Những bữa cơm tiếp sức đến trường
09:38 10/02/2015 1205
3 Phong trào Từ năm 2011 đến nay, mỗi ngày đến trường, học sinh Trường THPT Trần Đại Nghĩa, thị trấn Đông Phú (huyện Quế Sơn, Quảng Nam), được ăn bữa cơm trưa miễn phí từ chương trình “Bữa cơm tình thương khuyến học”, dành cho các em có hoàn cảnh khó khăn, giúp các em vững bước đến trường.
Bữa ăn miễn phí tại trường Trần Đại Nghĩa . |
Từ 5 năm nay, cứ 11 giờ trưa tan học, các em học sinh khó khăn tại Trường THPT Trần Đại Nghĩa vì điều kiện gia đình xa nhà, nghèo…, đều được ăn bữa cơm miễn phí tại trường, xuất phát từ tấm lòng của thầy cô giáo. Quế Sơn là huyện đồng bằng trung du, điều kiện học sinh đi lại khó khăn. Thầy hiệu phó Nguyễn Ngọc Chín, cho biết: Học sinh của trường đa số con nhà nông, đi học xa nhà, điều kiện khó khăn, nhiều em phải đi xe đạp gần 15km để đến trường. Toàn trường có 866 học sinh, thì có đến 50% thuộc gia đình nghèo và cận nghèo, trong đó 175 em hộ nghèo, 286 em thuộc hộ cận nghèo, 12 em khuyết tật.
Thầy Chín kể, năm 2011, buổi trưa tan học, nhìn học sinh của mình phải ăn mì tôm sống, ăn bánh mì để ở lại trường tiếp tục học ca chiều, thương quá, thầy cô quyết định giúp các em có được bữa trưa đàng hoàng, có thịt, đồng thời tạo sự gần gũi thân thương giữa thầy trò. Đây có thể xem là trường duy nhất của tỉnh Quảng Nam thực hiện chương trình này, dù trường không có hệ thống bán trú hay nhà ăn nào. Do không có khu bán trú và nhà ăn, nên việc thực hiện bữa ăn cho học sinh rất khó khăn.
Những ngày đầu tiên, thầy Trần Đình Phúc, giáo viên Trường THCS Quế Thuận, xã Quế Thuận (huyện Quế Sơn) chính là người tổ chức chương trình vận động quyên góp cho học sinh có bữa ăn. Đầu năm 2011, có 50 em được nhận bữa ăn trưa, nhờ tấm lòng hảo tâm giúp đỡ của bà Nguyễn Việt Tú, một Việt kiều Pháp, với chi phí mỗi năm học là 54 triệu đồng. Sau này có thêm sự giúp đỡ của nhiều nhà tài trợ khác, như ông Michel, thuộc Hội Afeps Brest (Pháp), tài trợ mỗi năm học 2.000 Euro, cùng với Hội Khuyến học. Hiện đã có 77 học sinh được ăn bữa trưa tại trường. “Trường đông học sinh, nhưng do kinh phí vận động được không nhiều nên chỉ lo được cho chừng ấy em. Trường rất mong sẽ lo được bữa ăn cho thêm nhiều em nữa”, thầy Chín tâm sự.
Những mẹ, chị tình nguyện
Tất cả các bữa cơm đều do mọi người tình nguyện thực hiện, từ người nấu ăn cho đến dọn dẹp. Vì trường không có hệ thống nhà ăn nên chỉ có thể mang cơm nấu từ nhà lên trường rồi mang lại về nhà. Trường đã tận dụng chỗ để xe để cho học sinh có chỗ ăn trưa, và sau bữa ăn, học sinh có thể về lại lớp ôn bài chuẩn bị cho tiết học buổi chiều.
Nhiều người mẹ, người chị đã tình nguyện tham gia, nấu cơm tại nhà rồi đem đến trường cho các em. Chị Võ Thị Ngọc (ở xã Quế Châu, Quế Sơn) hằng ngày gần như thay vì lo cơm cho gia đình, chị lại tất bật lo cơm nước cho học sinh. Những bữa cơm được nấu tại chính nhà chị và mang lên trường. Chị Võ Thị Bình (ở xã Quế Châu), dù không có con cháu đi học tại trường này, nhưng đã 2 năm nay, chị tình nguyện mang cơm lên cùng tham gia dọn bữa ăn cho học sinh. “Tôi không có chồng con, chỉ có một đứa cháu nhưng đã ra trường đi làm. Tôi xem các em tại trường như con cái trong nhà, thương chúng vì khó khăn mà bữa cơm trưa cũng khó”, chị Bình chia sẻ. Còn chị Nguyễn Thị Tám cũng tình nguyện lên với học trò được 3 năm nay, cùng hoàn cảnh với học trò, thấu hiểu nỗi khó khăn, chị bỏ thời gian để giúp học sinh ăn đúng bữa…
Chị Võ Thị Bình chăm lo bữa ăn cho các em học sinh . Ảnh: Nguyễn Trang |
Mỗi bữa cơm giá 14.000 đồng. Em Phan Thị Luyện, lớp 12C3, Trường THPT Trần Đại Nghĩa, cho biết: “Em ở xã Phú Thọ, cách trường hơn 10km, hằng ngày em phải đạp xe gần 40 phút mới đến trường. Em không có cha, còn mẹ em thì làm nông. Từ khi nhà trường tổ chức bữa ăn trưa, chúng em không còn ăn bánh mì thay cơm. Em hứa sẽ cố gắng học tập tốt để không phụ lòng thầy cô”. Em Nguyễn Ngọc Sơn, lớp 10C1, Trường THPT Trần Đại Nghĩa, bị khuyết tật trí tuệ, nhà em làm nông, để đến trường, em phải đạp xe gần 45 phút từ xã Phú Thọ. Cho nên buổi trưa, em thường phải ở lại để học chiều, và chỉ dám ăn bánh mì. Từ ngày có bữa cơm của trường, em được ăn cơm canh nóng đủ chất, đảm bảo sức khỏe học tập.
Thầy Nguyễn Ngọc Chín cho biết: Bà Nguyễn Việt Tú, người tài trợ chính vừa mới mất, do vậy sắp tới việc thực hiện bữa cơm cho học trò sẽ rất khó khăn. Trường đang tìm những nguồn tài trợ hảo tâm giúp đỡ. Hơn nữa trong khi tỷ lệ học sinh khó khăn quá cao, đến 50% toàn trường nên chỉ có thể xem xét, chọn ra học sinh cần bữa ăn nhất. Cũng nhờ những bữa ăn mà học sinh tiếp tục đến trường học tập, trở thành học sinh giỏi, khá của trường, nhiều em đã đậu ĐH, CĐ nhờ chính những bữa cơm tình thương này tiếp sức. |