Khánh thành, bàn giao khu trung tâm Làng Hữu nghị Thanh niên biên giới Lào – Việt trong tháng 10/2014

16:56 10/09/2014     2296

3 Phong trào   Web.ĐTN: Ngày 9/9/2014, tại Hà Tĩnh, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Trung ương Đoàn Thanh niên NDCM Lào và Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam đã tổ chức Hội nghị giao ban dự án xây dựng Làng Hữu nghị Thanh niên biên giới Lào – Việt.

Toàn cảnh buổi làm việc
Toàn cảnh buổi làm việc


Tham dự và chủ trì buổi làm việc có các đồng chí: Nguyễn Mạnh Dũng - Bí Thư thường trực Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; Khăm Phả - Phó Bí thư Trung ương Đoàn NDCM Lào và đại diện Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Công ty Cao su Hà Tĩnh, Công ty Cao su Bolikhamxay – Hà Tĩnh; đại diện tỉnh Đoàn Bolikhamxay, huyện đoàn Khamcout tỉnh Bolikhamxai; Ban quản lý dự án hai nước và các đơn vị liên quan.

Tại Hội nghị, đại diện Ban quản lý dự án đã báo cáo tình hình triển khai thực hiện dự án; kế hoạch tổ chức khánh thành, bàn giao và đưa vào sử dụng khu trung tâm làng; công tác chuẩn bị cho khởi công khu nhà ở và khu trình diễn kỹ thuật nông lâm nghiệp; tổ chức tập huấn khởi sự doanh nghiệp và lập nghiệp cho thanh niên tại vùng dự án; xây dựng phương hướng nhiệm vụ để  triển khai các hoạt động phối hợp trong thời gian tiếp theo.

Cũng tạ Hội nghị, Trung ương Đoàn hai nước và các bên liên quan đã thống nhất tổ chức lễ khánh thành, bàn giao đưa vào sử dụng khu trung tâm vào tháng 10 tới, đồng thời tiếp tục hoàn thiện các thủ tục pháp lý để tiến hành khởi công nhà ở cho thanh niên và khu trình diễn kỹ thuật nông lâm nghiệp để chào mừng Quốc khánh Lào - tháng 12/2014.; thống nhất xây dựng 50 căn nhà cho thanh niên bằng nguồn vốn của tập đoàn cao su Việt Nam; tiếp tục xác định và mở rộng vùng nguyên liệu cao su tại Lào giai đoạn I là 1.034 ha. 

Phát biểu tại hội nghị, lãnh đạo Trung ương Đoàn hai nước khẳng định đây là hoạt động mang ý nghĩa chính trị quan trọng thiết thực; thể hiện tình cảm đặc biệt giữa Đoàn Thanh niên và ước vọng tuổi trẻ của hai nước Việt Nam - Lào, với tinh thần sẵn sàng hy sinh vì nhau, quyết tâm không ngừng vươn lên cùng hướng tới tương lai tươi đẹp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ quốc phòng an ninh biên giới Lào – Việt Nam.


Thăm quan mô hình Làng TNLN Tây Sơn, Hà Tĩnh
Khuôn viên Khu trung tâm dự án Làng Hữu nghị TNBG Lào - Việt chuẩn bị khánh thành bàn giao đưa vào sử dụng trong tháng 10/2014

Bên cạnh đó, đồng chí Nguyễn Mạnh Dũng đề nghị Trung ương Đoàn TN NDCM Lào tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương rà soát, tìm kiếm quỹ đất, báo cáo Chính phủ Lào cho phép để phối hợp liên kết mở rộng vùng nguyên liệu cao su tại tỉnh Bolikhamxai với Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam; xây dựng phương án quản lý và bố trí đủ cán bộ  để duy trì và vận hành trung tâm sau khi nhận bàn giao; tiếp tục tuyển chọn thanh niên lên Làng theo đúng tiến bộ; tổ chức quản lý các công trình, mô hình sau đầu tư đảm bảo phát triển bền vững.

Cũng trong chương trình, chiều ngày 9 và ngày 10/9/2014 Ban quản lý dự án hai nước đã đi thăm mô hình trồng cao su của Công ty cao su Hà Tĩnh và Làng Thanh niên Lập nghiệp Tây Sơn, Hà Tĩnh. Đây là một trong nhiều mô hình dự án đầu tư có hiệu quả thuộc dự án 18 Làng Thanh niên lập nghiệp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tại đây hai bên đã trao đổi chia sẻ kinh nghiệm, những cách làm hay, mô hình sáng tạo trong công tác triển khai dự án từ đó áp dụng để triển khai hiệu quả hơn dự án Làng Hữu nghị Thanh niên biên giới Lào - Việt.

Dự án Làng Hữu nghị Thanh niên biên giới Lào – Việt được triển khai với quy mô 1.034 ha tại huyện Khamkout, tỉnh Bolikhamxai, Nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào. Mục tiêu và nhiệm vụ chính của dự án là thu hút, tiếp nhận các hộ thanh niên lên lập nghiệp lâu dài, làm nòng cốt trong phát kinh tế - xã hội, bảo vệ an ninh quốc phòng, xây dựng khu dân cư mới phát triển bền vững; xây dựng khu trình diễn và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật sản xuất nông lâm nghiệp. 

Dự án đầu tư xây dựng 02 hợp phần chính: Hợp phần thứ nhất là đầu tư xây dựng khu trung tâm làng, khu trình diễn kỹ thuật nông lâm nghiệp, được thực hiện bằng nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Việt Nam dành cho Chính phủ Lào; tổng mức đầu tư được chấp nhận là 65.159 triệu đồng; nguồn đối ứng của Chính phủ Lào 5.530 triệu đồng. Hợp phần thứ hai là đầu tư sản xuất nông lâm nghiệp, chủ yếu là đầu tư trồng, chế biến cao su nhằm tạo việc làm và ổn định cuộc sống lâu dài cho thanh niên, người dân tại vùng dự án, được thực hiện bằng nguồn vốn đầu tư của Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam.