Nhận diện, đấu tranh với biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân - từ chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân của Đảng ta hiện nay
10:03 28/09/2023 17853
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng nói chung và đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân nói riêng; Người đã đưa ra nhiều chỉ dẫn quan trọng về chống chủ nghĩa cá nhân.
Trong bối cảnh mới, tiếp tục nghiên cứu, vận dụng sáng tạo những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phòng, chống chủ nghĩa cá nhân có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là cơ sở để xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; để mỗi cán bộ, đảng viên tự soi, tự sửa, xứng đáng với niềm tin và sự kỳ vọng lớn lao của quần chúng nhân dân.
Chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chống chủ nghĩa cá nhân
Bản chất của chủ nghĩa cá nhân
Chủ tịch Hồ Chí Minh thường căn cứ vào điều kiện, hoàn cảnh, đặc thù đối tượng để chỉ rõ, nêu ví dụ hoặc đưa ra những so sánh phù hợp mô tả, giúp mọi người hiểu thế nào là chủ nghĩa cá nhân. Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, lần đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng thuật ngữ chủ nghĩa cá nhân, Người so sánh “chủ nghĩa cá nhân là như một thứ vi trùng rất độc”(1), “là bệnh chính, bệnh mẹ, do đó mà sinh ra nhiều chứng bệnh khác”(2); “là kẻ địch nguy hiểm của chủ nghĩa xã hội”(3)... Mặt khác, Người chỉ rõ bản chất của chủ nghĩa cá nhân là tuyệt đối hóa lợi ích cá nhân, tách rời, coi thường và đối lập với lợi ích chung của tập thể, cộng đồng, xã hội; thể hiện tập trung ở khuynh hướng cực đoan, làm cho lợi ích cá nhân mâu thuẫn với lợi ích tập thể, cộng đồng, trái ngược với yêu cầu chăm lo đến lợi ích cá nhân chính đáng; sẵn sàng “đặt lợi ích riêng của mình, của gia đình mình lên trên, lên trước lợi ích chung của dân tộc”(4) và “chủ nghĩa cá nhân, lợi mình hại người, tự do vô tổ chức, vô kỷ luật và những tính xấu khác”(5).
Như vậy, chủ nghĩa cá nhân là hệ thống quan điểm, thái độ, hành vi của chủ thể nhằm thỏa mãn nhu cầu lợi ích của chủ thể ấy trên cơ sở tuyệt đối hóa vai trò và lợi ích cá nhân, tách rời và đối lập, làm tổn hại đến lợi ích của cộng đồng, xã hội.
Biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân
Qua nhiều tác phẩm, bài phát biểu, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra những biểu hiện khác nhau của chủ nghĩa cá nhân, bởi những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân rất đa dạng, biến hóa “muôn hình vạn trạng”. Tổng hợp các quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, có thể khái quát biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân bằng 10 “căn bệnh” sau:
1- Bệnh quan liêu: nghĩa là trong công việc thì trọng hình thức mà không xem xét toàn diện, không vào sâu vấn đề, không sát với công việc thực tế, không theo dõi và giáo dục cán bộ, không gần gũi quần chúng.
2- Bệnh tham lam: “bất kỳ việc gì cũng xuất phát từ lòng tham muốn danh lợi, địa vị cho cá nhân mình, chứ không nghĩ đến lợi ích của giai cấp, của nhân dân”(6), trong những trường hợp nhất định thường sinh ra tham ô, lãng phí, đây là một thứ “giặc ở trong lòng”, “giặc nội xâm”, là con đẻ của chủ nghĩa cá nhân.
3- Bệnh lười biếng: “không chịu khó học tập, nghiên cứu để nâng cao trình độ”(7) và còn là lười suy nghĩ, ngại làm việc, lười đổi mới, sáng tạo,...
4- Bệnh kiêu ngạo: những người mắc bệnh này thường nghĩ rằng cái gì họ cũng biết, cũng làm được, dẫn đến coi thường tổ chức “xa rời quần chúng, không muốn học hỏi quần chúng mà chỉ muốn làm thầy quần chúng”(8).
5- Bệnh hiếu danh: theo Người, “những người đó chỉ biết lên mà không biết xuống. Chỉ chịu được sướng mà không chịu được khổ. Chỉ ham làm chủ tịch này, ủy viên nọ, chớ không ham công tác thiết thực”(9).
6- Bệnh “hữu danh vô thực”: loại bệnh này có biểu hiện là “làm được ít suýt ra nhiều, để làm một bản báo cáo cho oai, nhưng xét kỹ lại thì rỗng tuếch”(10).
7- Bệnh cận thị: nghĩa là chỉ để ý đến cái nhỏ, vụn vặt, không thấy cái lớn, cái quan trọng, “không trông xa thấy rộng. Những vấn đề to tát thì không nghĩ đến mà chỉ chăm chú những việc tỉ mỉ”(11).
8- Bệnh tị nạnh: nghĩa là luôn so sánh hơn thiệt giữa mình với người khác, luôn đòi hỏi sự bình đẳng nhưng thực chất họ “không hiểu rằng: Người khỏe gánh nặng, người yếu gánh nhẹ. Người làm việc nặng phải ăn nhiều, người làm việc dễ thì ăn ít. Thế là bình đẳng”(12).
9- Bệnh xu nịnh: biểu hiện của căn bệnh này là “trước mặt thì ai cũng tốt, sau lưng thì ai cũng xấu(13); “theo gió bẻ buồm, không có khí khái”(14).
10- Bệnh a dua và kéo bè kéo cánh: biểu hiện của căn bệnh này là chỉ dùng những người bảo vệ lợi ích của mình (dù không có tài); ham dùng người nhà, anh em quen biết, bè bạn; những kẻ khéo nịnh hót mình mà chán ghét những người chính trực,...
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, các thứ bệnh trên đều do một thứ “vi trùng độc” là chủ nghĩa cá nhân sinh ra; tất cả cán bộ, đảng viên mắc các loại bệnh này là sa vào chủ nghĩa cá nhân và đều có tội với Đảng, với nhân dân.
Sự cần thiết phải đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân
Trước tiên, chống chủ nghĩa cá nhân nhằm mục tiêu xây dựng và rèn luyện đạo đức cách mạng; đồng thời, phát hiện và loại bỏ “căn bệnh” này khỏi đội ngũ cán bộ, đảng viên. Trước yêu cầu phát triển của cách mạng, nếu cán bộ, đảng viên không được giáo dục, tổ chức tốt, không tự rèn luyện tốt thì sẽ nảy sinh những tiêu cực, thoái hóa xuất phát từ chính chủ nghĩa cá nhân. Do vậy, “để làm cho tất cả cán bộ, đảng viên xứng đáng là những chiến sĩ cách mạng”(15), chúng ta phải kịp thời phát hiện và kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân. Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên quan điểm: “chủ nghĩa cá nhân trái ngược với đạo đức cách mạng, nếu nó còn lại trong mình, dù là ít thôi, thì nó sẽ chờ dịp để phát triển, để che lấp đạo đức cách mạng, để ngăn trở ta một lòng một dạ đấu tranh cho sự nghiệp cách mạng”(16). Vì vậy, để xây dựng và hoàn thiện giá trị đạo đức cách mạng thì nhất thiết phải đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, đồng thời nuôi dưỡng, bồi đắp tinh thần tập thể.
Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ yêu cầu “chống”, mà còn phải “trừ bỏ, quét sạch, tiêu diệt” chủ nghĩa cá nhân. “Xây” và “chống” có mối quan hệ hữu cơ với nhau ở chỗ xây dựng đạo đức cách mạng đi đôi với đấu tranh loại bỏ và chống ảnh hưởng xấu của chủ nghĩa cá nhân; xây dựng đạo đức mới, đạo đức xã hội chủ nghĩa gắn liền với việc đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân và các tàn dư tư tưởng. Người phân tích, ví như chúng ta mua sắm được bộ bàn ghế, giường tủ mới, thì trước khi kê vào phòng, cần phải quét dọn nhà cửa sạch sẽ đã. Do đó, phải “quét sạch” hết chủ nghĩa cá nhân ra khỏi tư tưởng của từng cán bộ, đảng viên thì mới có thể xây dựng được đạo đức cách mạng, con người mới.
Thứ hai, chống chủ nghĩa cá nhân góp phần xây dựng xã hội mới tốt đẹp, đúng bản chất của xã hội xã hội chủ nghĩa. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh, cần xây dựng xã hội mới, một xã hội “cần, kiệm, liêm, chính”. Xuất phát từ mục tiêu của cách mạng là xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận diện kẻ thù nguy hiểm nhất, trực tiếp nhất là chủ nghĩa cá nhân. Theo Người, “chủ nghĩa cá nhân là một trở ngại lớn cho việc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Cho nên thắng lợi của chủ nghĩa xã hội không thể tách rời thắng lợi của cuộc đấu tranh trừ bỏ chủ nghĩa cá nhân”(17). Nói cách khác, “muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội phải có người xã hội chủ nghĩa... Muốn thành người xã hội chủ nghĩa, phải có tư tưởng xã hội chủ nghĩa, phải chống chủ nghĩa cá nhân”(18), bởi chủ nghĩa xã hội hướng tới giải phóng con người khỏi áp bức, bất công và xây dựng nền dân chủ thật sự gắn với sự công bằng, văn minh vì lợi ích chân chính của cộng đồng.
Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân trong đội ngũ cán bộ, đảng viên ở Việt Nam hiện nay
Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) chỉ rõ: “nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có người đứng đầu chưa thể hiện tính tiên phong, gương mẫu; còn biểu hiện quan liêu, cửa quyền, chưa thực sự sâu sát thực tế, cơ sở... Nhiều tổ chức đảng, đảng viên còn hạn chế trong nhận thức, lơ là, mất cảnh giác, lúng túng trong nhận diện và đấu tranh, ngăn chặn “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; việc đấu tranh, phản bác những luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, tổ chức phản động, phần tử cơ hội, bất mãn chính trị còn bị động, thiếu sắc bén và hiệu quả chưa cao. Trong khi đó, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Những hạn chế, khuyết điểm nêu trên làm giảm sút vai trò lãnh đạo của Đảng; làm tổn thương tình cảm và suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, là một nguy cơ trực tiếp đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ”(19). Đây chính là những biểu hiện tập trung nhất của “căn bệnh” chủ nghĩa cá nhân trong đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng, một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng, của chế độ. Do đó, chủ nghĩa cá nhân chính là kẻ địch “nội xâm” của những người cộng sản, là “kẻ thù nguy hiểm mà mỗi người chúng ta phải luôn luôn tỉnh táo đề phòng và kiên quyết tiêu diệt”(20).
Quán triệt quan điểm về chống chủ nghĩa cá nhân trong cán bộ, đảng viên dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị đã ban hành nhiều văn bản quan trọng để cụ thể hóa chủ trương của Đảng về công tác xây dựng Đảng(21). Để thực hiện tốt quyết tâm chính trị đó, trên cơ sở quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về chống chủ nghĩa cá nhân, Đảng và Nhà nước ta trong thời gian tới cần tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp cơ bản trong thời gian tới:
Nhóm giải pháp về tổ chức đảng
Trước tiên, “Đảng ta phải ra sức tăng cường giáo dục toàn Đảng về lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, về đường lối, chính sách của Đảng, về nhiệm vụ và đạo đức của người đảng viên”(22). Đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân chỉ thực sự hiệu quả khi mỗi cán bộ, đảng viên hiểu rõ mục tiêu, lý tưởng, đường lối của Đảng; tiêu chuẩn, tư cách đạo đức của người cộng sản. Yêu cầu đặt ra là cấp ủy, tổ chức đảng các cấp phải chú trọng công tác giáo dục nâng cao trình độ, bản lĩnh chính trị, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên qua tổ chức học tập chính trị kết hợp với rèn luyện trong thực tiễn. Cấp ủy, tổ chức đảng các cấp cần tiếp tục quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị(23); việc quán triệt phải song song với tuyên truyền sâu, rộng để cán bộ, đảng viên hiểu rõ mục đích, yêu cầu, tính chất quan trọng của cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, từ đó tạo ra sự đồng thuận, quyết tâm, tự giác đấu tranh với chủ nghĩa cá nhân ở mỗi cán bộ, đảng viên.
Thứ hai, “phải thực hành phê bình và tự phê bình nghiêm chỉnh trong Đảng. Phải hoan nghênh và khuyến khích quần chúng thật thà phê bình cán bộ, đảng viên”(24) nhằm tạo sự thống nhất về ý chí và hành động, phát huy ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm. Tự phê bình và phê bình phải được thực hiện một cách thường xuyên, nghiêm túc và có lý, có tình. Đồng thời, Đảng ta cần phát huy vai trò của nhân dân trong hoạt động giám sát, lên án và phê bình cán bộ, đảng viên có biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân; có cơ chế khuyến khích việc phát hiện và tố giác hành vi, biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân bằng việc mở rộng cơ hội tiếp cận thông tin cho người dân; làm tốt công tác tiếp nhận, xử lý thông tin và bảo vệ người tố cáo.
Thứ ba, thực hiện “sinh hoạt của chi bộ phải nghiêm túc”(25) và “kỷ luật của Đảng phải nghiêm minh”(26). Bởi, chi bộ là tổ chức tế bào của Đảng, tạo thành nền tảng của Đảng, là nơi thể hiện đầy đủ các mặt hoạt động và sức chiến đấu của Đảng. Do đó, yêu cầu đặt ra trong sinh hoạt chi bộ là mỗi cán bộ, đảng viên phải chấp hành đúng nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt của Đảng. Mỗi đảng viên phải chịu sự quản lý của chi bộ, tham gia sinh hoạt chi bộ nghiêm túc dù ở bất kỳ cương vị công tác nào. Đồng thời, việc thi hành kỷ luật Đảng phải nghiêm minh, tránh bao che hoặc trù dập, trả thù lẫn nhau; kiên quyết sàng lọc, đưa ra khỏi Đảng đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, phần tử cơ hội, thực dụng, mang nặng chủ nghĩa cá nhân.
Thứ tư, để chống chủ nghĩa cá nhân thì “công tác kiểm tra của Đảng phải chặt chẽ”(27), nhằm thể hiện tính răn đe đối với cán bộ, đảng viên, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Vì vậy, công tác kiểm tra phải được tiến hành một cách có tổ chức, bài bản và khoa học. Không để tạo ra “vùng cấm”, không “ưu tiên” bất cứ cá nhân và tổ chức nào, không mắc “bệnh thành tích”, “bệnh hình thức” trong kiểm tra. Để công tác kiểm tra của Đảng phát huy hiệu quả, cần chú trọng kiểm tra, đánh giá năng lực, phẩm chất đạo đức người đứng đầu trong công tác lãnh đạo, quản lý; đồng thời, tiến hành kiểm tra, đánh giá thái độ tích cực của cán bộ, đảng viên với công việc, với nhân dân; kiểm tra, đánh giá kết quả tu dưỡng đạo đức, lối sống và kết quả hoàn thành nhiệm vụ được giao của cán bộ, đảng viên.
Nhóm giải pháp về sự tự ý thức rèn luyện của cán bộ, đảng viên
Trước tiên, mỗi cán bộ, đảng viên cần xác định một cách rõ ràng trong nhận thức, “phải đặt lợi ích của cách mạng, của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết”(28) và “phải kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng, bồi dưỡng tư tưởng tập thể, tinh thần đoàn kết, tính tổ chức và tính kỷ luật”(29). Mỗi cán bộ, đảng viên không một phút nào được quên lý tưởng cao cả của mình là phấn đấu cho Tổ quốc, cho nhân dân; nếu khi lợi ích chung của Đảng, của Tổ quốc mâu thuẫn với lợi ích riêng của cá nhân thì sẵn sàng hy sinh lợi ích của cá nhân; kiên quyết đấu tranh với chủ nghĩa cá nhân.
Thứ hai, cán bộ, đảng viên “phải đi sâu đi sát thực tế, gần gũi quần chúng, thật sự tôn trọng và phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân”(30). Bởi lẽ, Đảng ta là đội tiên phong của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và cả dân tộc. Đảng chỉ có sức mạnh nếu giữ vững được mối liên hệ chặt chẽ với quần chúng. Muốn làm cho quần chúng phấn khởi, tin tưởng, người đảng viên phải nâng cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng và trước quần chúng, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân; không lên mặt “quan cách mạng” ra lệnh, ra oai.
Thứ ba, cán bộ, đảng viên “phải cố gắng học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ hiểu biết để làm tốt mọi nhiệm vụ”(31). Mỗi cán bộ, đảng viên cùng với đạo đức cách mạng còn phải có năng lực và trình độ, vì có năng lực mới hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; phải ra sức học tập nâng cao hiểu biết về đường lối, chủ trương của Đảng và trình độ chuyên môn; có thái độ và phương pháp học tập đúng đắn, lý luận phải liên hệ với thực tiễn, học phải đi đôi với hành.
Nhóm giải pháp bảo đảm về điều kiện, môi trường làm việc
Trước tiên, huy động mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm an sinh xã hội. Bởi, kinh tế - xã hội phát triển, chất lượng cuộc sống được bảo đảm, nguồn vốn tích lũy không ngừng tăng cao là điều kiện thuận lợi để hạn chế sự phát triển của chủ nghĩa cá nhân hiệu quả. Để huy động tối đa mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế; phát triển kinh tế nhanh và bền vững, góp phần nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân...
Thứ hai, xây dựng và triển khai thực hiện quy tắc ứng xử, chuẩn mực đạo đức công vụ của cán bộ, đả#ng viên. Các chuẩn mực và quy tắc ứng xử công vụ cần được xây dựng theo hướng hài hòa giữa lợi ích riêng và lợi ích chung, tăng cường tính công tâm và thanh liêm trong giải quyết công vụ; đồng thời, xây dựng quy định về xử lý kỷ luật. Các quy tắc đạo đức phải hướng vào điều chỉnh việc nhận quà biếu, cấm hối lộ và các hình thức lạm dụng công quyền để thu vén lợi ích cá nhân.
Thứ ba, xây dựng môi trường làm việc thân thiện, đoàn kết, tạo điều kiện để đội ngũ cán bộ, đảng viên yên tâm công tác, rèn luyện và phấn đấu. Xây dựng và phát huy lối sống “mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người”, có ý thức trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội; sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, phù hợp thuần phong mỹ tục Việt Nam. Kịp thời ngăn chặn thông tin sai trái tác động đến nhận thức, tư tưởng, tình cảm của cán bộ, đảng viên, nhất là trên không gian mạng. Tăng cường quản lý và định hướng thông tin, kịp thời ngăn chặn thông tin xấu, độc, thông tin cổ xúy lối sống thực dụng, chủ nghĩa cá nhân trên không gian mạng.
Thứ tư, phải “có cơ chế sàng lọc, thay thế kịp thời những người không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm pháp luật, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, bị xử lý kỷ luật, không còn uy tín với nhân dân”(32).
1- Xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực đủ sức ngăn chặn các hành vi lạm quyền, chuyên quyền, sử dụng quyền lực vì lợi ích cá nhân. Xây dựng chế độ giám sát quyền lực thông qua các hình thức: chế độ giám sát của Hội đồng nhân dân, chế độ giám sát trong nội bộ Đảng, chế độ giám sát trong bộ máy nhà nước; có cơ chế khuyến khích người phát hiện và tố giác hành vi, biểu hiện chủ nghĩa cá nhân bằng việc mở rộng cơ hội tiếp cận thông tin cho người dân.
2- Đặc biệt quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, phục vụ nhân dân và sự phát triển của đất nước. Tăng cường và nâng cao hiệu quả việc lựa chọn, đào tạo, thu hút, trọng dụng nhân tài... Nâng cao chất lượng công tác đánh giá đúng, chính xác chất lượng cán bộ để biết đâu là cán bộ tốt, đâu là cán bộ yếu kém, vi phạm để sàng lọc; nếu vi phạm nghiêm trọng thì loại bỏ. Đồng thời, thực hiện nghiêm Quy định số 41-QĐ/TW, ngày 3-11-2021, của Ban Chấp hành Trung ương, “Về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ”.
3- Xây dựng chế tài đủ mạnh đối với hành vi cố ý “không làm” của các cơ quan công quyền, của đội ngũ cán bộ, đảng viên có quyền quyết định chính sách khi họ có đủ thông tin về một chính sách có lợi cho đất nước, cho nhân dân, nhưng cố tình trì hoãn hoặc không quyết định vì mục đích vụ lợi cá nhân, lợi ích nhóm./.
--------------------------
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 5, tr. 295
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 8, tr. 156
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 13, tr. 66
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 8, tr. 156
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 13, tr. 66
(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 11, tr. 611
(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 14, tr. 29
(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 11, tr. 609
(9) (10), (11), (12), (13, (14) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 295, 297, 297, 300, 301, 301
(15) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 547
(16), (17) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 11, tr. 602, 609
(18) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 123
(19) Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr. 12
(20) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 14, tr. 469
(21) Như: Nghị quyết số 04-NQ/TW, ngày 30-10-2016, của Ban Chấp hành Trung ương, “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”; Quy định số 102-QĐ/TW, ngày 15-11-2017, của Ban Chấp hành Trung ương, “Quy định xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm”; Quy định số 08-QĐi/TW, ngày 25-10-2018, của Ban Chấp hành Trung ương, “Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”,...
(22) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 547
(23) Như: Quy định số 55-QĐ/TW, ngày 19-12-2016, của Ban Chấp hành Trung ương, “Về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên”; Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 7-6-2012, của Ban Bí thư, “Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”; Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18-5-2021, của Bộ Chính trị, “Về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị “về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh””,...
(24) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 547
(25), (26), (27), (28), (29), (30), (31) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 547
(32) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 178 - 179
Theo TCCS Tweet