Thanh niên với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo tư tưởng V.I.LêNin: Giá trị và ý nghĩa thời đại

16:15 22/04/2020     40924

Xây dựng Đoàn   Web.ĐTN: Kế thừa và phát triển quan điểm của C.Mác, Ph.Ăngghen về thanh niên, V.I.Lênin luôn đánh giá cao vai trò của thanh niên. V.I.Lênin coi những người vô sản trẻ tuổi chẳng những là đội quân hậu bị hùng mạnh của cách mạng, mà còn là những chủ nhân tương lai của đất nước.

Trong hệ thống di sản của V.I.Lênin, tư tưởng về thanh niên, công tác thanh niên và tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản của Người đến nay còn nguyên giá trị và tính thời sự, gợi mở và định hướng cho Đảng Cộng sản Việt Nam những chỉ dẫn quan trọng trong hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo công tác thanh niên, các tổ chức thanh niên và trực tiếp là Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Đồng thời, còn là cẩm nang và kim chỉ nam cho Đoàn TNCS Hồ Chí Minh qua gần 9 thập kỷ trong triển khai công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi; gợi mở cho thanh niên Việt Nam nhiều bài học, giá trị mới để tu dưỡng, rèn luyện, phát triển, hoàn thiện bản thân và thực hiện lời dặn của Bác Hồ “đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”.

 

Vladimir Ilyich Lenin. Ảnh: Tư liệu TTXVN

 

Kế thừa và phát triển quan điểm của C.Mác, Ph.Ăngghen về thanh niên, V.I.Lênin luôn đánh giá cao vai trò của thanh niên. V.I.Lênin coi những người vô sản trẻ tuổi chẳng những là đội quân hậu bị hùng mạnh của cách mạng, mà còn là những chủ nhân tương lai của đất nước. Tương lai của chủ nghĩa cộng sản thuộc về thanh niên, thanh niên là người xây dựng chủ nghĩa cộng sản. V.I.Lênin lưu ý những người cộng sản bônsêvích rằng không một giây phút nào được nghi ngờ vào khả năng hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ cách mạng của thế hệ trẻ mà các thế hệ trước đây chưa kịp hoàn thành; các thế hệ tương lai nhất định sẽ tiếp tục cuộc đấu tranh để giải phóng nhân loại dưới ngọn cờ chiến đấu của chủ nghĩa cộng sản khoa học. Trong bài diễn văn “Nhiệm vụ của Đoàn Thanh niên” tại Đại hội III toàn Nga của Đoàn Thanh niên Cộng sản Nga ngày 02/10/1920, ngay trong phần đầu bài diễn văn, V.I.Lênin khẳng định: “nhiệm vụ thật sự xây dựng xã hội cộng sản chủ nghĩa, chính là của thanh niên”1.

Bởi vì, theo Lênin: “thế hệ những người lao động được đào tạo trong xã hội tư bản chủ nghĩa, thì giỏi lắm chỉ có thể giải quyết được nhiệm vụ phá hủy nền móng của chế độ tư bản già cỗi dựa trên sự bóc lột... và đặt được một nền móng vững chắc, trên đó chỉ có thế hệ khởi công trong những điều kiện mới... mới có thể xây dựng được”2. Vì vậy, trong cả tư tưởng và hành động, V.I.Lênin luôn kêu gọi, tập hợp, giác ngộ và cổ vũ thanh niên tham gia cách mạng; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, sẵn sàng giao nhiệm vụ và tạo điều kiện để họ được học tập, lao động, cống hiến… Tiếp đó, Người nhắn nhủ thanh niên: “Thế hệ trước có nhiệm vụ phải lật đổ giai cấp t­ư sản... Thế hệ mới có một nhiệm vụ phức tạp hơn... Các đồng chí phải xây dựng xã hội cộng sản chủ nghĩa... Quá khứ đã bị phá hủy... nó chỉ còn là một đống điêu tàn, đó là điều cần thiết. Mảnh đất đã được dọn sạch và chính trên mảnh đất đó thế hệ thanh niên cộng sản phải xây dựng xã hội cộng sản chủ nghĩa”3.

Người cho rằng, một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Đoàn Thanh niên Cộng sản là phải đoàn kết, tập hợp tất cả các tầng lớp thanh niên trong công cuộc xây dựng và bảo vệ chính quyền non trẻ, xây dựng xã hội mới và cho rằng: “Tất cả nam nữ thanh niên đều phải là những người xây dựng xã hội cộng sản chủ nghĩa mà các đồng chí là những người đầu tiên trong số hàng triệu người xây dựng đó. Nếu các đồng chí không lôi cuốn được toàn thể quần chúng thanh niên công nông vào sự nghiệp xây dựng đó, thì các đồng chí sẽ không thể xây dựng xã hội cộng sản chủ nghĩa được”4.  

Để hoàn thành sứ mệnh đó, nhiệm vụ hàng đầu của thanh niên là “học tập, học chủ nghĩa cộng sản” và “học, học nữa, học mãi”. Học chủ nghĩa cộng sản, xây dựng xã hội cộng sản chủ nghĩa, theo V.I.Lênin là công việc, sự nghiệp lâu dài, khó khăn, gian khổ, phức tạp không thể chỉ một thế hệ, một thời gian ngắn... Do đó, V.I.Lênin nhắn nhủ thanh niên: “Chúng ta chỉ có thể xây dựng chủ nghĩa cộng sản từ tổng số những kiến thức, các tổ chức và thiết chế bằng cái số dự trữ nhân lực và vật lực mà xã hội cũ đã để lại cho chúng ta”5. Vì vậy, phải học từ trong quá khứ, trong truyền thống, chắt lọc tri thức cũng như kế thừa tất cả những gì tốt đẹp, phù hợp của thế hệ trước để bảo vệ và xây dựng xã hội mới, xã hội cộng sản chủ nghĩa. Tất nhiên, việc hấp thụ toàn bộ kiến thức của nhân loại phải được nghiền ngẫm lại trên quan điểm giáo dục hiện đại chứ không phải là những điều thuộc lòng. Nếu thế hệ trẻ “chỉ thấm nhuần một cách giáo điều những điều đã viết trong các sách vở nói về chủ nghĩa cộng sản thì sẽ là một sai lầm rất lớn”6. Từ đó, V.I.Lênin đưa ra một thông điệp như một di huấn chính trị đối với thanh niên: “Người ta chỉ có thể trở thành người cộng sản khi biết làm giàu trí óc của mình bằng sự hiểu biết tất cả những kho tàng trí thức mà nhân loại đã tạo ra”7.

Mặt khác, theo V.I.Lênin, học chủ nghĩa cộng sản còn là phải học tập và rèn luyện đạo đức cộng sản, mà theo Người: “đạo đức đó là những gì góp phần phá hủy xã hội cũ của bọn bóc lột và góp phần đoàn kết tất cả những người lao động chung quanh giai cấp vô sản đang sáng tạo ra xã hội mới của những người cộng sản”8 và “đạo đức của chúng ta hoàn toàn phục tùng lợi ích đấu tranh giai cấp của giai cấp vô sản. Đạo đức của chúng ta là từ những lợi ích của cuộc đấu tranh giai cấp của giai cấp vô sản mà ra”9.

Từ đó, V.I.Lênin yêu cầu thanh niên phải biết phấn đấu, biết hy sinh, cống hiến vì sự nghiệp chung của cách mạng, thanh niên phải học trong thực tiễn tham gia đấu tranh cách mạng, phải đặt lên hàng đầu việc giáo dục cho thanh niên thế giới quan cách mạng hoàn chỉnh và triệt để, phải gắn việc học tập chủ nghĩa cộng sản của thanh niên với sự nghiệp cách mạng của đảng cộng sản, của giai cấp công nhân, với thực tiễn phong trào cách mạng. Người cho rằng: “Không có công tác, không có đấu tranh, thì kiến thức sách vở về chủ nghĩa cộng sản rút ra từ các sách và các tác phẩm về chủ nghĩa cộng sản, sẽ không có một chút giá trị nào cả, vì rằng kiến thức đó cũng chỉ là tiếp tục tách rời giữa lý luận và thực tiễn…”10.

Nói chuyện với đoàn viên dự Đại hội III toàn Nga của Đoàn Thanh niên Cộng sản Nga, V.I.Lênin đã nhấn mạnh và tin tưởng vào thế hệ thanh niên sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa cộng sản: “Trước mắt các đồng chí là nhiệm vụ xây dựng và các đồng chí có thể làm tròn được nhiệm vụ đó, khi đã nắm vững được tất cả những kiến thức hiện đại, biết biến chủ nghĩa cộng sản từ những công thức, những lời dạy, những phương pháp, những chỉ thị, những cương lĩnh có sẵn và học thuộc lòng thành cái thực tế sinh động, là cái kết hợp với công tác trực tiếp của các đồng chí, khi các đồng chí đã biết lấy chủ nghĩa cộng sản làm kim chỉ nam cho công tác thực tiễn của mình”11. Như vậy, có thể thấy, nhiệm vụ hàng đầu của thanh niên là học tập để có tri thức hiện đại, toàn diện và đạo đức cộng sản.

Về trách nhiệm của Đoàn Thanh niên Cộng sản trong việc giáo dục và học chủ nghĩa cộng sản cho thanh niên, theo V.I.Lênin, Đoàn Thanh niên Cộng sản chính là trường học kế thừa cách mạng của các thế hệ, là trường học của sự đoàn kết, bảo vệ lợi ích của thế hệ trẻ, giáo dục, đào tạo và tôi luyện thế hệ trẻ; giáo dục thanh niên là nhiệm vụ trung tâm, chi phối mọi hoạt động của Đoàn. Phát biểu tại Đại hội III toàn Nga của Đoàn Thanh niên Cộng sản Nga, V.I.Lênin đặt câu hỏi: Học chủ nghĩa cộng sản! Vấn đề Thanh niên cần phải học chủ nghĩa cộng sản như thế nào đã được trả lời: Thanh niên cần phải học chủ nghĩa cộng sản trong một trường học riêng của mình; trong một tổ chức độc lập. Tổ chức đó chính là Đoàn Thanh niên Cộng sản. Chính vì vậy, Đoàn Thanh niên phải biết tổ chức công tác của mình để gắn liền việc rèn luyện, học tập và giáo dục của mình với lao động của công nhân và trong nhân dân: “Nhiệm vụ của Đoàn Thanh niên là phải tổ chức hoạt động thực tiễn của mình thế nào để khi học tập, khi tổ chức nhau lại, khi tập hợp nhau lại, khi đấu tranh, tầng lớp thanh niên ấy tự giáo dục mình và đồng thời cũng giáo dục cho tất cả những ai đã công nhận họ là người dẫn đường chỉ lối, để trở thành những người cộng sản. Phải làm cho toàn bộ sự nghiệp giáo dục, rèn luyện và dạy dỗ thanh niên ngày nay trở thành sự nghiệp giáo dục đạo đức cộng sản trong thanh niên”12. “Phải đặt nhiệm vụ học tập của mình như thế nào để hàng ngày ở mỗi làng mạc, mỗi thành phố, thanh niên giải quyết được một cách thực tiễn vấn đề này hay vấn đề khác của lao động tập thể, dù là vấn đề bé nhỏ nhất và giản đơn nhất”13. “Đoàn Thanh niên cộng sản chỉ xứng đáng với danh hiệu của nó là đoàn thể của thế hệ cộng sản trẻ tuổi, nếu gắn liền từng bước học tập, giáo dục và rèn luyện của mình với việc tham gia cuộc đấu tranh chung của tất cả những người lao động…”14. “Phải làm thế nào để Đoàn Thanh niên giáo dục mọi người từ khi họ còn nhỏ tuổi”15.

V.I.Lênin cũng nêu rõ vai trò, trách nhiệm của Đảng, của những người cộng sản, của nhà trường và xã hội trong việc bồi dưỡng, giáo dục thanh niên. Các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác - Lênin sớm đưa ra nhận định, rằng tương lai thuộc về thanh niên và đảng cách mạng luôn luôn là đảng của thanh niên và giai cấp tiền phong; rằng Đoàn Thanh niên cộng sản phải có một tổ chức độc lập, nhưng tổ chức đó phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. V.I.Lênin khẳng định: “Đoàn Thanh niên Cộng sản cần phải hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng, tuân theo những chỉ thị chung của Đảng Cộng sản, nếu Đoàn thực sự muốn trở thành cộng sản”16. Do đó, Đảng Cộng sản phải đoàn kết, tập hợp các tầng lớp thanh niên, tổ chức đưa thanh niên vào các hoạt động chính trị, từ đó dẫn dắt họ, lãnh đạo và định hướng chính trị cho thế hệ trẻ tham gia sự nghiệp cách mạng, giúp họ giác ngộ lý tưởng cách mạng và phát triển thanh niên là một trong những nhiệm vụ quan trọng của đảng cộng sản chân chính. Trong bài báo “Sự khủng hoảng của chủ nghĩa Mensêvích” (đăng trên Báo “Người Vô sản” ngày 07/12/1906) V.I.Lênin đã viết: “... chẳng phải trong đảng cách mạng của chúng tôi, thanh niên chiếm ưu thế là một điều rất tự nhiên sao? Chúng tôi là một đảng của tương lai, mà tương lai lại thuộc về thanh niên. Chúng tôi là đảng của những người cách tân, mà thanh niên lại luôn luôn thích đi theo những người cách tân. Chúng tôi là đảng đấu tranh quên mình chống lại chế độ cũ thối nát, mà thanh niên lại luôn luôn đi đầu trong cuộc đấu tranh quên mình... Chúng ta sẽ luôn là đảng của thanh niên của giai cấp tiền phong!”17.

Lãnh tụ của giai cấp vô sản đã chỉ rõ đặc điểm của sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên, rằng phải nhìn nhận nó không chỉ như một khoa học, mà còn như một nghệ thuật. Người đã dạy là phải lãnh đạo thanh niên “một cách khéo”, phải tính đến những đặc điểm và lợi ích của thanh niên. Đồng thời, Người cũng phản đối sự ve vãn, bợ đỡ thanh niên, việc làm ngơ trước những sai sót của thanh niên. V.I.Lênin viết: “Chúng ta không được nịnh hót thanh niên”. Đồng thời trong quan hệ với thanh niên, V.I.Lênin đòi hỏi phải có một trình độ sư phạm cao, phải biết phân biệt sai sót của những người còn trẻ, những người đang còn học tập, với những sai lầm của bọn cơ hội và bọn xét lại, của bọn cố ý dẫn dắt quần chúng vào con đường lầm lạc; “cần có thái độ kiên nhẫn hơn đối với sai sót của thanh niên, cần phải giúp họ từng bước sửa chữa những sai sót đó, chủ yếu bằng con đường thuyết phục, chứ không phải bằng con đường đấu tranh”18.

Đối với những người cộng sản, V.I.Lênin cho rằng “phải tổ chức và đoàn kết toàn thể thế hệ thanh niên, phải làm gương mẫu về giáo dục và kỷ luật. Có như vậy mới có thể hoàn thành công cuộc xây dựng xã hội cộng sản chủ nghĩa”19. V.I.Lênin nhấn mạnh phải xây dựng và gắn tổ chức Đoàn Thanh niên với các nhà trường, các cơ sở giáo dục, nơi có nhiều thanh niên đang học tập và rèn luyện. Người yêu cầu: “Nhà trường của chúng ta phải đem lại cho thanh niên những kiến thức cơ bản, dạy cho họ biết tự tạo ra những quan điểm cộng sản, và phải đào tạo họ thành những người có học thức. Nhà trường của chúng ta phải làm cho thanh niên, trong khi học tập, trở thành những người tham gia cuộc đấu tranh giải phóng những người bị bóc lột”20.

Tư tưởng của V.I.Lênin về thanh niên và Đoàn Thanh niên Cộng sản đã được Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam quán triệt, vận dụng và phát triển sáng tạo vào công tác vận động thanh niên trong suốt quá trình cách mạng Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhận ra thanh niên là lực lượng quyết định vận mệnh của dân tộc, sự phát triển của đất nước, là lực lượng kế tục sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc. Chính vì vậy, Người cho rằng cần phải thức tỉnh thanh niên trong sự nghiệp cứu nước, cứu dân, giải phóng dân tộc ra khỏi ách nô lệ. Trong quá trình tìm đường cứu nước, khi đã tìm thấy chân lý cách mạng và con đường giải phóng cho dân tộc mình, Người đã lựa chọn đối tượng đầu tiên để truyền bá tư tưởng cách mạng vào Việt Nam là thanh niên, thức tỉnh họ, làm cho họ nhận ra con đường và đi trên con đường cách mạng, ý thức được bổn phận và trách nhiệm của mình trước dân tộc. Và chính Người đã thức tỉnh được lực lượng quan trọng này; sáng lập các tổ chức thanh niên yêu nước để giáo dục, đoàn kết, tập hợp thanh niên; sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

Người luôn nhắc nhở thanh niên phải học tập, rèn chí khí, hoài bão, thực hành động cơ, lẽ sống vì dân, vì nước, suốt đời trau dồi đạo đức cách mạng, kiên quyết đánh bại chủ nghĩa cá nhân, trở thành những con người “vừa hồng, vừa chuyên”, “kế thừa xây dựng chủ nghĩa xã hội”. Hồ Chí Minh cho rằng cần phải tin tưởng ở thế hệ trẻ, phát huy vai trò của thế hệ trẻ trong xây dựng và kiến thiết đất nước. Muốn phát huy được thế hệ trẻ phải thực sự hiểu thế hệ trẻ; phải quan tâm tới những nguyện vọng, những lợi ích chính đáng của thế hệ trẻ; xây dựng tổ chức đoàn vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức nói riêng, các tổ chức của thanh niên nói chung; nâng cao trách nhiệm của các tổ chức đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội đối với việc bồi dưỡng, giáo dục và phát huy thế hệ trẻ như trong Di chúc của Người đã căn dặn: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”21.

Kế thừa di sản tư tưởng V.I.Lênin, quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh, từ khi ra đời cho đến nay, trải qua hơn 9 thập kỷ, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn đề cao vị trí, vai trò của thanh niên, đặt niềm tin vào thanh niên, xác định thanh niên là lực lượng xung kích cách mạng, luôn chú ý tới việc giáo dục, bồi dưỡng, rèn luyện và phát huy vai trò làm chủ và tiềm năng to lớn của thanh niên, để thanh niên thực hiện được sứ mệnh lịch sử của mình. Đảng Cộng sản Việt Nam đã ban hành nhiều nghị quyết về thanh niên và công tác thanh niên. Đầu năm 1993, tại Hội nghị Trung ương lần thứ 4 (khóa VII), Đảng ta xác định “Công tác thanh niên là vấn đề sống còn của dân tộc, là một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng”22. Qua 15 năm, đến năm 2008, tại Hội nghị Trung ương lần thứ 7 (khóa X), Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Thanh niên là rường cột của nước nhà, chủ nhân tương lai của đất nước, là lực lượng xung kích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, hội nhập quốc tế và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Thanh niên được đặt ở vị trí trung tâm trong chiến lược bồi dưỡng, phát huy nhân tố và nguồn lực con người. Chăm lo, phát triển thanh niên vừa là mục tiêu, vừa là động lực bảo đảm cho sự ổn định và phát triển vững bền của đất nước”23.

Dưới sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, các tổ chức thanh niên, thanh niên Việt Nam đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách để học tập, rèn luyện và trưởng thành, có đầy đủ bản lĩnh để sẵn sàng cống hiến một cách xứng đáng nhất, dù đi bất cứ nơi đâu, trong bất cứ hoàn cảnh nào và làm bất cứ việc gì, khẳng định là lực lượng hùng hậu, đội quân xung kích cách mạng, tiêu biểu cho chí khí bất khuất của dân tộc Việt Nam anh hùng, góp phần xứng đáng vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng vĩ đại của dân tộc, trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày nay.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả những luận điểm quan trọng trong tư tưởng Lênin về thanh niên, công tác thanh niên và Đoàn Thanh niên cộng sản, phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, theo chúng tôi, cần tập trung những công việc cụ thể sau:

Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên, yếu tố quyết định cho sự thành công của công tác thanh niên, cho việc bồi dưỡng, phát huy thanh niên. Để làm tốt công tác này, các cấp ủy Đảng, toàn hệ thống chính trị cần tiếp tục chỉ đạo thực hiện hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về thanh niên, công tác thanh niên như Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 25/7/2008 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ bảy (khoá X) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá”; Kết luận số 80-KL/TW ngày 25/12/2013 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 25/7/2008 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ bảy (khoá X); Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 25/3/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ, giai đoạn 2015 - 2030”. Đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, chú trọng công tác phát triển đảng viên trong thanh niên. Đảng lãnh đạo Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội tăng cường phối hợp làm tốt công tác thanh niên.

Thứ hai, nhà nước cần thể chế hóa các chủ trương, quan điểm của Đảng về công tác thanh niên thành những chính sách, cơ chế, điều luật cụ thể để giáo dục, bồi dưỡng và phát huy thanh niên trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong mọi đối tượng thanh niên, trong đó có những chính sách đòn bẩy tạo động lực để phát huy lực lượng thanh niên tài năng, tinh hoa của xã hội. Đồng thời chăm lo lực lượng thanh niên yếu thế cơ hội phát triển. Sửa đổi, bổ sung Luật Thanh niên 2005 và tổ chức thực hiện để đưa Luật vào thực tiễn cuộc sống. Xây dựng Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam đến năm 2030, gắn với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Nhà nước cần có cơ chế, chính sách giao cho các tổ chức thanh niên huy động lực lượng trẻ thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn và các chương trình, dự án khác để thanh niên có điều kiện phấn đấu, rèn luyện, lập thân, lập nghiệp.

Thứ ba, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh thiếu nhi, làm tốt chức năng trường học xã hội chủ nghĩa của thanh niên, chức năng đoàn kết, tập hợp, phát huy thanh niên. Tuyên truyền, giáo dục thanh niên sống có lý tưởng cách mạng, có niềm tin và kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, kế tục trung thành và xuất sắc sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc. Coi trọng công tác tuyên truyền, giáo dục, học tập, nghiên cứu và vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng vào thực tiễn công tác và đời sống thanh niên.

Đoàn sẽ kiên trì, sáng tạo và thực chất hơn trong việc tổ chức cho cán bộ, đoàn viên, thanh thiếu nhi học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Nâng cao bản lĩnh chính trị của các cấp bộ đoàn, của cán bộ đoàn, đoàn viên, thanh niên. Qua phong trào, chương trình hoạt động do Đoàn tổ chức, thanh niên Việt Nam sẽ nâng cao hơn nữa nhận thức trong việc phát huy cao độ tinh thần tự học, động cơ học tập đúng đắn. Hướng thanh niên đến việc xem trọng cả việc học lý luận và chuyên môn, tu dưỡng đạo đức. Đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp học tập lý luận chính trị trong đoàn viên, thanh niên. Từ 3 phong trào và 3 chương trình đang triển khai hiện nay, Đoàn  sẽ  tiếp tục vận động, tập hợp, phát huy mọi nguồn lực, tiềm năng của thanh niên xung kích trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đoàn sẽ cùng thanh niên nhận thức đầy đủ sứ mệnh lịch sử của mình đối với sự phát triển, sự cường thịnh của dân tộc, đất nước; một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Mỗi hoạt động do Đoàn tổ chức đều là một trường học thực tiễn sinh động để đoàn viên thanh niên trải nghiệm, khẳng định bản thân, đóng góp cho cộng đồng, tích luỹ và trưởng thành cả về nhận thức và hành động; hoàn thiện bản thân, trở thành những công dân tốt, những người cộng sản trẻ tuổi với nhiệt huyết, tinh thần và trách nhiệm cao nhất.

Để xứng đáng với danh hiệu là đoàn thể của thế hệ cộng sản trẻ tuổi, Đoàn phải vững mạnh về tư tưởng chính trị, tổ chức và hành động. Trong sự phát triển của mình, Đoàn phải gắn liền với trách nhiệm tham gia xây dựng, bảo vệ Đảng và hệ thống chính trị, coi đây là trách nhiệm và quyền lợi chính trị của đoàn viên, thanh niên và tổ chức đoàn, là nhiệm vụ quan trọng thường xuyên của các cấp bộ đoàn.

Có thể khẳng định, cho đến hôm nay, trong hệ thống di sản của V.I.Lênin, tư tưởng về thanh niên, công tác thanh niên và tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản còn nguyên giá trị và tính thời sự, với những chỉ dẫn quan trọng không chỉ cho Đảng Cộng sản Việt Nam trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác thanh niên, các tổ chức thanh niên và trực tiếp là Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, mà đó còn là cẩm nang và kim chỉ nam cho Đoàn TNCS Hồ Chí Minh qua gần 9 thập kỷ trong triển khai công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi; gợi mở cho thanh niên Việt Nam nhiều bài học, giá trị mới để tu dưỡng, rèn luyện, phát triển, hoàn thiện bản thân.

 

---------------------

Chú thích:

(1), (2) V.I.Lênin: Toàn tập,Nxb.Tiến bộ, Mátxcơva, 1977, tập 41, tr. 354.

(3), (4), (11), (12) V.I.Lênin: Toàn tập, Sđd, tập 41, tr. 365, 366.

(5) V.I.Lênin: Toàn tập, Sđd, tập 41, tr. 357.

(6), (10) V.I.Lênin: Toàn tập, Sđd, tập 41, tr. 358. 359.

(7) V.I.Lênin: Toàn tập, Sđd, tập 41, tr. 362.

(8) V.I.Lênin: Toàn tập, Sđd, tập 41, tr. 369.

(9) V.I.Lênin: Toàn tập, Sđd, tập 41, tr. 367.

(13) V.I. Lênin: Toàn tập, Sđd, tập 41, tr. 378

(14), (20) V.I.Lênin: Toàn tập, Sđd, tập 41, tr. 372.

(15) V.I. Lênin: Toàn tập, Sđd, tập 41, tr. 377.

(16) V.I.Lênin: Toàn tập, Sđd, tập 41, tr. 630, 631.

(17) V.I.Lênin: Toàn tập, Sđd, tập 14, tr. 210.

(18) Lịch sử Đoàn TNCS Lênin Liên Xô, Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 1982, tr.12.

(19) V.I. Lênin: Toàn tập, Sđd, tập 41, tr. 373.

 (21) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 15, tr. 622.

(22) Nghị quyết số 04-NQ/HNTW, ngày 14/01/1993 của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VII) “Về công tác thanh niên trong thời kỳ mới”.

(23) Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 25/7/2008 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa”.

Đ/c Lê Quốc Phong - Ủy viên dự khuyết BCH TW Đảng, Bí thư thứ nhất BCH TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh