Mô hình thu gom, phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm tại Lào Cai

16:19 28/10/2022     1920

3 Chương trình   ĐTN: Năm 2022, Lào Cai triển khai thực hiện Mô hình “Thu gom, phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm của các hộ dân nằm xen kẽ trong khu dân cư nông thôn” (gọi tắt là Mô hình) tại 04 điểm xã trên địa bàn tỉnh nhằm góp phần bảo đảm an toàn vệ sinh môi trường nông thôn, bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ cộng đồng.

Mô hình được lựa chọn thực hiện tại các xã Nghĩa Đô, Bảo Hà (huyện Bảo Yên) và xã Thống Nhất, xã Cốc San (thành phố Lào Cai). Qua đó hướng tới mục tiêu nâng cao nhận thức của các hội viên, nông dân, hộ gia đình trong công tác vệ sinh môi trường; vận động các hộ dân nâng cao trách nhiệm tích cực tham gia vệ sinh môi trường, bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ cộng đồng, thúc đẩy phát triển sản xuất nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống; xây dựng củng cố tổ chức Hội nông dân ngày càng vững mạnh, nâng cao vị thế và thu hút nhiều hội viên tham gia vào Hội. Đồng thời tiếp cận và hỗ trợ đến người dân một số vật tư, thiết bị phục vụ công tác thu gom, phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm tại một số xã trên địa bàn tỉnh góp phần bảo đảm an toàn vệ sinh môi trường nông thôn, xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Quỹ Bảo vệ môi trường tỉnh chủ trì thực hiện các nội dung của Mô hình cùng với sự phối hợp của Sở Tài nguyên và Môi trường, Hội Nông dân tỉnh, UBND huyện Bảo Yên, thành phố Lào Cai, UBND và Hội Nông dân 04 xã được lựa chọn cùng một số cơ quan, đơn vị liên quan. Kinh phí thực hiện gần 900 triệu đồng từ nguồn thu của Quỹ Bảo vệ môi trường tỉnh Lào Cai năm 2022.

Lào Cai triển khai mô hình thu gom, phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm

Theo đó tăng cường các hoạt động tuyên truyền thông qua việc xây dựng tài liệu về nội dung chống rác thải nhựa gồm thiết kế tờ rơi, băng zôn, poster; xây dựng nội dung phát trên loa phát thanh của xã, tổ dân cư, tại các điểm chợ và khu vực công cộng trên địa bàn xã. Tần suất phát nội dung tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh của xã tối thiểu 03 lần/tuần. Tập trung vào tuyên truyền 04 nội dung chính: Tác hại của rác thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm khi không được thu gom và xử lý đúng cách đối với môi trường sống và sức khỏe con người; thực trạng môi trường nông thôn hiện nay trên địa bàn tỉnh, đặc biệt tại các xã triển khai mô hình; giới thiệu và tiếp cận các biện pháp thu gom, phân loại va xử lý rác thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm tại khu vực nông thôn; nêu rõ trách nhiệm cá nhân, cộng đồng trong công tác xây dựng và bảo vệ môi trường nông thôn bền vững.

Tổ chức 04 hội nghị tập huấn tuyên truyền nâng cao nhận thức, kiến thức về bảo vệ tài nguyên và môi trường nông thôn, chăm sóc sức khỏe cộng đồng cho cán bộ, hội viên nông dân tại 04 xã đã lựa chọn triển khai Mô hình.

Hội Nông dân tỉnh phối hợp UBND các xã triển khai thực hiện Mô hình lựa chọn các hội viên, nông dân tiêu biểu để thành lập các “Tổ nông dân tự quản bảo vệ môi trường”. “Tổ nông dân tự quản bảo vệ môi trường” thường xuyên đến các gia đình tuyên truyền, vận động thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường; vận động các hộ gia đình chủ động phân loại, thu gom rác thải, xử lý chất thải, nước thải trong sinh hoạt cũng như thay đổi ý thức, trách nhiệm và các thói quen xả thải rác thải, chất thải bừa bãi ra môi trường, gây ô nhiễm môi trường. Tuyên truyền vận động người dân cùng giữ gìn vệ sinh môi trường, xóa bỏ các điểm tập kết rác tự phát, chỉnh trang đường làng ngõ xóm luôn sạch - đẹp. Hướng dẫn các hộ gia đình thu gom, phân loại xử lý chất thải chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm đúng quy định. Nhận bàn giao và bảo quản, hướng dẫn người dân sử dụng trang thiết bị được cấp trong quá trình thực hiện triển khai Mô hình. Quỹ Bảo vệ môi trường tỉnh bàn giao trang thiết bị cho “Tổ nông dân tự quản bảo vệ môi trường” triển khai và duy trì các hoạt động thuộc Mô hình.

Giới thiệu và tiếp cận đến các hộ dân phương pháp thu gom, xử lý chất thải chăn nuôi, rác thải hữu cơ bằng biện pháp chế phẩm sinh học. Mô hình sử dụng chế phẩm vi sinh vật VNUA-Mios V do Học viện Nông nghiệp Việt Nam sản xuất. Theo đó hướng dẫn các hộ dân xử lý chất thải chăn nuôi, rác thải hữu cơ bằng biện pháp sử dụng chế phẩm sinh học tạo thành phân bón hữu cơ sử dụng để bón cho cây trồng, dễ sử dụng, hiệu quả xử lý cao và đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường, phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương.

Duy trì triển khai các hoạt động thuộc Mô hình trong năm 2022 với các hoạt động như: Xây dựng kế hoạch kiểm tra, hướng dẫn từng hộ gia đình về biện pháp xử lý rác thải hữu cơ, chất thải chăn nuôi gia súc gia cầm hàng tuần, hàng tháng, đặc biệt là kĩ thuật thực hiện và hiệu quả của việc sử dụng biện pháp xử lý chất thải bằng chế phẩm sinh học. Thường xuyên phát động phong trào dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, chuồng trại chăn nuôi, thực hiện 3 sạch và phong trào tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm, bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp. Xây dựng các hoạt động hưởng ứng “Tuần lễ quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường”; “Ngày Môi trường thế giới”; “Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn”; ngày dập dịch bệnh sốt xuất huyết”...và khuyến khích các hộ dân tham gia. Đẩy mạnh các hoạt động công tác Hội đưa nội dung công tác phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu vào nội dung sinh hoạt của Câu lạc bộ, chi, tổ Hội.

Xây dựng kế hoạch kiểm tra, tiến hành đánh giá kết quả thu được, phân tích những khó khăn vướng mắc, từ đó đề xuất phương án triển khai thực hiện Mô hình trên địa bàn tỉnh Lào Cai trong các năm tiếp theo.

Bảo Anh