Giao lưu trực tuyến với các đại biểu dự Đại hội thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác

18:28 09/05/2014     1515

3 Phong trào   <div align="justify"><font color="#000000" face="Arial" size="2">Vào lúc 14 giờ chiều nay 4/6/2011, Trung ương Đoàn và Báo Thanh Niên đã tổ chức buổi giao lưu trực tuyến với các đại biểu tham dự Đại hội thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác lần thứ II - 2011 tại tòa soạn Báo Thanh Niên. </div>
Vào lúc 14 giờ chiều nay 4/6/2011, Trung ương Đoàn và Báo Thanh Niên đã tổ chức buổi giao lưu trực tuyến với các đại biểu tham dự Đại hội thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác lần thứ II - 2011 tại tòa soạn Báo Thanh Niên.

Đúng 13 giờ 30 phút, gần 70 đại biểu trong màu áo xanh đã có mặt tại Hội trường Báo Thanh Niên. Càng gần giờ khai mạc "Buổi giao lưu trực tuyến với các đại biểu dự Đại hội thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác lần II - năm 2011", không khí càng nên rộn ràng khi các đại biểu cùng nhau thảo luận, xem qua những câu hỏi đã được nhiều bạn đọc gửi đến trong những ngày qua.

Không khí hội trường càng rộn ràng hơn khi đại biểu Trần Thị Hoài Thu (đoàn Bình Phước) làm nóng chương trình bằng bài ca Tình cây và đất đầy thiết tha và duyên dáng.

Buổi giao lưu trực tuyến chiều nay sẽ được 4 nhóm đối tượng thanh niên gồm: nhóm học sinh - sinh viên và trí thức trẻ; nhóm thanh niên nông thôn, nhóm thanh niên công nhân và đô thị, và nhóm thanh niên lực lượng vũ trang cùng thảo luận, chia sẻ với bạn đọc cả nước.

Trước buổi giao lưu, các đại biểu đại diện cho ba miền của Tổ quốc đã thể hiện những bài ca, tiếng hát đặc trưng của quê hương mình.

Đúng 14 giờ, buổi giao lưu trực tuyến chính thức diễn ra.


Các đại biểu thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác trao đổi trước buổi trực tuyến

Đến dự buổi giao lưu hôm nay có anh Nguyễn Quang Thông, Phó chủ tịch Hội LHTN Việt Nam, Tổng biên tập Báo Thanh Niên; anh Bùi Quang Huy, Ủy viên BCH T.Ư Đoàn, Phó trưởng ban Thanh niên trường học T.Ư Đoàn. Các nhân vật chính của chương trình là 71 đại biểu đến từ các tỉnh, thành.

 
Tiết mục văn nghệ trước buổi giao lưu trực tuyến


Các đại biểu tham gia giao lưu trực tuyến


Anh Nguyễn Quang Thông (trái) tặng hoa cho các đại biểu tham gia giao lưu trực tuyến apple wallpaper , galaxy s5 wallpaper , nhac dj , tin quan su , game nau an

Anh Nguyễn Quang Thông phát biểu: Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác lần II - năm 2011 giúp chúng ta có dịp đúc kết nhìn nhận, đánh giá thành tựu đã đạt được và vạch ra các hướng đi tương lai để thực hiện chương trình tốt hơn cuộc vận động. Chương trình “Giao lưu trực tuyến với đại biểu thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác” là hoạt động thiết thực, ý nghĩa nằm trong Chương trình Đại hội, là dịp để các đại biểu của Đại hội, những đại biểu tiên tiến xuất sắc được giao lưu, trao đổi, truyền đạt những kinh nghiệm, bài học, những suy nghĩ, mong muốn của mình cũng như các thành tích đã đạt được với đòan viên, thanh niên cả nước, qua đó góp phần bồi đắp, nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão, khát vọng vươn lên của các bạn đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên trên khắp mọi miền tổ quốc.  

Anh Nguyễn Quang Thông đề nghị buổi giao lưu trực tuyến nên tập trung vào 3 nội dung chính: Thứ nhất là tập trung đánh giá hiệu quả thực hiện Cuộc vận động “Tuổi  trẻ Việt Nam học tập và làm theo lời Bác” trong 5 năm vừa qua. Thứ hai là thảo luận về các phương hướng, nội dung việc triển khai Cuộc vận động trong thời gian tới. Thứ ba là thảo luận, trao đổi với các điển hình thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác về những kinh nghiệm, bài học, cách làm hay trong việc triển khai cuộc vận động.

Về cách thức trao đổi trong buổi giao lưu, anh Nguyễn Quang Thông gợi ý các đại biểu có thể trao đổi thẳng thắn, cởi mở, ngắn gọn trên tinh thần xây dựng và cầu thị. Với những vấn đề chưa có điều kiện trao đổi trực tiếp tại diễn đàn này thì sẽ trao đổi thông qua kênh trực tiếp giữa T.Ư Đòan với các tổ chức đoàn cơ sở nơi các bạn sinh hoạt.

Thiếu úy Nguyễn Chí Ninh: Luôn tâm niệm điều Bác dạy

Nhìn vào vóc dáng tầm thước và vẻ bề ngoài vui tính của Thiếu úy Nguyễn Chí Ninh, ít ai nghĩ ra rằng người y sĩ hiền lành này lại là hung thần của những tên tội phạm buôn bán ma túy tại đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Tây Trang, tỉnh Điện Biên.

Sự quyết liệt trong đấu tranh phòng chống tội phạm khiến Thiếu úy Ninh phải nhiều lần bị thương nặng. Anh từng phải điều trị phơi nhiễm tại Trung tâm phòng chống HIV/AIDS sau khi bị một đối tượng vận chuyển ma túy nhiễm HIV cắn bị thương. Đặc biệt, anh từng dũng cảm khống chế một đối tượng buôn bán ma túy cùng với tang vật bất chấp việc bị chấn thương nặng.

Táo bạo và gan lì như thế, song Thiếu úy Ninh, một trong 10 gương mặt tiêu biểu xuất sắc được tuyên dương tại Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác lần II, lại rất vui vẻ khi trò chuyện với Thanh Niên Online nhân dịp tham dự buổi giao lưu trực tuyến do Trung ương Đoàn và báo Thanh Niên tổ chức.


 Thiếu úy Nguyễn Chí Ninh - Ảnh: Trí Quang

* Được biết đây là lần đầu tiên anh đặt chân đến thành phố mang tên Bác, anh cảm thấy như thế nào?

Thiếu úy Nguyễn Chí Ninh: Tôi thấy thành phố rất đẹp, sôi động và đầy sức sống.     

* Cảm giác của anh khi được chọn làm một trong 10 gương mặt tiêu biểu xuất sắc được tuyên dương tại Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác lần II?

Thiếu úy Nguyễn Chí Ninh: Tôi rất vui và vinh dự song đi kèm với đó cũng là cả trách nhiệm bởi mình phải ngày càng cố gắng hơn nữa để xứng đáng với vinh dự này.

* Trong xã hội hiện nay, vẫn có một bộ phận thanh niên sống thiếu lý tưởng, đặc biệt là sa đà vào những cám dỗ của ma túy, là người có những thành tích nổi bật trong mặt trận đấu tranh phòng chống ma túy, anh có thể chia sẻ điều gì với bộ phận thanh niên này nói riêng và tầng lớp thanh niên nói chung?

Thiếu úy Nguyễn Chí Ninh: Ma túy là tệ nạn của nhiều nước, không chỉ riêng Việt Nam. Việc khống chế hiểm họa của ma túy không phải chỉ là chuyện của lực lượng an ninh bởi chỉ riêng lực lượng này thì không đủ. Để đối phó với ma túy, cần phải có sự hợp tác của toàn xã hội. Ngoài những công cụ pháp luật, cần kết hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc tuyên truyền phòng chống ma túy. Đối với thanh niên, cần phải xây dựng cho mình một lập trường vững vàng để có thể tránh xa các tệ nạn xã hội.

* Anh có lời khuyên nào cho các bạn trẻ trong công cuộc vận động sống, học tập và làm theo tấm gương của Bác Hồ? Bản thân anh rút ra được điều gì khi tham gia cuộc vận động này?

Thiếu úy Nguyễn Chí Ninh: Cuộc đời vĩ đại của Bác có vô số những bài học mà chúng ta không dễ dàng gì thấm nhuần hết được. Thế nên, trước hết mình cần phải suy ngẫm những gì gắn liền với chuyên môn, công tác của mình. Chẳng hạn như với bản thân mình, tôi luôn tâm niệm hai điều Bác dạy: Một là tận tụy với nhân dân, hai là cương quyết với kẻ địch. Bên cạnh đó, mình phải luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn của mình. Đó là tiền đề để có thể noi theo tấm gương của Bác.

Mở đầu buổi trực tuyến, anh Bùi Quang Huy đã đọc liền hai câu hỏi của bạn đọc dành cho đại biểu Nguyễn Chí Ninh.

* Anh đã hoàn toàn hồi phục những chấn thương gặp phải trong lúc đấu tranh với tội phạm chống ma túy chưa? Điều này có ảnh hưởng đến quá trình công tác trong hiện tại của anh hay không? (một bạn đọc nữ).

Nguyễn Chí Ninh: Trong những lần đánh án với các đối tượng ma túy, không may tôi bị một đối tượng nhiễm HIV cắn. Sau một thời gian điều trị, rất may là sức khỏe tôi đã bình phục hoàn toàn. Trong lần truy bắt khác tôi bị pha vào vách đá, khi ấy tôi bị chấn thương đốt sống thắt lưng, nhưng lại thêm một lần may mắn là sau thời gian điều trị tôi đã hoàn toàn bình phục.

* Điều gì hiện diện trong tâm trí anh những lúc đương đầu trực tiếp với tội phạm? Cuộc sống gia đình hiện tại của anh như thế nào?

Anh Nguyễn Chí Ninh: Khi đương đầu với tội phạm, tôi chỉ biết một điều là chiến đấu đến cùng và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. 


Anh Nguyễn Chí Ninh (đứng) trả lời trực tuyến


Đại đức Danh Út (đứng) trả lời câu hỏi của bạn đọc 


Anh Bùi Quang Huy (trái) và anh Nguyễn Quang Thông chủ trì chương trình giao lưu trực tuyến

Nhiều bạn đọc đặt các câu hỏi cho Đại đức Danh Út, trụ trì chùa Thôn Dôn (Kiên Giang). Một bạn đọc hỏi: Nghe nói chùa thầy có nhiều lớp học đa dạng, vậy làm sao có kinh phí để duy trì các lớp đó?

Đại đức Danh Út trả lời: Lớp học của chùa chúng tôi rất phong phú, gồm lớp song ngữ Khmer, Kinh luận giới, Pali, nhạc ngũ âm, múa truyền thống... Việc duy trì được là do sư sãi vận động giáo viên đến dạy, còn chi phí thì sẽ dùng tiền công quả để trang trải. Ngoài ra, đội nhạc ngũ âm đã biểu diễn nhiều lễ truyền thống cũng thu được chút kinh phí để duy trì lớp học.

Một bạn đọc khác hỏi: Thầy Danh Út suy nghĩ như thế nào về các nét tương đồng giữa đạo và đời?

Đại đức Danh Út: Tôi nghĩ đóng góp cho đạo và đời càng nhiều càng tốt. Giáo lý nhà Phật cũng tương đồng với lời dạy của Bác Hồ. Phật khuyên răn tín đồ sống đoàn kết tương thân tương ái, Bác Hồ cũng nói đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Trong các buổi thuyết pháp, sư sãi chùa chúng tôi cũng lồng ghép vào các chính sách của Đảng và Nhà nước cũng như các tấm gương của Bác Hồ để bà con nâng cao ý thức sống tốt đời đẹp đạo.

Đại đức Danh Út hăng say chăm lo cho người nghèo

Lập tổ trồng rau sạch nhằm tiết kiệm một phần chi phí cho nhà chùa để trang trải cho các lớp học văn hóa, xóa mù chữ miễn phí; tích cực vận động phát thuốc miễn phí, chữa bệnh cho người nghèo; lan tỏa ý thức tiết kiệm bằng mô hình “tháp tập thể”… là những nghĩa cử cao đẹp của Đại đức Danh Út, trụ trì chùa Thôn Dôn (Kiên Giang).

Lần thứ 2 nhận danh hiệu Thanh Niên tiên tiến làm theo lời Bác toàn quốc, Đại đức Danh Út vô cùng xúc động. Chia sẻ với Thanh Niên Online, Đại đức nói sẽ quyết tâm nỗ lực hơn nữa để cống hiến cho cộng đồng, làm thật nhiều điều có ích cho xã hội và sống tốt đời đẹp đạo.

* Xuất thân từ gia đình khó khăn, hiểu rõ nỗi khổ của người nghèo, Đại đức đã có những việc làm thiết thực nào để hỗ trợ cho cộng đồng xã hội những năm qua?

Đại đức Danh Út: Chùa Thôn Dôn thường xuyên mở nhiều lớp học cho các thanh thiếu nhi địa phương. Bản thân tôi cũng thường xuyên vận động sư sãi và phật tử làm công tác từ thiện như cấp 77.403 thang thuốc nam miễn phí với số tiền gần 400 triệu đồng. Ngoài ra, tôi còn vận động chương trình phát thuốc tây miễn phí cho gần 2.500 người nghèo với số tiền hơn 73 triệu đồng. Bên cạnh đó là các hoạt động hiến máu, miễn phí hỏa táng cho thân nhân các gia đình khó khăn, vận động bà con phật tử làm đường, cầu giao thông nông thôn, gây quỹ học bổng cho con em đồng bào dân tộc...

 
Đại đức Danh Út luôn góp sức chăm lo cho người nghèo ở địa phương - Ảnh: Trí Quang

* Đại đức có những hoạt động gì tham gia vào cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được triển khai sâu rộng trên cả nước? 

Đại đức Danh Út: Tôi cùng các sư sãi luôn lồng ghép một cách sinh động các chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước cũng như những gương sáng của Bác vào trong các buổi thuyết pháp. Tôi luôn tích cực động viên bà con phật tử nâng cao về tư tưởng chính trị, lối sống, chống lãng phí, nâng cao ý thức trách nhiệm

Vừa qua, nhà chùa đã thành lập tổ trồng trọt để trồng các loại rau sạch, tự phục vụ các bữa ăn hằng ngày, tiết kiệm được một phần chi phí để trang trải cho những khoản chi khác, như xây dựng cơ sở vật chất, hỗ trợ chi phí học tập cho các vị sư và học sinh, sinh viên.

*Đại đức nói đã từng nhận thấy sự tương đồng sâu sắc giữa giáo lý nhà Phật và tư tưởng của Bác?

Đại đức Danh Út: Phật dạy các tín đồ của Ngài biết đoàn kết, thương yêu và giúp đỡ lẫn nhau tạo sức mạnh của sự hòa hợp; sống tiết kiệm và ý chí vươn lên trong cuộc sống. Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cũng hướng con người sống thiện và Bác cũng từng nói: Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết... Vấn đề là mình làm thế nào để dung hòa giữa giáo lý và những bài học về Bác gắn với thực tiễn cuộc sống để mọi người dễ hiểu, dễ tiếp thu... Mỗi khi phật tử đến cúng dường, tôi luôn khuyên họ nên lo đầy đủ cuộc sống gia đình, chỉ khi nào thật dư giả mới cúng dường.

* Xin Đại đức nói thêm về ý tưởng “tháp tập thể”?

Đại đức Danh Út: Ở chùa Thôn Dôn chúng tôi có xây dựng ngôi tháp tập thể dành cho những người quá cố. Ban đầu, do thấy mỗi gia đình xây dựng một ngôi tháp thì quá lãng phí về tiền bạc lẫn đất đai, nên tôi cố gắng nghĩ cách xây thành một tháp chung để giữ tro cốt của những người quá cố, không kể giàu nghèo. Việc làm này cũng nhằm hướng Phật tử đến lối sống tiết kiệm và tạo được sự đoàn kết, tinh thần tương thân tương ái trong đồng bào. Ý tưởng này được phật tử ủng hộ nhiệt tình.

* Xin cảm ơn Đại đức!

Chuyển sang "anh hùng sông Son" Lê Văn Điệp, nhiều bạn đọc đã gửi khá nhiều câu hỏi dành cho thành tích đặc biệt cứu 150 người trong trận lũ vào năm 2010 vừa qua.

* Khi trở về nhà và thấy căn nhà của mình bị cuốn trôi trong bão lũ sau khi tận lực cứu người, cảm giác của anh thế nào? Anh có thấy tiếc hay không?

Anh Lê Văn Điệp: Khi tôi về nhà thì không nghĩ gì về tài sản của bản thân mình. Lúc ấy mình chỉ nghĩ đến việc an toàn của bà con an toàn là hạnh phúc nhất.

* Chắc chắn để cứu được gần 200 người trong cơn lũ, phải có những lúc anh cảm thấy đuối sức, điều gì thôi thúc anh tiếp tục lao đến phía trước trong những giây phút đó?

Anh Lê Văn Điệp: Đó thực sự là điều quá sức tưởng tượng của bản thân mình. Bản thân mình có lúc đã có cảm giác không có sức để tiếp tục công việc đó nữa. Khi nghĩ lại mình cũng không hiểu vì sao làm được điều đó. Chỉ có điều khi thấy bà con chới với giữa dòng nước thì mình cứ lao ra để làm hết sức mình.

“Người hùng sông Son” Lê Văn Điệp: Bác dạy “Không có việc gì khó…”

Được cả nước biết đến nhờ thành tích cứu 150 người trong trận lũ sông Son vào tháng 10.2010 ở thôn Hà Lời, xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, cuộc sống cá nhân của người hùng Lê Văn Điệp dường như gắn liền với những đau thương và mất mát.

Tuy nhiên, những thử thách khắc nghiệt của số phận không làm người Bí thư Chi đoàn thôn Hà Lời sờn lòng. Nhờ nghị lực và sự bền bỉ của người con trai miền Trung từng thể hiện khi vật lộn với dòng nước lũ, cùng nhiều đóng góp tích cực trong công tác Đoàn và phong trào tình nguyện, Lê Văn Điệp đã vinh dự được chọn vào danh sách 10 gương mặt tiêu biểu xuất sắc được tuyên dương tại Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác lần II - năm 2011 do Trung ương Đoàn tổ chứ

Lê Văn Điệp cũng là một trong số các đại biểu dự Đại hội thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác tham gia buổi giao lưu trực tuyến trực tuyến do Trung ương Đoàn và Báo Thanh Niên tổ chức. Anh đã chia sẻ những tâm sự của mình...


 
Bí thư Chi đoàn thôn Hà Lời, xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình - Lê Văn Điệp

 
* Được biết anh đang phải trải qua nhiều nỗi đau và mất mát cá nhân (con gái đầu lòng vừa mới mất vì bạo bệnh, ngôi nhà bị lũ cuốn trôi vẫn chưa được xây dựng lại - PV), điều này liệu có ảnh hưởng đến công việc hay những đóng góp của anh trong công tác Đoàn và phong trào thanh niên tình nguyện hay không?

Anh Lê Văn Điệp: Quả thật tôi hiện gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, tôi vẫn luôn tin tưởng mình sẽ vượt qua được những nghịch cảnh đó. Trước những thăng trầm trong cuộc sống, mình càng cần phải có thêm ý chí và nghị lực. Công việc và công tác Đoàn là nơi mà tôi tìm thấy sự thanh thản.

* Anh có thể chia sẻ cảm xúc khi biết mình có tên trong danh sách 10 gương mặt tiêu biểu

Anh Lê Văn Điệp: Tôi cảm thấy cực kỳ bất ngờ và tự hào. Vinh dự này có lẽ sẽ tiếp thêm động lực để tôi có thể tiếp tục phấn đấu. Tôi cũng rất vui khi có dịp đến thăm thành phố mang tên Bác nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước.

* Là cán bộ Đoàn, anh đã có những hoạt động nào để tham gia cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương của Bác Hồ?

Anh Lê Văn Điệp: Chúng tôi đẩy mạnh công tác tuyên truyền, ra sức vận động anh em. Trước hết, mình chỉ cố gắng tuyên truyền sao cho mọi người làm thật tốt những điều tưởng chừng đơn giản mà lại vô cùng thiết thực như năm điều Bác Hồ dạy. Chẳng hạn như khi đưa khách du lịch tham quan trên sông nước, chúng tôi luôn vận động anh em phải giữ gìn vệ sinh thật tốt. Tôi nghĩ đó cũng là một cách để tham gia cuộc vận động làm theo lời Bác.     

* Câu nói nào của Bác Hồ mà anh cảm thấy tâm đắc nhất trong cuộc sống của mình?

Đó là câu “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền…”.

* Xin cám ơn anh.

Nhiều câu hỏi thú vị cũng được gửi đến anh Nguyễn Hồng Lộc, người từng có nhiều sáng kiến giúp tiết kiệm nhiều tỷ đồng cho nhà máy nước Tân Hiệp, thuộc Tổng công ty cấp nước Sài Gòn.

Câu hỏi đầu tiên cho Nguyễn Hồng Lộc là: Bạn đang có những sáng kiến nào mới?

Nguyễn Hồng Lộc đáp: Hiện giờ tôi là Phó ban quản lý dự án Nhà máy nước Tân Hiệp. Những việc làm của tôi không phải là sáng kiến mà chỉ là những cái nỗ lực chúng tôi cố gắng làm cho công việc tốt hơn, làm lợi cho đơn vị nhiều hơn. Nếu những việc đó không khắc phục thì sẽ ảnh hưởng đến công việc chung. Tôi chỉ làm tốt công việc với trách nhiệm cao chứ không phải là sáng kiến gì lớn lao. Còn về vấn đề sáng kiến thì tôi nghĩ không cần thiết là những cái mới mà là những việc làm rút ngắn thời gian, giảm thiểu chi phí cho đơn vị.

Thật ra nhiều khâu tại nhà máy tôi cũng cần rất nhiều thủ tục. Sắp tới tôi cùng anh em ở đơn vị sẽ cố gắng cải cách sao cho đỡ mất thời gian và các thủ tục hơn, nhằm giúp công việc trở nên thuận lợi hơn.

Nguyễn Hồng Lộc: Noi gương Bác từ những việc bình thường

Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM 2009 Nguyễn Hồng Lộc (ảnh) giờ đã là Phó ban quản lý dự án Nhà máy nước Tân Hiệp, thuộc Tổng công ty cấp nước Sài Gòn. Đây là một bước tiến mới của chàng thanh niên nổi bật với thành tích tiết kiệm nhiều tỉ đồng cho nhà máy.   

Lộc đã có cuộc trò chuyện thú vị cùng Thanh Niên Online nhân Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác lần II - năm 2011, và tham gia buổi giao lưu trực tuyến với các đại biểu Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác lần II, do Trung ương Đoàn và Báo Thanh Niên tổ chức.

* Lộc có thể chia sẻ những việc mới nhất mà bạn đang làm cho tập thể?

Nguyễn Hồng Lộc: Đó là chương trình Nhật ký làm theo lời Bác mà mình và tập thể đang triển khai cho anh em công nhân, đoàn viên… Ngoài ra, mình còn triển khai chương trình hỗ trợ, khuyến khích anh em công nhân đề xuất ý tưởng mới trong công tác nhằm tiết kiệm về tiền bạc và thời gian trong các khâu làm việc. 

* Vậy riêng hoạt động Nhật ký làm theo lời Bác thì Lộc làm thế nào để thu hút thật đông công nhân, đoàn viên, thanh niên tham gia?

Nguyễn Hồng Lộc: Về hoạt động này thì mình có khuyến khích anh chị em kể về những việc đã làm theo gương và lời Bác dạy trong cuộc sống hằng ngày. Những ai không viết được cho bài bản thì chỉ cần gạch đầu dòng thôi cũng được, sau đó ban tổ chức sẽ đứng ra biên tập lại, làm cho bài viết đó sinh động hơn với hình ảnh kèm theo, hoặc bổ sung các chi tiết hay.

Tiếp sau đó, ban tổ chức sẽ dán các bài viết hay lên bản tin nội bộ của nhà máy, cho mọi người cùng đọc. Và trên bản tin có diện tích khá lớn đó, mình sưu tầm hình ảnh, câu chuyện về Bác theo nội dung của bài thơ Người đi tìm hình của nước (Chế Lan Viên). Mọi người tỏ ra rất thích cách trình bày đó của mình. Sắp tới, khi trang web của nhà máy được làm xong, mình sẽ đăng tải các bài viết Nhật ký làm theo lời Bác lên mạng cho mọi người dễ dàng theo dõi và hưởng ứng hơn.

 

* Vậy Lộc có thể kể về việc nào đó mà bạn đang cố gắng làm theo gương Bác?  
 

Nguyễn Hồng Lộc: Mình nghĩ cố gắng làm tốt những công việc hằng ngày được giao đã là làm theo lời Bác rồi, chứ không cần phải lớn lao gì đâu. Trong các câu chuyện kể về Bác thì mình học hỏi nhiều cái, nhưng mình đang rất tâm đắc về việc đã cải thiện khả năng viết lách của mình nhờ noi theo gương làm báo của Bác.

Mình nhớ có câu chuyện nói về những ngày đầu Bác làm báo, rất hay. Và mình đã làm theo cách của Bác đồng thời siêng đọc sách báo hơn để cải thiện khả năng viết lách của mình. Ngày trước mình dở Văn lắm nhưng giờ thì tự tin hẳn rồi.

* Lộc đã từng tham gia chuyến đi ý nghĩa về thăm quê Bác, vậy chắc chắn Lộc có rất nhiều ấn tượng?

Nguyễn Hồng Lộc: Năm 2009 mình có dịp về Nghệ An trong chương trình Thanh niên công nhân TP.HCM về thăm quê Bác. Lần đầu được đến thăm nhà Bác, nơi Bác sinh ra, lớn lên thời niên thiếu, mình rất xúc động khi được nghe kể nhiều mẩu chuyện sống động về Bác. Đó cũng là dịp đầu tiên tôi trực tiếp tham gia cứu trợ cho đồng bào các vùng lũ lụt tại một số tỉnh miền Trung. Đó là chuyến đi hết sức ý nghĩa trong đời mình.

* Xin cảm ơn Lộc và chúc bạn ngày càng có nhiều ý tưởng mới hữu ích trong công tác.

Một đại biểu đến từ tỉnh Ninh Thuận đặt câu hỏi cho Nguyễn Hồng Lộc: Là phó ban dự án, nếu Lộc muốn cải cách hành chính nhưng lại gặp một người sếp bảo thủ thì Lộc làm thế nào?

Lộc tâm sự: Tôi rất may mắn khi về làm việc tại nhà máy nước Tân Hiệp. Đây là môi trường làm việc có áp lực công việc rất cao. Nhưng lãnh đạo đơn vị luôn tạo điều kiện để chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ, và đồng nghiệp cũng tích cực hỗ trợ nhau làm tốt công việc. Với vai trò là Phó bí thư đoàn nhà máy, tôi có thể chủ động làm những cái mà tập thể mong muốn. Cái tôi đang làm là biên soạn lại các biểu mẫu, các quy trình công tác đoàn, qua đó đề nghị các chi đoàn áp dụng. Đó cũng là một bước cải cách hành chính. Đồng thời, tôi cũng cố gắng tham mưu cho lãnh đạo cải cách lại các thủ tục sao cho nhanh gọn, đỡ mất thời gian hơn.

* Anh đã xây lại được ngôi nhà của mình chưa? Vợ anh có trách móc anh không lo cứu nhà mà chỉ lo đi cứu người không?

Lê Văn Điệp: Thực ra, vợ mình cũng là một đảng viên của xã. Với trách nhiệm của một cán bộ, vợ mình không hề cản mình đi cứu người. Thật ra thì trong cơn lũ, ai cũng muốn cứu được bà con. Ngoài ra, mình cũng nằm trong ban phòng chống lụt bão của xã nên đó là trách nhiệm của mình.

* Anh có cảm giác thế nào khi tiếp xúc với các đại biểu khác trong chuyến tham dự Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác?

Lê Văn Điệp: Đứng trước buổi giao lưu hôm nay, cùng với các đại biểu về tham dự Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác lần II, cũng giống như không khí của các đại biểu đến tham dự, bản thân tôi rất tự hào và vinh dự đại diện cho hàng ngàn thanh niên của tỉnh nhà tham dự đại hội. Tôi cũng rất tự hào khi được đặt chân đến thành phố mang tên Bác.

* Nếu lũ lụt tái diễn, anh có sẵn sàng tham gia cứu người nữa hay không?

Lê Văn Điệp (cười): Tất nhiên, chắc chắn tôi sẽ cố gắng làm tốt hơn nữa.

Một bạn đọc đặt câu hỏi cho Đại đức Danh Út: Nghe nói ở chùa thầy có nhiều sư sãi là kỹ sư nông nghiệp và bà con xung quanh thường tới nhờ các sư này hướng dẫn, tư vấn cách trồng trọt, chăn nuôi cho tốt. Vậy xin Đại đức kể thêm về câu chuyện này?
 
Đại đức Danh Út: Trong chùa Thôn Dôn có 40 vị sư sãi, trong đó sư là học sinh, sinh viên có trên 20 người. Họ vừa tu báo hiếu vừa tu học. Có sư học phổ thông, có sư học đại học các ngành khác nhau. Trong đó có sư là kỹ sư nông nghiệp, rất giỏi vấn đề tư vấn nông nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi. Các sư này cũng hay hướng dẫn cho bà con. Mỗi khi được bà con mời đi tụng đám phước, thì các sư cũng có dịp giao lưu với đồng bào dân tộc. Khi các đồng bào nhờ tư vấn nông nghiệp thì các sư cũng tận tình tư vấn, hướng dẫn.

Anh nhớ nhất kỷ niệm nào trong cuộc đời lính biên phòng?

Nguyễn Chí Ninh: Kỷ niệm mà tôi cảm thấy đáng nhớ nhất từ khi nhập ngũ và trở thành bộ đội biên phòng là kỷ niệm về ngày 11.4.2010. Hôm đó, tôi bị chấn thương cột sống khi đánh chuyên án ma túy.

Khi tôi bị thương, đồng chí đồng đội tề tựu và tập trung rất đông. Các đồng đội tập trung tại vực sâu, lo lắng và chuyển tôi đến nơi cấp cứu. Lúc đó, tôi vừa tỉnh dậy và nhìn thấy các đồng đội nhìn tôi, đặc biệt, tôi thấy người chính trị viên nhìn tôi và khóc.

Đó là kỷ niệm ấn tượng nhất trong cuộc đời lính biên phòng của tôi. Khi được chuyển lên tỉnh, đến bệnh viện 108, tôi cũng được lãnh đạo tỉnh Điện Biên và lãnh đạo Bộ đến thăm hỏi, tôi cảm thấy được động viên rất nhiều. 

Tiếp tục chương trình, anh Bùi Quang Huy nêu một câu hỏi được gửi đến đại biểu Nguyễn Thị Hoài Thu (Bình Phước - thuộc khối ngành lực lượng vũ trang) như sau: Bạn đã thực hiện 6 lời dạy của Bác như thế nào trong thực tế để được tín nhiệm giới thiệu đi dự Đại hội lần này?

- Là đoàn viên trong lĩnh vực thông tin tuyên truyền của Công an tỉnh, phụ trách chuyên mục an ninh tỉnh Bình Phước, chúng tôi cũng đã tuyên truyền việc phòng chống tội phạm đến bà con, nhân dân... Là thành viên tuyên truyền của công an tỉnh, tôi đã có nhiều chuyến đi thực tế, trải nghiệm và đúc kết được những kinh nghiệm để việc tuyên truyền được sâu rộng, đến được với nhiều người hơn. 

Một bạn đọc đặt câu hỏi cho đại biểu Nguyễn Văn Toàn - Phó bí thư Đoàn Công ty, Phó giám đốc xưởng nhiệt - Công ty TNHH một thành viên phân đạm và hóa chất Hà Bắc: Liệu công nhân đô thị có thể đóng góp được gì cho đất nước?
 
Đại biểu Toàn trả lời: Thật ra việc chấp hành nội quy kỷ luật của công ty, chính sách của Đảng, Nhà nước, đạt yêu cầu người quản lý đề ra thì đó cũng đã là yếu tố cơ bản để đóng góp cho đất nước. Còn xa hơn thì họ phải luôn tìm tòi, tìm ra ý tưởng, biết vươn lên. Đó là đóng góp tốt hơn nữa cho xã hội và đất nước.


Phạm Việt Hùng (trái) đang trả lời trực tuyến 


Tạ Văn Minh (phải) đang trả lời trực tuyến

Anh Nguyễn Quang Thông nêu tiếp câu hỏi của bạn Hải An (Bình Thuận) dành cho chiến sĩ Nguyễn Chí Ninh: Khi truy bắt tội phạm có khi nào anh sợ không?

Anh Nguyễn Chí Ninh: Trong bất cứ một con người ai cũng có phần sợ hãi. Nếu bảo mình không sợ thì là không đúng. Nhưng khi gắn vào nhiệm vụ, công việc của mình thì phải quyết tâm và hoàn thành nhiệm vụ. Tham gia truy bắt tội phạm ma túy không chỉ còn là công việc của riêng mình mà còn là công việc giữ gìn sự bình yên của xã hội.

Anh Bùi Quang Huy nêu tiếp một câu hỏi của bạn đọc: Bạn sẽ có chiến lược ý kiến gì để phát triển lực lượng công nhân đô thị?

Một đại biểu đến từ Tỉnh đoàn Quảng Ngãi cho rằng: Để phát triển khối này thì chúng ta phải tìm ra được điều mà khối này quan tâm. Theo tôi, đó là việc học tập nghề nghiệp. Do vậy, để phát triển lực lượng này thì cần có nhiều hoạt động, công tác hướng đến điều đó.


Các đại biểu sẵn sàng trả lời ngay các câu hỏi của bạn đọc


Nguyễn Văn Cảnh (phải) trả lời câu hỏi của bạn đọc


Hồ Thị Thắm (phải) trả lời trực tuyến

Lúc 15 giờ 15 phút, Ban tổ chức buổi giao lưu đã nhận thêm 191 câu hỏi nữa của bạn đọc.
 
Một bạn đọc hỏi: Là người chủ đất nước tương lai, bạn nghĩ gì về điều Bác dạy và bạn đã thực hiện như thế nào?

ĐB Huỳnh Thị Anh Thảo, đến từ Ban Tuyên giáo Tỉnh đoàn Bình Định đáp: Tôi học ở Bác từ tính cần kiệm, bình dị. Tại cuộc thi kể chuyện về Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi có kể câu chuyện về tiết kiệm thời gian của người công chức. Người công chức có 8 tiếng một ngày, nhưng riêng cán bộ đoàn thì thật sự 8 tiếng đó không đủ. Riêng tôi trong 8 tiếng đồng hồ thì tôi luôn cố gắng noi gương Bác, làm tốt công việc của mình, sử dụng thời gian hợp lý, đúng mục đích hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
 
Bạn đọc Lê Hoàng Minh, SV năm 4 trường ĐH Bách Khoa HN, đặt câu hỏi cho ĐB Nguyễn Hồng Lộc: Lời dạy nào của Bác đã giúp anh có được những cải tiến cho đơn vị? Điều gì giúp anh có được những sáng kiến đó?

ĐB Hồng Lộc vui vẻ trả lời: Thật ra có nhiều bài học của Bác giúp tôi có thêm động lực trong công việc. Nhưng tôi đặc biệt thích câu: thanh niên chúng ta dù làm gì cũng cần phải hoàn thành tốt công việc được giao. Để có những sáng kiến đó, thì môi trường làm việc giúp tôi 40%, 30% là do quá trình tìm tòi học hỏi, 30% do vững vàng những kiến thức chuyên môn.

Một bạn đọc ở Bình Phước cho biết mình là công nhân ở khu chế xuất hỏi: Theo tôi hiểu thì lời Bác dạy dành cho giới trí thức. Thế thì tôi phải làm thế nào để học tập, làm theo lời Bác?

Một đại biểu của Tỉnh đoàn Quảng Ngãi chia sẻ: Sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa phải nhờ rất nhiều vào giai cấp công nhân. Học tập và làm theo lời Bác thì không chỉ riêng tầng lớp trí thức mà còn ở mọi tầng lớp, giai cấp, không phân biệt lứa tuổi, thuộc đất nước nào.

Tiếp phần trả lời trên, anh Nguyễn Quang Thông cho rằng, lực lượng đại biểu Đoàn ở nhiều khối ngành ở đây cần chia sẻ với lực lượng công nhân đô thị. Đây chính là một trong nhóm đối tượng cần tác động rất lớn từ ngay cấp cơ sở để tạo điều kiện hơn nữa nhằm hòa nhập và đóng góp cho đất nước.

Tiếp lời anh Quang Thông, một đại biểu công tác Bình Thuận cho rằng bạn cũng như các cán bộ đoàn khác rất thông cảm với những công nhân chưa có điều kiện để tham gia các sinh hoạt chính trị. Qua đây cũng cho thấy các cán bộ đoàn - hội chúng ta sắp tới phải làm sao cho cuộc vận động này lan tỏa sâu rộng hơn nữa, để giúp các công nhân đô thị dễ dàng tiếp cận hơn, tham gia tích cực hơn. 

ĐB Phan Đỗ Minh Thanh Anh - Bí thư Đoàn phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn - cho rằng chính những công việc bình dị của tầng lớp công nhân mỗi ngày đã góp phần đóng góp cho đất nước và như thế là đã thực hiện theo những lời Bác dạy. Ngoài ra, bạn Thanh Anh cũng cho rằng cần tạo thêm nhiều hoạt động đối với công nhân, để họ hòa nhập với các hoạt động của Đoàn.

Một câu hỏi khá thú vị được anh Bùi Quang Huy nêu ra là: Đa số các bạn sinh viên hiện nay đều quan tâm đến học tập, kinh tế, các phong trào nhưng ít chú ý đến chính trị. Thế cách nào để thu hút lực lượng sinh viên hướng đến sự quan tâm này?

Đại biểu ở trường Cao đẳng Sư phạm Long An cho rằng: SV hiện nay rất năng động và nhiệt tình, ngay tại địa phương Long An thì đa số các bạn SV đều quan tâm đến chính trị. Mặc dù hiện nay vẫn còn một bộ phận không nhỏ các bạn không chú ý đến vấn đề này nhưng để thu hút các bạn thì chúng ta cần tuyên truyền sâu rộng hơn và phải thiết thực hơn.

Cuối buổi giao lưu, anh Bùi Quang Huy cho biết vẫn còn nhiều câu hỏi rất nhưng ban tổ chức và các đại biểu không đủ thời gian để giải đáp cho bạn đọc. Theo anh Huy, qua buổi giao lưu, các đại biểu đã làm việc hết sức nghiêm túc. Số lượng câu hỏi được giải đáp cho bạn đọc vượt cao so với dự kiến. Cho tới giờ phút này chúng tôi nhận được hơn 300 câu hỏi, nó cho thấy sự quan tâm của nhiều bạn đọc trên cả nước.

Anh Bùi Quang Huy cho biết thêm: Đối với những câu hỏi bạn đọc gửi đến nhưng ban tổ chức chưa giải đáp hết, T.Ư Đoàn sẽ chỉ đạo cơ sở đoàn tại địa phương xem xét và giải đáp.

* Một vị khách mời của chương trình hôm nay là ca sĩ Thanh Thúy giờ chót không đến được với buổi giao lưu trực tuyến. Tuy nhiên, ngày hôm qua, ca sĩ Thanh Thúy đã có cuộc trao đổi. 

Ca sĩ Thanh Thúy: Cố gắng xứng đáng là người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa!

* Trước hết, xin chị cho biết cảm xúc khi trở thành một trong 10 gương mặt tiêu biểu xuất sắc được tuyên dương tại Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác lần II - năm 2011 này?

Ca sĩ Thanh Thúy: Thật không có gì có thể diễn tả được cảm xúc của Thanh Thúy vào thời điểm nhận được thông tin này. Đầu tiên là cảm giác ngỡ ngàng, bất ngờ, tiếp theo là dâng trào niềm vui sướng, hạnh phúc và xúc động.

Việc tuyên dương này đã một lần nữa khẳng định sự ghi nhận của các cấp lãnh đạo đối với hoạt động nghệ thuật của Thúy trong thời gian qua, khẳng định lời ca tiếng hát và tình cảm của Thúy, khi thể hiện những ca khúc truyền thống cách mạng, những ca khúc viết về Bác, đã được đón nhận và đi vào lòng công chúng.

Tuy nhiên, đây vẫn là vinh dự mà Thúy khó có thể tin đó là sự thật, vì với Thúy, mình là một người nghệ sĩ, tất cả những gì mình làm chỉ là những đóng góp rất bình thường của công việc, dành cho nghệ thuật, cho đời sống văn hóa của mọi người.

 
Ca sĩ Thanh Thúy (áo dài trắng) trong chương trình Khát vọng trẻ của Báo Thanh Niên hôm 26.3.2011

* Vậy trong thời gian qua, theo chị, những đóng góp nào của chị đáng được ghi nhận nhất?

Ca sĩ Thanh Thúy: Thật sự thì không dám nhận là những đóng góp của mình “đáng được ghi nhận”, mà đó chỉ là những hoạt động nổi bật mà Thanh Thúy đã rất tự hào được tham gia trong thời gian qua, với tư cách là một ca sĩ - chiến sĩ, như những chuyến biểu diễn dài ngày phục vụ chiến sĩ ở Trường Sa, về với người dân các địa phương khó khăn vùng sâu vùng xa, các hoạt động giao lưu văn hóa nhân Năm thanh niên 2011…, và cả quá trình ứng cử và đắc cử đại biểu HĐND TP.HCM khóa VIII… Nhưng nhìn lại những gì đã làm được, Thúy càng mong có thể phấn đấu nhiều hơn nữa để những thành quả đã đạt được sẽ ngày càng phát huy và có ý nghĩa hơn.

* Chị đem đến những gì khi tham gia buổi giao lưu trực tuyến với các đại biểu tham dự Đại hội thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác lần II - 2011?

Ca sĩ Thanh Thúy: Trước hết là đối với các bạn thanh niên được tuyên dương lần này, Thanh Thúy muốn thể hiện sự trân trọng và ngưỡng vọng họ. Đã có một vài cơ hội được tiếp xúc với các bạn, Thúy thật sự hâm mộ những đại diện ưu tú của lớp thanh niên đầy sức trẻ và hoài bão, đóng góp nhiệt huyết của mình trên nhiều lĩnh vực, trong cuộc sống hội nhập hiện nay.

Còn đối với các bạn trẻ, Thúy hy vọng tất cả đều sẽ luôn thể hiện sức trẻ của mình, sống hết mình, cống hiến hết mình và luôn tin vào lý tưởng của mình.

* Là một người nghệ sĩ, theo chị thì những người nghệ sĩ, với đặc thù riêng của nghề nghiệp, làm thế nào để có thể phấn đấu để trở thành những thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác?

Ca sĩ Thanh Thúy: Với Thúy, mỗi hành động có ý nghĩa trong cuộc sống đều có thể trở thành đóng góp tích cực cho xã hội. Bản thân Thúy thì luôn tâm niệm với lời dạy của Bác Hồ rằng mỗi người nghệ sĩ là một chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, và do đó, nhiệm vụ, nghĩa vụ của người nghệ sĩ là đam mê, trân trọng, tuyên truyền và quảng bá những giá trị thực của người Việt Nam. Thanh Thúy sẽ luôn cố gắng xứng đáng là người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa này.

Bên cạnh đó, người nghệ sĩ hôm nay phải có trình độ, nhận thức, ý thức chính trị, lý tưởng, để vững vàng vượt qua mọi khó khăn của cuộc sống, để hoàn toàn tốt danh hiệu “nghệ sĩ” cao đẹp mà xã hội đã trao tặng.