Đổi mới chương trình, hoạt động của Đội phù hợp với lớp đội viên mới

17:17 28/03/2022     1600

Công tác giáo dục   ĐTN: Khi môi trường xã hội đã có nhiều thay đổi, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, nhiều đại biểu đã nêu lên vấn đề đổi mới các phong trào, hoạt động của Đội để thực sự phù hợp và hấp dẫn các em thiếu nhi.

Sáng 28/3, Trung ương Đoàn, Hội đồng Đội Trung ương tổ chức Hội nghị lấy ý kiến cán bộ phụ trách thiếu nhi xây dựng dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII.

Hội nghị được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Đồng chí Nguyễn Phạm Duy Trang – Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương và đồng chí Lê Hải Long - Ủy viên BTV, Trưởng Ban Công tác thiếu nhi T.Ư Đoàn, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Đội Trung ương chủ trì Hội nghị.

 

 

Góp ý tại Hội nghị, đồng chí Phạm Phương Thảo – Nguyên Bí thư Trung ương Đoàn, Nguyên Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương cho rằng, cách thức sinh hoạt Đội thời gian tới không thể chỉ làm như trước đây. Nội dung giáo dục lý tưởng cho thiếu nhi phải thiết kế cụ thể, dễ hiểu hơn, gắn với sinh hoạt truyền thống, có chủ đề, chủ điểm... 

"Sinh hoạt xuông thì khó giáo dục, khó nâng cao chất lượng sinh hoạt Đội. Phải làm sao để các em được sinh hoạt trải nghiệm nhiều hơn. Các em sẽ tự đóng vai hòa mình vào các sự kiện lịch sử cũng như chủ đề hướng tới tương lai", đồng chí Phạm Phương Thảo gợi ý. 

Đồng chí Trần Thu Hà - Phó Bí thư Thành Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội TP HCM cho rằng, trong khi các em thích vui tươi, thoải mái, trẻ trung nhưng các quy định của Đội lại hơi nặng nề, kém hấp dẫn, ví dụ như hệ thống sổ sách. "Chúng ta nên xem xét những hình thức phù hợp, nhẹ nhàng hơn với các em, ứng dụng CNTT cũng là một giải pháp, bởi các em cũng đã phải chịu nhiều áp lực học hành rồi", chị Hà gợi ý. 

 

 

Đồng chí Nguyễn Thế Tiến - Nguyên Phó Trưởng Ban Công tác Thiếu nhi Trung ương Đoàn cho rằng, lớp đội viên, thiếu niên, nhi đồng trong 20 năm qua đã có nhiều đổi thay. Cần có những nghiên cứu, khảo sát, đánh giá tổng thế để hiểu rõ lớp đội viên mới, từ đó có xây dựng những tiêu chuẩn, hình mẫu thiếu nhi phù hợp trong thời gian tới.

Đặc biệt quan tâm đến công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em, đồng chí Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em - Bộ LĐ,TB và XH đề xuất bổ sung kỹ năng sống cho thanh thiếu nhi, đặc biệt là các kỹ năng sinh tồn như: thích ứng với thiên tai, dịch bệnh, tai nạn thương tích... Bên cạnh đó, phải giúp các em trở thành những công dân tương lai tự tin, tự chủ trong hội nhập quốc tế.

Đồng chí Lâm Như Quỳnh - Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh Bến Tre đề xuất quan tâm đến hoạt động của thiếu nhi trên mạng xã hội cũng như nắm bắt tâm, tư tình cảm của các em khi thời gian học trực tuyến kéo dài. "Các em tham gia mạng xã hội rất nhiều và xuất hiện nhiều trend (xu hướng) trên mạng. Chúng ta không nắm bắt, không hòa nhập vào dòng chảy này rất khó định hướng, giáo dục các em", chị Quỳnh nói.

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Phạm Duy Trang - Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội T.Ư cho biết, với 129 điểm cầu và gần 900 đại biểu tham dự, đây là hội nghị có số lượng đại biểu tham gia đông nhất trong các hội nghị mà Ban Bí thư T.Ư Đoàn tổ chức lấy ý kiến góp ý dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII

Ngoài 17 ý kiến phát biểu trực tiếp, Hội nghị đã nhận được 25 tham luận của chuyên gia và cán bộ Đội, 29 báo cáo tham luận đóng góp của các tỉnh, thành Đoàn, Hội đồng Đội các tỉnh, thành phố. 

 

 

Đồng chí Nguyễn Phạm Duy Trang đánh giá, các ý kiến đóng góp đều có giá trị rất lớn về lý luận và thực tiễn, thể hiện rõ trí tuệ, trách nhiệm, sự quan tâm, tình cảm to lớn mà cán bộ Đội các thời kỳ, chuyên gia, lãnh đạo các bộ, ngành dành cho công tác Đội và công tác chăm sóc, bảo vệ,  giáo dục thiếu niên nhi đồng. Đây là những thông tin, cơ sở quan trọng để tổ chức Đoàn, Đội xác lập những giải pháp hiệu quả, phù hợp, rõ nét trong dự thảo báo cáo chính trị của nhiệm kỳ mới.

Qua những ý kiến đóng góp, Hội đồng Đội các tỉnh, thành phố cũng có thêm thông tin, cơ sở, bài học kinh nghiệm để xác lập được phong trào, chương trình trong giai đoạn mới cũng như xây dựng văn kiện Đại hội Đoàn cấp tỉnh và chương trình hành động thực hiện Nghị quyết ĐH Đoàn toàn quốc.

Đồng chí Nguyễn Phạm Duy Trang cũng đánh giá cao các ý kiến tập trung gợi mở các vấn đề mới, cách tiếp cận khoa học, phù hợp hơn để xác lập những nhiệm vụ, giải pháp trong nhiệm kỳ tới. Trong đó, nhiều ý kiến đặt vấn đề làm thế nào để phong trào có sức lan tỏa, hấp dẫn, phù hợp với nhu cầu và sở thích của các em thiếu nhi để cổ vũ, động viên, thu hút các em tham gia.

"Chúng ta đã có những phong trào, cách làm hay trong lịch sử 81 năm của tổ chức Đội. Trong bối cảnh hiện nay, khi cách mạng 4.0 hay xu hướng chuyển đổi số nhanh chóng, đặc biệt trong 2 năm ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các phong trào, chương trình, hoạt động cần nghiên cứu để tiếp tục định vị được vai trò của tổ chức Đội, lan tỏa vai trò giáo dục của tổ chức Đội trong và ngoài nhà trường", Chủ tịch Hội đồng Đội T.Ư nhấn mạnh.

 

Kiều Anh