Lan tỏa nhiều mô hình, phần việc thanh niên

10:03 07/04/2020     9678

Tuổi trẻ sáng tạo   Web.ĐTN: Trong những năm qua, Đoàn cơ sở Lữ đoàn 962, Quân khu 9 đã triển khai thực hiện nhiều mô hình, phần việc thanh niên sáng tạo, hiệu quả, góp phần hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị của đơn vị.

Luyện tập phương án CHCN trên sông là nhiệm vụ thường xuyên để xử lý tốt các tình huống trong mùa mưa bão

 

Sáng lau sương, chiều lau bụi

Đầu năm 2019, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn 962 triển khai mô hình “Con tàu Thanh niên”. Bằng nhiều biện pháp, cách làm hiệu quả, mô hình đã góp phần giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Nói về mô hình tiêu biểu này, Thượng tá Lê Thanh Nhã, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Lữ đoàn 962 cho biết: “Mô hình “Con tàu Thanh niên” của Tiểu đoàn 1 đi vào hoạt động đến nay, công tác xây dựng chính quy đã dần đi vào nền nếp, ổn định, trang thiết bị trên tàu, phương tiện trên tàu ngày càng được đầu tư đồng bộ hơn; vệ sinh, trật tự nội vụ, lễ tiết tác phong quân nhân ngày càng tiến bộ. Đảng ủy, Chỉ huy Lữ đoàn tiếp tục chỉ đạo cho các đơn vị nhân rộng mô hình “Con tàu Thanh niên” theo mẫu  mô hình mà Tiểu đoàn 1 đã xây dựng”.

“Trong công tác xây dựng chính quy, chấp hành kỷ luật, Tiểu đoàn đã triển khai nhiều biện pháp cụ thể, thiết thực,thực hiện tốt khẩu hiệu: “Tàu là nhà, đồng đội là anh em”; thường xuyên quan tâm, động viên, giúp đỡ lẫn nhau, đồng thời góp ý phê bình chân thành, thẳng thắn với nhau để cùng nhau tiến bộ. Cũng thông qua cách làm ấy, mối quan hệ cấp trên - cấp dưới, đồng chí - đồng đội luôn được duy trì tốt, nội bộ đoàn kết thống nhất, tạo được sự chuyển biến tích cực về chấp hành kỷ luật, thực hiện nếp sống chính quy, xây dựng môi trường văn hóa trong đơn vị”, anh Nhã cho biết thêm.

Với phương châm “sáng lau sương, chiều lau bụi” để bảo quản vũ khí, những người lính tiểu đoàn 1, Lữ đoàn 962 đã thường xuyên, chủ động trong công tác bảo quản, bảo dưỡng vũ khí, trang bị, đảm bảo hệ số kỹ thuật theo quy định, tuyệt đối không để hư hỏng. Thực hiện ngày kỹ thuật vào ngày thứ 6 bảo quản tất cả các trang thiết bị, vũ khí có trên tàu để duy trì hệ số kỹ thuật và tình trạng sẵn sàng chiến đấu. Chia ra từng bộ phận, như là ở trên tàu có bộ phận bảo quản các trang thiết bị hàng hải, bộ phận bảo vệ máy, bộ phận thì bảo quản về súng ống và có huấn luyện bổ sung để nắm vững hơn về công tác bảo quản, bảo dưỡng.

 

Tổ chức huấn luyện biên đội tàu trong diễn tập vòng tổng hợp

 

Từ hiệu quả của mô hình “Con tàu Thanh niên”, đã cổ vũ cán bộ, chiến sỹ tích cực chủ động, nghiên cứu sáng kiến, cải tiến nhiều mô hình học cụ như: Sáng kiến “Nghiên cứu chế tạo hệ thống bơm chống chìm trên tàu”, “Rọ cứu hộ cứu nạn” áp dụng vào công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu tại đơn vị. Quá trình huấn luyện luôn bám sát nguyên tắc thiết thực, chất lượng, hiệu quả; trong đó tập trung huấn luyện cho cán bộ, chiến sỹ nắm chắc kỹ chiến thuật, sử dụng thành thạo các loại vũ khí, trang thiết bị trên tàu, giỏi ngành mình biết ngành khác, sẵn sàng thay thế và hỗ trợ cho nhau trong thực hiện các nhiệm vụ được giao, chính vì vậy, chất lượng hiệu quả công tác huấn luyện của các tàu ngày càng được nâng cao, các nội dung huấn luyện đều đạt khá, giỏi.

Mô hình “Quân nhân và gia đình”

“Quân nhân và gia đình” là tên gọi một Mô hình do Đoàn cơ sở Lữ đoàn 962 (Quân khu 9) phát động. Nhiều năm qua, Mô hình đã đi vào hoạt động thiết thực, hiệu quả được cán bộ đoàn, đoàn viên thanh niên tích cực hưởng ứng tham gia. Thông qua mô hình nhằm giáo dục, nâng cao nhận thức trách nhiệm của người cán bộ đoàn và Đoàn viên thanh niên là hạ sỹ quan, binh sỹ trong đơn vị đối với gia đình, người thân, qua đó rèn luyện tính tiết kiệm chi tiêu hợp lý, không xa hoa, lãng phí để xây dựng cuộc sống gia đình, góp phần tô thắm thêm hình ảnh tốt đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”.

 

Tuổi trẻ Lữ đoàn 962 báo động phương án sẵn sàng chiến đấu khi tàu rời cảng

 

Trao đổi với chúng tôi, Thiếu tá Trần Hồng Dân, Bí thư Đoàn cơ sở Lữ đoàn khẳng định: “Việc thực hiện mô hình “Quân nhân và gia đình” đã được lãnh đạo, chỉ huy các cấp hết sức quan tâm ủng hộ. Đoàn cơ sở đã xây dựng kế hoạch, quy chế, bản đăng ký đến từng Đoàn viên thanh niên, bằng nhiều hình thức như: tổ chức diễn đàn thanh niên, tọa đàm, trao đổi, tuyên truyền nếp sống giản dị, thực hành tiết kiệm, không xa hoa lãng phí, mặc dù khi mới triển khai thực hiện cũng gặp không ít khó khăn ở một vài đơn vị, một số chiến sĩ mới vẫn quen thói chi tiêu lãng phí, tình trạng chiến sĩ mua nợ hàng quán, căn tin vẫn xảy ra, một số quân nhân hằng tháng vẫn tìm cách xin tiền gia đình..., nhưng nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, đến nay có trên 90% đoàn viên đăng ký thực hiện mô hình với số tiền tối thiểu 200 ngàn/tháng, có những đoàn viên tiết kiệm từ 600-800 ngàn/1 tháng làm chúng tôi thật bất ngờ chính những chiến sĩ này đã cổ vũ “lôi kéo” chiến sĩ khác học tập và làm theo. Đến nay số tiền tiết kiệm được từ mô hình trên 2 tỷ đồng”.

Trung sỹ Bùi Văn Linh, Chiến sĩ súng pháo, Đại đội 4, Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn 962 tâm sự: trước đây khi mới nhập ngũ tôi chưa có thói quen tiết kiệm. Cứ nhận được phụ cấp tháng nào là mình xài hết tháng đó, thậm chí còn nhận thêm tiền gửi từ gia đình nữa. Từ ngày có mô hình “Quân nhân và gia đình” tôi ý thức được tính tiết kiệm, bây giờ tôi dành dụm để gửi tiền tiết kiệm giúp đỡ gia đình, cũng như xây dựng tương lai sau này…”.

Mô hình “Quân nhân và gia đình”đã mang lại hiệu quả tích cực, với khoảng tiền tiết kiệm từ mô hình và số tiền thanh toán các chế độ xuất ngũ, mỗi Quân nhân hoàn thành nghĩa vụ ở Lữ đoàn có trong tay trên 20 triệu đồng. Nhờ số tiền trên, Quân nhân xuất ngũ có thể tiếp tục ôn thi vào các trường đại học, cao đẳng hoặc tham gia các lớp đào tạo nghề và giúp cho gia đình nhiều việc có ý nghĩa. Mặt khác, mô hình cũng góp phần ngăn ngừa và giảm các vụ việc vi phạm kỷ luật, góp phần xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện.

 

Thành Tâm