Thanh niên trên địa bàn dân cư góp ý xây dựng dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đoàn XII

17:53 01/04/2022     1326

Công tác giáo dục   ĐTN: Sáng 1/4, Trung ương Đoàn tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý, hiến kế của thanh niên trên địa bàn dân cư để xây dựng dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII. Bí thư Trung ương Đoàn Ngô Văn Cương chủ trì Hội nghị

 

Đồng chí Ngô Văn Cương- Bí thư Trung ương Đoàn chủ trì phát biểu tại Hội nghị

 

Chăm lo hơn đến thanh niên khuyết tật

Tại Hội nghị, anh Trịnh Công Thanh (Chủ tịch Hội Thanh niên khuyết tật Hà Nội) cho biết trong Báo cáo chính trị cần nêu rõ, thanh niên yếu thế là thanh niên khuyết tật. Vì nếu ghi chung chung là thanh niên yếu thế thì chỉ có một số địa phương làm tốt công tác chăm lo cho thanh niên khuyết tật, hiện phong trào thanh niên khuyết tật còn yếu.

Anh Trịnh Công Thanh cũng đề nghị, nên đưa thanh niên khuyết tật vào các chương trình hành động của Đoàn, Hội để có thể lồng ghép các hoạt động chăm lo cho thanh niên khuyết tật;

“Đa số thanh niên khuyết tật mong muốn được tham gia là đoàn viên; Hiện nay, các chương trình vay vốn chỉ hỗ trợ đoàn viên, nếu thanh niên khuyết tật không là đoàn viên thì sẽ rất khó tiếp cận với nguồn vốn vay”, anh Thanh cho hay.

 

Chị Nguyễn Thị Minh Tâm phát biểu tại điểm cầu Đồng Tháp

 

Chị Nguyễn Thị Minh Tâm - Gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu tỉnh Đồng Tháp cũng cho rằng, Đoàn, Hội cần tạo nhiều mô hình sân chơi cho thanh niên khuyết tật; sân chơi giúp các bạn thanh niên khuyết tật nâng cao thể chất, nếu có sân chơi dành cho thanh niên khuyết tật thì các bạn khuyết tật sẽ hòa nhập xã hội hiệu quả hơn.

Đại diện thanh niên khuyết tật tỉnh Hải Dương, chị Nguyễn Thị Nga mong muốn có quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp; vấn đề học nghề, giới thiệu việc làm cho thanh niên khuyết tật hiện vẫn còn khó khăn. Chị Nguyễn Thị Nga hy vọng thanh niên khuyết tật sẽ được tiếp cận được các chương trình học nghề, vốn khởi nghiệp lập nghiệp.

Tăng cường đoàn kết, hỗ trợ phát triển thanh niên tôn giáo

Anh Nguyễn Tuấn Vũ - đại diện thanh niên tôn giáo ở Tuyên Quang cho thấy, vấn đề đoàn kết tập hợp thanh niên tôn giáo và xây dựng đội ngũ đoàn viên là thanh niên tôn giáo là cần thiết để để nâng cao chất lượng Đoàn cơ sở.

Bên cạnh đó, trong khi lực lượng giới trẻ hoạt động khá mạnh trong các cơ sở tôn giáo thì tổ chức Đoàn nhiều nơi còn thiếu sân chơi, giao lưu, học tập, kỹ năng sống cho đoàn viên thanh niên, nhiều nơi không hiệu quả, còn hình thức. 

 

Anh Nguyễn Tuấn Vũ phát biểu tại điểm cầu Tuyên Quang

 

"Thực tế, lực lượng giới trẻ tôn giáo cũng là đoàn viên. Vậy tại sao khi tổ chức đoàn huy động, thì lực lượng này lại ít tham gia? Phải chăng hoạt động Đoàn cơ sở nhiều nơi chưa hấp dẫn vì thiếu đổi mới, thiết thực; kinh phí hoạt động Đoàn cơ sở còn hạn chế; nhất là sự kết nối giữa tổ chức cơ sở Đoàn và thanh niên tôn giáo thông qua các chương trình phối hợp đồng hành" anh Nguyễn Tuấn Vũ nêu vấn đề.

Để làm tốt vấn đề đó, anh Nguyễn Tuấn Vũ cho biết, tạo mối liên hệ giữa thanh niên tôn giáo với cơ sở Đoàn là thực sự cần thiết để thanh niên tham gia được hai môi trường. Bên cạnh đó, anh Nguyễn Tuấn Vũ đề xuất các giải pháp như: Các cơ sở Đoàn đông thanh niên tôn giáo, đồng bào dân tộc thiểu số, cần quan tâm, tạo điều kiện đến đời sống xã hội và đời sống tôn giáo, những phong tục tập quán riêng của các dân tộc; Thường xuyên tổ chức các chương trình giao lưu, tuyên dương thanh niên tôn giáo và dân tộc tiêu biểu trong các hoạt động tổ chức Đoàn. Có thể tổ chức ngay tại các cơ sở tôn giáo để tạo sự chia sẻ, thấu hiểu; Ngoài ra, thanh niên không chỉ xung phong các mặt trận văn hóa xã hội, mà còn phải tham gia phát triển kinh tế trên quê hương. Do đó, cần quan tâm vấn đề hướng nghiệp, tư vấn việc làm, nhất là với thanh niên tôn giáo. "Chỉ khi kinh tế phát triển thì sức mạnh tinh thần, niềm tin và nền kinh tế, hệ thống chính trị được củng cố hơn. Thanh niên tôn giáo cũng sẽ đi vào tổ chức Đoàn và hệ thống chính trị nơi mình sinh sống hơn", anh Vũ nhấn mạnh.

Có nhiều chính sách hỗ trợ lực lượng đoàn viên thanh niên trên địa bàn dân cư

Nói về lực lượng đoàn viên thanh niên trên địa bàn dân cư hiện nay, chị Lê Thị Thảo, Phó Bí thư Thành đoàn Hà Tĩnh cho biết, hiện nay, số lượng đoàn viên, thanh niên trên địa bàn dân cư ngày càng giảm do các bạn trẻ đi làm xa, đi du học. Đây là nguyên nhân dẫn đến khó khăn trong việc phát hiện và giới thiệu đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét, kết nạp.

Bên cạnh đó, nhu cầu lớn của thanh niên hiện nay là nghề nghiệp, việc làm. Tuy nhiên, các bạn trẻ chưa phải chủ gia đình nên gặp nhiều khó khăn trong vay vốn.

“Thời gian qua, dù Trung ương Đoàn đã có nhiều giải pháp hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế như tạo điều kiện vay vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm. Tuy nhiên, số vốn vay từ nguồn quỹ này còn nhỏ, chưa đáp ứng hết được nhu cầu của thanh niên. Vì vậy, tổ chức Đoàn cần phải có kiến nghị, đề xuất mở rộng nguồn vốn, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiêp”, chị Lê Thị Thảo đề xuất.

 

Điểm cầu các tỉnh tham gia Hội nghị

 

Anh Hoàng Văn Sơn, Bí thư Đoàn Thanh niên huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình cũng cho biết, thực tế tại địa phương cho thấy phần lớn thanh thiếu niên đến nơi khác làm ăn. Vì thế, số lượng đoàn viên, thanh niên trên địa bàn ít.

Theo anh Sơn, muốn thu hút thanh niên đến với hoạt động của Đoàn thì việc đầu tiên là phải tạo việc làm, giúp họ phát triển kinh tế. “Nếu thanh niên được hỗ trợ phát triển kinh tế, làm giàu trên quê hương họ sẽ yên tâm ở lại địa phương. Việc thu hút thanh niên đến với các hoạt động của Đoàn cũng sẽ hiệu quả hơn”, anh Sơn chia sẻ.

Đại diện cho thanh niên dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Bình, chị Hồ Thị Be cũng nêu ý kiến, tổ chức Đoàn trên địa bàn dân cư hiện nay rất cần được quan tâm nhằm đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng, tạo động lực cho đoàn viên thanh niên phát triển. Hiện, Đoàn viên ở các khu dân cư đi làm xa nên khó khăn trong việc lựa chọn đoàn viên ưu tú giới thiệu cho đảng kết nạp. Bên cạnh đó, nhiều nơi còn có nhiều hủ tục lạc hậu, trình độ dân trí thấp, thanh niên còn hạn chế trình độ, nhận thức chính trị.

Vì vậy, chị Be cho rằng, Đoàn cần có nhiều hoạt động hỗ trợ thanh niên dân tộc thiểu số phát triển kinh tế; xây dựng các dự án nâng cao nhận thức cho phụ huynh dân tộc thiểu số để trẻ em được đến trường; tập huấn các kỹ năng mềm, sức khỏe sinh sản cho thanh niên dân tộc thiểu số; giới thiệu việc làm cho thanh niên sau khi tốt nghiệp…

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Ngô Văn Cương- Bí thư Trung ương Đoàn cho biết, hội nghị diễn ra với hơn 30 ý kiến phát biểu tại các điểm cầu, trong đó có các nội dung như, hỗ trợ thanh niên khuyết tật, thanh niên tôn giáo, chuyển đổi số, thanh niên trên địa bàn dân cư… các ý kiến đánh giá vai trò của đoàn thanh niên trong chuyển đổi số, đô thị văn minh, đô thị số trong thanh niên nông thôn cũng cần nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cho các khối đối tượng này; các phụ lục, số liệu, mô hình đoàn thanh niên các cấp, đánh giá hiệu quả lớp Bí thư đoàn cấp tỉnh, bổ sung dự báo tình hình trong nước và thế giới, đó là những ý kiến phù hợp để bổ sung vào văn kiện, báo cáo cũng như phương hướng nhiệm kỳ tới.

Theo đồng chí Ngô Văn Cương, Ban chấp hành Trung ương Đoàn thống nhất giữ nguyên 03 phong trào và 03 chương trình trong nhiệm kỳ tới, đồng thời, sẽ bổ sung các nội hàm, các công việc cụ thể để phù hợp với tình hình kinh tế chính trị của đất nước, đặc biệt trong tình hình dịch bệnh Covid diễn ra hết sức phức tạp. Trước đó, Ban Chấp hành Trung ương Đoàn đã biểu quyết thông qua chủ trương tổ chức Đại hội trực tuyến kết hợp trực tiếp cấp Chi đoàn.

Bí thư Trung ương Đoàn Ngô Văn Cương đề nghị lãnh đạo các Ban, đơn vị nghiêm túc tiếp thu các ý kiến góp ý tại hội nghị để báo cáo Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương Đoàn bổ sung vào văn kiện, báo cáo trong nhiệm kỳ vừa qua cũng như phương hướng trong nhiệm kỳ tới.

 

Trịnh Lý