Thực hiện đồng bộ các biện pháp ngăn chặn thông tin xấu, độc trên mạng xã hội
20:14 21/11/2024 62
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Với ưu thế chuyển tải thông tin nhanh chóng, kịp thời, internet và mạng xã hội đã và đang mang lại nhiều giá trị tích cực cho xã hội. Tuy nhiên, nhiều tổ chức, cá nhân đã lợi dụng ưu thế này để lan truyền thông tin sai lệch, cài cắm thông tin không chính xác trong các vấn đề có thật nhằm đánh lừa người đọc, tạo cảm giác như đó là thông tin chính thống.
Điều này gây ảnh hưởng tiêu cực, tạo tâm lý hoang mang trong cộng đồng, đặc biệt trước các vấn đề có tính thời sự của đất nước, tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn về an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội. Trong lĩnh vực thương mại cũng xuất hiện nhiều hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản làm thiệt hại lớn cho người dân, gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống nhân dân.
Công an xã Hải Xuân hướng dẫn người dân sử dụng căn cước an toàn khi tham gia các giao dịch trực tuyến.
Theo các cơ quan chức năng, hình thức lừa đảo đối với cá nhân được áp dụng phổ biến là thông qua mạng xã hội facebook, zalo… đối tượng lừa đảo thường giả mạo danh tính người nước ngoài kết bạn, làm quen, gửi tặng tiền, quà có giá trị lớn cho bị hại, sau đó giả danh nhân viên sân bay, hải quan… yêu cầu bị hại nộp tiền để nhận được quà. Đó còn là hình thức gọi điện, nhắn tin thông báo các chương trình khuyến mãi, khách hàng trúng các phần thưởng có giá trị lớn rồi yêu cầu bị hại chuyển qua tài khoản ngân hàng để làm thủ tục nhận thưởng, sau đó chặn liên lạc và chiếm đoạt... Hoặc giả danh cán bộ các cơ quan Nhà nước thông báo nạn nhân có liên quan đến vụ án hình sự, ma túy, tai nạn giao thông... khiến người bị hại hoang mang, lo sợ, sau đó yêu cầu người bị hại chuyển tiền vào các tài khoản chỉ định rồi chiếm đoạt.
Mới đây, trong bối cảnh cả nước đang gồng mình chống chọi với bão lũ, trên các trang mạng xã hội xuất hiện những thông tin giả về lũ lụt, vỡ đê ở một số nơi khiến người dân hoang mang lo lắng. Một số cá nhân lan truyền các tin giả đến người dân vùng bão lũ, mất điện, không có mạng internet có thể soạn tin nhắn gửi đến đầu số 191 để được dùng internet miễn phí của các nhà mạng Viettel, Vinaphone và lưu ý cú pháp này chỉ áp dụng cho những khu vực bị bão lũ, mất điện, mất kết nối internet. Một số đối tượng còn giả mạo fanpage của các đơn vị, tổ chức như: Ủy ban MTTQ, Hội Chữ thập đỏ các địa phương… kêu gọi những người hảo tâm quyên góp, chuyển tiền vào tài khoản cá nhân không chính thống để chiếm đoạt. Bên cạnh thông tin xấu, độc do các đối tượng chủ đích lợi dụng để lừa đảo, chiếm đoạt thì trên không gian mạng còn một bộ phận người dùng đăng tải, chia sẻ thông tin với mục đích câu view, câu like mà không kiểm soát nội dung và cũng không lường đến hậu quả sau đó… Những thông tin này tác động tới tâm lý, tư tưởng và kinh tế của người đọc.
Để ứng phó với tình trạng này, nhằm bảo vệ, hỗ trợ người dân khi sử dụng các dịch vụ số, Sở Thông tin và Truyền thông (TT và TT), lực lượng Công an tỉnh thường xuyên rà soát trên không gian mạng, qua đó đã kịp thời phát hiện những vụ việc đăng tải, phát tán thông tin xấu, độc, sai sự thật trên mạng xã hội, tiến hành xác minh làm rõ, lập hồ sơ xử lý các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật. Yêu cầu các nhà mạng chuẩn hóa 1.433 thuê bao để hạn chế việc sử dụng sim rác với mục đích xấu. Sở TT và TT cũng chủ động phối hợp với Báo Nam Định và Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh tổ chức các chuyên trang, chuyên mục để cảnh báo các thủ đoạn lừa đảo trực tuyến; phát huy vai trò của hệ thống thông tin cơ sở, đặc biệt là hệ thống loa truyền thanh xã, phường, thị trấn để thông tin thường xuyên tới người dân. Sở còn triển khai các lớp đào tạo, tập huấn kỹ năng số kết hợp phổ biến kiến thức về an toàn thông tin mạng và phòng, chống lừa đảo trực tuyến cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh. Khuyến khích các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh lập các trang thông tin trên mạng xã hội để cung cấp những thông tin chính thống kịp thời đến nhân dân, làm cơ sở để người dân tìm hiểu hoặc tra cứu thông tin khi có nghi ngờ bị lợi dụng.
Bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ và sự phối hợp chặt chẽ, từ đầu năm đến nay, Sở TT và TT đã phối hợp với lực lượng Công an xử lý hàng chục vụ việc liên quan đến việc đưa thông tin không đúng quy định, ảnh hưởng đến kinh tế, tâm lý, tư tưởng của người dân. Các cơ quan, đơn vị đều thành lập hàng trăm trang fanpage, website, zalo, tiktok để qua đó chia sẻ những bài viết về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, thông tin vụ việc nóng, phản bác những thông tin lệch lạc, sai trái. Đây cũng là địa chỉ tin cậy để người dân phản ánh thông tin, tình hình về tội phạm. Do đó, nhiều vụ việc liên quan đến an ninh thông tin tại các địa phương đã được xử lý, khắc phục kịp thời. Đặc biệt đối với các chương trình phát động ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bão lũ, thiên tai hoặc đột xuất, các địa phương trực tiếp tiếp nhận đều đăng tải thông tin tài khoản, thời gian tiếp nhận để đồng bào trong và ngoài nước nhận diện rõ thông tin, tránh việc chuyển sai địa chỉ.
Trên phạm vi toàn quốc, Bộ TT và TT cũng liên tục rà soát, ngăn chặn thông tin xấu độc trên mạng; tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Duy trì việc chặn gỡ nội dung xấu độc trên các nền tảng xuyên biên giới; xử lý và buộc các nền tảng xuyên biên giới phải khắc phục các sai phạm, tuân thủ nghiêm pháp luật Việt Nam. Đầu tư nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, chú trọng công tác tập huấn chuyên đề và kiểm tra, giám sát tại một số địa phương, bộ, ngành… Tăng cường rà soát, xử lý đối với việc đưa tin sai sự thật, bôi nhọ, xúc phạm đời tư của các cá nhân, tổ chức, công dân, kích động, chia rẽ, chống phá Đảng, Nhà nước và phát tán thông tin xấu, độc trên internet.
Nhờ các biện pháp đồng bộ và sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan từ Trung ương đến địa phương, công tác ngăn chặn thông tin xấu độc trên mạng xã hội đã đạt được nhiều kết quả tích cực, giúp người dân yên tâm hơn trước các diễn biến phức tạp của không gian mạng.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương
Theo NDO Tweet