Công tác Đoàn mang lại những giá trị không thể 'cân, đo, đong, đếm' được

08:26 03/03/2021     2521

Thanh niên tình nguyện   Nhân dịp kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đoàn, tiến sĩ Dương Văn An, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận chia sẻ: Công tác Đoàn mang lại những giá trị không thể 'cân, đo, đong, đếm' được. Tiến sĩ Dương Văn An, nguyên là Bí thư T.Ư Đoàn, Phó chủ nhiệm thường trực Ủy ban Quốc gia về thanh niên (giai đoạn 2009 - 2014).

Nguyên Bí thư T.Ư Đoàn Dương Văn An (hàng đầu, phải) trong một lần làm trưởng đoàn ra Trường Sa
 

“Với đoàn, tôi như có một cái duyên”

Xin ông chia sẻ cơ duyên nào đưa ông đến với công tác Đoàn?

Từ lúc học THCS, tôi đã tham gia hoạt động Đội, làm Liên đội trưởng của trường, rồi làm lớp trưởng, Bí thư Chi đoàn lớp lúc học THPT; vào đại học cũng làm lớp trưởng, Bí thư Chi đoàn lớp, Bí thư Liên chi đoàn khoa… Hoạt động Đoàn thấm vào máu thịt, như một lẽ tự nhiên, trở thành sự say mê. Chính vì vậy, khi ra trường, tôi có một số cơ hội việc làm tốt, nhưng cuối cùng chọn làm cán bộ của Tỉnh đoàn Thừa Thiên-Huế. Cứ thế, tôi gắn bó với công tác Đoàn chuyên trách 21 năm liên tục, cho đến năm 43 tuổi thì được luân chuyển làm Phó bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận. Tôi nghĩ, với Đoàn, tôi như có một cái duyên.

Trong thời kỳ làm Bí thư T.Ư Đoàn, ông nhớ nhất kỷ niệm gì?

Kỷ niệm về Đoàn thì rất nhiều, bởi vì Đoàn hoạt động ở nhiều lĩnh vực, nhiều môi trường, tiếp xúc nhiều đối tượng, đi nhiều địa phương… Tôi nhớ nhất là lần làm trưởng đoàn đưa hơn 100 thanh niên đi thăm cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ở Trường Sa và tiếp sau đó là đưa thanh niên đi theo hành trình đường Hồ Chí Minh trên biển năm xưa. Đi ra đảo, càng cảm nhận sâu sắc hơn sự thiêng liêng của sự nghiệp gìn giữ, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Được ăn, ở, sinh hoạt, tìm hiểu cuộc sống và huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của bộ đội hải quân Việt Nam, tôi hiểu sâu sắc những vất vả, gian lao, hy sinh to lớn của các anh. Trên đất liền, dù khó khăn đến đâu, xa xôi cách trở đến đâu, nhưng khi người thân đau ốm, việc trọng của gia đình, có thể cắt phép về nhà, nhưng hải quân thì không thể như vậy. Có chiến sĩ trẻ vừa cưới vợ đã phải xa cách biền biệt cả năm trời, không được ở cạnh lúc con chào đời; có chiến sĩ bố mẹ mất không kịp về chịu tang… Họ phải hy sinh tình cảm cá nhân, vững vàng nơi đầu sóng, ngọn gió.

Xúc động nhất là tham gia lễ tưởng niệm chiến sĩ hải quân hy sinh trên biển. Đứng trên boong tàu thả những cành hoa xuống biển, tôi nghĩ: Có những chiến sĩ hy sinh đến hai lần. Lần thứ nhất là khi ngã xuống; lần thứ hai là không còn thân xác để trở về đất liền. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, rất nhiều người đã ngã xuống và dù còn đang nằm ở đâu đó trên đất mẹ thì vẫn có cơ hội được “về quê”. Còn khi các chiến sĩ hải quân ngã xuống, hy sinh trên biển là ở lại mãi mãi với trùng khơi.

Chính vì vậy, khi làm bí thư T.Ư Đoàn, tôi đã dành sự quan tâm đến phong trào “Nghĩa tình biên giới, hải đảo”, chỉ đạo tăng cường và đổi mới hoạt động đưa thanh niên đi thăm Trường Sa, đẩy mạnh tuyên truyền về sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo quê hương của Tổ quốc…

Công tác Đoàn đã mang lại cho ông những trải nghiệm và giá trị nào?

Khi làm bí thư T.Ư Đoàn, trong một lần giao lưu trực tuyến với thanh niên cả nước, có bạn đã hỏi tôi: Vào Đoàn thì có lợi ích gì? Lúc đó tôi trả lời là: Hôm nay bạn tham gia một hoạt động của Đoàn, không thể thấy ngày mai bạn được gì. Đoàn mang đến cho bạn những giá trị không thể “cân, đong, đo, đếm” được. Những gì Đoàn đem đến cho bạn kết tinh trong con người bạn. Đó là kỹ năng sống, là sự hòa quyện vào cộng đồng, là bản lĩnh, là sự tự tin, là sáng tạo, là sự “lớn lên”, trưởng thành của mỗi người qua từng ngày... Có thể nói, hoạt động Đoàn là một môi trường rất tốt để người trẻ rèn luyện, cống hiến và trưởng thành nhanh hơn.

Đối với tôi, Đoàn đã đem đến cho tôi nhiều thứ. Tôi được Đoàn rèn luyện trở thành “thủ lĩnh” thanh niên ở những giai đoạn khác nhau với những công việc khác nhau. Tuy nhiên, trước đó, Đoàn “đòi hỏi” tôi phải là một con người “đa năng”… Tôi từng là một tuyên truyền viên về dân số - sức khỏe - phòng chống HIV/AIDS khi còn rất trẻ. Tôi làm bạn với những người “có nguy cao” như người tiêm chích ma túy, người nhiễm HIV… Tôi cũng từng là “kỹ sư nông nghiệp”, hướng dẫn nông dân thế nào là “thiên địch”, thế nào là “sâu bệnh” và vận động người dân thực hiện sản xuất nông nghiệp theo phương pháp I.P.M. Tôi cũng từng là “nhà báo” khi hằng tuần phải thực hiện các chuyên đề thanh niên trên đài phát thanh, đài truyền hình, báo in ở tỉnh Thừa Thiên-Huế…

 

Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Dương Văn AN. ẢNH: NVCC

 

Khi giữ chức vụ cao hơn, tôi phải tìm hướng đổi mới công tác Đoàn và phong trào thanh niên, để hoạt động Đoàn có đóng góp sâu hơn, nhiều hơn vào hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh; nghiên cứu, đề xuất Đảng, Nhà nước ban hành những chủ trương, chính sách cho thanh niên… Đoàn đã cho tôi một môi trường để rèn luyện, cống hiến và nhờ vậy mà tôi trưởng thành.

“Đừng sợ làm những việc chưa ai làm”

Là Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, ông mong muốn gì ở người trẻ?

Khi làm bí thư Tỉnh đoàn, tôi từng tự tin leo lên xe của bí thư tỉnh ủy trên đường từ một hội nghị trở về để tranh thủ đề xuất công việc. Được gặp tổng bí thư, tôi mạnh dạn chia sẻ tâm tư: Làm cán bộ Đoàn là hai lần xin việc. Lần đầu tiên là xin làm cán bộ Đoàn, lần thứ hai là sau khi hết tuổi Đoàn phải xin đến một cơ quan khác, xem như “làm lại từ đầu”… Do vậy, mong Đảng quan tâm, chăm lo hơn nữa đến đội ngũ cán bộ Đoàn, xem xây dựng Đoàn là xây dựng Đảng trước một bước; xem đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Đoàn là chuẩn bị đội ngũ kế cận cho Đảng.

Khi trao đổi, thảo luận công việc với đồng nghiệp, tôi thường khuyến khích anh em tìm cách tiếp cận mới, đừng đem cái cũ ra soạn lại. Tôi cũng nhấn mạnh với anh em rằng, kế thừa là tốt, nhưng phải có đổi mới, sáng tạo; thời kỳ mới thì phải có tư duy mới, cách tiếp cận mới.

Kể lại những điều này để nói lên mong mỏi của tôi đối với người trẻ, cán bộ trẻ, là phải tự tin, mạnh dạn, luôn suy nghĩ sáng tạo, dám đổi mới và đột phá. Đừng quá rụt rè trước lãnh đạo, đừng ngại đề xuất những cái mới, đừng sợ làm những việc chưa ai làm, đừng sợ thất bại. Người trẻ phải dấn thân, càng khó khăn, càng chịu áp lực cao thì càng có môi trường rèn luyện tốt. Phải làm việc với một sự say mê, chứ không phải làm cho đủ việc, làm cho xong việc…

Sắp đến kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đoàn, cảm xúc của ông như thế nào?

Dù rời công tác Đoàn 7 năm rồi, nhưng tôi vẫn luôn quan tâm đến hoạt động Đoàn và sự trưởng thành của các bạn cán bộ Đoàn thế hệ sau. Nhớ về Đoàn lúc nào cũng đầy ắp kỷ niệm về một thời kỳ sôi nổi. Năm nay, hoạt động kỷ niệm 90 năm thành lập Đoàn, có lẽ sẽ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng tôi nghĩ Đoàn các cấp sẽ có những hình thức phù hợp để mọi người ôn lại kỷ niệm, người đi trước truyền lửa cho người đi sau, cùng động viên nhau tiếp tục phấn đấu, cống hiến dù ở bất cứ cương vị nào.

Qua Báo Thanh Niên, tôi xin gửi lời tri ân đến các thế hệ cán bộ Đoàn đi trước đã dìu dắt, rèn luyện và là tấm gương để tôi học tập, noi theo. Tôi xin chúc các bạn đang làm cán bộ Đoàn luôn ngập tràn nhiệt huyết thanh niên, vô tư, trong sáng cống hiến cho công tác Đoàn và chúc cho Đoàn ta với truyền thống 90 năm xây dựng, cống hiến, trưởng thành, sẽ tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn TNO