Nhà vườn trồng dưa lưới Nhật Bản của ông chủ 9x

21:16 12/05/2018     1895

Tuổi trẻ sáng tạo   Với sáu mô hình nhà vườn trồng dưa sạch lên đến 3.500m2 tại Củ Chi (TP.HCM), chủ nhân nơi này là Phương Tùng, một chàng trai 21 tuổi.



Phương Tùng từng theo học Quản trị kinh doanh tại Mỹ. Nhưng anh lại quyết định quay trở về Việt Nam lập nghiệp với giống dưa lưới Ichiba Nhật Bản.

Làm quen dưa lưới tuy dễ mà khó

Tùng kể: "Mình chọn dưa lưới vì đây là thị trường rất mới mẻ tại Việt Nam. Người tiêu dùng nước ta cũng ít khi ăn dưa lưới. Mình quyết tâm trở thành một trong những người đi đầu vào ngành nông nghiệp cao dưa lưới.

Trồng dưa lưới tuy dễ mà khó. Vì là thị trường mới, việc đầu tư và giúp người tiêu dùng biết nhiều hơn về loại trái cây này sẽ tốn rất nhiều thời gian".

Giống dưa của nhà vườn Phương Long, nơi Tùng khởi nghiệp, được nhập hạt giống từ nước Nhật, cho quả giòn, ngọt, thơm chứ không mềm và lạt như hạt giống ở Việt Nam. Tùng lựa loại dưa Ichiba, một trong bốn loại dưa nổi tiếng tại đất nước mặt trời mọc, có khẩu vị hợp với người Việt Nam.

h
Phương Tùng cùng cha (hàng cuối) và chú kỹ thuật vườn dưa (giữa) - Ảnh do NVCC


Quy trình sản xuất dưa lưới chia thành nhiều giai đoạn. Tùng ví von chăm sóc dưa lưới như chăm một đứa trẻ, phải chăm chuốt từng ly từng tí.

"Từ lúc ươm mầm đến lúc thu hoạch là 75 ngày. Môi trường phải luôn sạch sẽ, thoáng mát và cần nắng rất nhiều để cây phát triển tốt nhất. Cây dưa lưới Ichiba rất dễ sinh bệnh như phấn trắng, vàng lá, lá nhăn, nên việc chăm sóc phải kĩ lưỡng. Nếu cây phát sinh bệnh, phải cách li để tránh tình trạng lây lan sang cây khác", ông chủ 9X bật mí.

Về Việt Nam lập nghiệp

Tùng là du học sinh Mỹ chuyên ngành Quản trị kinh doanh. Anh nghĩ, học xong cũng chỉ xoay quanh công việc kiếm tiền như thế nào là tốt nhất.

"Cuộc sống bên Mỹ không như nhiều người tưởng tượng. Mình thấy rất khổ cực để kiếm được đồng tiền khi còn là du học sinh. Mình phải tính toán chi tiêu hợp lý mới có thể sống tại đất Mỹ.

Mình nghĩ, nếu học xong cỡ 3-4 năm nữa mới tốt nghiệp Đại học tại đây thì còn phải tốn rất nhiều tiền của, khi tốt nghiệp, lại chưa chắc sẽ được ở lại Mỹ để đi làm. Nhưng số tiền bỏ ra để đi học là rất lớn.

Trong thời gian học cao đẳng, mình vừa đi làm vừa đi học. Thấy ba mình ở Việt Nam có ý tưởng trồng nông nghiệp sạch, mình thấy đó là một ý tưởng tốt để kiếm được tiền nếu chuyên tâm phát triển. Nghĩ thế, mình quyết định quay về nước để cùng ba xây dựng mô hình này, bước khởi nguồn từ trái dưa lưới Nhật", Tùng chia sẻ.




Khó khăn nhất của anh là chưa có kinh nghiệm. Anh kể: "Mình còn khá trẻ nên lời nói của mình không có sức ảnh hưởng nhiều đến mọi người.

Để khắc phục, mình đã tận tay vào từng vườn chăm sóc từng cây, theo dõi từng cây để biết tình trạng của cây như thế nào. Khi mình có kinh nghiệm nhiều, lời nói của mình đã làm mọi người thuyết phục hơn.

Mình mong muốn có thể áp dụng được cách làm việc trong khoảng thời gian học tập ở Mỹ sang Việt Nam để đạt năng suất lao động tốt nhất, tiết kiệm thời gian và đạt hiệu quả chung cao nhất".

‘Có tiền trước rồi bắt đầu khởi nghiệp là khái niệm sai lầm’




9X khẳng định: "Việc có tiền trước rồi tính gì tính là khái niệm sai lầm nhất trong khởi nghiệp. Việc có tiền đầu tư hay không là không quan trọng. Quan trọng là mình tận tâm, tư tưởng và ý tưởng của mình có đủ tốt để người khác đầu tư vào mình hay không.

Nếu có tiền trước mới làm thì phải đi làm công bao lâu mới đủ tiền ra làm chủ, 5 năm,10 năm hay 15 năm? Theo quan điểm cá nhân, mình thấy khái niệm đó của nhiều bạn trẻ khá sai lầm.

Nếu là mình, đầu tiên mình sẽ đầu tư mạo hiểm. Thông thường, khi mình tự tin có thể nắm được tỉ lệ chiến thắng lên 90% thì mới quyết định liều lĩnh.

Còn nếu ý tưởng còn mập mờ, không rõ ràng, không có quyết tâm, và quan trọng là không mới mẻ thì sẽ không có ai đầu tư cho mình. Bản thân mình cũng không thể mạo hiểm.

"Muốn thành công trong khởi nghiệp thì phải có ý tưởng hay, độc, lạ và phải yêu, quyết tâm làm bằng được và có nghiên cứu rất kĩ. Lúc ấy, tỉ lệ thành công đã lên hơn 70%. 20% tiếp theo là cố gắng hơn tất cả những người khác. 10% còn lại là do may mắn", Phương Tùng nói.

Dự định của Phương Tùng là xây dựng rộng rãi mô hình dưa lưới, và chuyển sang trồng rau sạch để cung ứng đủ nguồn rau sạch cho người tiêu dùng.