Có hay không “chợ đen mua quan, bán chức”? Giải pháp nào nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đấu tranh với nạn “chạy chức, chạy quyền” và tham nhũng, tiêu cực? Những vấn đề này sẽ được chúng tôi đề cập qua loạt bài viết “Cảnh báo tình trạng xem chức vụ như hàng hóa”.
Bài 1: “Cán bộ kim tiền”-mối nguy hại đe dọa sự tồn vong của chế độ
Thật khó để tượng tượng điều gì sẽ xảy ra nếu như mọi vị trí, chức vụ trong tổ chức Đảng, hệ thống chính quyền trở thành hàng hóa, được định giá và có thể trao đổi, mua bán như mọi loại hàng hóa khác. Chắc chắn một điều là lớp cán bộ sinh ra từ tệ “mua quan, bán chức” sẽ coi đó là thương vụ bỏ vốn đầu tư kinh doanh nên tìm mọi cách “tận thu” từ mọi nguồn thu để mau chóng “hoàn vốn” và “sinh lợi nhuận”. Cũng từ cơ chế này, họ tiếp tục tuyển dụng và bổ nhiệm thêm những cán bộ cùng loại theo kiểu “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”, để lại di hại toàn diện và lâu dài cho đất nước và sự nghiệp cách mạng.
Có hay không “chợ đen mua quan, bán chức”?
Cho đến nay, các cơ quan chức năng vẫn chưa phát hiện và phanh phui được vụ việc “mua quan, bán chức”, chạy việc làm, chạy biên chế nào diễn ra trót lọt để khẳng định và làm rõ một số vấn đề dư luận quan tâm: Có hay không tình trạng này? Nếu có thì mỗi chức vụ, vị trí công việc, suất biên chế trong cơ quan của Đảng, Nhà nước có giá bao nhiêu? Hình thức, thủ đoạn mua, bán diễn ra như thế nào? Ai là người bán và những ai tham gia “kinh doanh, phân phối, tiếp thị”? Họ làm gì với “chiếc ghế” mình mua được? Hậu quả ra sao?... Tuy chưa có cơ sở để trả lời chính xác những câu hỏi này, nhưng qua nhiều vụ việc lừa đảo chạy việc bị phát giác có sự tham gia của nhiều cán bộ trong hệ thống tổ chức Đảng, chính quyền với số tiền lên tới hàng trăm triệu, hàng tỷ đồng khiến người dân tin rằng, chức vụ có thể mua, bán, trao đổi bằng vật chất hoặc lợi ích.
“Chạy chức, chạy quyền”, “mua quan, bán chức” chính là hành vi cụ thể hóa việc biến “chức vụ” trở thành “hàng hóa”. Bởi khi và chỉ khi trở thành hàng hóa, được định giá thì người ta mới biết “giá” để “chạy” và người bán-người chạy là ai. Đáng lo hơn, nếu như trước đây tình trạng này chỉ diễn ra trong phạm vi hẹp, ở một số nơi, một số đối tượng thì nay, nó đã diễn ra khá phổ biến, xuyên thấu vào tầng sâu, tràn qua nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều đối tượng, kết nối thành bè cánh, phe nhóm, miếng mảng... hết sức tinh vi, bài bản. Người ta không chỉ “mua-bán” bằng vật chất mà bằng các hình thức phi vật chất, thậm chí bằng cách trao đổi, hợp thương: Anh giúp tôi “chạy chức” này, tôi giúp anh “chạy” vị trí kia, hoặc “chạy” dự án nọ... Vì thế, nó không còn là câu chuyện cá nhân mà đã biến tướng, biến thể, hình thành các nhóm lợi ích, các đường dây, ê kíp mua quan, bán tước, sau đó trở thành đường dây tham nhũng.
Quang cảnh phiên tòa xét xử các bị cáo liên quan đến vụ “chuyến bay giải cứu”. Ảnh: TTXVN |
Trên diễn đàn Quốc hội, ngày 5-11-2019, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình) cảnh báo một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên có chức vụ suy thoái, biến chất, năng lực hạn chế, xuất phát từ tham nhũng trong công tác cán bộ và thẳng thắn phát biểu: “Tham nhũng trong công tác tổ chức cán bộ lâu nay được coi là điểm nóng của tệ tham nhũng, song nhiều người vẫn coi là vùng cấm bởi vì chưa có các quy định của pháp luật điều chỉnh một cách đồng bộ và đầy đủ. “Chợ đen mua quan, bán chức” không dễ trả lời được ai mua và ai bán, chỉ biết dư luận râm ran “chợ đen” này thường nhộn nhịp trong các dịp bầu cử, đại hội”.
Đại biểu Lê Như Tiến, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội khóa XIII, bày tỏ lo ngại: “Cứ nghe người dân và dư luận xã hội sẽ biết, lên một chức vụ nào đó có càng nhiều quyền lợi thì số tiền đầu tư ban đầu càng lớn. Vì thế, người ta không từ một thủ đoạn nào, trả giá bao nhiêu họ cũng “chạy” cho bằng được, bởi xong rồi họ sẽ có cơ hội thu hồi lại vốn đã bỏ ra. Câu chuyện có những cán bộ công chức xách va li tiền đến những vị có thẩm quyền để chạy chức, chạy quyền, chạy án là hoàn toàn có thực. Nếu không ngăn chặn ngay nó sẽ trở thành căn bệnh, hội chứng rất khó chữa”.
Mua quan ắt sẽ bán đủ thứ
Cốt lõi phẩm chất của người cộng sản là quên mình vì nước, vì dân. Chính vì vậy, đối với họ của cải, tiền vàng không mua chuộc được họ. Sự nghèo khó không làm họ nao núng tinh thần. Không một thế lực nào khiến họ cúi đầu khuất phục. Thứ duy nhất mà người cộng sản theo đuổi là lý tưởng “độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”. Thế nhưng, nếu không đi lên theo con đường tu dưỡng, phấn đấu mà lại sử dụng đồng tiền “luồn cửa trước, đi cửa sau” phục vụ mục đích tiến thân thì những phẩm hạnh, đức hy sinh, tinh thần phụng sự vô tư, trong sáng của người cán bộ, đảng viên có còn nữa không? Chắc chắn những cán bộ, đảng viên này sẽ không coi chức quyền như là phương tiện để khẳng định bản thân, thực hiện khát vọng, hoài bão cống hiến cho đất nước mà coi đó là một thương vụ đầu tư để thỏa mãn mưu cầu danh lợi và lạc thú; để dễ bề “vinh thân phì gia”. Thứ duy nhất họ tôn thờ, quan tâm và nghĩ đến là đồng tiền và lợi ích cá nhân. Vì thế, ngay khi bước chân vào tổ chức họ phải nghĩ mọi cách để ít nhất là “thu hồi vốn”, sau đó “sinh lời”.
Chức vụ nhỏ thì tìm cách nhũng nhiễu, bòn rút những cái nhỏ. Đến khi đủ cả vốn lẫn lời thì mua chức cao hơn, vơ vét nhiều hơn theo kiểu tận thu như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tâm sự trong buổi nói chuyện với các đại biểu đảng viên trẻ toàn quốc ngày 27-8-2019: “Nhân dịp này, tôi muốn tâm sự với các đồng chí, thật sự từ đáy lòng mình. Cứ nghĩ trong cuộc sống mà xem, có những người có thiếu thốn gì đâu mà sao tham thế? Chưa làm cái gì đã nghĩ đến “chấm mút” rồi, nói nhỏ là “chấm mút”, nói to là vi phạm pháp luật, bất chấp cả pháp luật, không còn xứng danh là đảng viên, dân khinh, coi thường”.
Không khó để hình dung, khi chức vụ trở thành hàng hóa thì mọi thứ khác cũng biến thành hàng hóa. Bởi khi đã tôn thờ đồng tiền, bất chấp đạo lý, những kẻ mua quan sẽ biến quyền lực Nhà nước thành quyền lực cá nhân, trở thành công cụ để kiếm chác, ban phát. Trước hết, đối tượng “mua chức” sẽ lại ưu ái sử dụng những người biết “dùng phong bì, đi cửa sau” nhằm tạo bè cánh bao bọc cho mình, hướng tới mưu đồ đồng nhất tổ chức với người đứng đầu tổ chức để thực hiện siêu mánh lới, siêu mưu kế đen tối; biến những nguyên tắc sống còn của Đảng trở thành hình thức; làm méo mó mọi quy định; sinh ra đủ mọi thói hư tật xấu. Họ coi nhẹ những vấn đề có tính nguyên tắc, bất chấp nguyên tắc, kỷ luật, luồn lách tìm và lợi dụng những sơ hở trong đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để mưu lợi cho họ, cho phe nhóm của họ.
“Kinh doanh chức tước” là bạn đồng hành của tham nhũng quyền lực và làm biến tướng, tầm thường hóa công tác tổ chức cán bộ của Đảng, vô hiệu hóa vai trò tổ chức Đảng cũng như nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng. Nó lũng đoạn, mua chuộc, tha hóa người đứng đầu. Nó thiêu đốt, giết chết niềm tin, cơ hội phấn đấu, tiến bộ của những cán bộ chân chính. Nó làm mất niềm tin vào tổ chức Đảng, vào “cái gốc của công việc”. Những kẻ “mua chức quyền” thành công, leo lên đỉnh cao quyền lực quá dễ dàng sẽ không có được đức, tài cần thiết nên dễ lộng quyền, coi thường tổ chức, coi thường cấp ủy, coi thường nhân dân, cơ quan, đồng nghiệp; vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc Đảng; làm cho tổ chức Đảng yếu kém, mất sức chiến đấu, hình thành những “ông giời con” ở cơ sở, tự kiêu, tự đại, tự mãn. Từ đó sinh ra một bộ phận tự đắc, ỷ lại, trịch thượng, phát triển đột biến mà không cần phấn đấu, cố gắng; khiến bộ phận còn lại (số đông), xuất hiện tư tưởng chán nản, nhụt ý chí phấn đấu, thiếu niềm tin vào tổ chức Đảng. Tha hóa quyền lực nói chung và tham nhũng, tiêu cực nói riêng vì thế sẽ ngày càng nghiêm trọng, đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa.
Bàn về vấn đề này, đại biểu Lê Như Tiến dẫn chứng thêm: “Khi người ta đã vào được vị trí rồi, một chữ ký, một quyết định của họ có thể ra được rất nhiều tiền nên phải cố “chạy chức, chạy quyền” bằng mọi giá, trước kia có thể là hàng trăm triệu, bây giờ là chục tỷ, trăm tỷ. Cần ngăn chặn “chạy chức, chạy quyền” đó là yếu tố mang tính quyết định trong ngăn chặn tham nhũng”.
Còn PGS, TS Nguyễn Văn Giang, nguyên Phó viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhận định: “Người ta đã phải “chạy” từ chức trưởng phòng lên đến chức phó giám đốc và giám đốc sở, rồi lên đến bí thư, chủ tịch tỉnh, xong rồi lên đến Trung ương. Tức là từ chức bé đã phải chạy. Cứ như thế này sẽ làm hỏng công tác cán bộ. Nếu mà lên đến Trung ương vẫn còn tư duy chạy thì rất nguy hại. Tác hại của việc mua bán chức quyền vô cùng lớn, làm băng hoại toàn bộ hệ thống, mà nguy hiểm nhất là làm hỏng toàn bộ đội ngũ cán bộ”.
(còn nữa)