Trưng cầu ý dân và những vấn đề đặt ra (Bài cuối)
09:48 20/11/2024 402
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Luật Trưng cầu ý dân ra đời là một bước tiến trong quá trình thực hiện dân chủ trực tiếp ở Việt Nam, nhưng trên thực tế nhà nước Việt Nam chưa áp dụng và tổ chức trưng cầu ý dân vì nhiều lý do khác nhau.
Vì sao Việt Nam chưa thực hiện trưng cầu ý dân?
Phát huy quyền làm chủ của nhân dân thông qua hoạt động tiếp xúc cử tri. Trong ảnh: Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tiếp xúc cử tri tại thành phố Ngã Bảy, Hậu Giang. Ảnh Minh họa. Nguồn: quochoi.vn
Trên thế giới, trong vòng 20 năm qua đã chứng kiến nhiều cuộc trưng cầu ý dân ở nhiều quốc gia. Nếu như trong nửa cuối thế kỷ 20, một năm có trung bình 10 cuộc trưng cầu ý dân được tổ chức trên toàn thế giới, thì đầu thế kỷ 21, nhất là những năm gần đây, con số này đã tăng gấp 5 lần. Kết quả là, ngoài số ít cuộc trưng cầu ý dân thiết thực góp phần nâng cao quyền làm chủ trực tiếp của nhân dân, còn lại phần đa là các cuộc trưng cầu ý dân có nguy cơ dẫn đến những kết cục không mấy sáng sủa. Thực tế cho thấy, trưng cầu ý dân phải hội tụ các điều kiện thuận lợi nếu không nó trở thành “con dao hai lưỡi”.
Trưng cầu ý dân là một đặc điểm cơ bản của đời sống chính trị ở các nước phát triển như: Ai-len, Ô-xtrây-li-a, Ca-na-đa, Hy Lạp, Thụy Sỹ, Hà Lan, Pháp, Hàn Quốc, Hung-ga-ry. Ở các quốc gia này, trưng cầu ý dân được diễn ra ở tất cả các cấp chính quyền và đã mang lại những tiến bộ trong đời sống chính trị và nền dân chủ quốc gia.
Điểm nổi bật trong trưng cầu ý dân là đôi khi góp phần quan trọng để giải quyết các vấn đề chính trị phức tạp, đặc biệt là khi các đảng phái chính trị có nguy cơ bị chia rẽ trước một vấn đề nào đó, tạo ra sự hòa hợp. Ví dụ việc sử dụng trưng cầu ý dân ở nhiều nước châu Âu để xác định có gia nhập EU hay không? (năm 2004 có 9/10 nước tổ chức trưng cầu ý dân cho việc gia nhập EU). Đây là ví dụ điển hình về xu thế hướng tới sử dụng dân chủ trực tiếp để giải quyết các vấn đề chính trị quan trọng. Từ xu thế này đã khiến số lượng các quốc gia sử dụng trưng cầu ý dân tăng lên theo thời gian.
Trong một số trường hợp, trưng cầu ý dân góp phần thúc đẩy thiết lập nền dân chủ mới. Ví dụ trường hợp tiến hành bỏ phiếu trực tiếp cho một Hiến pháp mới hoặc đánh giá, đo lường sự tín nhiệm của nhân dân với đảng phái, chính trị gia. Ví dụ như nước Nga cho phép nhà cầm quyền, các đảng phải chính trị khởi xướng trưng cầu ý dân để kiểm nghiệm sự ủng hộ với Tổng thống hay Chính phủ. Tháng 4-1993, nước Nga đã thực hiện điều này và đã thu được kết quả khả quan. Đặc biệt, ở một số nước, công dân cũng được trao quyền yêu cầu tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân đối với những dự luật chờ được thông qua. Ví như ở I-ta-li-a, công dân nước này đã tiến hành một cuộc trưng cầu ý dân lần đầu tiên để từ chối thông qua luật ly hôn diễn ra vào năm 1974.
Trưng cầu ý dân có thể tạo sự minh bạch lớn hơn trong việc đưa ra quyết định chính trị. Nhiều ý kiến ủng hộ dân chủ trực tiếp cho rằng việc sử dụng nhiều các cuộc trưng cầu ý dân có thể tạo ra sự minh bạch trong việc gia tăng quyết định mà nền dân chủ đại diện không làm được. Điển hình nhất là ở Thụy Sỹ, vào thế kỷ 13 đã tổ chức trưng cầu ý dân và cho đến nay người dân vẫn ủng hộ mạnh mẽ hình thức này. Họ đã tổ chức khoảng 190 cuộc trưng cầu ý dân trong vòng chỉ hơn 20 năm qua mà không phát sinh những vấn đề khủng hoảng.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, rất ít quốc gia tổ chức trưng cầu ý dân đạt được mục đích mà không gây ra những tranh cãi và thậm chí còn làm sâu sắc thêm sự chia rẽ, khiến đất nước rơi vào tình trạng mất ổn định ở các mức độ khác nhau. Bởi trưng cầu ý dân có thể bị lợi dụng vì mục đích chính trị của cá nhân hoặc một nhóm lợi ích. Vì vậy, Hiến pháp và pháp luật của các nước thường quy định rất chặt chẽ về thủ tục này để bảo đảm hạn chế những tiêu cực trên có thể xảy ra.
Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, nhìn vào lịch sử thấy các cuộc trưng cầu ý dân thường do những nhóm người khác nhau tiến hành. Nó là một cách bào chữa, biện hộ cho việc lật đổ hoặc xóa bỏ trật tự thể chế vào thời điểm đó. Ví dụ, Hoàng đế Na-pô-nê-ông Bô-na-pác của Pháp rất ưa thích tổ chức trưng cầu ý dân. Người anh của ông đã tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân vào năm 1800 để sửa đổi Hiến pháp cộng hòa. Bản thân Na-pô-nê-ông cũng đã tự mình xưng là hoàng đế trong một cuộc trưng cầu khác vào năm 1804. Trùm phát xít Đức A-đốp Hít-le cũng rất thích trưng cầu ý dân. Kẻ độc tài này đã tổ chức không ít hơn 4 cuộc trưng cầu trong quãng thời gian 5 năm cầm quyền của mình - tất cả chỉ nhằm bao biện cho vai trò của một kẻ đầu sỏ chiến tranh và giết người tàn bạo. Và không cần phải nói, trong tất cả các cuộc trưng cầu ý dân nói trên, những người bỏ phiếu “đồng ý” hay “tán thành” đều vượt qua con số 90%.
Tháng 12-2016, sau thất bại trong cuộc trưng cầu ý dân, Thủ tướng Ý Mat-tê-ô Ren-di lúc đó đã tuyên bố từ chức. Trước đó, trong kế hoạch cải cách mới, Mat-tê-ô Ren-di đề xuất giảm quyền lực của Thượng viện và tăng quyền của Thủ tướng, với hy vọng giúp giảm bớt những quan liêu trong hệ thống chính trị. Tuy nhiên, kế hoạch này đã không nhận được sử ủng hộ từ dân chúng. Sau khi Mat-tê-ô Ren-di tuyên bố từ chức, tỷ giá EUR/USD đã giảm 0,94% xuống còn 1,0564 EUR/USD, khiến các nhà đầu tư đang lo ngại về sức mạnh của hệ thống Ngân hàng Ý cũng như các liên minh ngân hàng ở khu vực này. Bởi sau thất bại, I-ta-li-a sẽ phải tiến hành bầu cử sớm trong bối cảnh nhiều người dân muốn tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân về việc I-ta-li-a có nên tiếp tục ở lại trong Eurozone hay không?
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn, Tiến sĩ Marco Goldoni, giảng viên cao cấp tại Đại học Glasgow (Anh) đã chỉ ra xu thế các cuộc trưng cầu ý dân xảy ra ngày càng nhiều là do "các giới hạn và sự khủng hoảng của nền dân chủ đương đại" mà trong đó các cử tri cảm thấy các nhà lãnh đạo đứng ngoài lề cuộc sống và cảm xúc của họ. Còn nhà tâm lý học Amanda Hills, giảng viên Đại học Hoàng gia Luân Đôn cho rằng xu hướng tổ chức các cuộc trưng cầu là cơ hội để các cá nhân tham gia vào chính trị và định hình tương lai của mình.
Thực tế, nhiều nước trên thế giới chưa từng tổ chức trưng cầu ý dân hoặc chưa từng xây dựng quy định về trưng cầu ý dân trong Hiến pháp hoặc các văn bản pháp luật quốc gia như: Nhật Bản, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, In-đô-nê-xi-a, Ấn Độ, Trung Quốc, Ma-lai-xi-a... Các quốc gia này cho rằng trưng cầu ý dân là không cần thiết, tốn kém và dễ dẫn đến việc lợi dụng để đạt mưu đồ.
Họ phân tích rằng, tổ chức quá nhiều cuộc trưng cầu ý dân có thể làm giảm hiệu quả hoạt động của chính thể nhà nước và sự ổn định chính trị của đất nước. Hơn nữa, việc tiến hành tổ chức trưng cầu ý dân là khá tốn kém, vì đòi hỏi tiền bạc, thời gian và sự quan tâm chính trị. Do đó, việc sử dụng các nguồn lực như vậy cần phải được xem xét cẩn thận, đặc biệt là đối với các quốc gia đang phát triển, khi mà điều kiện kinh tế còn chưa cho phép.
Họ lo ngại trưng cầu ý dân là một công cụ chính trị được sử dụng để phục vụ cho các nhu cầu của chính đảng đang cầm quyền chứ không phải vì các lợi ích dân chủ. Bởi kết quả trưng cầu ý dân nếu để chính phủ tham vấn rồi sau đó “phớt lờ” thì sẽ vi phạm các nguyên tắc dân chủ. Từ những lý do đó, một số nước trên thế giới cấm không cho tổ chức, cá nhân khơi mào, khởi xướng việc yêu cầu tổ chức trưng cầu ý dân.
Trở lại vấn đề tại sao Việt Nam chưa tổ chức trưng cầu ý dân. Như ta thấy, Việt Nam là đất nước có chế độ chính trị ổn định nhất trong khu vực và trên thế giới. Điều này đã giúp đất nước ta có cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay. Từ một nước bị bao vây cấm vận và phải sống bằng trợ cấp, sau gần 40 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả cá lĩnh vực, đặc biệt là các chỉ tiêu phát triển thiên niên kỷ mà Liên hiệp quốc đặt ra.
Một trong những thành tựu nổi bật của Việt Nam là thực hiện dân chủ nhân dân. Đây là yêu cầu nhất quán và là mục tiêu xuyên xuốt trong quá trình lãnh đạo cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Theo đó, Đảng vừa là bộ phận cấu thành của hệ thống chính trị vừa là hạt nhân lãnh đạo hệ thống chính trị và Đảng cũng phải hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân do Đảng lãnh đạo có chức năng thể chế hóa quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng thành các văn bản quy phạm pháp luật đầy đủ và thống nhất. Nhân dân làm chủ thông qua các cơ quan đại diện và làm chủ trực tiếp qua cơ chế “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát, dân thụ hưởng”.
Trải qua gần 95 năm lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn dựa vào dân, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, coi đó là mục tiêu và động lực của cách mạng.
Trên cơ sở chủ trương này, Quốc hội, Nhà nước Việt Nam đã xây dựng được các thể chế và thiết chế bảo đảm quyền con người, nhất là bảo đảm ngày càng tốt hơn các quyền chính trị, dân sự, các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa; quyền của nhóm thiểu số hoặc yếu thế, như người cao tuổi, phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, người có tín ngưỡng, tôn giáo. Nhận thức về quyền con người trong xã hội được nâng cao. Việc hợp tác quốc tế trên lĩnh vực quyền con người được đẩy mạnh.
Bên cạnh đó, các quy định pháp luật cho phép thực hiện ngày càng tốt hơn dân chủ ở cơ sở; chất lượng hoạt động dân chủ trực tiếp; dân chủ đại diện đã góp phần thực hiện ngày càng tốt hơn phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững an ninh, trật tự ở cơ sở; không ngừng nâng cao năng lực quản lý, điều hành của các cơ quan nhà nước và trách nhiệm đội ngũ cán bộ, công chức. Việc tổ chức hoạt động phản biện xã hội có hệ thống, chặt chẽ đã mang lại kết quả tích cực, phát huy và mở rộng dân chủ, đạt đồng thuận xã hội. Tạo dựng thói quen thảo luận và bảo đảm quyền tự do ngôn luận để khích lệ cá nhân, các tổ chức tham gia thảo luận về các vấn đề quan trọng của quốc gia.
Từ những cơ sở đó, dù đã có Luật Trưng cầu ý dân tiến bộ, nhưng Việt Nam thấy chưa cần thiết phải tổ chức trưng cầu ý dân. Vậy nên, việc các thế lực thù địch trong và ngoài nước kích động tổ chức trưng cầu ý dân về việc “liên minh quân sự”, tăng cường khả năng quốc phòng, bảo vệ độc lập, chủ quyền đất nước là không cần thiết. Bởi ngoài lý do tốn kém, mất thời gian, gây rối bận và thêm việc cho nhân dân, các cơ quan thì còn có lý do khác rất quan trọng.
Thực tế cho thấy, ở thời điểm hiện nay, các nước lớn không từ bỏ tham vọng liên minh, kiềm chế sự phát triển, hạn chế cạnh tranh. Với đặc điểm địa lý và địa chính trị của Việt Nam, thì việc tìm kiếm chủ trương tìm kiếm “liên minh quân sự” không phải là giải pháp tối ưu. Không tham gia “liên minh quân sự” thì Việt Nam vẫn hợp tác, phát triển quan hệ hợp tác về quốc phòng và an ninh với tất cả các nước để bảo vệ Tổ quốc bằng chính sách “4 không”. Thay cho “liên minh quân sự”, Việt Nam đã linh hoạt, khéo léo “Phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại…”; “Phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc”; “Mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quốc phòng - an ninh”… trên cơ sở “đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế…”. Thực tế hiện nay, Việt Nam đang mở rộng quan hệ hợp tác về quốc phòng, an ninh với nhiều quốc gia, trong đó có Nga, Mỹ, Ấn Độ, Ô-xtrây-li-a… với nhiều nội dung trên cơ sở nguyên tắc: Thành thực, hiệu quả. Chính sách này giúp Việt Nam tập trung được tối đa các nguồn lực để bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ chủ quyền đất nước trước những chuyển biến mới của tình hình khu vực và quốc tế. Thế nên, việc kêu gọi trưng cầu ý dân để Việt Nam tham gia “liên minh quân sự” của các thế lực thù địch thực chất là chống phá quan điểm, đường lối của Đảng, chống phá sự lãnh đạo của Đảng, thể hiện mưu đồ của bè lũ dân chủ là phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, xóa bỏ chế độ XHCN ở nước ta.
Việc xây dựng và ban hành Luật Trưng cầu ý dân của Việt Nam là một bước tiến quan trọng thể hiện quyền làm chủ trực tiếp của cử tri và nhân dân. Đó là một bước tiến trong tiến trình thực hiện dân chủ XHCN. Nó đã tạo thêm những cơ sở pháp lý mới để thực hiện hóa chế định dân chủ trực tiếp, là một trong những công cụ để tiếp tục mở rộng dân chủ, tăng cường củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, tạo nên sự đồng thuận xã hội cần thiết cho quá trình phát triển của đất nước.
Tuy nhiên, việc có tổ chức Trưng cầu ý dân hay không còn phụ thuộc vào điều kiện thực tiễn và phải đánh giá thấu đáo vấn đề lợi ích của Đảng và Nhân dân trước khi tiến hành. Đặc biệt, sự thận trọng đó sẽ góp phần ngăn ngừa những tư tưởng, hành vi lợi dụng trưng cầu ý dân để đạt mưu đồ cá nhân hoặc mục đích chính trị là xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
----------------------------------
Tài liệu tham khảo:
- Các hình thức dân chủ trực tiếp ở một số nước trên thế giới và gợi mở cho Việt Nam của TS Hoàng Thị Thu Thủy -Tạp chí Lập Pháp (tháng 9-2020)
Thúy Hạnh
Theo XDĐ Tweet