Cuối năm nay, 330.000 SV được ở Ký túc xá
15:44 13/06/2011 1924
Xây dựng Đoàn Theo kế hoạch, dự kiến đến cuối năm 2011 sẽ đáp ứng cho khoảng 330.000 HS, SV được ở ký túc xá (KTX) tập trung với tổng đầu tư 4.800 tỷ đồng. Dự kiến đến năm 2015, 60% SV có thể được ở trong KTX.
Theo kế hoạch, dự kiến đến cuối năm 2011 sẽ đáp ứng cho khoảng 330.000 HS, SV được ở ký túc xá (KTX) tập trung với tổng đầu tư 4.800 tỷ đồng. Dự kiến đến năm 2015, 60% SV có thể được ở trong KTX.Ông Dương Văn Bá, Phó Vụ trưởng Vụ công tác Học sinh, Sinh viên - Bộ GD-ĐT cho biết như trên tại hội thảo Công tác học sinh sinh viên nội trú năm 2011 do Bộ GD-ĐT tổ chức hôm qua 8/6.
Việc đầu tư xây dựng ký túc xá (KTX) là một trong những vấn đề quan trọng của giáo dục, vì ổn định đời sống vật chất, tinh thần cho sinh viên (SV) cũng là nâng cao chất lượng đào tạo. Theo ông Dương Văn Bá, Chính phủ vừa có những quyết định đầu tư xây KTX vì thực tế số lượng SV được ở ký túc xá rất hạn chế, chỉ khoảng 20%, do vậy 80% SV ở ngoại trú sẽ khá phức tạp.
Hiện số KTX mới còn ít trong khi quy mô SV ngày càng tăng. Trong khi đó, theo đại diện các KTX thì việc xây mới các khu KTX trong năm nay cũng gặp không ít khó khăn.
Không nhiều sinh viên được ở trong KTX.
Ông Hoàng Văn Quý, Trưởng ban quản lý KTX ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM cho biết hiện KTX của trường chứa được hơn 1.100 SV, chỉ đáp ứng được 8% trong tổng số SV theo học tại trường. Theo chương trình của Chính phủ thì trường được xây dựng KTX 6.000 chỗ, nhưng bước đầu thì thực hiện trước 2.000 chỗ với kinh phí 87 tỷ đồng dự kiến hoàn thành vào đầu năm học 2011-2012.
“Thế nhưng vừa rồi công trình này phải ngừng lại vì trái phiếu Chính phủ không cấp nữa. Trong khi công trình mới làm được phần thô mà từ nay đến tháng 9/2011 thì không thể làm thêm được”, ông Quý than thở.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Cương, giám đốc trung tâm KTX của ĐH Tây Nguyên lại gặp vấn đề khác. Hiện toàn trường có 11.000 SV chính quy, nhưng KTX chỉ đáp ứng được 1.200 chỗ ở. Từ năm 1998 đến nay, trường không được xây thêm KTX nào.
Ông Cương cũng nói thêm rằng KTX của trường cũng không có phòng sinh hoạt chung cũng như nơi vui chơi. Điều này cũng khiến cho việc chuyển mô hình từ quản lý sang cơ chế dịch vụ, phục vụ cho sinh viên của trường gặp khó khăn.
“Vừa qua, trường được phê duyệt xây thêm 2 KTX nhưng có khả năng SV ít đến ở, do KTX mới cách trường khá xa”, ông Cương e ngại.
Cũng tương tự, KTX của ĐH Huế cũng chỉ đáp ứng được 20% SV với 5.000 chỗ ở.
Trước những phản ánh về khó khăn trong xây KTX, ông Dương Văn Bá tiếp thu và cho hay sẽ báo với Chính phủ. Dù thừa nhận còn khó khăn về nguồn vốn để xây dựng nhưng ông Bá cũng khẳng định theo kế hoạch thì đến cuối năm 2011 sẽ đáp ứng cho khoảng 330.000 HS, SV được ở KTX tập trung với tổng đầu tư 4.800 tỷ đồng. Dự kiến đến năm 2015, 60% SV có thể được ở trong KTX.
Cũng tại hội thảo,đại diện nhiều KTX cũng cho rằng cần tạo cơ chế tự chủ nhiều hơn trong hoạt động và quản lý tài chính. Đa số các KTX hiện nay đang hoạt động dưới dạng bao cấp, và cơ chế xin-cho. Vì vậy, khi KTX các trường hướng đến mô hình từ quản lý sang cơ chế dịch vụ, phục vụ cho SV đã gặp phải nhiều vướng mắc.
Theo ông Nguyễn Bá Khâm, giám đốc KTX Sư phạm TPHCM thì KTX phụ thuộc vào lãnh đạo nhà trường nên để chuyển từ cơ chế quản lý sang phục vụ là không dễ và có nhiều vấn đề.
Hàng năm, xây dựng quy chế thu chi nội bộ và trình hiệu trưởng ký, dựa vào đó KTX được ứng trước. Thế nhưng vẫn còn bị nhiều ràng buộc. Ông Khâm kiến nghị cần có cơ chế chung mà cụ thể là nâng quyền tự chủ tài chính hơn.
Ngược lại, Trung tâm quản lý KTX ĐH Quốc gia TPHCM lại là một điển hình thành công của cơ chế làm việc tự chủ. Chia sẻ kinh nghiệm quản lý, ông Trần Thanh An, giám đốc Trung tâm quản lý KTX ĐH Quốc gia TPHCM cho biết, với số lượng SV lớn nhất nước với khoảng 10.000 SV lưu trú. Tương lai, sẽ tăng lên đến 60.000 SV. Dù vậy, KTX vẫn làm tốt được vai trò quản lý khi giữ vững mô hình phục vụ SV là chính.
Ông An cho rằng, sau 5 năm thực hiện và thành công như hiện nay là nhờ cơ chế tự chủ trong công tác tổ chức và tài chính mà ĐH Quốc gia TPHCM phân cho.
Trước ý kiến nên tạo quyền tự chủ hơn, Phó Vụ Trưởng Vụ công tác HSSV, Bộ GD-ĐT Dương Văn Bá cho rằng, hiệu trưởng nhà trường là người quyết định cơ chế tự chủ về hoạt động của KTX, chứ Bộ GD-ĐT không quyết định được bằng văn bản. Theo ông Bá những người làm công việc này nên trực tiếp đề xuất với lãnh đạo cùng phối hợp thực hiện.