Chuyện của những người trẻ đi gom rác

15:36 14/01/2019     9623

Nhịp sống trẻ   "Nhiều người đặt câu hỏi tại sao lại làm những điều dường như vô ích, vì cứ mỗi lần dọn xong là rác lại xuất hiện. Nhiều khi mới dọn xong thì 5 - 10 phút sau quay lại rác còn tệ hơn lúc chưa dọn. Nhiều người đã nghĩ tụi mình điên, dở hơi…"


 

Cuối năm, các bạn trẻ gặp nhau và kể về câu chuyện của rác

 

Đó là một trong những tâm sự của người trẻ chuyên đi gom rác kể trong chương trình “Gom chuyện rác” do Tổ chức Let’s Do It TP.HCM vừa tổ chức.

Mặc kệ người ta nghĩ mình dở hơi

Lê Thị Diễm Ái (thành viên của Let’s Do It) là người thường xuyên tổ chức những chiến dịch nhặt rác để nhiều bạn trẻ TP.HCM tham gia, cô cho biết: “Tụi mình thực hiện những chiến dịch gom rác để cùng kết nối mọi người tham gia chứ không phải là sẽ dọn sạch hết rác”.

Diễm Ái lý giải, nhiều bạn trẻ có tình yêu rất lớn với môi trường nhưng lại không thể hành động một mình, vì thế những chiến dịch gom rác sẽ kết nối họ với nhau. Không những thế, việc nhặt rác sẽ giúp các bạn trải nghiệm nhiều câu chuyện về rác. Như nhiều bạn khi nhặt rác sẽ không ngờ lại có nhiều rác đến vậy. Từ việc ngạc nhiên, không thể tin được vào những gì mình đang trải nghiệm, mỗi bạn sẽ tự ý thức và đi đến hành động cho chính bản thân, gia đình mình.

Nguyễn Thị Thanh Chi, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, đã dành thời gian rảnh vào cuối tuần, thay vì ngủ đến trưa sẽ thức dậy thật sớm để đi nhặt rác. “Khi đi nhặt rác, có những hành động của một số người khiến tụi mình rất buồn, như có người ném rác ngay chỗ mình đang dọn, có người còn nói tụi mình rảnh... Nhưng tụi mình vẫn làm vì đây là điều ý nghĩa nhất mà tụi mình cống hiến”, Chi kể.

 

Những bạn trẻ không ngại nắng mưa thực hiện các chiến dịch nhặt rác vì màu xanh của thành phố
 

 

Thành lập câu lạc bộ hoạt động vì môi trường từ khi học lớp 8, Chế Thị Hoài Thương, sinh viên Khoa Y ĐH Quốc gia TP.HCM, đã có nhiều năm thực hiện các chương trình nhặt rác. Không những thế, cuối tuần các thành viên còn đi nhặt ve chai để bán gây quỹ làm từ thiện. Đặc biệt, trong các chiến dịch đó họ đều đi bằng xe đạp để bảo vệ môi trường.

Trở về trong kỳ nghỉ lễ, Bùi Ngọc Thảo Nguyên, sinh viên Trường ĐH University of California Berkeley (Mỹ), kể câu chuyện bảo vệ môi trường ở nơi Nguyên đang theo học. Bên Mỹ, Nguyên tham gia đội môi trường của ký túc xá và nhà ăn. Nhóm của Nguyên hướng dẫn cho các đầu bếp và người làm bếp biết cách phân loại rác và xử lý để rác hữu cơ thành phân bón.

“Chúng mình tạo một cuộc tranh đua giữa các nhà ăn để xem ai phân loại rác tốt nhất. Mình còn làm báo cáo cho cả 5 ký túc xá của trường rồi gửi lên cấp trên để đánh giá hệ thống thùng rác hữu cơ. Từ báo cáo này, tụi mình nộp cho các nhà tài trợ để có tiền phát triển hệ thống thùng rác hữu cơ”, Nguyên chia sẻ.

Để cuộc sống bớt rác

Nguyễn Hữu Quỳnh Hương, sinh viên Trường ĐH Ngoại thương TP.HCM - blogger của fanpage Viết cho đỡ chán được giới trẻ rất yêu thích, đặt câu hỏi: “Nhặt rác là khi đã xả rác rồi, xử lý rác là khi đã tạo ra rác. Vậy nếu mình không tạo ra rác thì sẽ như thế nào?”.

Let's Do It là một tổ chức phi lợi nhuận của những bạn trẻ yêu môi trường, thành lập từ năm 2015 để thực hiện các hoạt động dọn rác và phân loại rác. Năm qua tại TP.HCM, nhóm đã tổ chức được 9 chiến dịch lớn để nhặt rác ở TP.HCM và các tỉnh thành lân cận.

“Đối với mình, bằng cách nào đó chúng ta đang tạo ra rác. Vì bạn thấy cái túi vải này, ống hút bằng tre này… nó thân thiện với môi trường quá và bạn mua. Nhưng đâu phải như thế là không tạo ra rác, từ quá trình sản xuất của doanh nghiệp sáng chế ra sản phẩm này là đã tạo ra rác rồi. Vì thế, khi bạn mua một sản phẩm nào đó thì cũng góp phần tạo ra rác”. Vậy làm thế nào để ta bớt đi lượng rác, bớt việc tạo ra rác? Theo Hương, đó là bớt sử dụng những thứ không thật sự cần thiết.

Đồng quan điểm này, bạn Thái Mẫu chia sẻ: “Lúc đầu, khi đến với việc sống xanh mình thấy rất “ngầu” vì hôm nay vào quán uống trà sữa, mình cắm một ống hút bằng tre vào ly trà sữa. Nhưng càng về sau, mình nhận ra để làm được cái ống hút đó cũng phải tạo ra rất nhiều rác. Từ đó mình nghĩ những gì không cần thiết thì không xài, dù là vật liệu thay thế và thân thiện hơn với môi trường. Vì không có ống hút mình vẫn có thể uống. Trừ khi nếu không dùng cái này, mình phải dùng đến nhựa hay ni lông thì lúc đó mới nên dùng”.

 

Theo Thanh niên (NA)