Lấy ý kiên góp ý, hiến kế xây dựng dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII

17:42 29/12/2021     7993

Công tác giáo dục   ĐTN: Ngày 29/12, T.Ư Đoàn tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý, hiến kế của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạt động xã hội, nhà quản lý để xây dựng dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII.

Hội nghị diễn ra bằng hình thức trực tuyến với điểm cầu chính tại cơ quan Trung ương Đoàn dưới sự chủ trì của đồng chí Bùi Quang Huy, Uỷ viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư thường trực Trung ương Đoàn.

 

Đồng chí Bùi Quang Huy, Bí thư thường trực Trung ương Đoàn chủ trì hội nghị

 

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Bùi Quang Huy, Bí thư thường trực Trung ương Đoàn cho biết: Đại hội Đoàn toàn quốc nhiệm kỳ 2022 - 2027 diễn ra trong thời điểm toàn hệ thống chính trị, các ngành, các cấp tổ chức triển khai thực hiện các nội dung Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng với các mục tiêu cụ thể đến năm 2030, 2045. Đây cũng là giai đoạn của bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là công nghệ số phát triển mạnh mẽ; quá trình hội nhập quốc tế của nước ta trên các lĩnh vực ngày càng sâu, rộng; những tác động của đại dịch Covid-19 còn nhiều diễn biến phức tạp. Công tác thanh niên bước vào giai đoạn đẩy nhanh triển khai Luật Thanh niên (2020); Chiến lược Quốc gia về phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030; tổng kết 15 năm và tiếp tục triển khai thực hiên Nghị quyết số 25-NQTW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá”.

Trong giai đoạn 5 năm tới và đến năm 2030, mặc dù cơ cấu dân số thanh niên có giảm nhưng vẫn chiếm khoảng 22% trong cơ cấu dân số và chiếm khoảng 1/3 dân số trong độ tuổi lao động của Việt Nam. Đây là nhóm xã hội nằm trong độ tuổi thuộc thế hệ Z (sinh từ giữa thập niên 1990 đến những năm đầu của thập niên 2010) và thế hệ Alpha (sinh từ đầu thập niên 2010 đến giữa thập niên 2020) - sinh ra và lớn lên trong thời đại kỹ thuật số phát triển và được xem là công dân kỹ thuật số (Digital Native), với những đặc điểm về tư duy, nhận thức, tiềm năng sáng tạo, tính cách, xu hướng và phong cách sống…hoàn toàn khác thế hệ trước. Từ những đặc điểm, xu thế và tiềm năng của thế hệ Z và Alpha đã được các nhà nghiên cứu nhìn nhận như là Thế hệ kế tiếp (Nex Generation) và Liên Hợp quốc coi sự phát triển của thế hệ tương lai là Thế hệ không giới hạn (Generation Unlimited – GenU), với Chiến lược triển khai chương trình GenU – Thúc đẩy quan hệ đối tác đa lĩnh vực trên toàn cầu, tập trung vào quá trình chuyển đổi từ giáo dục và đào tạo sang việc làm và khởi nghiệp, cũng như tăng cường kết nối giới trẻ vào các hoạt động xã hội, cộng đồng.

Đoàn cần làm gì để thanh niên có ý chí khát vọng cống hiến, khát vọng vươn lên?

Bên cạnh đó, cùng với sự phát triển, giới trẻ ngày nay đang phải đối mặt với nhiều thách thức mới và nhiều vấn đề xã hội của thanh niên cũng đang đặt ra những yêu cầu mới trong công tác quản lý, giáo dục, xây dựng chính sách đảm bảo mục tiêu phát triển thanh niên. Từ những yêu cầu của nhiệm vụ chính trị, yêu cầu của sự phát triển và những vấn đề của thế hệ trẻ hiện nay, đặt ra cho tổ chức Đoàn cần phải có cách tiếp cận mới, đồng thời phải đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để thực hiện nhiệm vụ chăm lo, giáo dục, bồi dưỡng, phát huy, tạo môi trường rèn luyện cho thế hệ trẻ trở thành những con người mới XHCN, vừa hồng vừa chuyên, nguồn nhân lực có đầy đủ năng lực, tiềm năng trong xây dựng và bảo vê Tổ quốc, thực hiện mục tiêu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

“Câu hỏi đặt ra là Đoàn cần làm gì để thanh niên có ý chí khát vọng cống hiến, khát vọng vươn lên; chủ động tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số, xây dựng công dân số, công dân toàn cầu, sáng tạo và khởi nghiệp...; phát huy tính xung kích, tình nguyện, sáng tạo của thanh niên tham gia phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng; chăm lo, đảm bảo mọi cơ hội tiếp cận và phát triển trong học tập, lao động, việc làm, đời sống văn hóa, tinh thần, chăm sóc sức khoẻ, chất lượng sống của các đối tượng thanh thiếu nhi trong cả nước, đặc biệt là nhóm thanh thiếu niên yếu thế, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người’’, Bí thư thường trực Trung ương Đoàn Bùi Quang Huy nhấn mạnh.

Đồng chí Bùi Quang Huy cho biết: Trong quá trình xây dựng dự thảo Báo cáo chính trị, quan điểm của Ban chấp hành Trung ương Đoàn là tiếp tục triển khai 3 phong trào “Thanh niên tình nguyện”, “Tuổi trẻ sáng tạo”, “Tuổi trẻ xung kích bảo vệ Tổ quốc” và 3 chương trình “Đồng hành với thanh niên trong học tập”, “Đồng hành với thanh nien trong khởi nghiệp, lập nghiệp”, “Đồng hành với thanh niên rèn luyện và phát triển kỹ năng trong cuộc sống, nâng cao thể chất, đời sống văn hóa tinh thần” trong nhiệm kỳ 2022 – 2027. Điều này đảm bảo duy trì tính bền vững của phong trào, đồng thời phát huy vai trò, tính xung kích, tình nguyện, sáng tạo của thanh niên trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; tập trung những chương trình đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của thanh niên, tạo môi trường, hỗ trợ thanh niên phát huy tiềm năng và cơ hội phát triển. Tuy nhiên trong nhiệm kỳ tới, nội hàm của các phong trào, chương trình cần điều chỉnh, bổ sung như thế nào cho phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của đất nước, tình hình thanh thiếu nhi trong giai đoạn mới. Đây là vấn đề Trung ương Đoàn cần tiếp tục suy nghĩ một cách nghiêm túc, khoa học và cũng là nội dung rất mong muốn được các chuyên gia, nhà khoa học gợi mở, đề xuất thêm cho Trung ương Đoàn.

Tạo khát vọng cống hiến của từng người trẻ gắn với khát vọng đất nước hùng cường

Tại hội nghị, các chuyên gia, nhà khoa học đã thảo luận, cho ý kiến đề xuất cho Đoàn những vấn đề và những nội dung công việc Đoàn cần quan tâm triển khai trong nhiệm kỳ 2022-2027, tập trung trao đổi những nội dung như: những đặc điểm, xu thế mới của thanh niên hiện nay và những vấn đề trọng tâm của tình hình thanh thiếu nhi mà tổ chức Đoàn cần quan tâm trong nhiệm kỳ tới. Từ yêu cầu nhiệm vụ triển khai thực hiện các nội dung Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 và từ những đặc điểm của thế hệ thanh niên hiện nay, những nội dung, giải pháp mới, mang tính đột phá, phổ quát, thực tiễn và hiệu quả, tổ chức Đoàn cần phải chú trọng, quan tâm trong nhiệm kỳ tới trên các mặt công tác giáo dục, tổ chức các phong trào, chương trình hoạt động của thanh thiếu nhi; đồng hành, hỗ trợ vì sự phát triển của tuổi trẻ Việt Nam.

 

Các chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạt động xã hội, nhà quản lý tham gia hội nghị tại các điểm cầu

 

Tham gia tại hội nghị, GS. Hoàng Chí Bảo đánh giá, Đại hội Đoàn toàn quốc là một sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng, không chỉ thu hút sự quan tâm của giới trẻ mà toàn xã hội. Dư luận xã hội quan tâm Đoàn Thanh niên đề ra phương hướng hoạt động, quan điểm, tầm nhìn, nhất là giải pháp sáng tạo như thế nào để tạo ra một bước phát triển mới cho thế hệ trẻ Việt Nam, góp phần vào thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh. Vì thế, cần xây dựng Văn kiện Đại hội có tầm, hạn chế các khẩu ngữ. “Văn kiện Đại hội là báo cáo tổng kết lý luận, thực tiễn về Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, làm nổi bật được sự đổi mới, hội nhập, tạo ra khát vọng cống hiến của từng người trẻ gắn với khát vọng đất nước hùng cường” GS. Hoàng Chí Bảo.

Theo GS. Hoàng Chí Bảo để khơi gợi, phát huy được người trẻ, việc quan trọng hàng đầu là giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống, lòng tự hào, tự tôn dân tộc. Tuy nhiên, phương thức giáo dục thế nào cho hiệu quả cũng là điều quan trọng không kém. “Tuổi trẻ rất phản ứng với kiểu giáo dục hành chính, khô khan, giáo điều. Nếu chúng ta truyền được cảm hứng, chạm đến trái tim của mỗi bạn trẻ thì đạt hiệu quả giáo dục rất sâu sắc, lan tỏa”, GS. Hoàng Chí Bảo nói. Bên cạnh đó, giúp người trẻ xác định được lẽ sống tích cực của mình; mạnh mẽ phê phán những sai phạm, tiêu cực diễn ra trong xã hội.

“Nếu chúng ta mất niềm tin vào thanh niên là tự đánh mất mình"

Thiếu tướng, PGS.TS Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an) cho rằng: Hiện nay trong dư luận xã hội đánh giá về thanh niên Việt Nam có nhiều ý kiến trái chiều khác nhau, nhưng theo ông cần nhận thức đúng về tầng lớp thanh niên Việt Nam hiện nay. “Nếu chúng ta mất niềm tin vào thanh niên là tự đánh mất mình, người lớn phải là cái khuôn giúp thanh niên trưởng thành”, Thiếu tướng, PGS.TS Lê Văn Cương nhấn mạnh.

PGS.TS Lê Văn Cương cho rằng trọng tâm vấn đề thanh niên mà tổ chức Đoàn cần quan tâm là giáo giục thanh niên sống có trách niệm đối với bản thân, gia đình, xã hội và Tổ quốc. Chú trọng giáo dục ý thức tôn trọng pháp luật cho thanh niên, nghiêm chỉnh châp hành pháp luật Việt Nam, biết ứng xử có văn hoá, đó là điều cơ bản nhất mà thanh niên cần có. Đồng thời ông đề nghị, cần quan tâm hơn nữa đến công tác bồi dưỡng cán bộ Đoàn, chú trọng trong công tác bồi dưỡng cán bộ có ý nghĩa đột phá, chiến lược và lâu dài, đào tạo cán bộ Đoàn am hiểu sâu về khoa học, lãnh đạo quản lý…

Thiếu tướng, PGS.TS Lê Văn Cương cho rằng Văn kiện Đại hội XIII của Đảng có những tư tưởng đổi mới mà Báo cáo chính trị Đại hội cần thể hiện rõ nét hơn như lần đầu tiên Đảng ta đưa ra mục tiêu dài hạn, xác định mục tiêu tổng quát trong chặng đường phát triển đất nước đến giữa thế kỷ XXI “trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”, Văn kiện còn nêu các mục tiêu cụ thể cho 5 năm, tới năm 2025; mục tiêu cho 10 năm, tới năm 2030; và tầm nhìn đến năm 2045. Về dự báo tình hình thế giới và trong nước: Văn kiện Đại hội XIII đưa ra những dự báo mới như: trên thế giới, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song đang đứng trước nhiều trở ngại, khó khăn; đại dịch Covid-19 khiến kinh tế thế giới lâm vào khủng hoảng; Cách mạng công nghiệp lần thứ tư…; trong khu vực là vấn đề tranh chấp chủ quyền, đặc biệt là chủ quyền biển đảo...; trong nước, nền kinh tế phát triển chưa bền vững, còn nhiều hạn chế, yếu kém; xu hướng già hóa dân số nhanh; tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa tăng mạnh; biến đổi khí hậu gay gắt, phức tạp...

Phát biểu ý kiến tại hội nghị, GS. TS. Phạm Hồng Tung, Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển ĐHQGHN cho rằng sứ mệnh lớn nhất của thế hệ trẻ ngày nay là làm sao để Việt Nam không tụt hậu so với các cường quốc trên thế giới, đó là trách nhiệm được đặt lên vai thanh niên Việt Nam. "Cần làm sao để giảm khoảng cách về sự phát triển, không để trở thành người làm thuê trên chính quê hương mình", GS. TS. Phạm Hồng Tung đặc biệt lưu ý.

GS. TS. Phạm Hồng Tung đề nghị tổ chức Đoàn nghiên cứu để mạnh dạn đổi mới căn cứ vào Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. “Muốn thoát được tụt hậu phải tập trung xây dựng phát triển năng lực của thanh niên, tìm được những giá trị cốt lõi, tinh thần của Đảng đưa vào đời sống thanh niên, để thanh niên trở thành công dân Việt Nam toàn cầu, hội nhập mà không hoà tan”. GS. TS. Phạm Hồng Tung nhấn mạnh.

Kết luận hội nghị, Bí thư thường trực Trung ương Đoàn Bùi Quang Huy trân trọng tiếp thu tối đa các ý kiến gợi mở của các đại biểu tham dự hội nghị đã đưa ra những vấn đề lớn trong việc xây dựng hoàn thiện dự thảo Báo cáo chính trị của Đại hội bao gồm cả những ý kiến đồng tình và phản biện để làm rõ hơn vai trò của tổ chức Đoàn trong bối cảnh và tình hình mới; đặc biệt là trong cuộc cách mạng 4.0 thì vai trò của tri thức trẻ, vai trò của HSSV, đoàn viên thanh niên trong trường học; vai trò của tổ chức Đoàn đối với thanh niên ngoài Đoàn, vai trò của tổ chức Đoàn trong giáo dục ĐVTN trong bối cảnh sắp tới. “Bên cạnh đó các ý kiến góp ý về chủ đề, khẩu hiệu, mục tiêu của Đại hội, chúng tôi cho rằng đó là những ý kiến hoàn toàn xác đáng và cần tiếp thu ngay. Trân trọng cảm ơn những tình cảm của các chuyên gia, thầy cô đã dành cho Đoàn và mong tiếp tục nhận được sự quan tâm trong thời gian sắp tới”, đồng chí Bùi Quang huy nói./.

 

Thanh Nga