Cô bí thư Đoàn và tổ gặt lúa thuê

13:13 14/05/2014     1898

3 Phong trào   Một tổ gặt lúa thuê độc đáo của cô bí thư chi đoàn ấp ở Vũng Liêm, Vĩnh Long.
Một tổ gặt lúa thuê độc đáo của cô bí thư chi đoàn ấp ở Vũng Liêm, Vĩnh Long.

Mấy năm trước cứ đến mùa thu hoạch lúa là đụng ngay chuyện khan hiếm nhân công, dù trả giá cao gấp 2-3 lần lúa vẫn cứ chín rục chờ người làm. Bức xúc, Lê Thị Kim Phương - bí thư chi đoàn ấp Quang Trạch, xã Trung Chánh, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long - đứng ra thành lập tổ gặt lúa thuê giải quyết phần nào tình trạng khan hiếm lao động trên...

Ăn nên làm ra

Hơn 10 giờ sáng, trên cánh đồng xã Quới An, huyện Vũng Liêm, tổ gặt lúa thuê của cô bí thư chi đoàn ấp khẩn trương làm việc. Ở cánh đồng này có hai thợ luân phiên điều khiển máy cắt lúa. Bên cánh kia trên chục người cắm cúi gặt lúa, rồi nhiều nhân công tất bật đùa bó lúa vô dây chuẩn bị mang ra thùng suốt... “Thủ lĩnh” Phương như con thoi chạy qua chạy lại giữa các cánh đồng, lúc thì kiểm tra xem thợ có cắt lố sang ruộng khác, khi thì chỉ người cắt sạch, gom gọn những nhánh lúa máy cắt bỏ sót rồi trả lời điện thoại “đặt hàng”... Gần 11 giờ trưa, các thành viên của tổ ngưng việc, dùng cơm và nghỉ ngơi để 14 giờ lại tiếp tục công việc.

Nhận giải thưởng của Đoàn - Hội

Ông Phạm Minh Hoàng - bí thư Chi đoàn huyện Vũng Liêm - nhận xét: “Tổ gặt lúa thuê của Phương đã đoạt giải thưởng của Trung ương Đoàn trong việc góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo công ăn việc làm ổn định cho thanh niên, bà con ở thôn quê. Cá nhân Phương đoạt giải thưởng của Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam dành cho cán bộ xuất sắc, tiêu biểu trong lĩnh vực lao động, sản xuất...”.

Phương tâm sự trước khi lãnh cắt lúa thuê ở đâu Phương đều đến khảo sát trước. Ruộng nào lúa đứng thì dùng máy cắt. Ruộng nào lúa sập ngã tứ tung thì cắt bằng tay. “Cắt xong mình phải xuống ruộng kiểm tra kỹ lại, nơi nào lúa còn sót phải đề nghị anh em cắt lại để ruộng sạch, gọn. Bà con ở đây rất tình nghĩa nhưng cũng rất khó tính, làm không tốt khó mong họ thuê mình làm tiếp những vụ sau...” - Phương nói.

Có lẽ nhờ đặt chữ tín lên hàng đầu nên “tổ gặt lúa thuê” của Phương ngày càng ăn nên làm ra, ban đầu chỉ làm quanh quẩn trong vùng, về sau bung rộng lấn sang các xã, huyện, tỉnh lân cận. Phương tâm sự trừ những buổi sinh hoạt Đoàn là có mặt ở cơ quan, còn lại quanh năm trực chiến trên đồng ruộng.

Tổ ăn nên làm ra như thế nhờ một phần vào Đoàn. Qua các buổi giao lưu, sinh hoạt Đoàn mà Phương quen biết nhiều cán bộ ở các xã ban ngành khác. Từ đó Phương nắm được thông tin vùng nào lúa sắp thu hoạch mà tìm đến tiếp thị “tổ gặt lúa thuê”. Cứ thế danh sách khách hàng ngày càng dài ra.

Tạo việc làm ổn định

Tổ gặt lúa thuê được thành lập cách đây bốn năm, gồm khoảng 50 thành viên, trong đó có 16 đoàn viên, còn lại là bà con trong xã. Một số bà con bị dị tật tay, khiếm thính tìm đến tổ Phương cũng nhận vào, sắp xếp làm ở khâu thu gom, khuân vác, đội lúa...

Bình quân mỗi vụ Phương lãnh cắt ba cánh đồng, mỗi cánh đồng 50-60 công, giá mỗi công cắt 120.000 -160.000đ. Khấu trừ chi phí, mỗi thành viên của tổ có thể kiếm được 4-6 triệu đồng/tháng.

Anh Nguyễn Thanh Nam cho biết: “Từ ngày gia nhập tổ gặt lúa thuê, có công ăn việc làm ổn định tôi thoát khỏi cảnh túng bấn. Hồi trước cọc cạch chạy xe đạp đi làm, giờ tôi đã sắm được xe gắn máy...”. Chị Lê Thị Hằng tính: “Vợ chồng chịu khó làm lụng mỗi tháng có thể kiếm được khoảng 8 triệu đồng. Với số tiền trên vợ chồng tôi có thể yên tâm lập nghiệp ở quê, không cần đi làm thuê, làm mướn trên thành phố xa xôi...”.

Thông qua những buổi làm việc trên ruộng đồng, những bài dạy của Bác Hồ về tính thanh liêm, cần kiệm, “thương người như thể thương thân”... cũng được cô bí thư chi đoàn vận dụng, tuyên truyền một cách nhẹ nhàng khéo léo.apple wallpaper , mahjong connect, nhac dj, galaxy s5 wallpaper , xperia z2 wallpaper

Phương nói: “Vui nhất là anh em trong tổ xem đây như nhà. Trước có một vài thành viên nhậu nhẹt, bài bạc, nhưng khi gia nhập tổ anh em khuyên nhủ, hòa mình vào không khí chăm làm của tổ mà dần dần triệt tiêu tính xấu trên. Nhiều thành viên siêng làm, hối thúc Phương lãnh công nhiều để họ tích lũy vốn, xây dựng kế hoạch tương lai...”.