Thanh niên hội nhập cần có sức đề kháng, tiếp thu những vấn đề tích cực, lan tỏa tấm gương tốt
22:13 14/12/2022 2560
Công tác giáo dục Đoàn viên, thanh niên đang hội nhập rất sâu rộng, cần thiết phải tạo sức đề kháng, tiếp thu những vấn đề tích cực, lan tỏa những tấm gương tốt và ngăn chặn, đẩy lùi những tiêu cực.
Chiều 14/12, trong khuôn khổ ngày làm việc đầu tiên Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh lần thứ XII, diễn ra diễn đàn Thanh niên Việt Nam vững bước hội nhập.
Dự diễn đàn có Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Minh Triết, đại diện Ban Đối ngoại T.Ư, Bộ Ngoại giao cùng hơn 160 đại biểu dự Đại hội, chia làm hai tổ thảo luận.
Toàn cảnh phiên thảo luận tại diễn đàn Thanh niên Việt Nam vững bước hội nhập. Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng |
Tại Tổ thảo luận số 10, nhiều ý kiến tâm huyết của các đại biểu gửi đến diễn đàn Thanh niên Việt Nam vững bước hội nhập.
Đồng chí Lê Đức Thắng - Phó Bí thư Ban Cán sự Đoàn cơ sở tại Cuba cho biết, hội nhập hiện là xu thế của thế giới. Thời gian qua, T.Ư Đoàn đã tiến hành nhiều chương trình, hoạt động để thúc đẩy, nâng cao kiến thức về hội nhập, tạo cơ hội tiếp cận các thành tựu về khoa học công nghệ, các nền văn hoá trên thế giới.
Dù vậy, theo đại biểu, hiện nay, trong quá trình hội nhập, thanh niên cũng đối diện nhiều thách thức, tiêu cực như những luồng văn hoá phi truyền thống. Vì thế, thanh niên cần có bản lĩnh vững vàng khi hội nhập, tiếp thu những điều tốt đẹp, nhận diện và tránh xa những tiêu cực.
Bí thư Đoàn Ngân hàng Vietinbank Đoàn Thị Kiều Hương phát biểu ý kiến. Ảnh: Bảo Anh |
Cùng nêu về chủ đề này, đại biểu Đoàn Thị Kiều Hương, Bí thư Đoàn Ngân hàng Vietinbank cho rằng, hội nhập quốc tế là thế mạnh của đơn vị. Ngân hàng Vietinbank cũng có 3 chi nhánh ở nước ngoài. Chị Hương lưu ý, hiện nay, trong quá trình hội nhập, có những biểu hiện của việc sính ngoại, có những tiêu cực, hạn chế nhất định, vì vậy, cần phải có hướng khắc phục, xử lý như lan tỏa những tấm gương tốt ra sao, tiếp thu những vấn đề tích cực, tạo sức đề kháng cho thanh niên, ngăn chặn, đẩy lùi những vấn đề tiêu cực, hạn chế...
Tại diễn đàn, một số ý kiến cũng nêu cụ thể về một số khó khăn, kinh nghiệm thực tiễn hội nhập quốc tế tại địa phương.
Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Bắc Kạn Ma Thị Mận nêu, địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn, thiếu các chương trình kết nối để có thể giúp đoàn viên, thanh thiếu nhi giao lưu, hội nhập quốc tế; kiến nghị T.Ư Đoàn tổ chức nhiều chương trình giao lưu quốc tế, có thể tổ chức theo hình thức trực tuyến, hoặc tổ chức theo cụm để tỉnh có điều kiện tham gia... Ngoài ra, địa bàn tỉnh cũng còn nhiều vùng chưa có internet, điện lưới, máy tính... Địa phương sẽ tiếp tục tìm các giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Đại biểu Đặng Đại Bàng, Bí thư Tỉnh đoàn Quảng Bình cho biết, địa phương có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động hội nhập quốc tế, như kết nối, tổ chức các sự kiện với thanh niên các địa phương của Lào giáp với Quảng Bình; có chính sách hỗ trợ các học sinh, sinh viên nước bạn đang sinh sống, học tập trên địa bàn tỉnh... tạo các chương trình kết nối cho học sinh giao lưu, trò chuyện trực tiếp với khách du lịch để tăng khả năng ngoại ngữ...
Phải vững bước để hội nhập
Đại biểu Ngô Minh Hải, Phó Bí thư Thường trực Thành Đoàn TPHCM nhấn mạnh, trong hội nhập quốc tế, cần thiết nhất phải nâng cao vai trò, khả năng của thế hệ trẻ, hình thành lớp lao động trẻ có thể đáp ứng được nhu cầu của các nơi trên thế giới. Vì thế, hội nhập quốc tế không chỉ đơn thuần là giao lưu, mà phải nâng cao được năng lực cho người trẻ, tiếp thu những tinh hoa khoa học công nghệ, tinh hoa văn hoá thế giới.
Đại biểu Ngô Minh Hải cũng nêu, về ngoại ngữ, ngoài tiếng Anh, cần thiết phải có đào tạo các ngôn ngữ khác, ví dụ như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Lào, Campuchia, bởi có đội ngũ thanh niên hiểu được các ngôn ngữ này sẽ giúp kết nối, hiểu nhau nhiều hơn.
Phó Bí thư Đoàn Trường THPT Amsterdam - nữ đại biểu Chu Hoa Bảo Trâm. Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng |
Phó Bí thư Đoàn Trường THPT Amsterdam - nữ đại biểu Chu Hoa Bảo Trâm nhấn mạnh, cần tổ chức các cuộc thi trên nền tảng số để học sinh tăng cường khả năng tiếng Anh, làm nền tảng thiết yếu cho tương lai. Cùng với đó, hội nhập phải theo quan điểm "hoà nhập không hoà tan". "Hiện nay, có sự phát triển khác nhau giữa các vùng miền. Em mong muốn học sinh ở vùng miền nào cũng có cơ hội học tập, hội nhập ngang nhau", Trâm nhấn mạnh, đồng thời cho rằng, thế hệ của Trâm đến giai đoạn 2045 sẽ là lực lượng sung sức nhất, vì thế, ngay từ bây giờ cần hội nhập để có hành trang, giao lưu học hỏi với bạn bè trên thế giới...
Thượng tá Nguyễn Đức Cương, Phó Ban Thanh niên Quân đội cho biết, hiện nay, quá trình hội nhập diễn ra sâu rộng, cả về văn hoá, kinh tế, thậm chí về quốc phòng. Anh Cương cho rằng, hội nhập cũng góp phần thực hiện mục tiêu bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, giữ nước từ khi nước còn chưa nguy.
Thượng tá Nguyễn Đức Cương, Phó Ban Thanh niên Quân đội. Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng |
Với đoàn viên, thanh niên, cần chuẩn bị tâm thế để hội nhập, tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Đức Cương, ngoại ngữ chỉ là phương tiện. Ngoài ra, còn cần trình độ, năng lực, trí tuệ, bản lĩnh chính trị, mà những vấn đề này phải có sự vào cuộc của các hệ thống chính trị.
Với tổ chức Đoàn, quan trọng nhất là tạo sân chơi cho thanh thiếu nhi, trước mắt là đảm bảo về thể lực, thể trạng của con người Việt Nam. Với ngoại ngữ, anh Cương cho rằng, cần thiết phải có nhiều phương pháp. Các chương trình hành động của khoá tới, cần sự tham gia, vào cuộc, ủng hộ của các cơ quan đơn vị liên quan, các cấp chính quyền...
Theo TPO Tweet