Lễ khai giảng chưa từng có và một năm học đặc biệt bắt đầu

11:50 05/09/2021     1840

Công tác giáo dục   Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hàng triệu học sinh trên cả nước đã không thể đến trường dự lễ khai giảng năm học mới mà chỉ được nghe tiếng trống khai trường qua sóng truyền hình hay máy tính.

Sáng nay, 5/9, Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường. Nếu như những năm trước, học sinh cả nước sẽ quần áo chỉnh tề, tay cầm cờ hoa, nô nức đến trường dự ngày hội lớn nhất của năm học, cũng là ngày đầu tiên của năm học mới, thì năm nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 hàng triệu học sinh ở rất nhiều địa phương lại chỉ có thể dự lễ khai giảng năm học mới qua màn hình tivi, máy tính.

“Một lễ khai giảng chưa từng có và một năm học đặc biệt bắt đầu,” Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An Thái Văn Thành nói.

Lễ khai giảng chưa từng có 

Chia sẻ về việc quyết định tổ chức lễ khai giảng chung cho học sinh trong toàn tỉnh tại một điểm trường và phát sóng trên truyền hình, ông Thành cho hay đây là điều rất thiệt thòi nhưng buộc phải làm trong bối cảnh hiện nay, khi dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp.

 

Học sinh đại diện các trường của Thủ đô tham dự lễ khai giảng tại trường THCS Trưng Vương. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

 

“Toàn ngành giáo dục, bất cứ thầy cô nào, học sinh nào cũng mong chờ được dự lễ khai giảng đầu năm học mới, đặc biệt là các em học sinh đầu cấp. Tuy nhiên, chúng ta phải ưu tiên đảm bảo an toàn. Tại Nghệ An, chỉ những khu vực an toàn mới tổ chức lễ khai giảng trực tiếp, nhưng học sinh sẽ vẫn ngồi trong lớp học, chỉ những học sinh đầu cấp mới được dự khai giảng ở sân trường,” ông Thành chia sẻ.

Không chỉ riêng Nghệ An, cả nước có hơn 20 tỉnh thành chỉ có thể tổ chức lễ khai giảng trực tuyến hoặc qua truyền hình cho học sinh; trong đó có cả Thủ đô Hà Nội, nơi có đến trên 2,1 triệu học sinh, chiếm khoảng 10% tổng số học sinh của cả nước.

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố đã buộc phải tổ chức chung một lễ khai giảng cho học sinh và truyền hình trực tiếp trên sóng của Đài phát thanh và truyền hình Hà Nội, bắt đầu từ 7h30 sáng 5/9.

7h 30 lễ khai giảng mới bắt đầu, nhưng từ 6 giờ sáng, chị Nguyễn Thị Là (Hoàng Mai, Hà Nội) đã bị đánh thức bởi cậu con trai nhỏ Nguyễn Quang Anh. “Năm nay con tôi vào lớp 1. Cháu rất háo hức, cho dù không được đến trường. Chỉ dự khai giảng qua truyền hình nhưng cả nhà cũng tất bật chuẩn bị áo quần chỉnh tề cho con. Tôi cũng mong con có thể cảm nhận được niềm vui của ngày khai trường và bắt đầu một năm học mới, một chặng đường mới đầy hứng khởi ở ngôi trường mới,” chị Là chia sẻ.

Một lễ khai giảng trang trọng, ngắn gọn nhưng ý nghĩa và tạo không khí vui tươi, phấn khởi đầu năm học mới cũng là điều Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Trần Thế Cương mong muốn mang đến cho thầy cô, học sinh trong lễ khai giảng đặc biệt này.

 

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh đánh trống khai trường. (Ảnh: PM/Vietnam+)

 

Theo thống kê sơ bộ, cả nước có khoảng gần 30 tỉnh thành sẽ tổ chức lễ khai giảng theo hình thức trực tiếp nhưng dưới sự phối hợp chặt chẽ của ngành y tế, các yêu cầu nghiêm ngặt trong tuân thủ quy định về phòng chống dịch bệnh.

Do ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, một số địa phương đã không thể tổ chức lễ khai giảng như Bạc Liêu, Thành phố Hồ Chí Minh, Cà Mau, Cần Thơ…. Một số địa phương vẫn chưa thể bắt đầu năm học mới như Đồng Tháp, Long An, Trà Vinh…

Trong Thư gửi ngành giáo dục trước thềm năm học mới, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ: “Tôi hiểu, với người làm thầy, làm cô và với các em học sinh, sinh viên, việc không thể đến lớp vào mùa tựu trường là cả một sự trống trải đi liền với nỗi buồn sâu sắc.”

Năm học đặc biệt

Sau lễ khai giảng trực tuyến đặc biệt, chưa từng có, hàng triệu học sinh trên cả nước sẽ phải bắt đầu năm học theo một cách đặc biệt: học trực tuyến.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh, đây là năm học thứ ba ngành giáo dục phải sử dụng hình thức dạy và học trực tuyến. Tuy nhiên, nếu hai năm trước, hình thức dạy và học này chỉ phải áp dụng ở giai đoạn giữa và cuối năm học, khi học sinh đã có giai đoạn học trực tiếp từ trước, có điều kiện nắm những kiến thức cơ bản ban đầu, thì năm nay, lần đầu tiên việc dạy và học trực tuyến buộc phải triển khai ngay từ đầu năm học.

Theo các giáo viên, đây sẽ là một thách thức lớn, nhất là với học sinh tiểu học, đặc biệt là với học sinh lớp 1, khi các em còn quá nhỏ và chưa quen với nề nếp học tập bậc phổ thông, kỹ năng thao tác và sử dụng máy tính còn hạn chế. Đây cũng là một thách thức với các thầy và trò lớp 2 và lớp 6, là hai khối lớp lần đầu tiên triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, chương trình được thiết kế với nhiều hoạt động tương tác hơn so với chương trình cũ.

Việc dạy và học trực tuyến cũng đòi hỏi về điều kiện cơ sở hạ tầng Internet, về các trang thiết bị cá nhân của học sinh như máy tính, điện thoại thông minh. Trong khi đó, ở nhiều địa phương, đặc biệt là các vùng khó khăn, việc đáp ứng các yêu cầu này còn hạn chế, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 tác động tiêu cực đến nền kinh tế của tất cả địa phương và túi tiền của mọi gia đình. Chất lượng của việc dạy và học trực tuyến cũng khó có thể đảm bảo bằng học trực tiếp.

“Trước mắt chúng ta là một năm học nhiều khó khăn!” Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nhận định.

Để vượt qua những khó khăn, thách thức đó, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo toàn ngành phải chủ động xây dựng các kế hoạch, kịch bản cho mọi tình huống, linh hoạt ứng phó với các diễn biến phức tạp của dịch bệnh, nhằm đạt cho được mục tiêu kép: vừa đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch, vừa hoàn thành nhiệm vụ năm học. Bộ trưởng cũng chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tìm các giải pháp hỗ trợ cho học sinh khó khăn.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã phát động phong trào thi đua trong toàn ngành về đoàn kết, sáng tạo để chung tay đẩy lùi dịch bệnh, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo.

Ngay trước thềm năm học mới, ngày 4/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã có chỉ thị yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng với các bộ ngành, ủy ban nhân dân các địa phương cùng vào cuộc để có một năm học an toàn trước dịch bệnh, trong đó có việc cố gắng tiêm vaccine sớm nhất cho học sinh khi có điều kiện để giúp các em có thể trở lại trường sớm nhất.

Trước một năm học nhiều khó khăn, thách thức, trong Thư gửi ngành giáo dục nhân ngày khai trường, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Như lịch sử đã chứng minh, không có thách thức nào có thể vượt cao hơn tinh thần hiếu học, không khó khăn nào có thể làm chùn bước ý chí phấn đấu, quyết tâm mài dùi kinh sử, chinh phục tri thức để làm rạng danh tiên tổ, để phụng sự đất nước của dân tộc Việt Nam trong suốt hàng ngàn năm văn hiến.”

Chủ tịch nước cũng khẳng định “hơn bao giờ hết, toàn xã hội, cả hệ thống chính trị cần sát cánh hơn nữa, lắng nghe, thấu hiểu và chung tay hành động cùng với ngành giáo dục vì tương lai của đất nước, vì tương lai con em chúng ta.” “Quyết tâm cho năm học 2021-2022 và xa hơn của tất cả chúng ta, không riêng gì ngành Giáo dục, là không để một trẻ em nào, đặc biệt là các em ở vùng dịch, vùng sâu, vùng xa, những em có hoàn cảnh khó khăn, bị mất hoàn toàn cơ hội học tập vì đại dịch và càng không để nền giáo dục Việt Nam, vì dịch bệnh mà không thể hoàn thành cam kết, trọng trách, sứ mệnh của mình trước Tổ quốc và Nhân dân".

“Bước vào năm học mới 2021-2022, tôi mong muốn ngành Giáo dục tiếp tục "tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài" như Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra,” chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc viết./.