Khai mạc Đại hội Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Hưng Yên: 74,5% đại biểu là đảng viên
16:17 26/09/2022 617
Công tác tuyên truyền, giáo dục Sáng 26/9, tại Trung tâm hội nghị tỉnh Hưng Yên, Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Hưng Yên khóa XVI nhiệm kỳ 2022-2027 khai mạc. Trong số 227 đại biểu dự Đại hội, có 170 đại biểu là Đảng viên, chiếm 74,56%.
Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Hưng Yên khóa XVI, nhiệm kỳ 2022-2027 với khẩu hiệu “Tiên phong – Đoàn kết – Sáng tạo – Khát vọng – Phát triển” diễn ra 1,5 ngày (ngày 26 và sáng 27/9). Dự đại hội, có 227 đại biểu, đại diện cho hơn 55.200 đoàn viên toàn tỉnh.
Đại hội đã bầu Đoàn Chủ tịch gồm 9 đồng chí; Thư ký gồm 2 đồng chí; Ban Thẩm tra tư cách đại biểu gồm 9 đồng chí. Đại hội đã thông qua chương trình, nội quy, quy chế đại hội.
227 đại biểu dự Đại hội, trong đó có 74 đại biểu là nữ (chiếm 32,5%).
Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Hưng Yên khóa XVI, nhiệm kỳ 2022-2027 khai mạc sáng 26/9.
Đồng chí Trần Văn Khanh – Trưởng ban Thẩm tra tư cách đại biểu báo cáo kết quả thẩm tra tư cách đại biểu tham dự. Trong số 227 đại biểu chính thức, có 153 đại biểu nam (67,5%), 74 đại biểu nữ (32,5%), 170 đại biểu là đảng viên (74,56%).
Về trình độ: 42 đại biểu trình độ thạc sỹ (18,5%); 145 đại biểu đang học hoặc đã tốt nghiệp đại học (63,9%); 12 đại biểu trình độ trung cấp, cao đẳng (5,2%); 28 đại biểu đang học THPT (12,4%).
34 đại biểu có trình độ lý luận chính trị cao cấp hoặc cử nhân (15%) và 91 đại biểu có trình độ trung cấp lý luận chính trị (40%). Đại biểu trẻ nhất 16 tuổi, đại biểu cao nhất 40 tuổi.
Đồng chí Vũ Hồng Luyến - Bí thư Tỉnh Đoàn Hưng Yên phát biểu khai mạc Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Hưng Yên khóa XVI nhiệm kỳ 2022-2027.
Thảo luận sôi nổi tại 3 diễn đàn thanh niên
Trong phiên làm việc buổi sáng 26/9, Đại hội đã tổ chức 3 diễn đàn thảo luận, gồm: Giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ Đoàn đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; Phát huy vai trò của tổ chức Đoàn hỗ trợ thanh niên trong khởi nghiệp, lập nghiệp và Nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục của Đoàn và công tác phụ trách Đội TNTP Hồ Chí Minh, chăm sóc, bảo vệ, giáo dục thanh thiếu niên, nhi đồng.
Các đại biểu tham dự sôi nổi góp ý, nêu ra thực trạng và đề xuất giải pháp tại 3 tổ thảo luận.
Đồng chí Doãn Thế Dương - Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Hưng Yên chủ trì diễn đàn thảo luận: Phát huy vai trò của tổ chức đoàn hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp, chuyển đổi số.
Tại tổ thảo luận số 2, đại biểu Nguyễn Thành Đồng – Bí thư Đoàn thị trấn Như Quỳnh (huyện Văn Lâm) chia sẻ, ngoài công tác Đoàn, bản thân anh cũng thành lập doanh nghiệp nhỏ tại địa phương.
Đồng chí Đồng chia sẻ, các doanh nghiệp nhỏ tại thị trấn Như Quỳnh có nhu cầu nguồn vốn rất lớn để hoạt động. Tuy nhiên, việc tiếp cận nguồn vốn của đoàn viên tham gia phát triển kinh tế gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt thủ tục rườm rà, nguồn vốn được ngân hàng chính sách hỗ trợ rất ít.
Đại biểu đề nghị, Tỉnh Đoàn Hưng Yên phối hợp với ngân hàng chính sách, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận nguồn vốn một cách đơn giản hơn, với số vốn lớn hơn.
Đồng thời, tổ chức các tọa đàm để đoàn viên thanh niên học tập, trao đổi kinh nghiệm triển khai các mô hình kinh tế. Đẩy mạnh tuyên truyền, để đoàn viên thanh niên thấy được vai trò quan trọng của công cuộc chuyển đổi số. Từ đó tăng cường nhận thức và trang bị năng lực số để đoàn viên thanh niên chuẩn bị lập thân, lập nghiệp trong tương lai.
Ngoài ra, tích cực hơn nữa trong việc xây dựng các chương trình đào tạo, tập huấn về năng lực số cho đoàn viên thanh niên, hỗ trợ các hoạt động về đầu tư kinh doanh qua đó xây dựng các chương trình về kinh doanh số.
Đại biểu Nguyễn Thành Đồng – Bí thư Đoàn thị trấn Như Quỳnh (huyện Văn Lâm) đề xuất nhiều nội dung trong hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp.
Còn đại biểu Vũ Thị Đượng – Bí thư huyện Phù Cừ chia sẻ, Phù Cừ là huyện nghèo của tỉnh, có nhiều sản phẩm nông nghiệp chất lượng, tiêu biểu như: cam, nhãn lồng, vải trứng, vải lai chín sớm…
Quá trình xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp, địa phương gặp nhiều khó khăn về tiếp cận nguồn vốn hoạt động, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế.
Đặc biệt, kiểu dáng nhãn mác, bao bì sản phẩm, giấy chứng nhận về an toàn thực phẩm, trích xuất nguồn gốc sản phẩm OCOP dù đã được áp dụng nhưng chưa đáp ứng được thị hiếu người tiêu dùng. Công tác quảng bá sản phẩm được hỗ trợ nhưng chưa rộng rãi, sản phẩm chỉ được biết đến tại địa phương.
Nữ Bí thư Huyện Đoàn Phù Cừ đề nghị, Tỉnh Đoàn Hưng Yên cần tăng cường phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh hỗ trợ các hợp tác xã kiểu mới của thanh niên trong việc thiết kế nhãn mác, chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, công bố tiêu chuẩn mã số mã vạch, dán tem trích xuất nguồn gốc theo quy định. Qua đó, giúp sản phẩm nông nghiệp quê nhà sớm mở rộng thị trường ra các tỉnh trong cả nước.
Nguồn TPO Tweet