Sôi nổi Diễn đàn "Tổ chức Đoàn - Người bạn đồng hành với Thanh niên"

22:13 14/12/2022     9751

Công tác giáo dục   ĐTN: Nhiều ý kiến của các đại biểu đưa ra nhằm xác lập giải pháp hiệu quả của Đoàn trong triển khai các hoạt động hỗ trợ, tạo điều kiện cho thanh niên có cơ hội bình đẳng trong học tập, rèn luyện, phát triển toàn diện, tập trung vào những nhu cầu thiết thân, chính đáng của thanh niên; qua đó tiếp tục khẳng định vai trò Tổ chức Đoàn là Người bạn đồng hành với Thanh niên.

Chiều 14/12, trong khuôn khổ Chương trình Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII, Diễn đàn “Tổ chức Đoàn – Người bạn đồng hành với Thanh niên” được tổ chức với 02 tổ thảo luận. Dự chương trình có đồng chí Ngô Văn Cương, Bí thư Trung ương Đoàn cùng 82 đại biểu.

 

 

Dự chương trình có đồng chí Ngô Văn Cương, Bí thư Trung ương Đoàn

 

Khẳng định vai trò của Đoàn trong bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của thanh niên

Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI xác định triển khai 3 chương trình đồng hành với thanh niên: “Đồng hành với thanh niên trong học tập”; “Đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp”; “Đồng hành với thanh niên rèn luyện và phát triển kỹ năng trong cuộc sống, nâng cao thể chất, đời sống văn hóa tinh thần”. Sau 5 năm triển khai, các cấp bộ Đoàn bằng nhiều giải pháp sáng tạo đã góp phần phát triển thanh niên toàn diện, khẳng định vai trò của Đoàn trong bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của thanh niên.

Đồng hành với thanh niên trong học tập, các cấp bộ Đoàn tổ chức nhiều chương trình, hoạt động hỗ trợ, khuyến khích học sinh, sinh viên thi đua học tập, phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc, xây dựng tinh thần tự học, học tập suốt đời, tích cực tham gia xây dựng xã hội học tập trong thanh niên. Hoạt động kết nối, đồng hành với sinh viên, giáo viên trẻ, đặc biệt ở khu vực khó khăn, vùng sâu, vùng xa được tổ chức Đoàn các cấp triển khai trên diện rộng, góp phần cải thiện điều kiện cơ sở vật chất, dụng cụ, phương tiện giảng dạy, học tập và đời sống cho giáo viên, học sinh vùng sâu, vùng xa. Chương trình “Cùng em học trực tuyến”, “Sóng và máy tính cho em” triển khai đã kịp thời hỗ trợ cho nhiều trẻ em có hoàn cảnh khó khăn nhanh chóng tiếp cận, tham gia học tập trực tuyến, thích ứng với tình hình phức tạp của đại dịch COVID-19. Toàn Đoàn đã vận động nguồn lực, trao tặng thiết bị, tài khoản học trực tuyến trị giá hơn 156 tỷ đồng.

 

Đồng chí Trần Hữu, Trưởng ban Thanh niên công nhân và đô thị T.Ư Đoàn và đồng chí Trần Thị Chúc Quỳnh, Bí thư Tỉnh Đoàn Lâm Đồng chủ trì tổ thảo luận số 6

 

Cùng với đó, các cấp bộ Đoàn đã chủ động tìm kiếm, vận động nguồn lực xã hội để duy trì và phát huy hiệu quả các Quỹ khuyến học, khuyến tài, học bổng và triển khai hiệu quả chương trình “Tiếp sức đến trường” hỗ trợ học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đến trường. Tổ chức các giải thưởng, hỗ trợ, tôn vinh thanh niên có thành tích trong học tập, nghiên cứu khoa học; chủ động đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ sinh viên vay vốn, hỗ trợ chi phí học tập, miễn giảm học phí và tham gia giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục đào tạo. Quỹ Hỗ trợ và phát triển sinh viên Việt Nam đã trao tặng 1.019 suất học bổng trị giá 4,6 tỷ đồng; các cấp bộ Đoàn đã trao 933.507 suất học bổng, với tổng trị giá gần 2.800 tỷ đồng.

Chương trình Đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp được các cấp bộ đoàn quan tâm triển khai với nhiều hoạt động thiết thực, thu được những kết quả tích cực. Công tác bồi dưỡng tập huấn kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp cho cán bộ đoàn và đoàn viên, thanh niên triển khai đồng bộ ở các cấp. Các hoạt động tìm kiếm, phát triển và hỗ trợ các ý tưởng, dự án thanh niên khởi nghiệp, kết nối thanh niên có ý tưởng khởi nghiệp với nhà đầu tư được nhiều đơn vị tổ chức. Công tác hỗ trợ thanh niên vay vốn phát triển kinh tế được Đoàn thanh niên triển khai hiệu quả. Dư nợ của Đoàn thông qua Chương trình ủy thác với Ngân hàng chính sách xã hội và nguồn vốn vay từ Quỹ quốc gia về việc làm qua Trung ương Đoàn liên tục gia tăngđạt hơn 39.800 tỷ đồng qua 24.600 Tổ Tiết kiệm và vay vốn (tính đến 31/10/2022). Nguồn vốn vay từ Quỹ quốc gia về việc làm qua Trung ương Đoàn với hơn 75 tỷ đồng đã giải ngân cho 923 dự án, giải quyết việc làm cho 2.369 thanh niên.

Công tác tư vấn hướng nghiệp, giới thiệu việc làm được Đoàn thanh niên các cấp triển khai hiệu quả với hình thức đa dạng, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, nhất là trong tư vấn hướng nghiệp cho học sinh THPT, học sinh lớp 9. Các trung tâm giáo dục nghề nghiệp thanh niên, trung tâm dịch vụ việc làm thanh niên hoạt động hiệu quả, tổ chức nhiều hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm cho các đối tượng thanh niên, tạo điều kiện cho thanh niên tiếp cận với các nhà tuyển dụng. Hoạt động tập huấn chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, ứng dụng thương mại điện tử; hỗ trợ ứng dụng công nghệ trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, bản quyền được chú trọng triển khai.Triển khai Chương trình “Đồng hành với thanh niên rèn luyện và phát triển kỹ năng trong cuộc sống, nâng cao thể chất, đời sống văn hóa tinh thần”, toàn Đoàn đã tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức và tổ chức nhiều chương trình, hoạt động giáo dục trải nghiệm, rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng hội nhập… với phương thức đa dạng, đáp ứng nhu cầu, sở thích, nguyện vọng chính đáng của thanh thiếu nhi. Các cấp bộ Đoàn đã phát động đoàn viên, thanh niên tham gia rèn luyện ít nhất 01 môn thể thao, tổ chức nhiều giải thể thao quần chúng trong thanh niên như triển khai cuộc vận động “Mỗi thanh niên 10.000 bước chân mỗi ngày”, giải bóng đá sinh viên toàn quốc, giải bóng đá U11, U15, U21, giải bóng rổ học sinh, sinh viên, giải thể thao sinh viên Việt Nam, chạy việt dã... Các chương trình giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản vị thành niên, chống nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, phòng chống HIV/AIDS, tư vấn tâm lý, hỗ trợ pháp lý cho thanh thiếu nhi được triển khai hiệu quả. Tổ chức đa dạng các loại hình hoạt động văn hóa, nghệ thuật để nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho thanh niên; đồng thời tổ chức các diễn đàn, hội thảo về phát huy vai trò của thanh niên trong thực hiện nhiệm vụ chấn hưng văn hoá, bảo vệ biên cương tư tưởng văn hoá trong kỷ nguyên số. Tích cực vận động các nguồn lực xây dựng, cải tạo, nâng cấp nhiều điểm vui chơi, sinh hoạt cho thanh thiếu nhi. Tiếp tục quan tâm chăm lo đời sống văn hóa tinh thần cho thanh niên công nhân các khu công nghiệp, chế xuất, thanh niên dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

 

 

Tuy đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ trên đây, nhưng so với nhu cầu, mong muốn của thanh niên và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, các nội dung đồng hành với thanh niên vẫn còn hạn chế. Việc triển khai các chương trình đồng hành với thanh niên yếu thế, khu vực đặc thù chưa được thường xuyên, hiệu quả chưa cao. Phong trào “Học sinh 3 rèn luyện”, “Học sinh 3 tốt” tại một số đơn vị chưa được quan tâm đúng mức. Các mô hình thanh niên phát triển kinh tế chưa đáp ứng được hết nhu cầu, tiềm năng của thanh niên. Các thiết chế tư vấn hướng nghiệp, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, hỗ trợ thanh niên khởi sự doanh nghiệp còn thiếu về số lượng, yếu về năng lực, chưa đáp ứng được đầy đủ nhu cầu của thanh niên và đòi hỏi của thị trường lao động. Việc thiết lập và sử dụng các hình thức tư vấn về tâm lý, hỗ trợ pháp lý cho thanh thiếu nhi chưa được triển khai hiệu quả…

Nhằm xác lập giải pháp hiệu quả của Đoàn trong triển khai các hoạt động hỗ trợ, tạo điều kiện cho thanh niên có cơ hội bình đẳng trong học tập, rèn luyện, phát triển toàn diện, tập trung vào những nhu cầu thiết thân, chính đáng của thanh niên; qua đó tiếp tục khẳng định vai trò Tổ chức Đoàn là Người bạn đồng hành với Thanh niên, Ban tổ chức diễn đàn đề nghị các đại biểu tham dự tại diễn đàn đã tập trung thảo luận, làm rõ thêm một số vấn đề, cụ thể như sau: Cùng nhìn nhận, đánh giá cụ thể thêm, sâu sắc thêm về kết quả triển khai các chương trình đồng hành với thanh niên giai đoạn 2017-2022 của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; chỉ ra những hạn chế, bất cập trong quá trình triển khai chương trình đồng hành với thanh niên nhiệm kỳ vừa qua; giới thiệu mô hình hiệu quả, cách làm hay để cùng chia sẻ kinh nghiệm; phân tích rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan của những hạn chế, yếu kém trong triển khai chương trình đồng hành với thanh niên thời gian qua.

Bên cạnh đó, phân tích cụ thể những mong muốn, nhu cầu và những khó khăn của thanh niên hiện nay trên con đường lập thân, lập nghiệp. Trong triển khai các Chương trình “Đồng hành với thanh niên trong học tập”, “Đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp”, “Đồng hành với thanh niên rèn luyện và phát triển kỹ năng trong cuộc sống, nâng cao thể chất, đời sống văn hóa tinh thần” thời gian tới, Đoàn cần chọn nội dung gì để có thể đồng hành, hỗ trợ tốt nhất cho thanh niên; nội dung gì nên bàn bạc, phối hợp với các ngành khác? nên triển khai như thế nào và cần lưu ý gì trong quá trình triển khai các chương trình, đề án hỗ trợ, đồng hành với thanh niên mà dự kiến Đại hội XII sẽ thông qua, gắn với các giải pháp triển khai hiệu quả Luật Thanh niên năm 2020 và Chiến lược phát triển thanh niên giai đoạn 2021 – 2030?; Đề xuất, kiến nghị với các bộ, ngành liên quan, với Chính phủ rà soát, bổ sung, điều chỉnh, ban hành những cơ chế, chính sách để Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thực hiện tốt nhất vai trò, sứ mệnh là Người bạn đồng hành với Thanh niên.

Thảo luận tại diễn đàn, đại biểu Lê Văn Vin - Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Quảng Ngãi cho rằng để đồng hành với thanh niên rèn luyện và phát triển kỹ năng trong cuộc sống, nâng cao thể chất, đời sống văn hóa tinh thần thì trong thời gian tới, tổ chức Đoàn cần theo sát hoạt động của thanh niên hơn nữa trên không gian mạng để có thêm nhiều ý tưởng sáng tạo tuyên truyền hiệu quả.

 

Đại biểu Lê Văn Vin - Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Quảng Ngãi thảo luận tại diễn đàn

 

Tổ chức Đoàn cần theo sát các bạn trẻ trên không gian mạng

Ngày nay, thanh niên dành nhiều thời cho mạng xã hội cho nhu cầu giải trí, sáng tạo, tiếp nhận thông tin... nên các hoạt động văn hóa trực tiếp không còn được thu hút nhiều đoàn viên như trước. Vì vậy, tổ chức Đoàn cần theo sát các bạn trẻ trên không gian mạng để sáng tạo thêm các hoạt động văn hóa tinh thần online, chuẩn hóa kỹ năng sử dụng mạng xã hội và nâng cao nhận thức trong việc truyền tải thông điệp về Đoàn, Hội.

Còn đại biểu Nguyễn Tiến Hưng, Phó Bí thư Thành Đoàn Hà Nội cho biết, hiện nay, nhiều bạn đoàn viên, thanh niên thích ứng nhanh chóng và biết cách sáng tạo nội dung để thu hút công chúng theo dõi. Vì vậy, tổ chức Đoàn cần theo dõi sâu hơn và có những định hướng tiếp cận qua "người có sức ảnh hưởng" hay còn gọi là tiếp cận "KOL" để phối hợp tuyên truyền về các hoạt động của Đoàn.

"Việc tập hợp, thu hút các bạn sáng tạo nội dung trẻ trên mạng xã hội cùng chung tay xây dựng nội dung tuyên truyền về tổ chức Đoàn sẽ giúp lan tỏa mạnh mẽ hơn đến nhiều người. Tuy nhiên, cũng cần đặt ra tiêu chuẩn khi các bạn sáng tạo, xây dựng sản phẩm số sao cho phù hợp với từng đối tượng, độ tuổi", đại biểu Nguyễn Tiến Hưng nhấn mạnh.

Trang bị đúng những kĩ năng cần của thanh niên trong thời đại mới

Đại biểu Đào Việt Hằng, Chủ tịch Mạng lưới tri thức trẻ Việt Nam Toàn cầu cho rằng: Đại hội lần này đã xác định, nội dung kỷ nguyên số, tiến sâu vào khoa học công nghệ chính là bước tiếp nối và tập trung sâu hơn để đáp ứng với nhu cầu và tình hình thực tế. Đây cũng là mục tiêu cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng hướng tới tầm nhìn Việt Nam 2045 - “Phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số”. Để đạt được mục tiêu này đại biểu đề xuất cần có những bước tiếp cận hết sức cụ thể theo nhiều khía cạnh như đối với Đoàn viên thanh niên, cần tổng kết hoạt động triển khai chương trình nâng cao kĩ năng giai đoạn 2017-2022 để nhìn nhận thực tế thanh niên Việt Nam đang cần và muốn phát triển những kĩ năng gì. Có thể phân tích sâu hơn theo lĩnh vực học tập, làm việc, theo khu vực, theo độ tuổi. Điều này sẽ giúp các chương trình hoạt động của giai đoạn tiếp theo có tính thực tế và trang bị đúng những kĩ năng cần của thanh niên trong thời đại mới – thời đại của chuyển đổi số và khoa học công nghệ.

Cần có sự kết nối cả theo chiều rộng giữa các tổ chức: Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, các bộ ban ngành, các trường, viện nghiên cứu cũng như theo chiều dọc là lĩnh vực chuyên sâu của Đoàn viên thanh niên. Điều này giúp các hoạt động vừa có tính lan tỏa đến được với nhiều đối tượng đoàn viên thanh niên hơn nhưng đồng thời tăng khả năng kết nối liên ngành và trong chính ngành chuyên sâu. Để làm được điều này, rất cần phát huy vai trò của các mô hình như Mạng lưới trí thức trẻ, Mạng lưới tài năng trẻ, Mạng lưới các cá nhân tiêu biểu … trong các lĩnh vực cụ thể. Đây chính là những hạt nhân nòng cốt khơi dậy tinh thần đổi mới sáng tạo, những câu chuyện đầy cảm hứng và thực tế giúp kết nối giữa thanh niên với nhau và với các tổ chức để có được sự định hướng phát triển toàn diện và mạnh mẽ.

Bên cạnh đó có có đại biểu bày tỏ ý kiến thanh niên nông thôn ngày nay khởi nghiệp, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên các nền tảng số còn gặp rất nhiều khó khăn, hoặc không biết bắt đầu như thế nào, do đó tổ chức Đoàn nên tăng cường đề xuất phối hợp với các Bộ ngành địa phương tham mưu, triển khai các giải pháp giúp thanh niên nông thôn lập thân lập nghiệp trên các nền tảng số...

Ngoài ra, các đại biểu cũng đề xuất xây dựng các quy chế phối hợp với Chính phủ, Bộ ngành với những chính sách cụ thể cho thanh niên có tính khả thi cao, sát với tình hình thực tế, đặc biệt cho những đối tượng thanh niên yếu thế trong xã hội. Đồng thời các giải pháp đưa ra cho thanh niên ngày nay phải bám theo các xu hướng của thể hệ thanh niên mới “thế hệ gen Z”; gắn với đẩy mạnh hội nhập quốc tế trong đào tạo dạy nghề phát triển các mô hình mới phù hợp thời đạị./.

 

Thanh Nga - ảnh: Như Ý