Nhà tuyển dụng đưa lương thỏa thuận, ứng viên nên đàm phán thế nào

16:27 08/04/2025     504

Nhịp sống trẻ   Không ít doanh nghiệp đưa ra "lương thỏa thuận" khi tuyển dụng. Nếu trong quá trình xin việc, gặp tình huống này, người lao động trẻ cần đàm phán thế nào để được hưởng mức lương đúng nguyện vọng?

Lưỡng lự xin việc vì... lương thỏa thuận


Trương Quốc Hoàng (26 tuổi), cựu sinh viên Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh, cho biết dự định ứng tuyển vào vị trí kỹ thuật viên quy trình tráng men ở Công ty TNHH Midea Consumer Electric (tỉnh Bình Dương). Tuy nhiên Hoàng lưỡng lự vì mức lương khởi điểm là "lương thỏa thuận khi phỏng vấn".

"Tôi muốn có mức lương cụ thể, hoặc mức lương cạnh tranh. Chứ khi thấy mức lương thỏa thuận, tôi phân vân. E ngại rằng bị "hố" trong quá trình đàm phán lương", Hoàng nói.

 

Một số doanh nghiệp đưa ra "lương thỏa thuận" khi tuyển dụng

 

Không riêng Hoàng, nhiều người trẻ cũng cho biết trong quá trình xin việc, họ từng hoãn ý định nộp hồ sơ vì thấy "lương thỏa thuận". Nói như Nguyễn Hữu Dụng (27 tuổi), ngụ ở 778/47 Nguyễn Kiệm (quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh), khi thấy "lương thỏa thuận" cảm giác rất mập mờ.

Thực tế cho thấy ở nhiều công ty hiện nay khi có nhu cầu tuyển dụng, cũng thường đăng tin "lương thỏa thuận". Chẳng hạn, Công ty TNHH Gỗ Xuyên Đại (tỉnh Bình Dương) tuyển nhân viên kỹ thuật bảo trì sửa chữa máy móc, thiết bị với mức lương khởi điểm là "thỏa thuận khi phỏng vấn". Hay Công ty TNHH Beisite, Công ty TNHH MTV Đặc Ưng (tỉnh Bình Dương)… tuyển nhiều vị trí cũng cho biết thời gian làm việc thỏa thuận, và lương khởi điểm "thỏa thuận khi phỏng vấn"...

 

Trong quá trình phỏng vấn xin việc, nên hỏi cụ thể về mức lương, chế độ đãi ngộ

 

Lương thỏa thuận là gì?


Theo bà Trần Thị Nga, Giám đốc Công ty cổ phần Help All 24/7 (quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh), lương thỏa thuận là mức lương mà người lao động và người tuyển dụng có thể đồng ý với nhau trong quá trình đàm phán khi ứng tuyển vào một vị trí công việc. Đây không phải là một mức lương cố định được niêm yết trước. Thay vào đó, lương thỏa thuận thường được quyết định dựa trên năng lực của ứng viên, yêu cầu công việc, kinh nghiệm làm việc cũng như khả năng tài chính của công ty.

Bà Nga cho rằng: "Lương thỏa thuận không phải là mập mờ. Mà khi đưa ra mức lương như vậy, vì công ty muốn linh hoạt trong việc tuyển dụng, có thể điều chỉnh mức lương phù hợp với năng lực của từng ứng viên, thay vì áp dụng một con số cố định cho tất cả ứng viên".

Nhiều thắc mắc của người lao động trẻ, khi doanh nghiệp đưa ra mức lương thỏa thuận, cần phải làm gì?

Bà Nga cho rằng cần tìm hiểu xem mức lương này có phù hợp với mặt bằng chung trên thị trường và vị trí công việc hay không. Có thể tra cứu các báo cáo lương hoặc tham khảo từ những người cùng ngành. Bên cạnh đó, hãy xem xét mức lương đấy có đáp ứng được mong mỏi của bản thân? Nếu cảm thấy mức lương sau khi thỏa thuận chưa phù hợp, có thể mạnh dạn đàm phán, đề xuất mức lương khác dựa trên kỹ năng, kinh nghiệm của bản thân.

 

Nếu cảm thấy mức lương sau khi thỏa thuận chưa phù hợp, có thể mạnh dạn đàm phán
 dựa trên kỹ năng, kinh nghiệm của bản thân

 

Ông Nguyễn Phương Tài Lộc, Trưởng phòng nhân sự Công ty cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam (tỉnh Đồng Nai), nói: "Khi thấy mức lương thỏa thuận, người lao động trẻ có thể hỏi rõ mức lương tối thiểu và tối đa mà công ty có thể trả nhằm giúp mọi thứ rõ ràng. Đừng quên yêu cầu công ty cung cấp thêm những thông tin chi tiết về phúc lợi và các chính sách khác. Khi cảm thấy còn nhiều điều chưa hiểu, hãy đặt câu hỏi để được giải đáp, chẳng hạn như: chính sách tăng lương, cơ hội phát triển, điều kiện công việc, môi trường làm việc…".

 

Đàm phán lương thế nào?


Một thắc mắc khác của những người trẻ sắp sửa hoặc đang trong quá trình đi xin việc, đó là làm sao có thể đàm phán lương hiệu quả?

Ông Lộc chia sẻ: "Cần có sự chuẩn bị, nghiên cứu thị trường kỹ lưỡng. Qua đó, biết được mức lương trung bình cho vị trí công việc trong ngành mà bản thân đang ứng tuyển. Đó là cơ sở quan trọng để đề xuất mức lương phù hợp (không thấp hơn cũng không quá cao so với mặt bằng chung. Hãy xác định được năng lực, kỹ năng, kinh nghiệm của bản thân để đưa ra mức lương phù hợp với những giá trị hiện có".

Đối với những kỹ năng cần có trong quá trình đàm phán lương với công ty mà người lao động trẻ cần có, bà Nguyễn Thị Tuyết, phụ trách nhân sự Công ty TNHH thương mại du lịch và vận tải quốc tế Phước An chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh, khuyên: "Phải có kỹ năng giao tiếp nhằm diễn đạt mong muốn một cách rõ ràng, mạch lạc, tự tin và lịch sự. Cần có kỹ năng lắng nghe để hiểu rõ những yêu cầu của nhà tuyển dụng. Biết kỹ năng phân tích cũng là lợi thế, vì ngoài mức lương còn đánh giá thêm nhiều yếu tố khác như các chế độ phúc lợi, chính sách đãi ngộ. Bên cạnh đó, cần có kỹ năng thuyết phục để có thể đàm phán với doanh nghiệp chấp thuận mức lương phù hợp với mong muốn của bản thân. Tuyệt đối, cần giữ thái độ chừng mực, bình tĩnh, biết quản lý cảm xúc trong quá trình đàm phán lương".

 

Cần có nhiều kỹ năng để đàm phán lương hiệu quả

 

Trên thị trường hiện tại, có 3 mức lương mà các doanh nghiệp thường đưa ra trong quá trình tuyển dụng gồm: mức lương cụ thể, mức lương cạnh tranh, mức lương thỏa thuận. Điều này dẫn đến băn khoăn của một số người lao động trẻ là nên chọn mức lương nào là có lợi nhất?

Theo bà Tuyết: "Tùy người sẽ có lựa chọn khác nhau dựa vào ưu tiên nghề nghiệp, nhu cầu tài chính... Nếu tự tin với năng lực tốt, kỹ năng nhiều, có thể tìm doanh nghiệp đưa ra mức lương cạnh tranh. Nếu muốn linh hoạt trong việc đàm phán lương theo năng lực, kinh nghiệm, giá trị bản thân có thể mang lại thì có thể chọn công ty đưa ra mức lương thỏa thuận. Lưu ý là phải có kỹ năng đàm phán để được nhận mức lương tương xứng. Còn nếu muốn sự minh bạch, rõ ràng ngay từ đầu có thể chọn mức lương cụ thể, cố định".

Theo Thanh Niên