp đến đội ngũ cán bộ cấp chi Đoàn để họ an tâm, toàn ý cho công việc.

4. Cần nghiên cứu, xây dựng, tổ chức hướng dẫn, tập huấn về kỹ năng sinh hoạt Đoàn - Hội cho đội ngũ cán bộ Đoàn cơ sở thay cho những hình thức sinh hoạt đã trở nên quá quen thuộc, cũ kỹ và nhàm chán không thu hút được ĐVTN.

5. Trong sinh hoạt Chi Đoàn, đoàn cấp trên cơ sở cần xây dựng nội dung sinh hoạt hàng tháng, đồng thời cử cán bộ Đoàn xuống cùng tham gia sinh hoạt với Đoàn cơ sở.