Giáo sư Trần Văn Giàu: người truyền cảm hứng sáng tạo cho thế hệ trẻ

08:39 06/09/2021     3535

Công tác giáo dục   Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân, Anh hùng Lao động Trần Văn Giàu từng giữ những trọng trách quan trọng của đất nước trong những thời khắc lịch sử đặc biệt: Nguyên Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ, Nguyên Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ.

 

 

Giáo sư có nhiều đóng góp đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc; được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, Giải thưởng Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng. Nói đến Giáo sư Trần Văn Giàu còn phải kể đến đó là một nhà giáo, một nhà khoa học nổi tiếng với hơn 150 công trình nghiên cứu có đóng góp rất lớn cho nền khoa học nước nhà, nhất là trong lĩnh vực triết học, sử học.

Với thế hệ trẻ, Giáo sư Trần Văn Giàu có thông điệp: “Sống ham làm việc, có lý tưởng, bay bổng và không tà tà”. Năm 2021 là năm kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Giáo sư Trần Văn Giàu (11/9/1911 – 11/9/2021), Website Thành Đoàn xin chia sẻ cảm nhận của các bạn trẻ về di sản của Giáo sư Trần Văn Giàu để lại hôm nay.

Người trao truyền "ước mơ siêu nhân" cho thế hệ trẻ

Tôi luôn khắc ghi lời căn dặn của Giáo sư Trần Văn Giàu: “Phải không ngừng rèn luyện, phấn đấu, luôn quan tâm, theo dõi tình hình trong nước, quốc tế và hãy vững vàng đối phó trước tất cả mọi tình huống xảy ra”. Giáo sư luôn mong mỏi thanh niên phải xung phong làm gương mẫu trong công tác, trong học hỏi, trong tiến bộ, trong đạo đức. Thanh niên phải thành một lực lượng to lớn và vững chắc của đất nước để sẵn sàng tiên phong những lúc Tổ quốc cần. Cũng vì lẽ đó, ngày hôm nay, các thế hệ đoàn viên, thanh niên  luôn ra sức phấn đấu học tập, phát huy phẩm chất, năng lực đạo đức cá nhân để xứng đáng với lời căn dặn của Giáo sư ngày trước: “Tuổi trẻ phải biết ước mơ, mà phải là ước mơ siêu nhân...”.

Theo từ điển, siêu nhân có nghĩa là “người có khả năng vào loại rất đặc biệt, vượt lên hẳn những giới hạn khả năng của con người”. Nếu như ngày trước “Siêu nhân” là những anh hùng, liệt sĩ, những người yêu nước có đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, thì ngày hôm nay “Siêu nhân” phải chăng là những người phi thường vượt qua giới hạn của bản thân để làm những việc lớn lao có ích cho xã hội.

“Siêu nhân” ngày nay chúng ta được thấy đó có thể là những nhà khoa học, nhà hoạch định và thực thi chính sách công đang tham gia xây dựng đô thị thông minh, khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông, thực hiện chương trình Chuyển đổi số của thành phố; là những tài năng trẻ ở các lĩnh vực đang từng ngày đóng góp vào sự phát triển thành phố. 

Ngày hôm nay, chúng ta tự hào khi được chứng kiến những con người “siêu nhân” đang bảo vệ sức khỏe, sự bình yên của Nhân dân trước đại dịch Covid-19. Những nhà khoa học, y bác sĩ ở tuyến đầu đang nỗ lực đảm bảo sức khỏe cho tất cả người dân; các chiến sĩ lực lượng vũ trang đang ngày đêm canh gác, mang lại bữa cơm no đủ cho người dân Thành phố và hơn hết, tinh thần trẻ của các bạn thanh niên tình nguyện đang xông pha ở những nơi cần sức trẻ dấn thân, xung kích, hành động.

Hãy tham gia và góp sức mình vào hết thảy những việc gì đem lại ích nước lợi nhà!”. Lời căn dặn của Giáo sư Trần Văn Giàu và tấm gương sáng về đạo đức cách mạng của Giáo sư luôn thôi thúc chúng tôi không ngừng hun đúc ý chí phấn đấu, rèn luyện nhân cách, dấn thân vì một tương lai tươi đẹp của thành phố và đất nước với một lòng yêu nước nồng nàn, yêu xã hội chủ nghĩa và trân quý những đạo lý tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Chúng ta có thể phấn đấu trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao của thành phố, đất nước mà trước hết là việc trang bị cho mình tri thức, kỹ năng, có khát vọng và hoài bão cống hiến. 

 ĐẶNG NGUYỄN KIỀU VY

Chủ nhiệm Câu lạc bộ Tiếng nói Thanh niên, Đoàn trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - ĐHQG-HCM

Nhà hùng biện lớn góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc

Theo ký ức của các nhân chứng lịch sử và qua sách báo, thế hệ trẻ hôm nay biết Giáo sư Trần Văn Giàu có tài diễn thuyết cùng kiến thức sâu rộng cũng như kinh nghiệm hoạt động ở Pháp, Liên Xô, ông nhiều lần tham gia các buổi diễn thuyết trước hàng ngàn người ở Sài Gòn để đánh thức lòng yêu nước.

Do những hoạt động yêu nước, chống chế độ thực dân tàn bạo, ông nhiều lần bị bắt giam, đày ải qua các nhà tù Khám Lớn (Sài Gòn), Côn Đảo, Tà Lài. Tuy trong điều kiện hoàn cảnh giam cầm đày ải, Giáo sư đã biến nhà tù thành trường học, giảng dạy cho các lớp huấn luyện của Đảng trong tù. Bằng lý luận sắc bén và nhiệt huyết cách mạng, Trần Văn Giàu đã thuyết phục, lôi kéo được nhiều người tin vào Đảng, tin vào sự thành công của cách mạng, góp phần làm nên thắng lợi trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc ở Sài Gòn và Nam Bộ.

Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, Giáo sư công tác tại thủ đô Hà Nội, được nhiều tờ báo mời ông đăng đàn bình luận về thời cuộc. Những bài bình luận, diễn thuyết của Giáo sư đã ảnh hưởng rất lớn. Qua báo chí, Giáo sư đã có những đề nghị thiết thực với Chính phủ nhằm góp phần vào sự đoàn kết, chống sự đả phá của Việt Quốc, Việt Cách. Trong những lần đăng đàn diễn thuyết ở Hà Nội, Giáo sư không những đấu tranh, phê phán nghiêm khắc những kẻ giả danh cách mạng mà ông còn nhiều lần diễn thuyết kêu gọi Nhân dân, đặc biệt là phụ nữ tích cực tham gia Tổng tuyển cử. Tất cả hướng về xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc.

Để có một một nhà hùng biện như thế là cả quá trình Giáo sư Trần Văn Giàu từ người thanh niên yêu nước đến “người cách mạng chuyên nghiệp”. Quá trình đến với con đường cách mạng, giác ngộ lý tưởng cộng sản của Giáo sư là quá trình nhận thức được chân lý lịch sử. Khác với sự giác ngộ xuất phát từ giai cấp. Giáo sư đến với chủ nghĩa cộng sản thông qua quá trình tiếp xúc trực tiếp với đời sống xã hội của một dân tộc thuộc địa, qua sự tiếp nhận tri thức phương Tây có chọn lọc, qua thực tiễn dấn thân của một người thanh niên yêu nước buổi ban đầu và qua những “giấc mơ siêu nhân” đã được Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Nguyễn An Ninh, Phan Văn Trường truyền đạt và con đường cách mạng giải phóng dân tộc của Nguyễn Ái Quốc. Đó còn là vốn kiến thức mà Giáo sư tích lũy trong quá trình học tập tại trường Đại học Toulouse (Pháp) và đặc biệt là khi học tập ở trường Đại học Đông Phương (Liên Xô) về những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, về phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trên thế giới,…  Không phải ngẫu nhiên mà Giáo sư Trần Văn Giàu được gọi là “Giáo sư đỏ”. Những điều này tạo nên chất thép rất rõ nét, rất mạnh mẽ trong các bài diễn thuyết của Giáo sư, với tinh thần “chân lý là cụ thể, cách mạng là sáng tạo”.

Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh của Giáo sư Trần Văn Giàu cũng là dịp để thế hệ trẻ tưởng nhớ về những đóng góp của ông với nền khoa học nước nhà, nhắc cho ta nhớ về một người Giáo sư lỗi lạc của dân tộc. Qua đó, giúp thế hệ trẻ thêm động lực học tập, cố gắng phấn đấu noi theo bước chân ông. Chúng tôi, những thành viên Câu lạc bộ Lý luận trẻ, những người trẻ luôn học ông ở cách nói và viết ngắn gọn, mạnh mẽ, đi vào lòng người bởi sự sắc sảo của tính chiến đấu, tính chính luận, thẳn thắn và khách quan. Giáo sư nổi tiếng là một nhà hùng biện, nói không cầm giấy, ngôn phong giản dị, truyền tải được thông điệp và điều này là điều đáng để thế hệ trẻ học tập. Chúng tôi vẫn đang vận dụng điều này trong hội thi “Tôi - Nhà lý luận trẻ”, các buổi sinh hoạt của câu lạc bộ.

PHẠM THỊ PHƯƠNG MAI

Chủ nhiệm Câu lạc bộ Lý luận trẻ Đoàn trường Đại học Sài Gòn

 

Người đặt nền móng cho nhiều ngành Khoa học xã hội và Nhân văn

 

 

Trong quá trình công tác và nghiên cứu, Giáo sư Trần Văn Giàu đã viết các tác phẩm: Triết học phổ thông; Biện chứng pháp; Vũ trụ quan; Duy vật lịch sử; Sự phát triển của tư tưởng Việt Nam thế kỷ XIX đến Cách mạng Tháng Tám; Giá trị truyền thống của Dân tộc Việt Nam; Sự khủng hoảng của chế độ nhà Nguyễn trước 1858; Lịch sử chống xâm lăng; Giai cấp công nhân Việt Nam; Lịch sử cận đại Việt Nam; Miền Nam giữ vững thành đồng; Địa chỉ văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh,...

Về các nghiên cứu của Giáo sư Trần Văn Giàu, hiện nay, đã được phân chia thành 5 hạng mục: 1 - Các công trình nghiên cứu về lịch sử (68 công trình trình nghiên cứu); 2 - Các công trình nghiên cứu về văn học (28 công trình nghiên cứu); 3 - Các công trình nghiên cứu về triết học - tư tưởng (29 công trình nghiên cứu); 4 - Các công trình nghiên cứu về văn hóa - xã hội (8 công trình nghiên cứu); 5 - Các công trình nghiên cứu về danh nhân (25 công trình nghiên cứu).

Năm 2012, Nhà xuất bản Trẻ đã ra mắt quyển sách “Trần Văn Giàu - Dấu ấn trăm năm”, đây là một công trình được biên soạn rất công phu với sự góp mặt của nhiều giáo sư, nhà nghiên cứu nhằm khắc họa chân dung Giáo sư Trần Văn Giàu ở cả ba khía cạnh: nhà cách mạng - nhà giáo - nhà khoa học,...

Theo Thành đoàn TPHCM