Sinh viên làm vòng đeo tay thông minh cho người khiếm thị
13:49 21/04/2025 136
3 Phong trào Hai sinh viên Trường Đại học Tân Trào (tỉnh Tuyên Quang) chế tạo thành công vòng đeo tay thông minh cho người khiếm thị, giá chỉ 150.000 đồng/chiếc. Vòng tay sẽ rung lên khi phát hiện vật cản (tường, chướng ngại vật…), giúp người khiếm thị di chuyển dễ dàng mà không cần gậy dò đường.
Ý tưởng đến từ lòng trắc ẩn
Hai chàng sinh viên này là Nguyễn Minh Quang và Triệu Việt Hoàng. Ý tưởng làm vòng đeo tay thông minh bắt nguồn từ câu chuyện của Minh Quang khi chứng kiến bác hàng xóm Nguyễn Văn Thường (ở thị trấn Yên Sơn, huyện Yên Sơn) phải vượt qua muôn vàn khó khăn để mưu sinh. Bác Thường là người khiếm thị làm nghề bấm huyệt. Dù mất đi ánh sáng, nhưng bác vẫn kiên trì lao động, ngoài công việc chính, bác Thường còn làm nông, trồng cấy để phụ giúp kinh tế gia đình.

"Việc di chuyển của bác vô cùng khó khăn và đôi khi bị thương nhẹ do môi trường phức tạp xung quanh. Chính hình ảnh bác Thường kiên cường giữa khó khăn đã chạm đến trái tim của tụi mình. Từ đó, hai đứa nảy sinh ý tưởng cần làm điều gì đó giúp người khiếm thị như bác di chuyển dễ dàng và an toàn hơn", Quang chia sẻ.
Quang nói muốn tạo ra thiết bị thay thế gậy dò đường truyền thống, vốn cồng kềnh và dễ thất lạc. Ý tưởng là một chiếc vòng đeo tay nhỏ gọn, thông minh, giúp người khiếm thị cảm nhận được chướng ngại vật qua những rung động nhẹ nhàng. Và thế là từ lòng trắc ẩn và đam mê công nghệ, hai chàng sinh viên bắt tay vào hành trình biến ý tưởng thành hiện thực.
Đôi bạn cùng lớp cho biết họ đã sử dụng công nghệ cảm biến siêu âm dựa trên nền tảng Arduino. Thiết bị hoạt động bằng cách phát ra sóng siêu âm và thu lại để tính toán khoảng cách đến vật cản. Khi phát hiện chướng ngại vật như tường, cột điện hay đồ vật, vòng đeo tay sẽ rung lên, cảnh báo người dùng.
Theo cả hai, thiết bị nhỏ gọn, đeo trực tiếp trên cổ tay, không phát ra âm thanh, mang tính thẩm mỹ cao và hạn chế thất lạc. Đặc biệt, với mức giá chỉ 150.000 đồng/chiếc, sản phẩm này là một giải pháp công nghệ giá rẻ, phù hợp với điều kiện kinh tế của người khiếm thị tại VN.
Theo Quang, tính thực tiễn của sản phẩm nằm ở sự đơn giản nhưng hiệu quả, giúp người khiếm thị di chuyển tự tin hơn trong những môi trường phức tạp, từ đường làng ngõ hẹp đến không gian đô thị đông đúc.
Một trong những thách thức lớn nhất của dự án là làm sao để giảm chi phí mà vẫn đảm bảo chất lượng. Sau hàng loạt thử nghiệm, Quang và Hoàng quyết định chọn công nghệ Arduino để tiết kiệm chi phí nghiên cứu, giúp hạ giá thành sản phẩm. Linh kiện được sử dụng đều dễ tìm, giá rẻ và có thể mua số lượng lớn. Quy trình lắp ráp được tối ưu hóa để đảm bảo hiệu quả và đơn giản, phù hợp với mục tiêu phi lợi nhuận của dự án. "Chúng mình muốn sản phẩm này đến được với càng nhiều người khiếm thị càng tốt, đặc biệt là những người có hoàn cảnh khó khăn", Quang nhấn mạnh.

"Đôi mắt" của người kém may mắn
Hoàng cho biết vòng đeo tay thông minh không chỉ dừng lại ở một sản phẩm công nghệ mà còn mang giá trị xã hội sâu sắc. Vòng tay giúp người khiếm thị giảm phụ thuộc vào người thân, tăng khả năng tự lập và tham gia tích cực hơn vào các hoạt động kinh tế - xã hội. Điều này không chỉ cải thiện chất lượng cuộc sống của họ mà còn góp phần xây dựng một cộng đồng công bằng, nơi mọi người đều có cơ hội đóng góp và phát triển.
Hoàng cho hay về mặt an toàn, thiết bị cung cấp khả năng cảnh báo sớm các chướng ngại vật, từ đó giảm nguy cơ tai nạn khi di chuyển trong không gian công cộng. Như vậy, không chỉ bảo vệ người dùng mà còn giảm áp lực lên hệ thống y tế.
"Khi được sử dụng rộng rãi, vòng đeo tay thông minh có thể tạo ra một chuỗi giá trị xã hội, từ việc tạo công ăn việc làm trong quá trình sản xuất đến nâng cao văn hóa hỗ trợ người yếu thế trong cộng đồng. Chúng mình mong muốn thương mại hóa sản phẩm, xuất khẩu ra quốc tế, đưa công nghệ VN vươn tầm thế giới. Hy vọng chiếc vòng đeo tay này trở thành biểu tượng của sự đổi mới và lòng nhân ái, xóa bỏ rào cản cho người khiếm thị và mở ra cơ hội hòa nhập trong cuộc sống hằng ngày", Hoàng nói.
Nhìn về tương lai, hai sinh viên đang ấp ủ kế hoạch tích hợp công nghệ internet vạn vật (IoT) và thị giác máy tính vào sản phẩm. "Chúng mình muốn thoát ly những hạn chế của phần cứng hiện tại, biến thiết bị thành một công cụ thu thập và xử lý thông tin trên server (máy chủ). Khi đó, vòng đeo tay không chỉ cảnh báo chướng ngại vật mà còn có thể nhận diện các vật thể chuyển động nhanh như ô tô, xe máy, giúp người khiếm thị giảm tối đa sự phụ thuộc vào người khác", Hoàng hào hứng chia sẻ.
Theo Thanh Niên Tweet