Thanh niên trong bối cảnh chuyển đổi số
21:53 20/09/2023 2046
3 Phong trào ĐTN: Đó là chủ đề Hội thảo Khoa học trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ II diễn ra ngày 20.9 tại Hà Nội do Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam tổ chức. Hội thảo thu hút 431 bài nghiên cứu của nhiều tác giả từ khắp nơi trên thế giới.
Hội thảo thu hút nhiều tác giả từ khắp nơi trên thế giới tham gia chia sẻ các công trình, đề tài, bài báo nghiên cứu có giá trị ứng dụng cao đóng góp cho các lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội, khoa học và công nghệ của đất nước; tham gia tích cực trong việc lan tỏa tinh thần chủ động học tập, tìm tòi nghiên cứu sáng tạo trong thanh niên, sinh viên.
Dự chương trình có đồng chí Bùi Quang Huy, Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn; đồng chí Nguyễn Minh Triết, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội SVVN; đồng chí Ngọ Văn Khuyến, Phó Vụ trưởng Vụ Đoàn thể Nhân dân, Ban Dân vận T.Ư; đồng chí Vũ Huy Văn, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Văn phòng T.Ư; PGS.TS Nguyễn Hoàng Hải, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Thường trực ĐH QG Hà Nội.
Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Bùi Quang Huy (bên phải) và Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội SVVN Nguyễn Minh Triết trao giải 4 báo cáo xuất sắc nhất.
431 nghiên cứu góp mặt tại Hội thảo
Ban tổ chức cho biết có 431 bài nghiên cứu được nộp tham gia hội thảo chia vào 3 lĩnh vực chính là kinh tế-tài chính, xã hội-nhân văn và khoa học-kỹ thuật. Trong đó có 109 đề tài thuộc lĩnh vực kinh tế, tài chính; 230 đề tài thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn; 92 đề tài thuộc lĩnh vực khoa học kỹ thuật. Số lượng bài báo tăng so với đợt hội thảo lần thứ nhất (hơn 400 bài tham gia so với hơn 300 bài tham gia ở lần thứ nhất).
Phân loại theo đối tượng, có 364/431 bài viết là người học tham gia gửi bài viết (chiếm tỉ lệ 84%). Theo phân loại về trình độ, có 366/431 người học là sinh viên, có 58 thạc sĩ và 8 tiến sĩ tham gia viết bài. Bên cạnh các bài viết trong nước có 27 bài có sự tham gia của thanh niên trẻ đến từ Australia, Hungary, Singapore và Trung Quốc.
Qua hai vòng phản biện kín, Hội đồng chuyên môn đã lựa chọn được 128 công trình bảo đảm chất lượng để đăng trong kỷ yếu của Hội thảo và sẽ được xuất bản bởi Nhà xuất bản ĐH Quốc gia Hà Nội (71 bài thuộc lĩnh vực xã hội-nhân văn, 46 bài thuộc lĩnh vực kinh tế-tài chính và 11 bài thuộc lĩnh vực khoa học-kỹ thuật).
Tại hội thảo, các đại biểu đã tham luận về 3 lĩnh vực: Kinh tế, tài chính, khoa học xã hội và nhân văn, khoa học kỹ thuật. Trong đó, sinh viên Nguyễn Đại Nghĩa (Đại học Cần Thơ) chia sẻ về mô hình tích hợp quản trị vườn thông minh theo chuẩn sensorthings API và công nghệ lora; đại diện Học viện Cảnh sát nhân dân Nguyễn Thị Cẩm Tú chia sẻ về vai trò của thanh niên Công an nhân dân bảo đảm an ninh trật tự trên không gian mạng trong bối cảnh chuyển đổi số; sinh viên Hà Nội nêu nội dung về nhận thức của học sinh trung học phổ thông Hà Nội về tác động tiêu cực của mạng xã hội tới bạo lực học đường…
Đại diện nhóm tác giả trình bày đề tài “Nhận thức của học sinh THPT Hà Nội về tác động tiêu cực của mạng xã hội tới bạo lực học đường”
Tổ chức nhiều sân chơi về học thuật chất lượng hơn nữa
Phát biểu tại Hội thảo, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam Nguyễn Minh Triết cho biết, một trong những nội dung mà Ban Thư ký Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam xác định là hoạt động trọng yếu trong công tác Hội và phong trào sinh viên Việt Nam là tạo môi trường cho sinh viên học tập, sáng tạo, nghiên cứu khoa học.
Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội SVVN Nguyễn Minh Triết phát biểu tại hội thảo.
Trong đó, Hội thảo Khoa học trẻ Việt Nam toàn cầu là giải pháp được Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam tập trung đẩy mạnh thực hiện với kỳ vọng sẽ thu hút, tập hợp được nhiều tác giả từ khắp nơi trên thế giới tham gia, chia sẻ các công trình, đề tài, bài báo nghiên cứu có giá trị ứng dụng cao, đóng góp cho các lĩnh vực đời sống kinh tế-xã hội, khoa học và công nghệ của đất nước; tham gia tích cực trong việc lan tỏa tinh thần chủ động học tập, tìm tòi, nghiên cứu sáng tạo trong thanh niên, sinh viên.
Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam Nguyễn Minh Triết khẳng định: "Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam sẽ luôn đồng hành cùng các bạn trí thức trẻ, sinh viên Việt Nam trong quá trình cố gắng phấn đấu hoàn thiện bản thân. Trung ương hội sẽ tổ chức ngày càng nhiều hơn nữa, chất lượng hơn nữa các sân chơi về học thuật để các bạn có điều kiện tham gia, giao lưu học hỏi. Hội thảo Khoa học trẻ toàn cầu sẽ tiếp tục được tổ chức ở những năm tiếp theo với vai trò và sứ mệnh là cầu nối, điểm gặp gỡ của các trí thức trẻ, sinh viên Việt Nam và các nhà chuyên môn".
Bên cạnh việc tổng hợp các đề tài, tổ chức Hội thảo chính, Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam còn tổ chức các hoạt động hỗ trợ, tổ chức các Hội thảo nhánh tập huấn kiến thức, kỹ năng cần thiết trong nghiên cứu khoa học cho sinh viên Việt Nam; xây dựng hệ thống kết nối, tuyên truyền trên nền tảng số, đặc biệt đối với các đề tài, công trình nghiên cứu có chất lượng cao.
Kết thúc Hội thảo, Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp với các tập thể, cá nhân có chuyên môn tham gia hỗ trợ, hoàn thiện các công trình, đề tài hướng đến việc công bố quốc tế.
Ban tổ chức đã trao giải cho 4 báo cáo xuất sắc nhất, gồm: “Đề xuất mô hình tích hợp quản trị vườn thông minh theo chuẩn sensorthings API và công nghệ lora, trường công nghệ thông tin - truyền thông” (trường Đại học Cần Thơ); “Sự phản kháng của người tiêu dùng đối với hình thức tiếp thị liên kết trên mạng xã hội” (Trường Đại học Mở TPHCM); bảo đảm an ninh trật tự trên không gian mạng trong bối cảnh chuyển đổi số: vai trò của thanh niên công an nhân dân” (Học viện Cảnh sát Nhân dân) và “Nhận thức của học sinh THPT Hà Nội về tác động tiêu cực của mạng xã hội tới bạo lực học đường” (nhóm tác giả Trường Đại học Hà Nội, Học viện Ngoại giao và trường THPT Chu Văn An, Hà Nội).