Vững lý luận, giỏi kỹ năng, cháy đam mê
17:06 25/11/2019 5885
Đại hội Hội LHTN Việt Nam nhiệm kỳ 2024-2029 Web.ĐTN: Đó là khẩu hiệu của chương trình giao lưu, họp mặt Huấn luyện viên cấp I Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam năm 2019 tổ chức từ ngày 23 - 24/11 tại thành phố Hồ Chí Minh.
Anh Lê Quốc Phong, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam (thứ tư từ trái qua) tặng quà lưu niệm cho Huấn luyện viên cấp I các thời kỳ
Chương trình nhằm đánh giá nhìn nhận những kết quả 25 năm tổ chức Trại huấn viên cấp I Trung ương và đóng góp ý kiến nhằm nâng cao chất lượng tổ chức trại Nguyễn Chí Thanh, nhân rộng và phát triển mô hình huấn luyện kỹ năng góp phần quan trọng vào hiệu quả công tác Hội và phong trào thanh niên tại cơ sở. Đồng thời, tạo cơ hội cho các Huấn luyện viên cấp I Trung ương Hội LHTN Việt Nam trên cả nước giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác huấn luyện kỹ năng.
Phát biểu trong chương trình gặp mặt, anh Lê Quốc Phong, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam cho biết: Hiện nay, công tác giáo dục kỹ năng cho hội viên, thanh niên là hết sức quan trọng, trong đó hoạt động trại giúp mỗi trại sinh kết nối và giao tiếp tốt hơn, rèn luyện bản lĩnh, kỹ năng vượt qua áp lực, thử thách, nâng cao trình độ, nghiệp vụ công tác thanh niên và nâng cao trình độ nhận thức mọi mặt, đó cũng là cách những người làm huấn luyện mong muốn các huấn luyện viên truyền lại cho các bạn hội viên, thanh niên biết đối đầu, sáng tạo và tìm cách vượt qua những áp lực trong học tập, công việc, cuộc sống.
Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hội
Chia sẻ tại chương trình anh Nguyễn Thanh Hùng, nguyên Phó ban Mặt trận thanh niên Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội đồng huấn luyện nhiệm kỳ 2000-2005 cho rằng, Hội trại Huấn luyện Nguyễn Chí Thanh chính là nơi góp một phần không nhỏ trong sự nghiệp huấn luyện, đào tạo, bồi dưỡng những cán bộ trẻ năng động, tài giỏi để tham gia xây dựng hiệu quả công tác Đoàn, Hội và phong trào thanh niên ở từng địa phương và toàn quốc; một sân chơi lớn, chuyên nghiệp, đầy thử thách, hấp dẫn, bản lĩnh dành cho những cán bộ Đoàn, Hội, cả lớp đoàn viên, hội viên thanh niên. Đồng thời, trại là phương pháp giáo dục, rèn luyện, học tập, bồi dưỡng ngắn hạn cho đội ngũ trực tiếp, chuyên trách (cả không chuyên trách) làm công tác Hội, Đoàn. Chính nơi đây, các bạn được trải nghiệm, học tập, thi đua, thi tài, rèn luyện với rất nhiều kỹ năng, nghiệp vụ, phương thức sinh hoạt, tập hợp thanh niên, thu hút thanh niên qua nhiều hình thức, bài học phong phú, đa dạng, đầy thử thách,… dành cho trại sinh; sức khỏe, ý chí, niềm tin, nghị lực và bản lĩnh là yếu tố quan trọng, cần có của một Thủ lĩnh; công tác thực hành, ứng dụng, thị phạm các kỹ năng, kỹ thuật, thao tác, xữ lý tình huống, sinh hoạt ngoài trời,… là nội dung chiếm nhiều thời gian nhất. Thông qua trãi nghiệm, thực hành những nội dung này, giúp cho mỗi trại sinh vượt lên chính mình, chinh phục thử thách, thể hiện trí thông minh, năng động, sáng tạo và tài năng thực sự của một Huấn luyện viên Cấp I .
Trại Huấn luyện Nguyễn Chí Thanh là môi trường học tập, rèn luyện nhân cách, đạo đức, giao tiếp của người Cán bộ Đoàn/Hội, người thủ lĩnh TN; là nơi các trại sinh gặp nhau, cùng sống, học tập, chia sẻ, trao dồi để hoàn thiện chính mình, vượt lên chính mình. Qua mỗi kỳ trại giúp cho mỗi người, mỗi cán bộ/trại sinh thêm tin yêu, gắn bó, trưởng thành và tự tin đón nhận trọng trách, xứng đáng “Tôi là người cán bộ Đoàn/Hội giỏi; Người thủ lĩnh thanh niên tài năng".
Có sức lan tỏa và "truyền lửa"
Nhiều cán bộ Đoàn, Hội mong muốn được trải nghiệm, được dự Trại Nguyễn Chí Thanh để được sát hạch công nhận HLV cấp I TW. Mô hình Câu lạc bộ HLV, Hội đồng HLV các cấp cũng tạo sự lan tỏa và thúc đẩy mạnh mẽ việc học tập, rèn luyện nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ công tác thanh niên trong đội ngũ cán bộ Đoàn, Hội. Từ đó, hình thành nên những cán bộ Đoàn, Hội, những thủ lĩnh thanh niên tâm huyết, trách nhiệm với phong trào, giỏi kỹ năng, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu đoàn kết, tập hợp thanh niên trong tình hình mới.
Với phương châm “giỏi lý luận, vững kỹ năng, chinh phục thử thách, vượt qua chính mình”, trong thời gian từ 4-5 ngày, các trại sinh phải vượt qua khối lượng bài thi lý thuyết và thực hành rất lớn, với hơn 35 nội dung thi. Các trại sinh phải làm việc liên tục cả ban ngày và ban đêm, với áp lực lớn trong điều kiện thời tiết có thể không thuận lợi. Chúng tôi, cho rằng đây là sự trải nghiệm và rèn luyện vô cùng thiết thực và bổ ích cho mỗi trại sinh. Thực tiễn hoạt động trại giúp mỗi trại sinh kết nối và giao tiếp tốt hơn, rèn luyện bản lĩnh, kỹ năng vượt qua áp lực, thử thách, nâng cao trình độ kỹ năng, nghiệp vụ công tác thanh niên và nâng cao trình độ nhận thức mọi mặt cho trại sinh.
Cùng với các hoạt động ngoại khóa, giao lưu tại tại, công tác tổ chức, điều hành của Ban Giám khảo cũng là những nội dung giúp trại sinh trải nghiệm và học tập nâng cao kỹ năng tổ chức của mình khi trở về địa phương, đơn vị. Vì vậy, mô hình trại Nguyễn Chí Thanh là môi trường, mô hình huấn luyện, đào tạo cán bộ Đoàn, Hội rất thiết thực, hiệu quả. Thông qua hoạt động trại, xuất hiện nhiều Thủ khoa tài năng, nhiều HLV giỏi. Trong số đó, nhiều bạn lúc đầu chỉ là cán bộ Đoàn, Hội cơ sở, sau khi trở thành HLV cấp I TW đã phấn đấu vươn lên trở thành thủ lĩnh thanh niên cấp huyện, cấp tỉnh, giữ nhiều trọng trách quan trọng trong hệ thống cơ quan quyền lực của Nhà nước, đoàn thể chính trị - xã hội.
Trại Huấn luyện Nguyễn Trí Thanh là môi trường thuận lợi để cán bộ Hội, thanh niên rèn luyện kỹ năng
Hãy ít nhất 01 lần tham gia Trại huấn luyện Nguyễn Chí Thanh
Anh Nguyễn Sỹ Trường, Phó Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. Hà Nội, Nguyên Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam TP. Hà Nội chia sẻ: "Năm 2013, sau khi tham gia huấn luyện tại trại Nguyễn Chí Thanh khu vực phía Nam tổ chức ở Đồng Nai, tôi đã quyết định sẽ tổ chức Trại Nguyễn Thanh tại Hà Nội và được sự hỗ trợ của Trung ương Hội LHTN Việt Nam đã nâng cấp lên thành Trại Nguyễn Chí Thanh khu vực phía Bắc do Hà Nội đăng cai. Nhưng cái khó là ngoài Bắc chưa tổ chức bao giờ, cán bộ Hội cũng chưa quen với cách huấn luyện của trại nên sợ anh em không theo được. Do vậy, Hội Đồng huấn luyện Trung ương đã phải nghiên cứu một chương trình riêng và tính toán các nội dung cho phù hợp với trại phía Bắc.
Lần đầu tiên các “Thủ lĩnh” của thanh niên Hà Nội đến từ các quận, huyện và các tỉnh phía Bắc được tham gia một mô hình huấn luyện kỹ năng hoàn toàn mới, hoàn toàn khác xa với những gì mà bao năm qua anh em cán bộ Hội được tập huấn. Từ việc ăn, nghỉ, luyện tập luôn trong một điều kiện rất khác. Anh em phải ngủ trong trại, trong hội trường chứ không được ngủ trong những nhà nghỉ, nhà khách như mọi khi. Tính kỷ luật của trại được đưa lên hàng đầu. Giờ giấc, tác phong phải hết sức chuẩn chỉ. Học hành phải rất nghiêm túc. Lần đầu tiên các Thủ lĩnh được học Morse, học Simapho, mật thư, tìm phương hướng, dựng trại nhanh... Học tới đâu, thi tới đó. Lúc đầu, nhiều anh em chưa quen với hoạt động của trại tưởng chừng như không vượt qua được. Có trại sinh đêm nhớ nhà ngồi khóc thút thít, có bạn phải thức trắng đêm để học cách thắt nút dây để hôm sau vượt qua kỳ thi. Nhưng rồi sau 1 tuần huấn luyện, tại ngày tổng kết trại, mọi trại sinh đều thấy mình đã được trưởng thành hơn, kỹ năng, phương pháp tập hợp thanh niên đã tốt lên rất nhiều. Đặc biệt, Hà Nội đã thành lập được CLB kỹ năng “Tuổi trẻ tháng 10” với các thành viên là những trại sinh tham gia trại huấn luyện và đi tập huấn cho cán bộ Đoàn, Hội tại các quận, huyện của Thành phố".
Anh Nguyễn Sỹ Trường nhấn mạnh: "Mỗi cán bộ Đoàn, Hội nếu muốn mình trở thành “Thủ lĩnh” thực sự của thanh niên thì hãy ít nhất một lần tham gia Trại huấn luyện Nguyễn Chí Thanh bởi ở đó chúng ta được rèn luyện, chúng ta được trưởng thành. Những kỹ năng, kiến thức học được không chỉ phục vụ tốt cho chúng ta khi làm Đoàn, Hội mà nó còn rất cần thiết khi chúng ta làm ở bất cứ cương vị, lĩnh vực nào".
Bảo Anh Tweet