Quảng Ngãi: Niềm hạnh phúc từ Nồi cháo “Từ tâm”

14:26 12/01/2015     8414

Nhịp sống trẻ   Các y bác sỹ và bệnh nhân ở Quảng Ngãi biết rất rõ về cái tên nồi cháo “Từ tâm” của tập thể anh em Honda67, những nhà mạnh thường quân với một “thương hiệu” uy tín chuyên nấu cháo phát cho bệnh nhân nghèo.
Đàn ông vào bếp, trong thời đại hiện nay thì điều này không còn mấy lạ lẫm, khi phụ nữ vừa phải làm việc, vừa phải hoạt động xã hội mà cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ làm vợ, làm mẹ thì sự san sẻ của người đàn ông trong gia đình càng trở nên quý giá. Tuy nhiên có lẽ không nhiều người biết đến những đấng nam nhi tình nguyện vào bếp, vào bếp từ lúc tờ mờ sáng không kể mưa gió, không phải giúp vợ mình nấu bữa cơm nho nhỏ trong gia đình mà là nấu hàng trăm suất ăn chất lượng và bổ dưỡng. Nhưng đối với các y bác sỹ và bệnh nhân ở Quảng Ngãi thì biết rất rõ, cái tên nồi cháo “Từ tâm” của tập thể anh em Honda67 Quảng Ngãi cùng những nhà mạnh thường quân đã trở thành một “thương hiệu” uy tín. Người ta thường nghĩ đàn ông mê xe Honda 67 thường là những gã bụi bặm, lãng tử, ít quan tâm đến thế sự nhưng nhóm đàn ông chạy xe 67 ở Quảng Ngãi lại khác. Các anh chịu thương chịu khó như những người phụ nữ chính hiệu. Tuần nào cũng vậy, cứ đến thứ 3 và thứ 6, các anh thức dậy từ 2 giờ sáng rồi rủ nhau vo gao, xay thịt, nhóm bếp nấu cháo phát cho bệnh nhân nghèo. Công việc này được các anh khởi xướng từ 8-3-2013 và được duy trì hằng tuần cho đến nay. Hiện nay nhóm của các anh gồm hơn 20 thành viên và có tên gọi là “Hội nồi cháo từ tâm”.Những con người làm “việc nghĩa” này đủ mọi lứa tuổi, ngành nghề, cương vị khác nhau trong xã hội nhưng họ có chung một tấm lòng nhân ái, muốn tương trợ cho những bệnh nhân nghèo.

5
Hình ảnh các anh trong đội Honda 67

Được tham gia cùng các anh trong một đợt phát động phong trào tình nguyện tại cơ quan, tôi mới có cơ hội tiếp xúc với các anh, những con người “giàu có” này. Giàu ở đây không phải các anh có nhà lầu, xe hơi, nhiều tiền của,... mà là giàu tình cảm, đầy lòng thương người, và trắc ẩn, luôn trăn trở với những bệnh nhân nghèo... Rồi nhìn những hình ảnh xúc động của bệnh nhân khi đón nhận những bát cháo "Từ tâm" từ tay các anh, tôi mới thấm thía được niềm hạnh phúc của công việc đầy nghĩa cử cao đẹp này...Có mặt tại đây, mới thấy hết cái vất vả cũng như tinh thần đáng quý của các anh. Rất khó khăn với một con bé ham ngủ như tôi, hẹn giờ từ lúc 4h đến 4h10 phút rồi cố nằm đến 4h15 phút  mới vội đẩy tấm chăn ra khỏi người, ngồi dậy, giữa cái lạnh đầu đông, tôi mặc thật ấm, đeo thêm khăn quàng cổ và bao tay ấm chạy xe trên đường phố Quảng Ngãi chỉ có vài người đi bộ tập thể dục buổi sáng. Có mặt lúc 4h45 phút trên góc đường Phan Chu Trinh, trước trường THCS Nguyễn Nghiêm, tôi thật sự bất ngờ. Khác hẳn với các con đường im ắng lúc tôi đi, ở đây tiếng cười đùa rộn ràng, tôi chưa kịp nhìn rõ ai vào ai thì mấy anh trong cơ quan tôi đã kêu tôi lại ngồi cùng. Ngồi quan sát tôi thấy một cái chòi nhỏ, tạm bợ được dựng lên trước trường với các vật dụng nấu ăn đã được sắp xếp gọn gàng, 2 chiếc xe chở các thùng thức ăn đã được sẵn sàng, chỉ cần lên xe và kéo đi. Khác với tôi, còn đang trong tình trạng chưa tỉnh ngủ, còn các anh hỏi chuyện rồi cười đùa rôm rả bảo tôi ngồi một lúc cho đông đủ rồi mình tới Bệnh viện Đa khoa, xong chuyển sang Bệnh viên tâm thần.

5
Chuyển đồ từ sáng sớm

Ngồi cùng anh Dũng, công tác tại cơ quan với tôi, anh tham gia vào đội nấu cháo, có mặt từ 2h sáng. Anh kể với tôi về công việc lúc sáng cùng các anh Honda67 đã làm. Khi các anh trong cơ quan tôi còn lóng ngóng chưa biết làm việc như thế nào, việc gì trước, việc gì sau thì các anh thành thục chỉ dẫn mọi người cùng làm từ: rửa nồi, vo gạo, nhóm lửa, xay thịt, nấu cháo, nêm nếm,...Lúc trời mưa gió, lòng thương người của các anh càng thể hiện rõ hơn ở sự nhiệt tâm, hết mình với nồi cháo đang nấu, dù thời tiết rất không thuận lợi. Bởi nơi đặt nồi cháo nấu là nằm sát mép đường, mái che ở trên cũng rất tạm bợ, nên nước tạt vào liên tục. Cứ hai người đứng che mưa, một người nhóm lửa, rồi giữ cho ngọn lửa đều. Nghe anh kể, tôi thực sự cảm động, một đứa con gái như tôi bình thường cũng phải 6h mới chịu rúc ra khỏi chăn, còn các anh, không ngại mưa gió, đều đặn vào thứ 3, thứ 6 hằng tuần đều có mặt từ 2h sáng thực hiện công việc cao cả của mình với tất cả tấm lòng và khuôn mặt luôn rạng rỡ, tươi cười.
5
Từ 2 giờ sáng, các anh đã dậy vo gạo nấu cháo ở một góc đường tại TP Quảng Ngãi

Ngẩn ngơ một lúc thì mọi người trong đội phát cháo của cơ quan tôi đã có mặt đông đủ, chúng tôi cùng các anh tiến thẳng đên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi. Trên đường đi, tôi có dịp trò chuyện với các anh, và được biết là ngày hôm nay là lần phát thứ 160 tại Bệnh viện Đa Khoa và dù có khó khăn đến thế nào thì các anh vẫn chưa một lần đến trễ. Anh Nguyễn Văn Anh Duẩn, người chủ trì, cũng là người đầu tiên nghĩ ra ý tưởng Nồi cháo Từ Tâm chia sẻ: "Là hoạt động thường xuyên của nhóm từ ngày 8/3/2013 đến nay, tại bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi và bệnh viện Tâm thần Quảng Ngãi vào các sáng sớm thứ ba và thứ sáu hàng tuần, cùng với ở cô nhi viện Phú Hòa, xã Tịnh Ấn Tây (TP.Quảng Ngãi) vào sáng thứ 3 chúng tôi đều phát cháo miễn phí. Còn vào những ngày mưa gió thế này, anh em chúng tôi bảo nhau phải càng cố gắng hơn. Bởi những người bệnh, những người nghèo phải đi ra đường trong gió lớn, mưa to thế này tội họ lắm. Đem chút tình thương sẻ chia trong bão lụt, chúng tôi thấy lòng vui lên rất nhiều...
5
        Bất kể mưa nắng, các anh đều mang cháo đi phát suốt một năm rưỡi qua

Trời tờ mờ sáng, xe cháo đến Bệnh viện, các anh tận tình chỉ dẫn chúng tôi múc cháo như thế nào, làm cách nào nhìn gọn gàng, dặn dò cách nói chuyện cư xử với bệnh nhân. Tôi nhớ có anh nói “các em nhớ hỏi bệnh nhân lấy cho bao nhiêu người ăn, để mình đưa cho hợp lý, chứ ít thì bệnh nhân ăn không đủ, múc nhiều quá thì sẽ không có cho các bệnh nhân khác”. Các anh thật chu đáo! Người ta thường hay nói “của cho không bằng cách cho”. Làm việc từ sáng sớm, nhưng các anh không tỏ ra mệt mỏi chút nào, mà ngược lại rất vui vẻ, đon đả, cười nói, chọc cho chúng tôi cười, làm không khí vui vẻ hẳn lên, chẳng người nào có cảm giác mệt mỏi. Vì là công việc thường lệ, nên bệnh nhân kéo ra rất đông. Các anh trong nhóm điềm đạm, vui vẻ hướng dẫn bà con nhận cháo. Có những trường hợp người bệnh đi chậm, yếu, các thành viên sau khi phát cháo xong, còn dìu họ đến nơi ngồi ổn định hoặc dìu về phòng. Khi cháo hết, còn lát đát một số bà con đến đưa camen, mà không còn, ánh mắt các anh đượm buồn

Chúng tôi bắt đầu chặng đường tiếp theo tiến đến Bệnh viện Tâm thần tỉnh Quảng Ngãi. Đến nơi, các anh tập họp chúng tôi lại dặn dò, vì tâm lý bệnh nhân nhiều lúc không ổn định nên các anh bảo chúng tôi khi vô khu bệnh nhân nữ thì chúng tôi vô theo và đi cạnh sát các anh, còn ở khu bệnh nhân nam, các anh không cho chúng tôi vô, bảo chúng tôi ở ngoài quan sát thôi. Vô khu vực bệnh nhân, dù đang mắc bệnh nhưng thấy các anh vào thì bệnh nhân tới chào hỏi, nói chuyện giống như những người thân, cũng không lạ vì các anh đến đây hằng tuần mà. Các anh cũng rất thân thiện với bệnh nhân, cười nói thăm hỏi bệnh nhân, có nhiều bệnh nhân không kiểm soát được hành vi của mình nhưng các anh vẫn bình tĩnh, nhẹ nhàng khuyên bảo. Nhìn các anh như vậy, tôi càng thấy quý mến các anh hơn. Không phải ai nằm chăn ấm, nệm êm đều thấy và thông cảm với những mảnh đời bất hạnh. Các anh tỉ mỉ múc từng miếng lagu vào bát, camen cho bệnh nhân, không quên kèm theo ổ bánh mỳ.
 
-Sao mình không phát cháo giống như bên Bệnh viện Đa khoa anh? Tôi hỏi.
-Anh liền đáp: Bệnh nhân bên này thích ăn gì lagu, bánh mỳ hơn em.
Các anh quan tâm đến bệnh nhân như vậy đấy các bạn ạ. Tìm hiểu và nấu những món mà bệnh nhân thích không phải làm theo ý kiến chủ quan của mình. Đứng gần một anh, anh vừa cười, vừa chỉ vào bệnh nhân huyên thuyên nói người này quê ở đâu, người này hay có những hành đông như thế nào.
-Em để ý anh này nha, anh ăn xong rồi đem vô rửa bát, xong ra xin tiếp đó, cũng phải 3 lần như vậy. Bị bệnh như vậy thôi chứ cũng “khôn” lắm.
Tôi quan sát và quả thật bệnh nhân này làm như vậy thật. Tôi và anh nhìn nhau cười, nụ cười hạnh phúc. Các anh là như vậy! Vui khi người khác vui, là công việc thường xuyên và với tấm lòng của mình đối với bệnh nhân, các anh hiểu từng bệnh nhân đến như vậy đó. Tôi nhìn gương mặt rạng rỡ của các anh, nhìn những ánh mắt mừng rỡ của các bệnh nhân ở bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi và bệnh viện Tâm thần tỉnh Quảng Ngãi mà lòng tôi cũng cảm thấy dâng lên một niềm vui khó tả.
Gặp các anh, tôi thấy mình sao nhỏ bé đến thế! Tôi tìm hiểu thêm thông tin về các anh, có được trang facepage của các anh thì trên trang đó toàn bộ là thông tin về các “mạnh thường quân” đã chung tay cùng các anh giúp đỡ bệnh nhân, và không có thông tin nào về các anh. Các anh là như vậy, những tấm lòng thiện nguyện không muốn nói gì về mình, chỉ mong được giúp đời. Điều băn khoăn của các anh em trong nhóm Nồi cháo Từ Tâm là hiện tại, dù đã hoạt động khá hiệu quả, nhưng mong muốn của các anh còn lớn hơn, là thêm được nhiều người bệnh nghèo, người tàn tật, cơ nhỡ có cơ hội nhận được bát cháo miễn phí. Cho đến bây giờ, mỗi khi cháo hết, nhìn nét mặt thẫn thờ của bà con tới sau, phải đem bát không trở về mà các anh cảm thấy rất buồn. Hy vọng mở rộng quy mô cả về số lượng lẫn chất lượng cho nồi cháo vẫn luôn được các anh ấp ủ. Song tài chính của nhóm hiện tại cũng chỉ đủ duy trì các hoạt động như vừa qua chưa thể giúp được thêm nhiều bệnh nhân nghèo khác.
Bước ra cùng các anh, những tiếng cười đùa vẫn còn văng vẳng bên tai, lại nói chuyện với nhau về công việc thường ngày: “thôi, giờ về chở con đi học”, các anh trở lại với một người đàn ông bình thường, chăm chút cho gia đình nhỏ của mình và hoàn thành tốt nhiệm vụ công việc tại nơi công tác.

Với tinh thần “thương người như thể thương thân”, các thành viên Honda 67 Quảng Ngãi đã không ngại khó khăn, thầm lặng và tích cực đóng góp công sức của mình vì những bệnh nhân nghèo. Việc làm của các anh là nguồn cổ vũ, động viên rất lớn cho những bệnh nhân nghèo đang điều trị, tạo động lực giúp họ vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống

Riêng phần tôi, đây là một kỉ niệm khó quên, nó làm một cô bé như tôi, một đoàn viên thanh niên trẻ suy nghĩ thật nhiều, nghĩ và nhớ về những con người vui tính mà đầy nhiệt huyết và trên hết là nghĩ về bản thân mình, chiêm nghiệm câu “Sống chậm lại, nghĩ khác đi, và yêu thương nhiều hơn”. Tôi viết về các anh, ngoài tham gia cuộc thi này còn mong muốn ở đâu đó, có ai đó đọc những dòng tâm sự còn chưa được trôi chảy của tôi có thể biết về các anh, biết về một tấm gương sáng thanh niên thiện nguyện đáng để chúng ta học hỏi và noi theo. Tôi cũng biết còn rất nhiều tấm lòng như vậy, những con người sẵn sàng giúp đỡ và chung tay cùng các anh. Thay lời kết bài thi này là lời chúc các anh và gia đình các anh luôn mạnh khỏe và hạnh phúc để tiếp tục nghĩa cử cao đẹp của mình.