Trần Đăng Khoa trăn trở chuyện “Tam Nông”

11:26 03/12/2011     4478

Xây dựng Đoàn   - Muốn đánh giá hiệu quả của công cuộc đổi mới đất nước thì phải nhìn vào chất lượng đời sống của những người nghèo nhất xã hội là nông dân.

Trần Đăng Khoa phản hồi chủ đề "Tam Nông"


Trần Đăng Khoa

  Mươi năm trước, Trần Đăng Khoa có những nhận định khiến tôi ám ảnh mãi: “Nông dân thời nào cũng rất khổ. Hình như họ sinh ra để khổ. Có cho sướng cũng không sướng được. Có phủ lên vai họ tấm áo bào lộng lẫy của vua thì họ cũng không thể thành được ông vua. Họ có sức chịu khổ đến vô tận. Nhưng mất hoàn toàn thói quen để làm một người sung sướng. Thế mới khổ. Họ khổ đến mức không còn biết là mình khổ nữa…” Có đôi lúc, tôi hy vọng đó là nhận định nhất thời của vị thần đồng. Tôi đem chuyện ấy gợi lại với tác giả “Hạt gạo làng ta”, ông trầm ngâm một hồi rồi tâm sự:

Trần Đăng Khoa: Nông dân thời nào cũng khổ

Khoảng mấy chục năm nay, tôi sống ở thành phố, nhưng mọi mối quan hệ vẫn ở làng quê. Bố mẹ tôi ngoài 90 tuổi rồi vẫn đang sống ở quê. Các cụ không chịu ra thành phố. Tháng nào tôi cũng về quê và cũng nhờ thế mà thấu hiểu được người nông dân. Tôi vẫn thấy “Nông dân thời nào cũng rất khổ”. Điều đó cho đến nay  vẫn là một vấn đề thời sự.

Theo tôi, muốn đánh giá hiệu quả của công cuộc đổi mới đất nước thì phải nhìn vào chất lượng đời sống của những người nghèo nhất xã hội là nông dân. Nếu người nông dân không thay đổi được số phận mình thì công cuộc đổi mới của chúng ta vẫn chưa đạt được hiệu quả đích thực. Ở thành phố hiện nhiều người giàu lên, có anh là tỷ phú và cũng có cả anh là trọc phú. Nhưng người nông dân thì vẫn không giàu.

Theo tôi, hiện nay nước ta có đến 90% nông dân (Con số công bố chính thức của chúng ta là 70%). Nhưng tôi nhìn đâu cũng thấy nông dân cả. Nông dân cày cuốc, nông dân kinh doanh, nông dân làm quản lý, thậm chí có nông dân ở những cấp cao và rất cao. Nhiều anh vô cùng trang trọng, nhưng nhìn cung cách ứng xử của họ thì lại thấy hiện nguyên hình một gã nông dân luộm thuộm và quê mùa.

Ở các làng quê, nhất là vùng sâu, vùng xa, vẫn không ít những nông dân còn trong cảnh bần cùng. Phần lớn họ đang bám đồng ruộng. Cái nan giải nhất hiện nay là nông dân mất đất. Trọn đời, Cụ Hồ chỉ có một mong muốn, “mong muốn tột bậc là ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Cụ đã làm hết sức mình để “người cày có ruộng”. Bây giờ người cày lại đang mất ruộng.

Ở một số vùng nông thôn ven đường lớn, hay ven đô thị, bị thu hồi đất rất nhiều để làm khu công nghiệp, cả khu vui chơi giải trí mà ta quen gọi là du lịch sinh thái. Người nông dân còn bán đất hương hỏa đi. Họ bán với giá rất rẻ. Anh phố thị nào cũng muốn có cái nhà nghỉ, hay trang trại ở quê, chỉ bỏ ra chừng non tỷ bạc là đã có một vùng mênh mông cả nghìn mét vuông đất quê. Người phố đổ về quê để được sống. Còn anh dân quê thì lại phải nhao về thành phố để kiếm sống.

Nhà thơ Trần Nhuận Minh có bài thơ bốn câu viết về thảm cảnh này rất ám ảnh: “Những nông dân không còn ruộng đất – Táp về thành phố - Bán mình trong các chợ người – Định nói một điều – Nhưng rồi tôi im lặng”. Cái “im lặng” của nhà thơ, chúng ta có thể hiểu được. Đấy là một bộ phận. Còn một bộ phận khác may mắn hơn, có nhà, có đất, có việc làm, có chức vụ.

Anh nhà quê ra phố, mang những luộm thuộm, nhơm nhếch của làng quê đi “khai hoá” thành phố. Còn anh thành phố thì lại mang xi - măng sắt thép về bê tông hóa làng quê. Thế là tất cả nháo nhào. Rốt cuộc là hỏng ráo cả. Hiện nay, chúng ta đang quan tâm rất nhiều tới việc quy hoạch đô thị, có nhiều chiến lược, kế sách. Nhưng thử hỏi chúng ta có được bao nhiêu công trình, đề tài, bao nhiêu tâm huyết của lãnh đạo quan tâm tới nông thôn?

Cho nên, tôi có cảm giác nông thôn hiện nay phát triển rất lộn xộn mang tính tự phát. Nhơm nhếch và hoang dại một cách rất hiện đại. Nhà văn hoá lớn Hữu Ngọc có nhiều năm hoạt động trong Quỹ Thuỵ Điển. Ông quan tâm nhiều tới những ngôi nhà mang đặc tính thôn quê, để rồi tìm cách tài trợ, phục dựng những ngôi nhà đó.

Và rồi, khi đi khảo sát, ông phát hiện ra rằng chỉ còn một nơi giữ được, là làng Đường Lâm (Hà Nội). Nhưng Đường Lâm giữ lại được không phải vì người dân có ý thức, mà là vì nghèo, chẳng có nghề gì ngoài nghề tráng bánh đa và kẹo kéo. Nghề kẹo kéo, bánh đa thì không thể phá làng được. Và ông Hữu Ngọc có kết luật rất đau xót: “May mà cái nghèo đói đã cứu được cả một mảng văn hóa đang bị hủy diệt”.

Ây dà dà...


Tôi xin nhấn lại rằng, nguy nan nhất ở nông thôn hiện nay là mất đất. Công nghiệp hoá thì rất tốt. Đó là chủ trương đúng nhưng chúng ta phải tính xem thế nào.Tại sao không lấy những vùng đồi, vùng đất cằn không phát triển được nông nghiệp để xây dựng Khu công nghiệp, mà cứ lấy khu “bờ xôi ruộng mật” của nông dân? Bây giờ, cứ thử đi từ Hà Nội về Hải Phòng mà xem, những “cánh đồng thẳng cánh cò bay” cũng đã “bay” hết rồi.

** Việc đưa các khu công nghiệp, nhà máy lên vùng đồi, tránh xa vùng “bờ xôi ruộng mật”, có thể nói ai cũng nhận ra, cũng nhiều người kiến nghị rồi, nhưng tại sao chúng ta vẫn không làm được. Ông lý giải thế nào về vấn đề này?

Nhiều người đều nhận ra mà rồi điều đáng tiếc vẫn cứ xảy ra. Nếu tôi nhớ không nhầm thì người đầu tiên đặt ra vấn đề này thẳng thắn trên báo chí là nhà thơ Trần Nhuận Minh, lúc đó là đại diện báo Tiền Phong tại Quảng Ninh, trò chuyện với ông Hà Văn Hiền, lúc ấy là Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh.

Bài đã đăng trang đầu tạp chí Văn nghệ Quân đội từ thập niên 90 của thế kỷ trước, khi đó, các Khu công nghiệp còn chưa nhiều. Nội dung bài báo đó, còn được đài phát thanh và  truyền hình Hà Nội dàn dựng với nhiều cảnh quay rất có sức thuyết phục, nhưng hình như những người có trách nhiệm, chả mấy ai nghe. Ông Hà Văn Hiền nhiều năm là Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc Hội. Nếu ông quan tâm hơn, tiếng nói của ông sẽ có trọng lượng về vấn đề này.

Còn vì sao có hiện trạng nông dân mất đất ư? Có gì đâu. Vì ở đó tiện đường, dễ xây dựng cơ sở hạ tầng. làm họ giảm được một nửa tiền đầu tư. Và khi Khu công nghiệp vào vận hành, lại thuận lợi về vận tải và tiện cho việc quảng bá sản phẩm mà lại giảm được đầu vào, hạ được giá thành để tăng lợi nhuận. Đối với nhà sản xuất, đấy là vấn đề sống còn của họ, nên họ làm bằng được, và có nhiều biện pháp để làm.

Vì thế mà họ ép những người có trách nhiệm. Họ có nhiều cách ép rất hiệu quả để thực hiện bằng được ý muốn. Trong khi ta cứ nhân nhượng rồi lại nhân nhượng. Cuối cùng ta  mất đất màu cho họ, cũng là điều dễ hiểu. Mà đất trồng lúa, phải qua hàng ngàn năm canh tác mới tạo ra được.

Gần đây, trong buổi phát biểu góp ý cho văn kiện Đại hội Đảng, ở Đại Hội Đảng bộ Đài TNVN, tôi đã nói một ý: Chúng ta phải chọn và tìm được người lãnh đạo có tầm nhìn xa, tầm nhìn vượt nhiệm kì. Còn nếu tầm nhìn chỉ ở một hoặc hai nhiệm kỳ thì chúng ta chỉ giải quyết được những vấn đề trước mắt, mang tính vụ lợi cho một người hoặc một nhóm người, rồi hết nhiệm kỳ thì “hạ cánh an toàn”, còn mọi hậu quả, con cháu gánh chịu.

** Tức là vấn đề mấu chốt vẫn là người lãnh đạo?


Đúng vậy! Chúng ta cần những người có tầm nhìn 20, 50 năm, thậm chí là cả trăm năm để mà giải quyết vấn đề trước mắt về nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Tôi đi các nước thì thấy rằng, giữa nông thôn và thành phố không khác xa bao nhiêu. Thậm chí không phân biệt được đó là làng quê, nếu không có tiếng gà gáy. Quy hoạch của họ rất tốt, họ rất quan tâm tới nông thôn, nông dân và có tầm nhin xa, rất quy củ, khoa học về mặt chiến lược. Còn chúng ta lại thiếu hẳn cái đó.

Số phận người nông dân, có thể bị đẩy vào thảm kịch là vì vậy. Thậm chí có cả những thảm kịch nhìn bên ngoài không dễ thấy được. Cái giàu của nông dân là cái giàu giả. Trước mắt, anh bán được ít đất, có thể mua được xe máy, thậm chí có người còn tậu được cả ô tô. Nhưng, ôtô xe máy để làm gì? Trong khi trong nhà rỗng tuếch và con cái không có tiền ăn học. Đấy là những  lạc quan bi kịch mà hậu quả thì rất khó lường. Làng quê đã vỡ...

** Làng vỡ? Tôi nhớ, đã lâu lắm, có lẽ chừng 15 năm trước, ông viết một tiểu phẩm ngắn có tên là “Vỡ làng”. Trong đó, ông chỉ kể những chuyện vui thôi, nhưng ngẫm ra không thiếu những giọt nước mắt đau xót...

Đúng vậy! Bây giờ chuyện ấy vẫn là vấn đề nan giải. Cũng may, nhờ kết quả của công cuộc đổi mới, nhiều vẻ đẹp của phong tục cũ đã được khôi phục. Nhưng rồi cũng có người lại lợi dụng sự thông thoáng đó để trục lợi. Ví dụ như việc xây chùa chiền, đền miếu chẳng hạn. Bên cạnh ngôi chùa lớn, thấy có nhiều khách hành hương. Thế là người ta “cấy” thêm rất nhiều ngôi chùa le ve bên cạnh để thu công đức. Cái đó lại không ổn rồi. Nó làm băng hoại văn hoá chứ đâu phải tâm linh. Ngay cả văn hoá tâm linh ở làng quê cũng đang vỡ. Nhìn ở góc độ người làm văn hoá, tôi lo lắm. Nhưng điều đáng lo hơn là dường như chẳng có ai để ý, nhất là những người làm công tác quản lý, lãnh đạo. Điều đó mới thật đáng quan ngại.

** Hồi bé, ông viết: “Hạt gạo làng ta/ Gửi ra tiền tuyến”. Gửi gạo ra tiền tuyến, là để nuôi quân đánh giặc, giành lấy giang sơn. Bây giờ, không còn giặc ngoại xâm nữa thì hạt gạo làng ta “gửi” ra thế giới, nuôi cả một phần nhân loại nhưng như ông nói thì chính người làm ra hạt gạo còn nghèo quá, nhiều vùng còn đói nữa. Cái nghịch lý này sao tồn tại dai dẳng vậy, thưa nhà thơ “Hạt gạo làng ta”?

Hiện nay, đúng là chúng ta xuất khẩu gạo đứng thứ nhì thế giới thật. Rồi có thể chúng ta sẽ đứng đầu thế giới về xuất khẩu mồ hôi nước mắt. Nhưng như thế không có nghĩa là đời sống người nông dân chúng ta giàu nhất nhì thế giới.

Bởi làm ra hạt gạo khổ lắm. Mà giá gạo lại rất rẻ. Một tấn thóc bây giờ nếu quy ra tiền thì đáng bao nhiêu đâu. Ở ngoại thành Hà Nội, có một gia đình nông dân, cả một vụ mùa đầu tắt mặt tối, trừ chi phí tất cả chỉ còn lãi được có 500.000 đồng. Năm trăm nghìn đó thì làm được gì? Sao nuôi con ăn học được? Rồi còn việc ma chay, giỗ tết và trăm thứ ở làng nữa, chị nông dân ấy trông vào đâu?

Có một cảnh rất đau lòng. Một gia đình cưới con, nhận được phong bì mừng, nhưng không có tiền mà chỉ có một mảnh giấy với mấy dòng chữ: “Tôi mừng cháu 100.000 đ. Nhưng đợi đến mùa, bán được thóc, tôi sẽ trao”. Chúng ta xuất khẩu gạo, nhưng cũng cần nghĩ đến việc đầu tư trí tuệ vào gạo. Ví như sản xuất được một loại gạo có khả năng chống  béo phì, một căn bệnh mà thế giới rất sợ hãi chẳng hạn. Chỉ có thế, hạt gạo của chúng ta mới đắt giá.

Và như thế, có thể nói rằng, chỉ khi nào chúng ta xuất khẩu được trí tuệ thì Việt Nam mới thật sự cất cánh. Một sản phẩm công nghệ của trí tuệ chỉ vài lạng thôi nhưng có khi bằng cả chục tấn thóc gạo của người nông dân chân lấm tay bùn. Nhưng nói gì thì nói, chúng ta cũng không thể bỏ cây lúa được.

Điều quan trọng là chúng ta làm thế nào để đời sống của người nông dân giàu lên? Vai trò của người nông dân rất quan trọng. Hãy cứ xem trong cuộc kháng chiến, con em ai hy sinh nhiều nhất? Tất nhiên là con em nông dân. Bây giờ, vẫn còn hàng vạn con em nông dân nằm dưới lòng đất mà không tìm thấy hài cốt. Cho nên, chúng ta phải nghĩ ra cách nào đó để người nông dân có thể sứơng được, giàu được thì sự hy sinh ấy mới có ý nghĩa. Làm sao để họ có thể sống được, sống đàng hoàng trên chính mảnh đất của mình.

** Nếu mượn lời của một Tiến sĩ có danh phận để “nói lại” với ông rằng, một bộ phận nông dân không nhỏ của chúng ta còn lười nên dẫn đến nghèo khó, ý kiến ông ra sao?

Tất nhiên cũng có người nghèo vì lười. Nhưng nông dân mình  tuyệt đại bộ phận không lười đâu. Nếu ai đó nói nông dân mình lười, tôi phản bác ngay. Nhưng chỉ có điều, họ đổ mô hôi rất nhiều mà hiệu quả lại rất thấp. Vấn đề là ở đó. Và ở chỗ này, người nông dân không tự lo cho mình được, vì thế mới cần đến các nhà khoa học, các nhà lãnh đạo, quản lý….

** Thưa ông, giả dụ bây giờ đặt ông vào vị trí lãnh đạo một địa phương, ông sẽ làm gì để người nông dân mình bớt khổ?

Tất nhiên điều đó không bao giờ xảy ra (cười). Chúng ta không nên bàn chuyện ở trên giời. Tuy nhiên, những đấng cứu thế có khi vẫn đang nằm ở trong dân. Chúng ta cũng đã từng có một Kim Ngọc đó thôi. Vẫn đề làm sao để cho đời lại xuất hiện những Kim Ngọc mà không bị “đứt gánh”....

** Còn trong văn học thì sao? Thực tế chứng minh rằng, những tác phẩm hay nhất, thăng hoa nhất là những tác phẩm về nông thôn, thân phận người nông dân. Nhưng gần đây, nói theo một nhà văn có tên tuổi, thì chính các nhà văn nhà thơ cũng đang rời xa nông thôn mà đang chạy theo vuốt ve thành thị. Là một nhà thơ, ông thấy nhận xét ấy thế nào?

Theo tôi, những sáng tác hay nhất của chúng ta vừa qua vẫn là về đề tài nông thôn. Người đầu tiên viết hay về nông thôn phải nói đến các cụ Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Phạm Duy Tốn, rồi đến Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Bính… Sau này là Nguyễn Kiên, Nguyễn Thị Ngọc Tú, Đào Vũ, Ngô Ngọc Bội, Lê Lựu, Nguyễn Khắc Trường, Trần Nhuận Minh, Nguyễn Duy, Phạm Công Trứ… và gần đây nhất trong giới trẻ là Nguyễn Ngọc Tư….

Đến bây giờ, tôi vẫn cho rằng, đề tài nông thôn không hề kém hấp dẫn. Đấy vẫn là mảnh đất màu mỡ. Hi vọng ở đó, chúng ta sẽ có những tác phẩm lớn. Nông thôn vẫn gắn bó xương cốt với người viết, là vùng người viết thông thạo hơn cả. Trở về vùng đất màu mỡ ấy, hi vọng chúng ta mới có được những vụ mùa văn chương. Còn có ý kiến cho rằng văn sĩ quay lưng với nông thôn, vuốt ve thành thị thì tôi cho rằng cái đó không hẳn đâu. Tôi không tin như thế.

Còn việc nhà văn sống ở đâu thì không quan trọng. Cái quan trọng là người đó có am tường nông thôn không và họ đã viết như thế nào. Tất cả những gì đã có, dù ít dù nhiều cũng cho chúng ta niềm hy vọng. Có phải thế không?/.
 

 
Bình luận


    Vân Vân - vanvan_67@gmail.com
 Bạn Nguyễn Học thân mến!

    Không phải vì yêu anh Khoa mà tôi bênh vực cho anh. Xin đừng xét nét quá. Ghi nhận ở đây là sự đồng cảm của một nhà thơ, nhà báo với cuộc sống của nông dân. Còn nói ở khía cạnh tuyệt đối thì không phải. Nông dân bây giờ cũng khổ nhưng không phải cái khổ của mấy chục năm về trước. Chuyện sản xuất nhỏ hay sản xuất lớn nông dân không tự quyết được, nhất là ở những vùng mà diện tích quá ít. Nói gì thì nói, đa phần nông dân vẫn phải bám với đồng đất. Có thể nơi này nơi kia nông dân cho thuê ruộng cho doanh nghiệp sản xuất, nhưng không ai cho thuê cả , rồi ngồi không chờ lấy tiền thuê mà ăn.
    Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi là chủ trương đúng, nhưng cái đó chưa nhiều. Nông dân thường bị đem ra làm thí nghiệm.Lúc thất bại thì lại chính mình lãnh đủ.
    Tìm ra một hướng chuyển đổi đúng để nâng cao giá trị sản phẩm trên cùng một diện tích là trách nhiệm của chính quyền, của ngành nông nghiệp, những người ăn lương từ tiền thuế của dân. Nông dân sáng tạo bây giờ cũng nhiều nhưng chưa thể quyết định. Cần chính sách mang tầm vĩ mô của nhà nước, cần sự đầu tư cơ bản của nhà nước cho cơ sở hạ tầng kinh tế là một yêu cầu bức thiết.
    Không thể trông chờ vào việc góp lúa làm đường giao thông, vì nếu vậy, chỉ có thể làm được những con đường nhỏ, giao thông nông thôn. Trông cậy vào chút nội lực này không thể làm nên trò trống gì. Nhà nước phải đầu tư cơ bản, nông dân với bản chất cần cù của mình sẽ sáng tạo nên kỳ tích. Trước hết là cho gia đình mình. Nếu 70% dân số ấy đều tự làm giàu được thì lo gì đất nước không giàu.

    Lê Mai- Maile@yahoo.com
 Tôi đọc đến ba lần bài trao đổi của anh Khoa. Hay và thấm thía vô cùng. Những ý kiến bạn đọc cũng rất sâu sắc. Cám ơn khâu đột phá mới của Đài để có một diễn đàn cởi mở cho dân. Tôi đã copy lại trang này in gửi cho mấy bạn hưu của tôi và cả mấy ông bạn đương chức cùng đọc và suy ngẫm. Cảm ơn TĐK và quý đài. Tôi là bạn đọc của K đã gần nửa thế kỷ nay. Chú K xuất hiện ở đâu cũng là tâm điểm của sự chú ý

    NGUYỄN NHƯ KHUÊ- ngnhkhue@mail.ru
     Rất hay và từ lâu lắm rồi mới được đọc những bài nhận xét hay như thế này.Rất mong nhà Đài VOV mở những bài phỏng vấn hoặc lược ghi những ý kiến của nhà thơ Trần Đăng Khoa thường xuyên hơn Rất chí lý,rất thâm thúy và càng suy nghĩ càng thấy hay từng câu từng chữ HY VỌNG 1 THÁNG ĐÔI LẦN ĐƯỢC ĐỌC NHỮNG BÀI NHƯ THẾ NÀY

    Nguyễn Học- hocthaitan@gmail.com
  Anh Khoa giờ không còn làm thơ, lại sang bàn chuyện nông dân, nông nghiệp, nông thôn, e rằng anh là cầu thủ bóng chuyền lại chuyển sang đá bóng rồi. Bởi vì em thấy anh hiểu về nông dân còn sơ sài, hiểu về nông nghiệp, nông thôn còn hạn hẹp và không cập nhật, thực tế. Cách hiểu của anh còn "trên trời" lắm, cuộc sống và những vận động ở nông thôn và vận động trong tư duy người nông dân Việt Nam hiện nay không phải như anh nghĩ đâu anh Khoa ạ. Phải chăng anh có ít thời gian tiếp xúc với nông dân, nông nghiệp nông thôn và anh cũng phải mất nhiều thời gian cho Thơ, cho Truyện ngắn, cho việc quản lý ở VOV mà anh thiếu thực chế, chất nhựa đời sống chăng? Âu cũng là dễ hiểu. Chỉ một ví dụ nhỏ thôi, anh cho rằng cái nguy cơ hiện nay ở nông thôn là mất đất. Thưa anh, cái nguy cơ anh nói ấy nó không phải nguy cơ nữa mà nó trở thành cái phổ biến rồi. Nhưng, nếu anh chịu khó sống lâu hơn với nông thôn thì anh thấy rằng, bây giờ ở nhiều nơi, người nông dân không còn mặn mà với cái tư tưởng "làm chủ ruộng đất" nữa, mà họ cho các Doanh nghiệp, HTX thuê lại chính mảnh ruộng của họ để người ta tổ chức sản xuất lớn, quy mô hơn, thuận lợi hơn, năng suất hơn... Anh đã chứng kiến cánh đồng mẫu lớn ở An Giang, hay anh đến DN cƯỜNG TÂN ở Nam Định để thấy người ta đã tích tụ ruộng đất và sản xuất quy mô lớn như thế nào? Vì anh không đi sát vào thực tiễn với Nông dân (Nhất là khái niệm về Nông dân của anh khi anh nói ra không được chính xác) nông nghiệp, nông thôn cho nên, những phát biểu của anh, dù mới nghe thì rất kêu, rất hay, nhưng em xin lỗi nói thẳng với anh rằng, đó là những từ chỉ của nhà văn và theo lăng kính của nhà văn thôi anh ạ. Nó khác xa với những gì đã và đang có, đang xảy ra hiện nay. Nói một cách lí luận, là anh chưa đi vào bản chất vấn đề, mà anh mới chỉ hời hợt đi vào hiện tượng (đã bị bóp méo) Nói về đề tài Nông thôn, em có thể nói với anh nhiều, sẽ hẹn vào dịp khác, song với tư cách là người mê thơ anh (thời anh 11 tuổi về trước), em cũng mong anh có nhiều thực tế với Nông dân hơn để hiểu đúng về họ cũng như hiểu chính xác hơn về Nông nghiệp hiện nay. Chúc anh mạnh khỏe và có thêm nhiều "Hạt gạo làng ta" Nguyễn Học 0918.337.566

    TRẦN ĐĂNG KHOA- vov.khoa06@gmail.com
 Trước hết, tôi xin chúc mừng trang điện tử của Đài đã có những đổi mới thú vị, đưa tờ báo đến gần hơn với đời sống nhân dân. Tờ báo đã là diễn đàn cởi mở của đông đảo bạn đọc, không phải chỉ là xứ sở riêng của các nhà báo. Bài viết của tôi xoàng thôi, nhưng lời bàn các vị rất hay. Nó gợi cho người đọc và cả những người làm công tác quản lý nhiều suy nghĩ. Tôi đã nói, Các đấng cứu thế vẫn đang ở trong dân. Vì chúng ta đã từng có một Kim Ngọc đó thôi. Chỉ có điều phải làm sao để những Kim Ngọc thời kỳ đổi mới đất nước có điều kiện xuất hiện mà không bị đứt gánh...Chúng ta cũng cần ghi nhận rằng, trong những năm qua, Đảng, Chính phủ cũng đã đưa ra nhiều quyết sách, nhiều giải pháp để đưa đất nước thoát ra khỏi đói nghèo. Tuy nhiên, một người hay một tập thể lãnh đạo dù có giỏi đến thế nào cũng không thể nghĩ thay tất cả. Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn linh đã từng nhắc lại lời Chúa trong Kinh Thánh: "Hãy tự cứu mình, trước khi Trời cứu". Vậy rất mong các quý vị hãy cùng các nhà quản lý suy nghĩ, tìm cách tháo gỡ khó khăn, đưa đất nước thoát khỏi lạc hậu và đói nghèo. Hy vọng Diễn đàn này sẽ là một bầu khí quyển lành mạnh, nơi gặp gỡ, hội tụ những trí tuệ sáng suốt nhất, thông minh nhất và cũng vô tư nhất. Tôi chỉ là người "mồi chuyện" thôi. Giống như Mẹ Đốp trải chiếu ra Đình mời "Các cụ" đến ngồi luận bàn. Và bây giờ thì chiếu đã trải, xin kính mời "các cụ" lên tiếng!
    Xuân Trường- Truongxuan@yahoo.com

    Tôi hiểu sự bức xúc của bạn Kim Hà- hgd_1@yahoo.com. Nhưng bắt anh Khoa vạch đường chỉ lối cho nông dân hết khổ thì cũng tội cho anh .Ngưòi làm báo chỉ làm vai trò phát hiện và phát biểu, gợi vấn đề cho xã hội. Chính sách gì cho nông dân bớt khổ( chứ tôi không dám nói hết khổ) là trách nhiệm của người lãnh đạo chính quyền.

    Cho nên tôi thấy cứ viết thế này cũng chẳng ăn thua. Đúng là khó quá nhỉ. Tôi cũng là con em nông dân, tôi hiểu lắm chứ. Ba mẹ tôi 70 tuổi vẫn còn ra đồng đấy. Bởi ở nông thôn, không lao động thì làm gì. Vừa có thêm thu nhấp vừa đỡ khó chịu vì không quen ngồi không làm gì. Nhưng nói như anh KHoa" Cho học sướng họ cũng không muốn sướng " thì hơi quá lời rồi. Ai lại không muốn sướng kia chứ. Nhưng mà để có cuộc sống sung sướng ở nông thôn khó lắm. Đất ít, vốn thiếu, kiến thức thiếu, người nông dân đang tự mình bơi giữa cuộc mưu sinh. Đồng ruộng bây giờ chỉ còn ông bà già thôi, người trẻ bỏ quê đi tha phương ở thành phố hết rồi. Tôi đã gặp nhiều người như vậy. Biết là không giàu có gì nhưng lại có đồng ra đồng vào nuôi con ăn học. Họ đang hy sinh đời bố củng cố đời con mà. Có người nuôi 3 con học đại học, là cũng chừng ấy thời gian làm thuê ở thành phố.

    Tôi đồng tình với anh Khoa: Thước đo sự giàu có của một quốc gia là hãy nhìn vào cuộc sống của nông dân. Vì họ chiếm tới 70% dân số cơ mà. Tôi thấy có vị lãnh đạo khi mới lên, cũng ra vẻ quan tâm đến " bữa cơm của nông dân có con cá chưa, có quả trứng chưa?".  Nhưng khi đã yên vị, có mấy khi bác về với nông dân đâu.

    Lê Tuấn- tuanln323@yahoo.com
 Tôi không đồng tình ý kiến của Kim Hà, nói như bạn thì bạn chả hiểu gì về nội dung bài viết này và tâm sự của Anh Khoa.

    Nguyễn Xuyến- Qn - xuyenqn@gmail.com
 Dẫu có giàu có đến đâu, người dân Việt Nam vẫn ăn cơm. Nhìn chiếc bóng người nông dân liêu xiêu trên đồng ruộng đáng thương lắm.Anh Khoa nói về nông thôn hay thế, còn chỗ đâu cho người khác viết nữa. Vấn đề nông dân, xưa nay ai chả biết họ khổ. Ngay như chúng ta, mang tiếng ra thành phố bao nhiêu năm nhưng vài tháng lại về quê một lần để thăm bố mẹ, anh em, khi trở về thành phố bao giờ cũng thích mang tí quà quê- những thứ quà của đồng đất quê nhà. Mấy trái khế, năm ba trái vả, quả khóm( dứa), khi thì mẹ cho con gà... đi ngang cánh đồng thấy trẻ con bắt cá, dừng lại mua mấy con, nhìn trẻ con được mấy đồng mừng rối rít. Thương lắm. Những nông dân mất đất, phải vào thành phố làm thuê, sống vật vạ trong những con hẻm nhỏ, mùa đồng Hà Nội, rét buốt, những nông dân ở chợ người chỉ phong phanh vài lớp áo mỏng, kiếm mấy cành cây khô đốt lửa sưởi ấm chờ người thuê cũng bị người thành phố kiếm chuyện , có phóng viên còn viết bài phê bình là ảnh hưởng mỹ quan thành phố ... Cái khổ của nông dân, lẽ nào lãnh đạo các cấp từ thấp lên cao không biết, nhưng tôi vẫn thấy các chính sách của nhà nước đưa ra không sát lắm. Những con số báo cáo tròn trĩnh về tỉ lệ xóa đói giảm nghèo, chuyện làm giàu ở nông thôn, nhiều khi đã được mông má rồi. Các vị lãnh đạo vê địa phương đi xe ô tô xịn làm sao biết được sự thật. Chuyện cán bộ vi hành để hiểu dân ít quá. Cán bộ địa phương thì chỉ lo kiếm chút ít vốn liếng rồi lại lên thành phố mua đất, tậu nhà thì còn ai lo cho nông thôn, nông dân nữa chứ.
vov.vn/Home/Tran-Dang-Khoa-phan-hoi-chu-de-Tam-Nong/201112/193295.vov