Mô hình “Ngôi nhà phân loại rác thải, tặng quà cho học sinh nghèo góp phần bảo vệ môi trường”
08:25 18/11/2022 1868
3 Chương trình ĐTN: Mô hình “Ngôi nhà phân loại rác thải tặng quà cho học sinh góp phần bảo vệ môi trường” của thầy Nguyễn Văn Nhớ - Giáo viên Trường Tiểu học Tân Bình A góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho các em học sinh, những mầm non tương lai của đất nước.
Đây là mô hình được Ban Chỉ đạo Quy chế dân chủ ở cơ sở và phong trào thi đua “Dân vận khéo” huyện Càng Long khen thưởng trong năm 2022.
Mô hình “Ngôi nhà phân loại rác thải, tặng quà cho học sinh nghèo góp phần bảo vệ môi trường”
Thầy Nhớ cho biết: “Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói “Giáo dục là sự nghiệp của quần chúng”. Hơn thế nữa, Bác khẳng định “Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Thực hiện và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác dân vận, bản thân luôn coi trọng công tác vận động quần chúng.
Là giáo viên, Tổng phụ trách Đội, tôi luôn trăn trở làm thế nào để giảm bớt tình trạng rác thải quá nhiều trong trường học, đặc biệt là rác thải nhựa. Sau khi tìm hiểu, tôi chọn và quyết tâm thực hiện tốt mô hình “Ngôi nhà phân loại rác thải tặng quà cho học sinh nghèo góp phần bảo vệ môi trường”, mục đích nhằm giáo dục cho học sinh biết giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo vệ môi trường, biết đoàn kết, giúp đỡ bạn bè, nhất là những bạn nghèo, có hoàn cảnh khó khăn”.
Để thực hiện mô hình đạt hiệu quả, ngay từ đầu năm học 2022 - 2023, thầy giáo Nhớ xây dựng kế hoạch và đưa ra giải pháp cụ thể để thực hiện. Thầy Nhớ cho biết thêm: đầu năm học, bản thân chủ động xây dựng nội dung, xin chủ trương Ban Giám hiệu Trường thông qua Hội đồng Sư phạm nhà trường, Ban phụ trách Đội, xin ý kiến và sự đồng tình của Ban Đại diện Hội cha mẹ học sinh (HS) thống nhất để thực hiện mô hình. Lập kế hoạch cụ thể trình Ban Giám hiệu ký duyệt để tổ chức phát động mô hình.
Sau khi được sự thống nhất của Ban giám hiệu, bản thân phối hợp với Ban phụ trách Đội, giáo viên chủ nhiệm lớp, Ban Chỉ huy liên đội, chi đội để triển khai, phát động mô hình đến từng đội viên, HS; đồng thời, bố trí nhà chứa rác thải nhựa đến các điểm học của trường.
Cùng với đó, phối hợp với chính quyền địa phương khảo sát, thống kê, cập nhật số lượng, danh sách HS nghèo, cận nghèo và HS có hoàn cảnh khó khăn cần được quan tâm, giúp đỡ. Xây dựng biện pháp tổ chức thực hiện, đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong giáo viên và HS về ý nghĩa, tầm quan trọng của mô hình thông qua các cuộc họp của trường và các buổi chào cờ đầu tuần, các tiết sinh hoạt lớp.
Cụ thể, Tổng phụ trách Đội triển khai kế hoạch đến từng HS các điểm học trong buổi chào cờ đầu tuần, các buổi sinh hoạt ngoại khóa…Giáo viên chủ nhiệm lớp có trách nhiệm nhắc nhở HS lớp mình tham gia thực hiện mô hình và giáo dục ý nghĩa của việc tham gia mô hình… Ban Chỉ huy liên đội, chi đội - Đội tuyên truyền măng non, phát thanh măng non thực hiện phát thanh tuyên truyền. Ban Chỉ huy liên đội, chi đội thường xuyên theo dõi, nhắc nhở các bạn thực hiện mô hình và nêu gương cho các bạn thực hiện theo. Đội viên, HS nêu cao tinh thần tự nguyện, tự giác, tự ý thức thực hiện tốt mô hình.
Kết quả đã thu được tổng số tiền thu được 3.317.500 đồng (trong đó 225 kg giấy vụn, bán với giá 1.500 đồng/kg; 596 kg rác thải nhựa, bán với giá 5.000 đồng/kg). Thầy đã trao tặng 11 suất học bổng (mỗi suất trị giá 300.000 đồng) cho 11 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại Liên đội với số tiền là 3.300.000 đồng.
Với ý nghĩa cũng như những giải pháp trên, qua 01 năm thực hiện, mô hình mang lại hiệu quả thiết thực, tạo được sự đồng thuận cao, thu hút đông đảo HS, thầy giáo, cô giáo, cán bộ, công nhân viên và phụ huynh của trường tích cực tham gia, nhất là HS của Trường thực hiện rất tốt.
Mô hình đã góp phần giáo dục cho đội viên, thiếu niên, nhi đồng ý thức tiết kiệm, bảo vệ môi trường, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau vượt khó vươn lên trong học tập, đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm cho thế hệ “măng non” của đất nước. Chất lượng hoạt động Đội và phong trào thiếu nhi trong trường học ngày càng được nâng cao, góp phần thực hiện tốt cuộc vận động “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Bên cạnh đó, mô hình còn tác động lan tỏa đến phụ huynh học sinh và cộng đồng về ý thức bảo vệ và cải tạo môi trường (tái chế, phân loại rác, các vật đã sử dụng xung quanh, để rác đúng nơi quy định), tạo cảnh quan môi trường Xanh – Sạch – Đẹp. Qua đó giúp các em học sinh có ý thức bảo vệ môi trường, yêu lao động vừa sức mình, biết giữ gìn vệ sinh chung, giữ gìn vệ sinh môi trường, tạo cảm giác thân thiện về ngôi trường mến yêu và nơi mình sống.
Thanh Nga Tweet