Sáng tạo trong các hoạt động gây quỹ ở các cấp bộ Đoàn tỉnh Nghệ An

17:44 28/09/2018     9106

Tuổi trẻ sáng tạo   Web.ĐTN: Tạo kinh phí để tổ chức sinh hoạt Đoàn, giúp đỡ các em nhỏ và người dân có hoàn cảnh khó khăn… là những hoạt động được các cấp bộ Đoàn trong toàn tỉnh tổ chức triển khai xây dựng nhiều mô hình sáng tạo để gây quỹ.
Mượn đất gây quỹ

Trước đây, nguồn kinh phí của các Đoàn cơ sở luôn hạn hẹp, trong khi các hoạt động lại được tổ chức thường xuyên, vì vậy việc thiếu kinh phí để hoạt động là điều khó tránh khỏi. Khắc phục khó khăn đó, Đoàn xã Nghi Thịnh (Nghi Lộc) đã đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương tận dụng diện tích đất bỏ hoang, mượn đất để canh tác gây quỹ hoạt động Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi. Theo đó, Đoàn xã đã huy động 45 đoàn viên, thanh niên ra quân “phù phép” biến vùng đất trống thành cánh đồng lạc tươi tốt.


ddddd
Mô hình mượn đất gây quỹ của Đoàn xã Nghi Thịnh, trồng lạc trên 1.500m2


Để bước đầu có vốn triển khai cánh đồng ruộng lạc, Đoàn xã đã chỉ đạo 15 Chi đoàn vận động và phát huy nội lực từ trong cán bộ, đoàn viên, thanh niên; người thì góp phân bón, người thì góp tiền, người thì góp lạc giống... Với 1.500m2 đất trồng lạc được đoàn viên thanh niên chăm sóc cẩn thận và đúng quy trình, chỉ sau 3 tháng ruộng lạc cho thu hoạch khoảng 5 tạ, trừ chi phí các loại thu về từ 5 - 10 triệu đồng.

Đồng chí Hoàng Văn Tư - Bí thư Đoàn xã Nghi Thịnh cho biết, tuy số tiền chưa nhiều nhưng nhờ nguồn quỹ này, Đoàn xã đã chủ động hơn mỗi khi tổ chức hoạt động như thăm, tặng quà các học sinh nghèo khó khăn, các gia đình thương bệnh binh; tổ chức vui chơi giải trí kết nối tinh thần đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau giữa các đoàn viên thanh niên. Trong thời gian tới, Đoàn xã sẽ phát huy sáng tạo các mô hình gây quỹ để thực hiện các việc làm thiết thực hơn nữa”.

Nhờ triển khai mô hình hiệu quả và có sức lan tỏa, đến nay toàn huyện Nghi Lộc có 7 đoàn xã, thị trấn và 5 chi đoàn khối cơ quan trực thuộc được chính quyền địa phương, cơ quan tạo điều kiện để thực hiện mô hình “mượn đất gây quỹ”.

Điển hình như Đoàn xã Nghi Hưng (Nghi Lộc) đã tổ chức thu hoạch 7 sào lúa vụ đông xuân 2018, thu về 7 triệu đồng; Chi đoàn Ban Quản lý rừng phòng hộ gắn liền với thực hiện nhiệm vụ chuyên môn đã xin cơ quan đảm nhận trồng cây vải trên đất lâm nghiệp trống để gây quỹ Đoàn.

Kết thúc mùa đã thu hoạch được 6 tấn vải, giá bán 10.000 đồng/kg. Chi đoàn Khu điều dưỡng thương binh 4 thực hiện các công trình đào ao, thả cá, trồng rau sạch cung cấp cho đơn vị mình để gây quỹ...

Đồng chí Nguyễn Thị Lê - Bí thư Huyện đoàn Nghi Lộc chia sẻ, mô hình “mượn đất gây quỹ” của Huyện đoàn Nghi Lộc là một trong những đơn vị đầu tiên trên toàn tỉnh thực hiện và có hiệu quả. Việc làm giàu tính nhân văn của tuổi trẻ đã tạo sự lan tỏa trong cộng đồng, nhân lên những hành động đẹp trong mỗi đoàn viên thanh niên để tiếp tục chia sẻ yêu thương.

dddd
Đoàn xã Nghi Hưng (Nghi Lộc) đã đảm nhận gần 5.000m2 diện tích khó sản xuất bỏ hoang để sản xuất giống lúa hương thơm

Rửa xa gây quỹ

Đầu năm 2018, Huyện đoàn Đô Lương chỉ đạo các cơ sở Đoàn và chi đoàn cơ quan trực thuộc trong toàn huyện đẩy mạnh tổ chức sôi nổi các hoạt động vui Xuân đón Tết. Tuy nhiên, cũng vì lý do nguồn quỹ hạn hẹp và mong muốn có kinh phí để trao các suất quà cho các em học sinh khuyết tật, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Huyện đoàn đã phát động 6 xã làm điểm thực hiện mô hình “Rửa xe gây quỹ” với sự tham gia khoảng gần 100 đoàn viên thanh niên hưởng ứng.

dffff
Hoạt động rửa xe gây quỹ của các Đoàn xã ở huyện Đô Lương

Tiêu biểu như Đoàn xã Thuận Sơn, ngay khi được huyện đoàn phát động đã tổ chức dịch vụ rửa xe ở các điểm trung tâm của xã như trước cổng trường học hay UBND xã…trực tiếp tham gia hoạt động này là Ban Thường vụ Đoàn xã, bí thư các chi đoàn và một số đoàn viên, thanh niên ở 8 chi đoàn.

Nhờ nguồn kinh phí từ rửa xe gây quỹ, các Đoàn xã ở Đô Lương đã trao quà tặng cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn tiếp sức đến trường
Nhờ nguồn kinh phí từ rửa xe gây quỹ, các Đoàn xã ở Đô Lương đã trao quà tặng cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn tiếp sức đến trường


Tại các điểm rửa xe, dụng cụ máy móc được các đoàn viên, thanh niên tự nguyện mang đến; mỗi người được phân công một nhiệm vụ khác nhay, nên thời gian rửa xe được rút ngắn. Giá dịch vụ rửa xe là 15.000 đồng/lượt. Tuy không phải là những người rửa xe chuyên nghiệp, nhưng với sự nhiệt tình của tuổi trẻ, các đoàn viên, thanh niên làm việc khá chu đáo, kỹ lưỡng nên rất đông người dân đưa xe đến rửa, ủng hộ.

Chị Nguyễn Thị Hoa, người dân xã Thuận Sơn cho biết, được biết đến hoạt động Đoàn thanh niên tổ chức rửa xe gây quỹ, tôi cùng nhiều người dân trong xóm mang xe máy đến rửa, góp một phần nhỏ bé ủng hộ cho hoạt động ý nghĩa này để chia sẻ với các hoàn cảnh khó khăn…

Sau 02 ngày làm việc tích cực, các đoàn viên đã thu về khoảng 4 triệu đồng, cùng với đó là những khoản tiền ủng hộ của người dân.

Đồng chí Trần Thị An - Bí thư Đoàn xã Thuận Sơn cho biết, từ đầu năm đến nay, Đoàn xã Thuận Sơn đã ra quân được 3 đợt rửa xe gây quỹ, mỗi lần rửa xe đều thông báo trên loa truyền thanh của xã để mọi người được biết đến ủng hộ. Đến nay, Đoàn xã đã trao tặng 32 suất quà cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ phần nào để giúp các em tiếp tục đến trường. Đây cũng là nghĩa chỉ cao đẹp thể hiện tinh thần xung kích của tuổi trẻ Thuận Sơn”.

Chỉ sau một thời gian ngắn phát động, trên toàn huyện Đô Lương đã thu hút được 33 cơ sở Đoàn và hàng nghìn đoàn viên, thanh niên tham gia “Rửa xe gây quỹ”. Cụ thể như Đoàn xã Giang Sơn Đông đã rửa được hàng trăm chiếc xe máy, thu về hơn 4,6 triệu đồng và 600 nghìn đồng do người dân đăng ký ủng hộ; Đoàn xã Nam Sơn thu hơn 3 triệu đồng, đưa vào quỹ tình thương để giúp đỡ người nghèo chỉ sau 2 ngày…

Đồng chí Nguyễn Đức Lương - Bí thư Huyện đoàn Đô Lương cho biết, từ đầu năm 2018 đến nay, tuổi trẻ Đô Lương đã tổ chức được 4 đợt ra quân rửa xe gây quỹ trên toàn huyện. Mới đây, hoạt động “rửa xe gây quỹ” tiếp sức đến trường được triển khai đồng loạt trên tất cả các cấp bộ Đoàn và thu về khoảng 93 triệu đồng; qua đó có kinh phí trao tặng 68 chiếc xe đạp cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Mô hình sáng tạo trong các hoạt động gây quỹ là hoạt động thiết thực của tổ chức đoàn, được các tầng lớp nhân dân ủng hộ; đồng thời giáo dục, lan tỏa trong đoàn viên, thanh, thiếu nhi và người dân về ý thức, trách nhiệm với cộng đồng, chia sẻ một phần khó khăn với trẻ em nghèo.
fgggg
Ngoài ra còn có các hoạt động gây quỹ khác như: bán nước mía, bán hương, thu gom phế liệu...

Bên cạnh đó, Huyện đoàn Đô Lương còn tổ chức các hoạt động, mô hình gây quỹ sáng tạo như: bán hương, lá dong, khẩu hiệu, băng rôn cổ vũ U23 Việt Nam, làm mứt dừa, kẹo cà, bán nước mía…

Trao đổi về cách làm này, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn Nghệ An Nguyễn Thị Thơm cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, có gần 16 đơn vị triển khai mô hình gây quỹ như: rửa xe, mượn đất nông nghiệp, đêm nhạc thiện nguyện...

Hiện nay, việc gây quỹ này đã xuống tận các chi đoàn và không chỉ dành cho hoạt động mà nguồn quỹ thu được sử dụng vào các hoạt động an sinh xã hội: nhận đảm nhiệm mô hình em nuôi của đoàn, quỹ tiếp sức đến trường, có đơn vị số quỹ thu được nhiều còn cho thanh niên vay vốn phát triển kinh tế...

Việc xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình này đã góp phần khắc phục khó khăn trước mắt cho tổ chức Đoàn nhưng đồng thời cũng thể hiện sự sáng tạo, nhiệt huyết của tuổi trẻ. Đồng thời, khẳng định được các phong trào, hoạt động của Đoàn dần đi vào thực chất, có ảnh hưởng lớn trong dư luận xã hội và giúp tổ chức Đoàn khẳng định được vai trò của mình trong việc tham gia xây dựng kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung.

Bên cạnh đó, hoạt động phong trào Đoàn ngày càng được đẩy mạnh và thu hút sự tham gia sinh hoạt của đông đảo đoàn viên thanh niên. Từ điểm sáng tại một số đơn vị, Tỉnh đoàn đã và đang tiếp tục chỉ đạo duy trì và nhân rộng các mô hình này trên địa bàn toàn tỉnh.