Thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong thanh niên Thủ đô

22:43 11/12/2019     2600

Đại hội Hội LHTN Việt Nam nhiệm kỳ 2024-2029   Web.ĐTN: Tham luận tại Đại hội đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ VIII, anh Phạm Nam Long - đại biểu TP Hà Nội đã đưa ra nhiều đề xuất với Chính phủ cũng như Trung ương Hội LHTN Việt Nam nhằm thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong thanh niên thủ đô.

Anh Phạm Nam Long - đại diện thanh niên Thủ đô trình bày tham luận tại Đại hội. Ảnh: Bảo Anh

 

Kính thưa các quý vị đại biểu khách quý!
Kính thưa Đoàn chủ tịch!
Thưa toàn thể Đại hội!

Hôm nay, tôi rất vui mừng được tham dự và thay mặt Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam Thành phố Hà Nội trình bày tham luận với chủ đề “Thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong thanh niên Thủ đô”.

Kính thưa Đại hội!

Theo thống kê của Bộ Khoa học Công nghệ, Việt Nam hiện có khoảng hơn 3.000 Doanh nghiệp khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo (ĐMST) và Hà Nội hiện đang đóng góp khoảng 40% số doanh nghiệp, tức là 1.200 doanh nghiệp. Có thể nói, với sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc tích cực của các Bộ, ngành, địa phương đã và đang góp phần giúp hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST tại Việt Nam phát triển mạnh mẽ.

Từ năm 2016, hưởng ứng tinh thần Quốc gia khởi nghiệp, Hà Nội là một trong những địa phương tích cực trong công cuộc xây dựng, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp của thành phố và liên kết với hệ sinh thái khởi nghiệp cả nước nói chung: ban hành Quyết định 4889 - “Đề án Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo giai đoạn 2019-2025” nhằm hiện thực hóa những chủ trương, chính sách của thành phố, xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm khởi nghiệp sáng tạo lớn của cả nước với tổng kinh phí hỗ trợ là 312.9 tỷ đồng, trích từ ngân sách của thành phố.

Bên cạnh đó, thực hiện Nghị quyết của Thành uỷ, trong những năm qua Hội Liên Hiệp Thanh Niên Thành phố Hà Nội đã hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp sáng tạo theo 3 nhóm nhiệm vụ sau:

- Nhóm 1: 50 hội thảo khởi nghiệp chuyên đề và lớp học kỹ năng khởi nghiệp chuyên sâu theo từng lĩnh vực (như AI, Blockchain, Big Data…); đồng tổ chức diễn đàn với các trường học, tổ chức quốc tế, đại sứ quán (Israel, Singapore, MIT,…); các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp quy mô lớn (Diễn đàn Sáng tạo trong kỷ nguyên Cách mạng 4.0, Vietnam Blockchain Startup Day,…) và hội thảo hỗ trợ pháp lý cho startups trong các ngành nghề, lĩnh vực công nghệ mới (trong lĩnh vực Công nghệ chuỗi khối); hoạt động phối hợp với các Bộ ngành (TechFest, Vietnam Ventures Summit), các trường Đại học, hoạt động tình nguyện của cộng đồng khởi nghiệp ĐMST Hà Nội. Các hội thảo chuyên đề này cung cấp góc nhìn nhiều chiều về thị trường và kinh nghiệm quản lý doanh nghiệp cho những doanh nghiệp khởi nghiệp trong 1-2 năm đầu: vốn có quy mô nhỏ, nắm bắt ít thông tin
và kinh nghiệm quản lý chưa nhiều.

- Nhóm 2: 5 cuộc thi khởi nghiệp quy mô lớn tầm quốc tế, các cuộc thi lập trình thâu đêm để chọn ra ý tưởng tiềm năng nhất, (ví dụ: Startupcity Festival, AI Hackathon, Thử thách khởi nghiệp Việt toàn cầu VietChallenge với 500 đội thi từ 30 quốc gia, thu hút 8 triệu đô la Mỹ vốn đầu tư). Những cuộc thi khởi nghiệp là cơ hội để các Startup thẩm định lại ý tưởng của mình với những nhà đầu tư nhiều kinh nghiệm. Đôi khi 1-2 lời nhận xét chính xác của giám khảo sẽ giúp cho các doanh nghiệp khởi nghiệp thay đổi mô hình, sản phẩm của mình để thị trường chấp nhận.

- Nhóm 3: Thành lập Văn phòng hỗ trợ thanh niên Khởi nghiệp, Hội đồng Cố vấn Khởi nghiệp ĐMST Thành phố Hà Nội với thành viên là những nhà đầu tư thiên thần, các nhà sáng lập Startup, các doanh nhân trẻ, nổi bật trên địa bàn thành phố; nhập liệu cho Nền tảng dữ liệu khởi nghiệp ĐMST thành phố Hà Nội Startupcity.vn; thành lập Câu lạc bộ Kiến tạo Địa cầu để thường xuyên trao đổi, giao lưu với các quỹ đầu tư và kiến nghị, đề xuất phối hợp với các cơ quan Ban, Bộ ngành và Thành phố Hà Nội.

Kính thưa các đồng chí!

Với sự hỗ trợ tích cực của Hội LHTN Thành phố Hà Nội như trên, các doanh nghiệp khởi nghiệp của thành phố đã đạt nhiều thành công. Trong đó, Abivin của chúng tôi cũng đã có những thành tích bước đầu khi vượt qua hơn 30.000 startups của trên 40 quốc gia và khu vực tham dự, để giành vị trí Vô địch Thế giới tại Startup World Cup năm 2019.

Tuy nhiên, khởi nghiệp sáng tạo không hề dễ dàng. Có những tổng kết cho rằng, trên 90% các startup đã phải từ bỏ ý định sau 2 năm hoạt động vì nhiều lý do. Để phong trào khởi nghiệp trong thanh niên tiếp tục đạt được những thành công, tôi xin nêu ra 3 kiến nghị với Chính phủ, Bộ, Ngành về việc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST, gắn liền với hoạt động của Thanh niên:

1. Chính phủ chỉ đạo quyết liệt việc xây dựng cơ sở dữ liệu số trong mọi lĩnh vực và cho phép các Startups liên quan tiếp cận nguồn dữ liệu này. Bởi vì, thông qua phân tích dữ liệu, hệ sinh thái khởi nghiệp đang phát triển mạnh mẽ, có thể giúp tư vấn cho Chính phủ, Bộ ban ngành nhiều quy định, chính sách phù hợp và kịp thời hơn.

2. Trong giai đoạn đầu của các Startup, chính phủ có thể đầu tư cùng nhà đầu tư uy tín (theo hình thức đối ứng 50-50 hoặc 30-70). Thông qua các cuộc thi khởi nghiệp, đối với các Startup được các nhà đầu tư đánh giá tốt, có đội nhóm, có ý tưởng và sản phẩm tiềm năng, thì đây chính là những Startup mà chính phủ có thể bỏ tiền đối ứng cùng các nhà đầu tư uy tín. Việc thực hiện cơ chế này cũng thể hiện sự cam kết chung tay xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp của Chính phủ với các nhà đầu tư nước ngoài - Đây là những người có nhiều mạng lưới quan
hệ có thể giúp Việt Nam kết nối toàn diện hơn với thế giới.

3. Hoàn thiện khung pháp lý cho các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin nhằm bảo vệ Dữ liệu quốc gia, tránh để dữ liệu rơi vào tay các doanh nghiệp nước ngoài. Bên cạnh đó, hoạt động của các Startup cần thử nghiệm các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới trong môi trường thực tiễn, có thể gặp rủi ro nếu không có khung pháp lý phù hợp. Trong khi chờ các văn bản luật được ban hành, chính phủ có thể xem xét xây dựng khung pháp lý cho cơ chế sandbox, tập trung quy định rõ "không gian, thời gian, quy mô", áp dụng
sandbox cho từng lĩnh vực và trong điều kiện nhất định, sau khi phân tích kỹ từng tình huống chính sách cụ thể.

Đối với Trung ương hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, tôi xin có 3 kiến nghị:

1. Tiếp tục triển khai các hoạt động hỗ trợ về Truyền thông, Đào tạo, Tư vấn. Cần đào tạo kỹ năng quản lý doanh nghiệp, quản lý tài chính hay tư vấn các thủ tục pháp lý cần thiết để giúp Doanh nghiệp khởi nghiệp tránh mắc những lỗi quản trị cơ bản.

2. Kết nối các dự án Khởi nghiệp: giữa Nhà đầu tư với Khởi nghiệp, Doanh nghiệp lớn với Khởi nghiệp và Khởi nghiệp với Khởi nghiệp để tạo ra một cộng đồng Khởi nghiệp Việt Nam đoàn kết bởi vì “Muốn đi xa phải đi cùng nhau".

3. Cuối cùng, Trung ương Hội sẽ tiếp tục là diễn đàn, cầu nối thực hiện tham vấn, góp ý, phản biện chính sách nhằm tạo ra môi trường thể chế ngày càng đồng bộ và hoàn thiện cho cộng đồng Khởi nghiệp Việt Nam.

Kính thưa Đại hội!

Trên đây là một số ý kiến phát biểu tham luận của tôi về chủ đề “Thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong thanh niên Thủ đô”, hy vọng sẽ nhận được những lời chia sẻ đóng góp từ các đại biểu dự Đại hội.

Tôi xin chúc Đại hội thành công tốt đẹp; chúc cho Hội ta ngày càng phát triển vững mạnh, thực hiện sâu, rộng, có hiệu quả các hoạt động thu hút, tập hợp thanh niên Việt Nam trở về, tham gia hành trình “Tôi yêu Tổ quốc tôi”, đóng góp cho đất nước trên mọi lĩnh vực, trong đó có hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo!

Xin trân trọng cảm ơn!

 

BBT