Thủ tướng Phạm Minh Chính: Thanh niên phải tiên phong trong đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp
15:08 21/04/2025 248
3 Chương trình ĐTN: Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định vai trò rất lớn của thanh niên trong sự nghiệp phát triển đất nước, phát triển quốc gia khởi nghiệp tại lễ khai mạc Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ 7, sáng ngày 20/4.
Đến dự Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên còn có đồng chí Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT; đồng chí Nguyễn Văn Được, Chủ tịch UBND TP.HCM; đồng chí Bùi Quang Huy, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn và đại diện các bộ, ngành.
Tại lễ khai mạc, đại diện cho những học sinh, sinh viên đang theo đuổi hành trình khởi nghiệp, Trần Văn Lực, sinh viên năm 4 ngành Khoa học máy tính, ĐH Bách khoa Hà Nội, đã có những chia sẻ ấn tượng.

Bạn Trần Văn Lực cho biết: Hành trình khởi nghiệp của bản thân và đồng đội bắt nguồn từ niềm đam mê mãnh liệt với nghiên cứu khoa học. Ngay từ khi còn là sinh viên năm nhất, các bạn đã mạnh dạn tham gia các câu lạc bộ, phòng thí nghiệm tại trường, không ngừng nghiên cứu và học hỏi, thử sức với những ý tưởng táo bạo. Năm 2022, nhóm bắt đầu nghiên cứu và thực hiện dự án "Hệ thống giám sát và duy trì độ tỉnh táo cho tài xế bằng công nghệ sóng não" để giải quyết vấn đề thiếu tỉnh táo khi lái xe - một trong những nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông nghiêm trọng. Tháng 10/2024, các bạn đã thành lập doanh nghiệp và gọi vốn thành công.
"Trong kỷ nguyên mới của dân tộc, một quốc gia khởi nghiệp không thể thiếu tinh thần khởi nghiệp từ mỗi cá nhân, đặc biệt là giới trẻ. Nếu cá nhân không khởi nghiệp thì làm sao có quốc gia khởi nghiệp. Mà quốc gia khởi nghiệp thì dựa vào đâu là chính? Dựa vào thanh niên là chính" - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Từ câu chuyện của mình, Lực khẳng định: "Với bản thân mình, từ cậu sinh viên năm nhất bỡ ngỡ cuộc sống ở đô thị đã từng bước trưởng thành để trở thành CEO của một doanh nghiệp khởi nghiệp. Đó là minh chứng cho tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám thay đổi và dám nắm bắt cơ hội. Và không có giới hạn nào cho những người dám ước mơ, dám hành động".
Kết lại phần chia sẻ, Lực thể hiện tinh thần khởi nghiệp của người trẻ bằng câu nói: "Chúng em không chỉ có niềm tin vào việc sẽ tạo ra sản phẩm tốt, mà còn có niềm tin vào việc sẽ đưa sản phẩm tốt đó đến tay người tiêu dùng. Khởi nghiệp ở tuổi 20, 21 tại sao không?".
Sau những chia sẻ của Lực, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đến động viên chàng trai và đồng đội tiếp tục nỗ lực, phấn đấu trên hành trình khởi nghiệp.

Phát biểu tại chương trình khai mạc, Thủ tướng cho biết Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Một nội dung, giải pháp quan trọng được Nghị quyết 57 nêu ra là có chính sách đủ mạnh, khuyến khích tinh thần khởi nghiệp về khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số…
Thủ tướng cho biết thời gian qua, đất nước đã đạt được một số kết quả tích cực về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, trong đó có vai trò của hoạt động khởi nghiệp. "Những thành tựu đạt được rất đáng trân trọng. Nhưng những giá trị cốt lõi của thanh niên chưa được phát huy hết trong hoạt động đổi mới sáng tạo và lập nghiệp. Vì vậy chúng ta phải cố gắng hơn", Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Thủ tướng, suốt 7 năm qua, Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên không chỉ là sự kiện thường niên, mà còn là nơi từng giấc mơ, khát vọng khởi nghiệp của học sinh, sinh viên dù nhỏ bé nhất, được soi đường dẫn dắt, nuôi nấng và chắp cánh. Là nơi hội tụ những trí tuệ trẻ đầy khát vọng, nơi kết nối giáo dục, doanh nghiệp và chính sách, cùng nhau lan tỏa, tạo ra một hệ sinh thái, không gian khởi nghiệp phát triển bền vững…
Thủ tướng cho biết sau 7 năm triển khai đề án hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp, đến nay 100% các trường ĐH, học viện, cao đẳng, trung cấp; 63/63 Sở GD-ĐT có kế hoạch triển khai khởi nghiệp sáng tạo. Hơn 42.000 dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên đã ra đời. Đoàn thanh niên các cấp đã tổ chức hơn 3.500 cuộc thi ý tưởng sáng tạo thu hút gần 480.000 lượt thanh niên tham gia với gần 23.000 ý tưởng khởi nghiệp.
"Đây là những kết quả rất đáng tự hào. Thanh niên mình giỏi; học sinh, sinh viên mình giỏi. Vấn đề là phải tạo ra phong trào, tạo ra xu thế để các bạn làm. Phải có cơ chế giúp đỡ, vì các bạn đang hai bàn tay trắng. Sinh viên, học sinh thì lấy đâu ra tiền, các bạn chỉ có trí tuệ, năng lực và lòng đam mê, khát vọng", Thủ tướng Phạm Minh Chính nói và cho biết nhiều bạn trẻ đã đứng ra thành lập doanh nghiệp, kêu gọi được vốn đầu tư, tạo việc làm cho chính mình và người khác. Đặc biệt, có hàng ngàn sinh viên, học sinh tạo ra những câu chuyện khởi nghiệp rất VN nhưng mang tầm vóc toàn cầu bằng những sản phẩm thay đổi cách chúng ta sống, học tập và làm việc. Từ ứng dụng công nghệ trong y tế, nông nghiệp sạch cho đến giải pháp số trong đời sống hằng ngày…
"Tôi biểu dương và đánh giá cao vai trò của Bộ GD-ĐT, Bộ Khoa học - Công nghệ, T.Ư Đoàn, cùng với các đơn vị đã đồng hành trong suốt thời gian qua trong việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo", Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.
Thủ tướng cũng nhận định việc tạo dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo không phải là câu chuyện của ngày một, ngày hai, mà là chiến lược lâu dài, cần các giải pháp căn cơ, toàn diện, không cầu toàn nhưng cũng không nóng vội. Từ đó, Thủ tướng đề nghị đổi mới sáng tạo, lập nghiệp là phải có hệ sinh thái. Đổi mới sáng tạo là phải tạo ra phong trào, xu thế, động lực, truyền cảm hứng bằng nhiều hình thức, sự giúp đỡ và cơ chế chính sách khác nhau.

Thủ tướng Phạm Minh Chính kể khi đến mỗi gian hàng khởi nghiệp của học sinh, sinh viên, đều hỏi một câu: "Có bán được không? Thu được bao nhiêu tiền?". Tức là đã sáng tạo thì phải thương mại hóa và sản xuất được. Từ đó, Thủ tướng đề nghị phải quan tâm đến việc thương mại hóa sản phẩm khởi nghiệp của học sinh, sinh viên.
Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh: "Muốn quốc gia tiên phong thì phải có thanh niên tiên phong. Tại sao hôm nay tôi nói nhiều đến vấn đề thanh niên, vì thanh niên là rường cột của đất nước. Đất nước phát triển được hay không là nhờ thanh niên. Cho nên thanh niên phải tiên phong. Thanh niên phải tiên phong trong sự phát triển của đất nước, đổi mới của đất nước, và thanh niên phải tiên phong trong đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp".
Người đứng đầu Chính phủ cũng nhắn gửi mỗi bạn trẻ phải xác định khởi nghiệp là nền tảng, là công cụ và cơ hội nghề nghiệp. Khởi nghiệp còn là trách nhiệm đối với xã hội, đối với tương lai của mọi người. Khởi nghiệp cho chính mình nhưng đồng thời cũng là đóng góp cho xã hội, cho sự phát triển và tương lai của đất nước.
"Không ngừng học tập, rèn luyện kỹ năng làm chủ công nghệ và dấn thân với tinh thần phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Trong kỷ nguyên mới của dân tộc, một quốc gia khởi nghiệp không thể thiếu tinh thần khởi nghiệp từ mỗi cá nhân, đặc biệt là giới trẻ. Nếu cá nhân không khởi nghiệp thì làm sao có quốc gia khởi nghiệp. Mà quốc gia khởi nghiệp thì dựa vào đâu là chính? Dựa vào thanh niên là chính", Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định.

Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ VII
Thủ tướng cũng cho rằng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo là một quá trình khó khăn cần sự kiên trì, bền bỉ; cần tinh thần bản lĩnh vượt qua khó khăn, trở ngại; cần ý chí dám nghĩ dám làm, dám vượt qua chính bản thân mình. Trong quá trình này rất cần sự quan tâm giúp đỡ của Đảng, Nhà nước, cả hệ thống chính trị và của các tầng lớp nhân dân, nhất là doanh nghiệp. Tất cả cùng nhau tạo ra một hệ sinh thái, một không gian khởi nghiệp, một hệ giá trị mới, kết nối cộng đồng tạo ra phong trào, xu thế khởi nghiệp; cùng nhau thể hiện khát vọng vươn lên, nhìn xa trông rộng, nghĩ sâu làm lớn…
Phát biểu đáp từ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn nói: "Sự ghi nhận của Thủ tướng về những kết quả đạt được trong suốt 7 năm qua của đề án Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025, cùng những định hướng chỉ đạo đầy tâm huyết của Thủ tướng không chỉ góp phần quan trọng thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong học sinh, sinh viên mà còn là nguồn cổ vũ, động viên to lớn với ngành giáo dục cả nước. Thủ tướng đã truyền nguồn cảm hứng mạnh mẽ đến những người đang thực hiện sứ mệnh xây dựng khát vọng cống hiến, tinh thần đổi mới sáng tạo vì tương lai phát triển bền vững của đất nước, cách làm thế nào để phát huy được đầy đủ các giá trị, tiềm năng của học sinh, sinh viên".
Tại lễ khai mạc, bà Nguyễn Thị Kim Chi, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết Đề án "Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp" đến nay đã đạt được những kết quả cụ thể: Trên 120 cơ sở giáo dục đại học đã đưa môn học khởi nghiệp vào chương trình đào tạo, dưới hình thức bắt buộc hoặc tự chọn. Ban hành bộ tài liệu chuẩn về kỹ năng khởi nghiệp, giáo trình khởi nghiệp phù hợp với từng cấp học. Các cơ sở giáo dục đại học thành lập đội ngũ huấn luyện viên khởi nghiệp, được đào tạo, tập huấn về kỹ năng, kiến thức khởi nghiệp, công nghệ số, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo.
"Tinh thần khởi nghiệp không còn là khẩu hiệu, mà thực sự lan tỏa và thấm sâu vào môi trường học đường - từ phổ thông đến đại học. Đến nay, hơn 65% địa phương triển khai kế hoạch hỗ trợ khởi nghiệp trong các trường phổ thông. Các hoạt động ngoại khóa, câu lạc bộ, và trải nghiệm thực tế đang từng bước khơi dậy khát vọng lập thân, lập nghiệp cho học sinh", Thứ trưởng Bộ GD-ĐT chia sẻ.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Thứ trưởng cũng chỉ ra không ít lực cản, "điểm nghẽn" trong quá trình thực hiện đề án. Cụ thể, khởi nghiệp của nhiều bạn trẻ đôi khi mới chỉ dừng lại ở ý tưởng mang tính sáng tạo trên giấy, hơn là những dự án có khả năng chuyển hóa thành sản phẩm, dịch vụ. Không ít học sinh, sinh viên vẫn e ngại khởi nghiệp vì sợ thất bại, sợ rủi ro, sợ va vấp. Bên cạnh đó, hạn chế về nguồn đầu tư mạo hiểm, chấp nhận rủi ro cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến rào cản của khởi nghiệp…
Theo Thanh niên Tweet