Sửa đổi Điều lệ Đoàn thực sự khoa học, toàn diện, sát thực tiễn

14:08 10/03/2022     3953

Công tác giáo dục   ĐTN: Sáng 10.3, T.Ư Đoàn tổ chức Hội nghị trực tuyến lấy ý kiến cán bộ Đoàn khu vực phía Bắc về dự thảo báo cáo tổng kết thực hiện Điều lệ Đoàn khóa XI, và đề xuất nội dung sửa đổi Điều lệ Đoàn.

 

Đồng chí Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư TƯ Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam chủ trì hội nghị.

 

Theo báo cáo, tính đến hết tháng 12/2021, cả nước có tổng số 6.251.269 đoàn viên thuộc quản lý của 20.775 đoàn cơ sở, 18.201 chi đoàn cơ sở và 248.059 chi đoàn. Giai đoạn 2018-2021, tỷ lệ bình quân đoàn viên theo đối tượng đoàn viên gồm: trường học khoảng 46%, địa bàn dân cư khoảng 33%, doanh nghiệp khoảng 7%, lực lượng vũ trang khoảng 8%, công chức, viên chức khoảng 6%.

Ba nhiệm vụ của đoàn viên đã được các cấp bộ đoàn quán triệt, yêu cầu đoàn viên nghiêm túc thực hiện. Hầu hết các cấp bộ Đoàn đã bảo đảm quyền của đoàn viên theo Điều lệ Đoàn, trong đó có quyền được thông tin, thảo luận, giám sát, biểu quyết, đề nghị và bảo lưu ý kiến của mình về công việc của tổ chức Đoàn; tham gia hoạt động Đoàn tại nơi cư trú; ứng cử, đề cử và bầu cử cơ quan lãnh đạo các cấp của Đoàn; yêu cầu tổ chức Đoàn đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình, được giúp đỡ và tạo điều kiện để phấn đấu trưởng thành.Công tác bồi dưỡng, phát triển đoàn viên mới được chỉ đạo theo hướng chú trọng nâng cao chất lượng nguồn thanh niên tiên tiến, đội viên trưởng thành từ các phong trào của Đoàn, Hội, tăng cường đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng bằng nhiều nội dung, hình thức phong phú.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Ngọc Lương cho biết, trước mỗi kỳ Đại hội cần phải đặt ra yêu cầu về sửa đổi Điều lệ Đoàn để đánh giá những phát sinh cần chỉnh sửa và cập nhật quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước; đồng thời để giải quyết những tồn tại, hạn chế, vướng mắc đã được thực hiện thí điểm thời gian qua và những phát sinh mới từ thực tiễn, đặc biệt trong bối cảnh cách mạng 4.0, hội nhập quốc tế…

 

Bí thư TƯ Đoàn Nguyễn Ngọc Lương phát biểu tại Hội nghị

 

Bí thư TƯ Đoàn cũng đề nghị các đại biểu cần nêu hết những khó khăn, tình huống phát sinh để việc sửa đổi lần này cần thực sự khoa học, toàn diện, bám sát vấn đề thực tiễn.

"Việc sinh hoạt đoàn đang quy định 1 tháng/lần bằng hình thức trực tiếp, vừa qua do dịch bệnh đã thí điểm làm trực tuyến. Không chỉ do dịch bệnh mà nhiều đoàn viên đi làm ăn xa, thậm chí ở nước ngoài thì việc chỉ tổ chức trực tiếp có phù hợp nữa không? Việc đóng đoàn phí như thế nào? Quản lý đoàn viên bằng sổ sách có thực chất không? Đối với việc sinh hoạt Đoàn của đoàn viên mới ra trường chuyển về nơi cư trú đi làm ăn xa thì như thế nào?”… đồng chí Nguyễn Ngọc Lương đặt ra các câu hỏi để các đại biểu cùng cho ý kiến.

Tại hội nghị, T.Ư Đoàn đưa ra 5 vấn đề sửa đổi Điều lệ Đoàn để các đại biểu tập trung thảo luận, cho ý kiến nhằm nâng cao chất lượng công tác xây dựng Đoàn trong tình hình hiện nay và phù hợp với thực tiễn đặt ra.

 

Hội nghị được tổ chức trực tuyến kết nối với các tỉnh thành đoàn, đoàn trực thuộc

 

Từ thực tiễn hoạt động, Liên Chi đoàn trong các trường Đại học, Học viện, trường học có quy mô tổ chức, thực hiện chức năng nhiệm vụ như đoàn cơ sở. Tuy nhiên, Liên Chi đoàn lại không được quy định là đoàn cấp cơ sở nên không có quyền của đoàn cơ sở theo Điều lệ Đoàn, dẫn đến bó hẹp, hạn chế, không tương xứng với hoạt động thực tiễn hiện nay của Liên chi đoàn. Do đó, đề xuất bổ sung Liên chi đoàn thuộc cấp huyện là đoàn cấp cơ sở. Như vậy, tổ chức cơ sở Đoàn gồm: Đoàn cơ sở, Liên chi đoàn thuộc đoàn cấp huyện, chi đoàn cơ sở, là nền tảng của Đoàn, được thành lập theo địa bàn dân cư, theo ngành nghề, theo đơn vị học tập, công tác, lao động, nơi cư trú và đơn vị cơ sở trong lực lượng vũ trang nhân dân.

Căn cứ Nghị quyết của BCH T.Ư Đoàn về thí điểm tổ chức sinh hoạt chi đoàn định kỳ, đại hội chi đoàn bằng hình thức trực tuyến trong trường hợp đặc biệt, tuy nhiên để khái quát triển khai thực hiện Đại hội trực tuyến ở các cấp, đề xuất bổ sung “trong trường hợp đặc biệt có thể tổ chức đại hội bằng hình thức trực tuyến; các đại biểu cũng nhất trí với những đề xuất sửa đổi của T.Ư Đoàn, trong đó hầu hết đồng ý với việc tổ chức sinh hoạt chi đoàn bằng hình thức trực tuyến.

Về độ tuổi sinh hoạt đoàn, có ý kiến cho rằng việc để đoàn viên đến 40 tuổi chưa trưởng thành là vi phạm điều lệ cần kiểm điểm chứ không nêu ra việc sửa điều lệ. Tuy nhiên, nhiều đại biểu đề nghị nên kéo dài độ tuổi sinh hoạt Đoàn đến 35 tuổi để phát huy những kinh nghiệm của “đoàn viên thâm niên”. Đặc biệt hiện việc độ tuổi trung bình của đoàn viên đang già hóa, ở mức 30 tuổi. Các đại biểu cũng cho rằng việc quản lý đoàn viên bằng sổ không còn phù hợp nữa, cần bỏ Sổ đoàn viên để quản lý bằng phần mềm và chỉ giữ lại thẻ đoàn viên.

Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị thay thế “Tổng cục Chính trị Công an Nhân dân” thành “Cục Công tác đảng và công tác chính trị” để phù hợp với quy định của Bộ Chính trị về tổ chức Đảng trong Công an Nhân dân và mô hình tổ chức, bộ máy mới của Bộ Công an; đề xuất Ủy viên Ủy ban Kiểm tra chuyển khỏi công tác Đoàn thì đương nhiên thôi tham gia Ủy ban Kiểm tra Đoàn các cấp.

Từ ngày 1/6/2017, tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh được quy định thêm nhiều nhiệm vụ mới liên quan đến công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, do đó đề xuất sửa đổi bổ sung Điều 38, của chương XI, Điều lệ Đoàn thành: “Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phụ trách Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, bảo vệ, chăm sóc, giáo dục thiếu nhi, trẻ em; hướng dẫn thiếu nhi làm theo 5 điều Bác Hồ dạy và phấn đấu trở thành đoàn viên Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, người công dân tốt của đất nước. Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh có trách nhiệm triển khai, thực hiện hiệu quả vai trò đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em và các chính sách, pháp luật liên quan đến công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. 


 

Bảo Anh