Mất hoàn toàn thị lực ở tuổi 22, cô gái vẫn quyết tâm tốt nghiệp đại học
15:29 24/04/2025 121
Nhịp sống trẻ Từ một cô gái khiếm thị bẩm sinh sống trong hoàn cảnh khó khăn, Nguyễn Thị Thanh Vinh (27 tuổi), đã không ngừng nỗ lực để tốt nghiệp đại học, mở ra hy vọng về một tương lai tươi sáng hơn.
Lớn lên trong gian khó
Sinh ra tại tỉnh Ninh Thuận trong một gia đình nghèo khó, Vinh khiếm khuyết bẩm sinh về thị lực. Dù không thể nhìn rõ, cô gái vẫn nhận biết được màu sắc ở khoảng cách gần và dần học cách định vị mọi thứ xung quanh thông qua những gam màu mờ ảo. Gia đình quá nghèo, Vinh không có cơ hội đến trường như bao đứa trẻ khác. "Giấc mơ đại học với mình thời điểm đó rất xa vời", Vinh nói.

Năm 2009, lúc 11 tuổi, Vinh được gửi vào mái ấm Thiên Ân (Quận Tân Phú, thành phố Hồ Chí Minh) để học tập và nhận sự chăm sóc. Tại đây, lần đầu tiên Vinh được khám mắt, nhưng kết quả là không thể chữa trị. “Lúc đó mình vẫn nhìn được màu sắc, nên không thấy đó là vấn đề lớn”, Vinh kể lại.
Nhưng vào một buổi sáng đầu năm 2020, khi đang ở năm nhất đại học, cuộc sống của Vinh hoàn toàn thay đổi, sau khi tỉnh dậy chỉ còn thấy bóng tối bao trùm. “Lúc đó, mình không phân biệt được ngày hay đêm. Mình chính thức sống trong bóng tối”, Vinh chia sẻ.
Từ một người có thể tự di chuyển từ trường về ký túc xá nhờ khả năng phân biệt màu sắc, Vinh phải làm quen với việc cầm gậy dò đường, sống một mình trong căn trọ nhỏ.
“Mình rất hoảng sợ mỗi khi ra khỏi phòng. Học cách sờ nắm, cầm gậy, dò đường đến trường là cả một thử thách”, Vinh tâm sự. Dù vậy, Vinh không bỏ cuộc. Cô tìm đến bác sĩ để hỏi về khả năng điều trị, nhưng câu trả lời vẫn là không thể. “Mình buồn thật sự, nhưng không còn cách nào khác ngoài việc chấp nhận”, Vinh nói.
Quyết tâm tốt nghiệp đại học
Năm 2019, trước khi mất hẳn thị lực, Vinh nhận được học bổng toàn phần ngành ngôn ngữ Anh tại Trường Đại học RMIT Việt Nam. Cơ hội này đến từ sự nỗ lực tham gia một dự án khởi nghiệp dành cho người trẻ, cùng lá thư giới thiệu và câu chuyện vượt khó của chính mình. Ở vòng phỏng vấn, dù tiếng Anh còn hạn chế, Vinh chọn cách nói bằng trái tim. “Mình hiểu học bổng này quan trọng với cuộc đời. May mắn thay, câu chuyện của mình đã chạm đến trái tim mọi người”, Vinh kể.

Hành trình đại học không hề dễ dàng. Dịch Covid-19 bùng phát trùng với thời điểm Vinh mất thị lực hoàn toàn, khiến cô đối mặt với vô vàn khó khăn. Việc tiếp cận tài liệu học tập qua ứng dụng đọc trên máy tính là một thử thách lớn. Nhưng bằng ý chí mạnh mẽ, Vinh đã vượt qua và chính thức tốt nghiệp vào năm nay.
Nhìn lại chặng đường đã qua, Vinh không giấu niềm tự hào xen lẫn hy vọng. Từ một cô bé lớn lên trong nghèo khó, không được đi học, Vinh đã vươn lên để chạm đến ước mơ. Hiện tại, Vinh mong muốn tìm được một công việc ổn định liên quan đến chuyên ngành ngôn ngữ Anh, mang lại thu nhập để tự lập và cải thiện cuộc sống.
“Mình tin rằng, dù sống trong bóng tối, chỉ cần có quyết tâm, ánh sáng của tri thức và hy vọng vẫn sẽ dẫn lối”, Vinh chia sẻ.
PGS.TS Dương Thị Hoàng Oanh, giảng viên chính Khoa Truyền thông và Thiết kế, Trường Đại học RMIT Việt Nam, nhận xét: “Vinh là một sinh viên đặc biệt và luôn luôn vui tươi, lan tỏa một nguồn năng lượng tích cực cho mọi người. Vinh sở hữu một tinh thần vô cùng mạnh mẽ, kiên cường, luôn nỗ lực vươn lên, cống hiến không ngừng trong mọi khía cạnh của học tập, nghiên cứu, sinh hoạt và cuộc sống. Vinh là một thành viên không thể thiếu trong nhiều hoạt động và dự án nhóm của lớp với những đóng góp thực tiễn, có ý nghĩa và quý giá cho thành tích chung”.
PGS.TS Oanh nói thêm: “Với nguồn năng lượng tích cực lan tỏa và tính cách vui vẻ, Vinh luôn truyền cảm hứng và nâng cao tinh thần cho các bạn trong lớp và khoa. Vinh luôn sẵn sàng giúp đỡ người khác, không ngần ngại hỗ trợ khi có thể, nhưng đồng thời cũng giữ được tinh thần tự lập và chỉ chấp nhận sự giúp đỡ khi thật sự cần thiết”.