Tâm huyết gửi Đại hội Đoàn: Cần xây dựng bản lĩnh văn hóa dân tộc cho thanh niên

10:18 30/11/2022     668

Công tác giáo dục   Xây dựng bản lĩnh văn hóa dân tộc cho thanh niên là mục tiêu quan trọng trong việc phát triển nhân cách, là xu thế của thời đại mà Đoàn cần có những phương cách tổ chức cho phù hợp.

Xã hội hiện đại đang phát triển nhanh chóng về nhiều mặt, các nhu cầu xã hội được đáp ứng không ngừng, con người đang sống trong một “thế giới phẳng”, mối giao tiếp luôn rộng mở. Thanh niên VN luôn khao khát được cống hiến và khẳng định vị thế của mình, đồng thời cũng đang đứng trước những thách thức của thời đại.

 

Tâm huyết gửi Đại hội Đoàn: Cần xây dựng bản lĩnh văn hóa dân tộc cho thanh niên - ảnh 1

Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Thanh Lợi. Ảnh: NVCC

 

Trong xu thế toàn cầu hóa, sự giao lưu giữa các nền văn hóa diễn ra vô cũng mạnh mẽ, mà thanh niên là đối tượng tiếp thu chính các trào lưu văn hóa đó, cả cái hay và điều dở. Vậy nên vấn đề bản sắc văn hóa dân tộc luôn có ý nghĩa thời đại.

Thanh niên trong thời đại ngày nay ngoài kiến thức, năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức, đóng góp xã hội, thì cần phải hiểu biết về văn hóa dân tộc. Trong hành trình đó, Đoàn Thanh niên không thể đứng ngoài cuộc. Cần đưa nó vào tiêu chí đánh giá yêu cầu của một đoàn viên. Bản thân mỗi đoàn viên cần có ý thức tự giác trong việc trau dồi vốn hiểu biết về văn hóa dân tộc. Trước nay, ta cũng có những hoạt động hướng về cội nguồn cho thanh niên nhưng chưa đạt được hiệu quả.

Bên cạnh đó, việc tạo ra nhiều sân chơi bổ ích cho các thế hệ trẻ để rèn luyện bản lĩnh văn hóa phải nằm trong đường hướng dài hơi của tổ chức Đoàn. Có thể phối hợp với ngành giáo dục tổ chức các câu lạc bộ di sản văn hóa, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu di sản văn hóa địa phương như: Khánh Hòa, Bình Dương đã làm, thu hút rất đông học sinh tham gia.

Những chuyến du khảo tìm hiểu các di tích, làng nghề, diễn xướng dân gian, lễ hội… Bảo tàng luôn là một trong những địa chỉ mang tính giáo dục cao qua việc nâng cao hiểu biết về văn hóa địa phương cũng như đất nước.

Ví dụ, có thể tổ chức “Hành trình đến với bảo tàng” nhằm thu hút đông đảo học sinh, sinh viên, thanh niên đến với thiết chế văn hóa khoa học giáo dục này. Những việc làm này cần phải tính tới hiệu quả cụ thể chứ không nên chỉ là hình thức, làm sao để có sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của những chủ nhân tương lai của đất nước. Giỏi chuyên môn, ngoại ngữ nhưng không thể thiếu sự hiểu biết về văn hóa của nước nhà, giúp các bạn thanh niên tự tin hơn trong việc giao lưu với bạn bè năm châu.

Phát triển văn hóa đọc trong thanh niên cũng là một nhiệm vụ của Đoàn trong việc xây dựng con người phát triển toàn diện. Mạng xã hội, truyền thông bên cạnh việc đáp ứng nhu cầu thông tin của thời đại, đồng thời cũng khiến con người xa nhau hơn trong mối giao tiếp ở thế giới thực. Đi đâu cũng thấy giới trẻ cắm mặt vào điện thoại, lãng phí thời gian mà quên đi những cách học hành, đọc sách mang lại nhiều lợi ích. Đoàn có thể dùng chính mạng xã hội như một kênh thông tin hữu hiệu cho việc quảng bá, giới thiệu những tác phẩm tốt thông qua sự cộng tác với các chuyên gia, nhà hoạt động xã hội để truyền cảm hứng cho thanh niên.

Cần tạo phong trào đọc sách trong học sinh, sinh viên, thanh niên công nhân qua việc xây dựng các thư viện, tủ sách ở khu phố, cơ quan, nhà máy. Một số thầy cô cũng đã có ý thức xây dựng tủ sách ngay trong lớp học của mình, giúp cho việc tiếp cận với văn hóa đọc gần gũi hơn.

Hình ảnh anh Nguyễn Quang Thạch (quê Hà Tĩnh) không ngừng đi xây dựng các thư viện ở khắp các vùng nông thôn, vùng sâu, ở các trường học của đất nước, được các tổ chức quốc tế bầu chọn là Đại sứ văn hóa đọc, khiến chúng ta phải suy nghĩ. Cần làm gì để thanh niên ham đọc sách, thấy được ích lợi từ hoạt động đó, thì không chỉ ở vai trò của nhà trường, xã hội, mà Đoàn cần phải góp phần vào để xây dựng hình ảnh thanh niên tri thức. Đọc tức là phát triển.

Xây dựng bản lĩnh văn hóa dân tộc cho thanh niên là mục tiêu quan trọng trong việc phát triển nhân cách, là xu thế của thời đại, mà Đoàn cần có những phương cách tổ chức cho phù hợp.

Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Thanh Lợi,

Trường cao đẳng Sư phạm Trung ương TP.HCM

 

>> Giúp người trẻ phát triển một cách toàn diện
>> 5 đề xuất để người trẻ cống hiến cho đất nước
>> Tạo môi trường để tri thức trẻ xây dựng đất nước
>> Thay đổi để đáp ứng nhu cầu của người trẻ
>> Người bạn lớn đồng hành trên đường lập thân, lập nghiệp
>> Đoàn phải gần gũi và hiểu hơn về gen Z
>> Giúp thanh niên tiếp cận nghề nghiệp bằng chuyển đổi số
>> Đầu tư năng lực số ngay từ lứa tuổi thiếu niên
>> Đánh giá cao 3 nhiệm vụ đột phá và 10 đề án trọng điểm
>> Tin tưởng vào đề án nâng cao năng lực số
>> Giúp thanh niên giao tiếp, làm việc trên môi trường số có văn hóa
>> Những hiến kế của giám đốc tuổi 33

 

theo Phạm Hữu - Báo Thanh niên